Nhạc cổ truyền và nhạc dân tộc đương đại

Vì nguyên tắc hòa tấu, hệ thống thang âm và cung bậc của các nhạc cụ truyền thống của ta hoàn toàn khác so với hệ thống giao hưởng Châu Âu, nên để hòa được cùng nhau, người ta đã làm một việc rất tệ là chỉnh lại các phím đàn, thay đổi cách lên dây, sửa phương pháp chơi và lối hòa tấu nhạc cụ truyền thống theo hệ thống giao hưởng cổ điển.

Cuối mùa đông năm ngoái, trời rét đậm, một người bạn thân đi cái xe máy cũ rích chở theo một chồng sách vừa dày vừa nặng (tới gần 4kg buộc vào sau yên xe bằng dây cao su cho chắc chắn), vì biết tôi là dân chuyên nhạc nên bê qua nhà cho mượn tạm để “nghiên cứu”, bộ “Tuyển tập Hòa tấu Dàn nhạc Dân tộc Đương đại” do Viện Âm Nhạc xuất bản năm 2002, gồm 05 tập mỗi tập gần 600 trang, xin trích một phần đề tựa như sau:
“Cho đến nay, chúng ta vẫn quen dùng cụm từ “dàn nhạc dân tộc” để gọi tên tất cả các hình thức dàn nhạc dân tộc khác nhau đang cùng tồn tại trong đời sống âm nhạc. Song, nếu dựa vào cấu trúc hình thức, tính chất âm nhạc, phương pháp hòa tấu, chúng ta có thể xếp chúng thành hai loại hình cơ bản:
    1. Dàn nhạc Dân tộc Cổ truyền
    2. Dàn nhạc Dân tộc Đương đại
Các Dàn nhạc Dân tộc Cổ truyền ra đời trong quá khứ, có rất nhiều kiểu cấu tạo khác nhau, phù hợp yêu cầu của từng loại hình nghệ thuật như dàn nhạc Ả đào, dàn nhạc Tài tử, dàn nhạc Thính phòng Huế, dàn nhạc Tuồng, dàn nhạc Chèo…, và có qui mô lớn hơn cả là dàn nhạc Cung đình với rất nhiều kiểu khác nhau như dàn Đường thượng chi nhạc, dàn Đường hạ chi nhạc, dàn Đại nhạc, dàn Tiểu nhạc…, mỗi dàn lại tạo ra được một âm hưởng riêng, cách hòa tấu và những hệ thống bài bản riêng…, song tất cả các Dàn nhạc Dân tộc Cổ truyền đều có chung một nguyên tắc, đó là mọi cá nhân đều được phát huy tối đa quyền sáng tạo trên một “khung giai điệu” nhất định gọi là “lòng bản” khi hòa tấu. Nhờ vào ưu điểm này, mỗi lần hòa tấu trên cùng một lòng bản, dàn nhạc lại cho ta một cảm giác mới mẻ.
 

Dàn nhạc Dân tộc Đương đại ra đời vào những năm 60 của thế kỷ XX, là dàn nhạc sử dụng nhạc cụ dân tộc không cải tiến hợp với nhạc cụ cải tiến. Các nhạc cụ này được chuẩn hóa cung bậc theo thang 12 âm bình quân; thay đổi phương pháp diễn tấu cổ truyền bằng phương pháp mới; chia nhạc cụ theo phương pháp “tổ bộ” của dàn nhạc giao hưởng cổ điển Châu Âu; dùng thủ pháp sáng tác âm nhạc cổ điển kết hợp với sáng tạo cá nhân nhạc sĩ để tạo nên tác phẩm…”
Xưa kia các cụ nhà ta không gọi (và cũng không có khái niệm về) “dàn nhạc”, mà là “nhóm” (nhóm Ả đào, nhóm Hát Văn…) hoặc “ban” (ban nhạc Tài tử, ban nhạc Tuồng, ban nhạc Chèo…). Theo quan niệm xưa, thì “nhóm” (hoặc “ban”) nhạc có thể gồm từ hai cho tới gần chục người cùng hòa tấu dựa trên “lòng bản” (một dạng sơ đồ âm nhạc ước lệ và được truyền nghề/truyền miệng từ người này sang người khác, vùng này sang vùng khác, đời này sang đời khác), trong đó mỗi người (sử dụng một nhạc cụ để) nói “câu chuyện” (âm nhạc) của mình, để “chuyện trò” (bằng âm nhạc) với những người bạn cùng hòa trong nhóm, ở đó có người “nói”, có người “nghe”, có người “xướng”, có người “họa”, đôi khi cả nhóm tâm đầu ý hợp tạo thành những tuyến nhạc chuyển động mềm mại và uyển chuyển, có khi một ai đó tạm tách ra vừa “khoe” ngón đàn vừa tạo nền và “đưa, đỡ” giọng hát; trong “nhóm” mọi người đều bình đẳng và cùng nhau sáng tạo, không phân biệt (và không có khái niệm) rằng ai là nghệ sĩ, ai là nhạc công, ai là người soạn và ai là người chỉ huy nhạc.
Ngày nay, cái gọi là “dàn nhạc dân tộc đương đại”, thì hoàn toàn khác. Trước tiên, cần phải xác định rõ rằng đây là loại hình bắt chước (rập khuôn) nguyên mẫu của dàn nhạc giao hưởng cổ điển Châu Âu, đã có một vài đề nghị cho rằng nên gọi đó là “dàn nhạc giao hưởng dân tộc”, và âm nhạc của dàn nhạc này phát ra thì gọi là “nhạc giao hưởng dân tộc”!!!
Ra đời từ những năm 1960 ở miền Bắc, “dàn nhạc (và nhạc) giao hưởng dân tộc” đã được nhà nước khuyến khích, đầu tư mạnh mẽ với mong muốn tạo ra một “nền âm nhạc dân tộc vừa phổ thông đại chúng” và ngày nay là “vừa tiên tiến và đậm đà bản sắc”. Từ những năm 1990, đặc biệt là sau năm 2000, các “dàn nhạc giao hưởng dân tộc” bắt đầu du nhập thêm hệ thống nhạc cụ và thiết bị điện tử như guitar điện, dàn trống jazz, đàn phím điện tử (keyboard, mà dân ta quen gọi là oocgan), và các thiết bị tạo âm thanh máy tính khác, rồi chuyển tên thành “dàn nhạc dân tộc đương đại”.

