Nhạc trưởng Carlos Kleiber: Giữa những lằn ranh

“Khó tính” không phải là tính từ đúng để mô tả Carlos Kleiber mà phải là “khó đoán”. Dù vậy, ở ông sự “đồng bóng” đi kèm với tài năng hơn người nên ông vẫn được các nhà hát và hãng thu âm lớn kiên trì đeo đuổi.


Nhạc trưởng Carlos Kleiber. Nguồn: www.francemusique.fr

Định mệnh với nghệ thuật

 

Carlos Kleiber sinh năm 1930 tại Berlin, là con của nhạc trưởng danh giá người Áo Erich Kleiber. Dù hiện tượng cha truyền con nối rất phổ biến trong giới âm nhạc, cha ông không hề muốn con trai theo nghiệp mình. Năm 18 tuổi, khi Carlos nói với cha, “Con muốn trở thành nhạc trưởng”, ông Eirich đáp lại “Một Kleiber là đủ rồi” sau đó gửi Carlos tới Zurich để học Hóa học.

Carlos đã khám phá đủ thứ ở Zurich, ngoại trừ Hóa học. Một năm sau, ông trình bày lại nguyện vọng với cha mình và được trả lời: “Tốt thôi, ta không cản nữa”. Sau khi Kleiber đã thành danh, Erich vẫn không hài lòng. “Thật phí phạm khi nó lại có khiếu âm nhạc”, ông viết trong thư gửi bạn. Tuy nhiên, Erich thừa nhận tài năng của con mình, và nhắc đi nhắc lại điều ấy cho đến lúc cuối đời.

Những gì thuộc về tài năng thì không thể bị khuất lấp. Năm 22 tuổi, Kleiber trở thành thực tập sinh trong Nhà hát Gärtnerplatz tại Munich, và ra mắt chỉ huy lần đầu với vở operetta Gasparone (Carl Millöcker) hai năm sau đó. Sang tuổi 28, ông chỉ huy chính dàn nhạc nhà hát Deutsche Oper am Rhein trong sáu năm, và dành hai năm tiếp theo cho nhà hát opera Zurich. Cuối cùng ông làm việc tại Württembergisches Staatstheater (Stuttgart).

Dù đã có nhiều thành tựu trước đó, khoảng thời gian ở Stuttgart có ảnh hưởng lớn lên sự nghiệp sau này của ông. Ở đây, ông đã chỉ huy vở opera Wozzeck (Alban Berg) và vở opera Mũi tên thần (Freischütz – Carl Maria von Weber) thành công ngoài sức tưởng tượng. Schäfer, giám đốc nhà hát Stuttgart nhận thấy rõ tài năng của Kleiber và luôn sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu tưởng chừng như vô lý nhất, dù có lúc ông chỉ muốn đuổi cổ Kleiber cũng vì lý do ấy. Nhờ khả năng điều phối của Schäfer mà Kleiber thực sự trở thành ngôi sao. Hết bảy năm, Kleiber bắt đầu làm việc kiểu “freelance”.

 

Muốn vươn đến sự hoàn hảo

 

Kleiber thường đặt ra tiêu chuẩn rất cao. Khi tập trung làm việc với một tác phẩm, Kleiber sút cân trông thấy. Sự cống hiến không tưởng ấy thực sự rất mệt mỏi, nhưng ông không thể trông chờ sự hoàn hảo mà không làm mẫu.

Trong khi chỉ huy, nếu dàn nhạc bắt trúng ý, Kleiber biểu hiện cảm xúc qua nét mặt lẫn cử chỉ. Tuy nhiên, “chủ nghĩa biểu hiện” của Kleiber không chỉ giới hạn ở tính thẩm mỹ bề ngoài. Sức kịch tính tối đa là thứ Kleiber mong muốn mang tới cho cả khán giả lẫn các nhạc công. Trong các buổi tập, ông luôn gán một hình dung nào đó cho mọi khuông nhạc.

“Mấy nốt đơn này đang ‘vã thuốc’. Nó cần thêm một ít nhựa, một chút độc hại, đủ để giữ cái cảm giác ngà ngà say mà khi anh vẫn có thể lái xe về”.

“Anh phải chiến thắng nốt ngân ấy, anh phải chiến đấu với nó, anh hiểu không. Nắm lấy nó, nắm chặt lấy nó, đừng buông giữa chừng. Đừng nhìn nó là nốt nhạc mà như máu thịt vậy”.

“Anh có tin vào ma quỷ không? Tuyệt vời, cứ thế mà áp dụng vào đoạn overture. Trong đoạn ấy tôi muốn các anh tin vào ma quỷ, thế nhé. Đúng, rất, rất nhẹ nhàng, giống như những hồn ma vất vưởng bao trùm anh ta trong bóng đêm. Chúng bao vòng quanh chính xác như bánh răng đồng hồ chạy vậy, mấy hồn ma này rất giỏi toán”.

