Nhạc sỹ Nguyễn Thiện Đạo
 Năm bốn mươi tuổi, nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo trở thành người châu Á trẻ tuổi nhất được từ điển Nghệ thuật “Le Petit Larousse” và “Le Petit Robert” ghi danh. Vinh dự ấy của ông, tuy rất lớn lao, cũng chưa phải là niềm hạnh phúc tột đỉnh. Với vóc dáng “nhỏ con”như cậu bé, mái tóc bồng bềnh, bước đi nhanh gọn, quả quyết lúc nào cũng như chuẩn bị bước lên bục chỉ huy dàn nhạc, chỉ có giấc mơ ở cõi thiên thai, sinh thành từ tâm hồn mộng mị kiếm tìm một thứ âm nhạc sát gần với chốn thần tiên, nơi mà người nhạc sĩ không hay mình đã đến được chưa, mới là điều Nguyễn Thiên Đạo dành cả đời mình để ước vọng.
PV: Thưa nhạc sĩ, được biết, trước đây, thân phụ ông chỉ muốn con trai mình sang Pháp và trở thành một bác sĩ. Vậy điều gì đã dẫn ông đến với con đường âm nhạc? Một sự may rủi tình cờ chăng?
Ngay từ khi lĩnh hội được mình là con người, lúc đó, còn ở làng Cát Động, tôi thường gần như đắm mình trong không gian sông Đáy, và lúc nào cũng nhìn lên không gian cao, thì đã bị một dòng nhạc phức điệu, một khối hoà âm của thiên nhiên đeo đuổi. Thú thật, đến nay, hầu như tôi vẫn không viết ra được dòng nhạc ấy. Nhưng chính bởi ám ảnh này mà âm nhạc của tôi luôn đi tìm một cái gì đó sát gần với chốn thần tiên, thoát tục, hiếm có ở cõi đời.
Nếu không gặp thầy O. Messiaen, âm nhạc của ông sẽ đi theo chiều hướng nào ?
Thầy O. Messiaen đã dẫn tôi đến một con đường vốn có từ lâu trong khát vọng. Nhưng nếu không có thầy, tôi có thể gặp một ông thầy khác, hoặc sáng tác bị đứt đoạn, và sự mãnh liệt đam mê sẽ thôi thúc tôi đi tìm một cái gì khác… Dòng đời không phải một nguyên nhân đẩy tôi đến với âm nhạc, nhưng nếu không đi sang Pháp, tôi sẽ không sáng tác dòng nhạc như thế này. Khi tôi ra đi, Hà Nội đang còn tạm chiếm. Những hoàn cảnh cũng để lại dấu vết ý thức hệ, triết lý về cuộc sống, con người trong âm nhạc của tôi.
Dường như ông luôn dành hết mình cho sáng tác, nên ngoài âm nhạc ra, người ta bảo ông không thể quan tâm đến một điều gì đó lâu và sâu nữa?
Quan niệm của riêng tôi đối với tất cả những người làm thơ, nhạc, hoạ, một khi đã dấn thân vào sáng tạo mà không dâng hiến tất cả con người mình, không căng thẳng tuyệt đối thì khó có thể thành đạt được. Có một lý thuyết tuyệt đẹp của Lão Tử mà nhiều người sau này không thấu hiểu đầy đủ. Ví dụ như “Thoát tục”, không có nghĩa là đi vào sa mạc, ngồi đó mà không làm gì cả. Tôi may mắn ảnh hưởng được tinh thần làm việc khoa học của phương Tây, nhưng có thể cũng thiếu chất tài tử phương Đông. Có lẽ độ 50 năm sau khi tôi mất đi, người ta sẽ thấy điều đó là may hay không.
* “Không thơ ngây, tôi đã không tồn tại…”
Trong cuộc sống, ông cũng luôn “hiền hiền lành lành”, nếu không nói là ngác ngơ như một cậu bé trước mọi thứ?
Nếu Nguyễn Thiên Đạo không thơ ngây thì đã không tồn tại được cho đến ngày nay. “Ý nhị và thơ ngây” hay “anh nhi” như tinh thần đạo Lão, dù thế nào, trong ngây thơ ấy đã có lòng thành. Đứng trước vực thẳm, đôi khi, tôi không biết đó là vực thẳm, lại nhờ thế mà vượt qua. Từ 0h đến 0h, tôi luôn căng thẳng trong sáng tác. Trong đời thường, tôi là người thơ ngây. Khi sinh ra vốn đã thế rồi. Hơn nữa, mỗi một người sáng tác cũng đều phải “anh nhi”, nếu không, làm sao sáng tác được.
“Dân tộc đích thực, nhân loại tiên phong”…, xa quê hơn 40 năm sau mới trở lại, ông làm thế nào để tiếp xúc, chắt lọc những chất liệu văn hoá của dân tộc, đưa vào tác phẩm và gửi gắm được phương châm đó trong tác phẩm của mình?