 
         Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội

Hiện nay có hai hướng chính của loại “dàn (và nhạc)” này, một là “dàn (và nhạc) giao hưởng dân tộc” như đã từng có từ những năm 1960, sử dụng những nhạc cụ (tuy chỉ còn lại tên và cái vỏ) truyền thống như sáo trúc, tam thập lục, bầu, nhị, nguyệt, tranh, đàn tam và tứ.. kết hợp với một số nhạc cụ của dàn nhạc giao hưởng Châu Âu như violon, violoncello, flute, clarinette, một số kèn đồng và bộ gõ…; và vì nguyên tắc hòa tấu, hệ thống thang âm và cung bậc của các nhạc cụ truyền thống của ta hoàn toàn khác so với hệ thống giao hưởng Châu Âu, nên để hòa được cùng nhau, người ta đã làm một việc rất tệ là chỉnh lại các phím đàn, thay đổi cách lên dây, sửa phương pháp chơi và lối hòa tấu nhạc cụ truyền thống theo hệ thống giao hưởng cổ điển, tồi hơn nữa là rập khuôn nguyên xi các nguyên tắc, cấu trúc, kỹ thuật, thang âm… từ dàn nhạc giao hưởng và coi đó là chuẩn (mẫu) cho các nhạc cụ truyền thống của chúng ta, rồi coi đó là đã “hiện đại hóa” dàn nhạc và nhạc cụ truyền thống!!!
Hướng thứ hai là sử dụng (và làm mới lại) phần vỏ ngoài của nhiều nhạc cụ truyền thống nhưng bên trong đã thay đổi hoàn toàn cấu trúc, thang âm, âm thanh, lắp thêm thiết bị điện tử như tăng âm, loa, microphone, rồi đem ra chơi nhạc Pop (nhạc trẻ), gọi là “dàn (và nhạc) dân tộc đương đại (hoặc hiện đại). Một trong những nhạc cụ đã và đang là nạn nhân điển hình cho xu hướng này chính là cây đàn Bầu! Xưa kia, đàn bầu làm từ thân tre già, gỗ ngô đồng, dây tơ, đàn cho âm thanh tuy nhỏ nhưng mộc mạc và thật, đàn bầu nay làm bằng gỗ thông ép (gỗ công nghiệp) đóng thùng hình chữ nhật lắp dây thép, nên không thể tự phát ra tiếng mà phải nhờ vào bộ khuếch đại âm thanh kèm theo loa (amplifier&speaker) gắn bên trong, chạy bằng pin hoặc cắm điện, mà nếu rời những thứ ấy ra thì thành ra đàn bầu “câm”, tức là chỉ còn lại cái vỏ rỗng (đã biến dạng) và vô hồn…
Xin trích phần đề dẫn trong tuyển tập Hòa tấu Dàn nhạc Dân tộc Đương đại: “…Bảo tồn là giữ nguyên. Giữ nguyên các công cụ âm nhạc như nhạc cụ, cách hát, giữ nguyên cách biểu diễn và giữ nguyên cách đào tạo, giảng dạy. Sáng tạo là làm ra cái mới. Cái mới trong tổ chức dàn nhạc, cái mới trong kiến trúc tác phẩm, cái mới trong biểu diễn tác phẩm, cái mới trong nhạc cụ biểu diễn và cái mới trong đào tạo giảng dạy…”, “…ngay từ khi ra đời, vấn đề sáng tác và tổ chức dàn nhạc dân tộc để biểu diễn những tác phẩm sáng tác đương đại là việc làm gây nhiều ý kiến trái ngược nhau trong suốt hơn 40 năm trời…”, “…đã đến lúc phải làm rành rẽ, mạch lạc khái niệm “bảo tồn” và khái niệm “sáng tạo cái mới” của con người đương thời đối với nhạc cụ dân tộc. Không đánh giá được, không làm rành rẽ được hai khái niệm “bảo tồn” và “sáng tạo”, chúng ta sẽ còn lúng túng trong các mặt nghiên cứu – ứng dụng, bảo tồn – phát triển, sáng tác – biểu diễn nhạc cụ dân tộc trong thời đại ngày nay.”
Tôi cũng mong muốn sự thể trên cần phải được làm rõ, để hiểu rõ, và truyền rộng hơn cho nhiều người biết.

Vũ Nhật Tân

Tác giả

(Visited 15 times, 1 visits today)