Nhạc cổ điển và những khám phá khoa học

Albert Einstein và Max Planck là hai cái tên không còn xa lạ với không chỉ những người yêu thích và nghiên cứu vật lý. Một người là cha đẻ của thuyết Tương đối, người còn lại khai sinh ra vật lý lượng tử (quantum theory), có thể nói đây chính là hai cái tên cùng góp phần định hình vật lý học hiện đại. Ngoài vật lý, họ còn có một điểm chung: cả hai đều là những nhạc sĩ nghiệp dư và không ít lần thể hiện sự đam mê với âm nhạc cổ điển.

Einstein biểu diễn âm nhạc thính phòng cùng bạn bè. Nguồn: NYTimes

Học violin từ năm lên 6 từ mẹ – một nghệ sỹ piano tài năng nhưng đến năm 13 tuổi, sau khi nghe một bản sonata violin của Mozarrt, Einstein biết rằng, âm nhạc đã trở thành niềm đam mê vĩnh viễn của cuộc đời mình. Ông từng nói: “Nếu tôi không phải là một nhà vật lý, tôi có lẽ sẽ trở thành một nhạc sĩ. Tôi thường nghĩ về âm nhạc… mơ mộng trong âm nhạc. Tôi thấy cuộc sống của mình thông qua âm nhạc… Và tôi nhận được nhiều niềm vui trong cuộc sống nhất chính là từ âm nhạc”. Còn Planck, ông thậm chí còn được coi là thần đồng từ nhỏ với năng khiếu âm nhạc trời phú. Ông học hát, chơi piano, organ và cello, hơn nữa ông còn từng sáng tác các bài hát và các vở opera khi còn niên thiếu.

Điều đó khiến chúng ta tự hỏi, liệu có mối quan hệ nào giữa niềm đam mê nghệ thuật cổ điển, mà đặc biệt là âm nhạc, và sự thiên tài trong khoa học hay không?

Có lẽ không ai không biết đến phương trình E = mc2 của Einstein, phương trình vật lý nổi tiếng nhất mọi thời đại. Nhưng ít người biết đến việc Einstein đam mê âm nhạc đến mức nghĩ rằng âm nhạc chính là động lực đằng sau một trong những phát minh vĩ đại nhất của ông: “Phát hiện của tôi về thuyết tương đối hẹp xuất phát từ trực giác, và âm nhạc là động lực đằng sau nó. Khám phá của tôi chính là kết quả của sự nhận thức về mặt âm nhạc. Tôi có đủ chất nghệ sĩ để vẽ một cách tự do những gì tôi có thể tưởng tượng thấy. Trí tưởng tượng quan trọng hơn hiểu biết. Kiến thức thường bị giới hạn nhưng trí tưởng tượng thì bao trùm cả thế giới. [Chẳng hạn như] tôi tin vào tình thân hữu giữa con người với con người và sự độc nhất của mỗi cá nhân. Nhưng nếu bạn bắt tôi chứng minh điều đó thì tôi không thể. Bạn biết điều đó là đúng, và bạn có thể sống cả đời mà không màng đến việc chứng minh nó. Tâm trí chỉ có thể tư duy dựa trên những gì nó biết và có thể được chứng minh. Nhưng rồi đến một điểm nào đó, tâm trí của chúng ta nhảy vọt. Bạn có thể gọi nó trực giác nếu bạn muốn, đó là lúc tâm trí nhảy lên xa hơn khỏi mặt phẳng của kiến thức, mà không thể chứng minh vì sao nó đến được đó. Tất cả các khám phá vĩ đại đều xuất phát từ một bước nhảy vọt như vậy.”

Einstein hiểu rằng kiến thức chỉ có thể đưa bạn đến một mức độ nào đó, còn về sau chính bạn phải tạo nên một “bước nhảy vọt”. Và đó là lúc âm nhạc phát huy tác dụng: âm nhạc được tạo ra một cách đặc biệt để giúp trí não có thể đạt tới những bước đột phát đó. Một nhà soạn nhạc vĩ đại như Mozart hoặc Beethoven sẽ có thể chọn ra một ý tưởng, phát triển nó theo một chủ đề với cấu trúc thống nhất nhưng rồi đưa ra một điểm “kỳ dị”, một đoạn nhạc trớ trêu không hề phù hợp với tổng thể tác phẩm. Nhưng chính nhờ điều tưởng như là nghịch lý hay một sai lầm đó lại mang bạn đến một tầm cao hơn trong việc thưởng thức tác phẩm.

“Vì thế mặc dù lúc đầu nghịch lý đó có vẻ như không phù hợp với tác phẩm hoặc có thể bạn muốn bỏ qua nó để giữ vẻ đẹp toàn vẹn của tác phẩm. Nhưng sau đó bạn lại nhận ra phía đằng sau của nghịch lý này, đó là một chiếc cầu đưa bạn đến một thứ cao hơn, đẹp hơn và hoàn thiện hơn những gì có ở phần đầu tác phẩm”.