Khi tôi rời đất nước ra đi, hành trang là cuốn “Cổ học tinh hoa” của Nguyễn Văn Ngọc. Trong đó, tác giả có nói: âm nhạc của mình quanh đi quẩn lại cũng lưu thuỷ kim tiền cò lả, nên giá mà có ai cách tân được. Tôi luôn đau đáu về câu nói đó. Trong tôi, luôn có một văn hoá dân tộc, một tinh thần yêu dân tộc. Tôi viết cũng với tinh thần ấy. Mỗi người phải có một mảnh vườn của mình để từ đó mà bay lên.
Gia đình có phải cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến âm nhạc của ông? Chỉ quan tâm đến âm nhạc, trong cuộc sống gia đình, ông có cân bằng được không?
Tôi có một người bạn đời đã chung sống với mình 40 năm. Vợ tôi người Việt lai Pháp, rất hiểu âm nhạc của chồng. Đặc biệt, hiểu sự tự do của tôi luôn phục vụ cho sáng tác, cho âm nhạc Việt Nam. Đó là một may mắn lớn. Về cá nhân, tôi là một người khó tính, nhưng không phải khó chịu. Cô đơn, sống với thế giới riêng hơn là thế giới thực tại.
Trình diễn ở quê nhà có khác với khi ông trình diễn ở các nước khác?
Mười ba tuổi, cậu học sinh trường Petit Lycée rời làng quê Cát Động – Thanh Oai (Hà Tây) ra Hà Nội ở cùng bố. Tại nhà may Cát Phương 19 Tràng Tiền, những giai điệu âm nhạc Việt Nam đã bắt đầu len lỏi trong tâm hồn. Trúng tuyển vào môn soạn nhạc của Nhạc viện Paris, 5 năm sau, 1968, gặp được người thầy, nhà soạn nhạc nổi tiếng của Trường phái Tiên Phong Olivier Messiaen, từ đây, cậu học sinh mê Thạch Lam năm nào đã có thể tung cánh tự do trên bầu trời âm nhạc với sự kết hợp Đông – Tây kỳ diệu… |
Những bản nhạc của tôi khi trình diễn ở mức độ khác nhau đều được công chúng đón nhận. Nếu dàn nhạc Việt Nam thể hiện được linh hồn âm nhạc của tôi, thì ngược lại, dàn nhạc Tây Âu lại thể hiện được tận cùng vẻ đẹp của kỹ thuật, kỹ năng nhạc. Cũng dễ hiểu, Tây Âu đã có dàn nhạc trước mình bao thế kỷ… Khán giả phương Tây tiếp xúc nhạc giao hưởng từ lâu, còn khán giả Việt Nam mới bắt đầu, nhưng tôi tin họ vẫn hiểu được tác phẩm của tôi. Chỉ có điều, trong khi dàn nhạc đang trình diễn, khán giả Việt Nam nên… tránh nói chuyện và nghe điện thoại di động(!).
Ông đã bao giờ có ý định trở về hẳn và ở lại đây, sống như một người Việt Nam bình thường?
Trong giới nhạc sĩ, chỉ có tôi và anh Đặng Thái Sơn là được “đặc ân” của chính phủ, cho phép mang hai quốc tịch. Vì vậy, tôi có điều kiện để về nước bất cứ lúc nào. Tôi xác định rằng môi trường hoạt động nghệ thuật của mình chủ yếu vẫn là ở Tây Âu, và cũng là môi trường sinh hoạt để tôi có thể mưu sinh, tự túc mỗi khi về . Như thế, cũng có điều kiện đóng góp cho sự phát triển âm nhạc Việt Nam hơn. Tôi thường hay tự nhủ: “lòng thành cảm kích trời đất, tuyệt đối chân thành với mọi việc mình làm, khó mà tránh khỏi những nhầm lẫn, sai sót”.
Ông nhận xét gì về âm nhạc hiện đại Việt Nam? Nhiều người khẳng định khí nhạc Việt Nam đang “lép vế” trước sự phát triển tràn lan của thanh nhạc…
Nền khí nhạc Việt Nam đã có một truyền thống với những tên tuổi Đàm Linh, Hoàng Việt, Nguyễn Văn Thương, Đỗ Nhuận, Đỗ Hồng Quân… Trong những thập niên chiến tranh, các nhạc sĩ dù được đào tạo cấp tốc nhưng năng lực không thua kém ai. Do hoàn cảnh lịch sử của đất nước, họ không tiếp cận được những trào lưu mới của Châu Âu, trong khi đó, Nhật Bản, Triều Tiên, Trung Quốc… đã có những bước tiến rất nhanh. Do vậy, để xây dựng nền âm nhạc Việt Nam hiện đại, cùng với việc kế thừa phát huy những tinh hoa âm nhạc dân tộc, chúng ta phải có cách tiếp cận nhanh với trào lưu âm nhạc của thế giới.
Xin cảm ơn nhạc sỹ!