Và dàn nhạc đương nhiên chẳng có cách nào khác ngoài cố gắng sao cho đúng như Kleiber mô tả.

Rời sân khấu, Kleiber là một người khác hẳn, vô cùng khép kín nhưng đôi lúc bất ngờ vui vẻ hoặc thẫn thờ giống như một cậu trai trẻ.

Dù vậy, ông không phải là người dễ mất kiểm soát và sẵn sàng trút giận lên dàn nhạc như Toscanini. Thay vào đó, ông làm hài lòng cái tôi của họ. Một lần, ông hướng dẫn một nhạc công: “Anh chơi đoạn đó rất chuẩn nhưng tôi đang cố gắng để những dàn khác phối hợp sao cho khớp, vậy hãy chú ý vào nhịp điệu chung nữa, hiểu ý tôi chứ?”

Kleiber từng thú nhận là tự tập dượt trước gương sao cho các cử chỉ trông mãn nhãn nhất. Việc tập không phải là về kỹ thuật hay nhịp điệu mà là để biểu lộ cảm xúc. Nếu tinh ý, chỉ cần nhìn ảnh cũng nhận ra Kleiber đang chỉ huy Strauß với sự nhiệt tình bùng nổ hay Beethoven với những cử chỉ có phần nguyên tắc hơn.

Khả năng “diễn xuất” của ông còn thể hiện ở khiếu hài hước và tài lôi kéo sự tập trung của khán giả, bằng cách diện một bộ váy sặc sỡ ngày lễ carnival Mardi Gras, hay cầm quả bóng tennis và vợt thay cho đũa chỉ huy và bắt chước điệu bộ của vận động viên quần vợt Boris Becker. Đôi lúc ông còn ném bóng xung quanh sân khấu. Những màn trình diễn này chắc chắn không phải ngẫu hứng mà đã được tập dượt rất lâu.

Ngoài ra, Kleiber là bậc thầy nhịp lơi (rubato), đi từ sự vui tương sang u sầu một cách thanh lịch và tinh tế nhất, bằng cách hạn chế dần nhịp độ, tạo ra cảm giác dần hẹp lại.

Dù không chỉ huy nhiều, Der Rosenkavalier (Hiệp sĩ hoa hồng, Richard Strauss) là vở rất quan trọng với Kleiber và ông luôn gật đầu mỗi khi nhận được lời mời chỉ huy vở opera này. Lý do Kleiber ám ảnh với một số tác phẩm nhất định, đầu tiên là vì muốn vượt qua cha mình. Trong mắt Kleiber, Erich là một tiêu chuẩn mà không bao giờ có thể vượt qua. Ông không bao giờ thực hiện một tác phẩm nào khi không có tổng phổ Erich từng dùng hay ít nhất là một bản thu để tham khảo. Dù vậy, khả năng biến cảm xúc thành âm nhạc là điều hoàn toàn khác biệt so với Erich vốn lạnh lùng và nguyên tắc. Việc chào hỏi và cảm ơn nhạc công là điều mà Erich không bao giờ làm. Kleiber cũng từng gợi ý việc để cảm xúc điều hướng buổi diễn. “Tôi chịu, không biết phải làm thế nào với đoạn này. Mọi người phải tự chơi thôi”. Ông cũng hiếm khi chỉ dẫn bằng từ ngữ chuyên môn, kể cả với đồng nghiệp. Thứ hai, là tinh thần phản tư khiến ông tự hạn chế, chỉ làm những gì mà mình chắc chắn. Ông đặc biệt ưa thích cái gọi là “âm nhạc Vienna” và luôn cố gắng sao cho âm thanh nhẹ nhàng và sôi động nhất có thể, mà vẫn tôn trọng chuẩn mực kiểu Áo.

 

Con người “khó đoán”

 

Theo truyền thống còn tồn tại tới giờ, nhạc trưởng thường gắn bó với một nhà hát, nên làm việc hợp đồng ngắn hạn được coi là bất thường. Lý do sự nghiệp Kleiber bất ổn không phải do tác động ngoại cảnh mà bản thân Kleiber rất ghét phong cách công chức nói riêng và mọi lề thói, ràng buộc xã hội nói chung.


Nhạc trưởng Carlos Kleiber tại một buổi hòa nhạc tại Pompeii năm 1987. Nguồn: airmail.news

Là người cầu toàn tới mức cực đoan, ông thường tự mình đàm phán hợp đồng biểu diễn và ghi âm mà không thông qua bất kỳ ai, chỉ làm việc với tư cách khách mời và chỉ trả lời đúng một cuộc phỏng vấn suốt sự nghiệp của mình. Ông muốn sống một cuộc đời “không để lại dấu tích” như trong sách Trang Tử mà bà Veronica, em gái ông, tặng. Đây là cuốn sách mà ông ưa thích nhất. Những người thân tôn trọng điều này và nhất quyết không làm “chim xanh” cho nhà báo, thậm chí là để cải chính những tin đồn mà giới báo chí bày ra.