Cuộc chiến vì quy luật nhân quả

Trong một bài phát biểu của mình, Jason Ross đã nghiên cứu về cuộc chiến Einstein tiến hành chống lại các nhà cơ học lượng tử, những người đã tấn công ông vì chối bỏ ý tưởng về quy luật nhân quả. Để đáp lại, Einstein nói:

“Tôi tin rằng các sự kiện trong tự nhiên được kiểm soát bởi quy luật nghiêm ngặt và ràng buộc chặt chẽ hơn nhiều những gì chúng ta tưởng ở thời điểm hiện tại: một sự việc xảy ra là nguồn gốc của một sự việc khác. Khái niệm này của chúng ta bị hạn chế bởi những gì diễn ra trong một khoảng thời gian, nó bị tách biệt khỏi toàn bộ quá trình. Cách mà chúng ta đang áp dụng luật nhân quả như hiện nay khá là hời hợt và nông cạn.

Chúng ta giống như một đứa trẻ đánh giá một bài thơ qua sự gieo vần chứ không phải là nhịp điệu, hay chỉ là những người học đàn non nớt chỉ biết đến một nốt nhạc khi dựa vào các nốt nằm trước và nằm sau ngay sau nó… Tới một mức độ nào đó, điều này chỉ có thể áp dụng tốt khi xử lý những tác phẩm đơn giản, nhưng rõ ràng sẽ chẳng làm được gì đối với việc biểu diễn một đoạn fuga của Bach chẳng hạn. Vật lý lượng tử đã cho chúng ta thấy những quy trình vô cùng phức tạp, và để hiểu nó, chúng ta phải mở rộng hơn hay chỉnh sửa lại quan niệm về quan hệ nhân quả của chúng ta”.

Với cùng ý tưởng, Planck cho biết:

“Không có khác biệt giữa thế giới tự nhiên và nguyên tắc nhân quả, mà chỉ có khác biệt giữa thực tế trong tự nhiên với bức tranh mà chúng ta hinh dung về tự nhiên. Bức tranh của chúng ta không hòa hợp một cách hoàn hảo với những quan sát trong thực tế, và như tôi đã từng nêu trước đây nhiều lần, nhờ có sự tiến bộ trong khoa học mà chúng ta đạt được sự hòa hợp tốt hơn. Tôi tin rằng sự hòa hợp đó không đến từ việc chối bỏ quan hệ nhân quả, mà là sự mở rộng và sàng lọc những công thức của nó để có thể đạt được những khám phá hiện đại.

Nhưng quan điểm về nhân quả không phải là điểm chung duy nhất của họ. Một lần khác khi được hỏi: “Có rất nhiều các nhà khoa học tin rằng thế giới bên ngoài chỉ là một phần của trí tưởng tượng bên trong của chúng ta”, Einstein đã trả lời: “Không có nhà vật lý nào tin vào điều đó. Tại sao phải mất công nhìn chằm chằm vào các ngôi sao, nếu bạn không tin rằng các ngôi sao thực sự có ở đó? Về vấn đề này tôi hoàn toàn đồng ý với Planck, chúng ta không thể chứng minh một cách hợp lý sự tồn tại của thế giới bên ngoài cũng giống như bạn không thể chứng minh rõ ràng rằng tôi ở đây và ngay lúc này đang nói chuyện với bạn. Nhưng bạn biết rằng tôi vẫn đang có mặt, và không một nhà tư tưởng chủ quan nào có thể thuyết phục bạn tin vào điều ngược lại”.

Planck cũng từng trình bày với ý tương  tự:

“Khoa học không thể giải quyết được toàn bộ các bí ẩn của tự nhiên, và đó là bởi vì nếu đi đến cùng, chính chúng ta cũng là một phần của tự nhiên, một phần của điều bí ẩn mà chúng ta hằng tìm kiếm. Âm nhạc và nghệ thuật, ở một mức độ nào đó, cố gắng giải quyết, hoặc ít nhất thể hiện sự bí ẩn đó. Nhưng đối với tôi, sự tiến bộ của con người ở hai lĩnh vực này đều giúp chúng ta tiến vào sự hòa hợp với toàn thể tự nhiên. Và đây chính là một trong những điều tuyệt vời mà khoa học mang lại cho mỗi cá nhân”.

Tâm trí là chủ thể

Tóm lại, vấn đề chính là những nguyên lý khoa học được thể hiện không khác với bố cục trong nghệ thuật cổ điển… Và điều đó giải thích khả năng nhân loại, thông qua sự phát triển của trí não, có thể học được những trật tự bậc cao của ngôn ngữ cũng như những trật tự cao cấp của khoa học tự nhiên. Nếu không có nghệ thuật cổ điển, chắc hẳn điều đó sẽ không thể tồn tại, mà sự kết nối tuyệt vời giữa hai thiên tài vật lý với niềm đam mê âm nhạc chính là minh chứng rõ ràng nhất cho điều đó.

Hạnh Duyên dịch
Nguồn:  https://www.larouchepub.com/eiw/public/2013/ eirv40n02-20130111/18-19_4002.pdf

Tác giả

(Visited 19 times, 1 visits today)