Kleiber cũng rất yêu thích một cuốn sách mà ông đã xé bỏ bìa về một yogi Ấn Độ, trong đó gạch chân đoạn hội thoại về tính Không của cuộc sống hay chìm trong cơn nghiện những gì mà công việc đem lại, kèm theo đủ thứ phiền toái khiến ta chỉ muốn từ bỏ.

Rất nhiều lần, ông chấp nhận lời mời của Vienna Philharmonic chỉ để tiện đường lái xe về nhà ở Slovenia ngay hôm sau, ngồi ngoài hiên ngắm ruộng cải turnip trong khi uống rượu. Trên những chuyến xe từ Munich tới Slovenia, có lẽ ông đã trăn trở rất nhiều về việc từ bỏ vĩnh viễn hay tiếp tục công việc mà ông đang gắn bó.

“Khó tính” không phải là tính từ đúng để mô tả Kleiber mà phải là “khó đoán”. Dù vậy, ở ông sự “đồng bóng” đi kèm với tài năng hơn người nên ông vẫn được các nhà hát và hãng thu âm lớn kiên trì đeo đuổi. Mãi tới năm 1973, Kleiber mới cộng tác ghi âm vở opera Der Freischütz, và thu âm giao hưởng số 5 của Beethoven cùng Vienna Philhamornic năm 1975. Cả hai bản thu này đều được công chúng khen ngợi hết lời.

Sau này, ông chỉ thu thêm giao hưởng số 7 cũng của Beethoven, vở operetta Die Fledermaus (Con dơi – của nhà soạn nhạc người Áo Johann Strauss II), vở opera La Traviata (Trà hoa nữ, của Guiseppe Verdi), giao hưởng số 3 và 8 của Schubert, giao hưởng số 4 của Brahms và cuối cùng là vở opera Tristan and Isolde (Richard Wagner) năm 1982. Đây là con số quá ít ỏi so với những người cùng thời, nhưng chất lượng thì vượt xa. Claudio Abbaddo, “Vua opera” đánh giá rằng không ai chỉ huy Tristan and Isolde bằng Kleiber.

Kleiber từng nói với nghệ sĩ giọng tenor Placido Domingo: “Cậu trái ngược hoàn toàn với tôi. Cậu làm việc nhiều hết mức có thể và hạnh phúc với điều ấy, còn tôi ấy à, tôi chỉ muốn làm càng ít càng tốt”. Ông chỉ chấp nhận ký hợp đồng khi nhà hát đó rất đẹp hoặc thù lao rất lớn. “Hành vi của bản ngã thật vô cùng đơn điệu” ông gạch chân trong cuốn sách Ấn Độ, với bốn dấu chấm than. Tuy vậy, Kleiber không chỉ huy vì tiền. Ông chỉ quá cẩn trọng, hay tự xét nét bản thân và không biết nên sử dụng tài năng của mình thế nào.

Ngoài ra, Kleiber còn thích chọc tức người xung quanh. Một lần ở Vienna, sau ba buổi diễn tập, ông bỗng thấy chán nản và bỏ đi mà không nói một lời nào. Đó là một phi vụ lớn, bao gồm cả tour đi Nhật Bản và các hợp đồng thu âm. Sau đó, ông xuống sảnh khách sạn xem có ai tới tìm không. “Nếu tất cả họ đều đang chờ ở đó và quỳ xuống cầu xin, chắc tôi sẽ nghĩ lại”. Dù vậy, Kleiber vẫn quay lại Vienna nhiều lần sau sự cố ấy.

Kleiber ghét cay ghét đắng Festival Salzburg vì sự ồn ào, hay cái tính “thượng lưu” hào nhoáng của nó. Ở thành phố sôi động ấy, Kleiber chỉ khoái quán café Tomaselli và trở thành khách quen. Ông thong dong tới đó trên đôi giày thể thao, ăn sáng và đọc báo ở một góc kín đáo. Điều ít ai biết là mỗi lần ở Salzburg, Kleiber đều thăm mộ Karajan ngay trước và sau khi tới. Kể cả khi chuyến đi chỉ trong một ngày, ông vẫn ghé qua trên đường lái xe về nhà. Karajan giống như người cha thay thế ông Erich đã mất trước đó từ lâu. Trong mỗi buổi tập dượt do Karajan chỉ huy, chắc chắn Kleiber sẽ ngồi đâu đó dưới khán phòng.

 

Đời sau sân khấu

 

Tuổi già hạn chế ông tham gia các vở opera hay giao hưởng lớn. Nhưng còn một lý do nữa, đó là ông cảm thấy mình không còn đáp ứng được tiêu chuẩn bản thân đặt ra nữa. “Thế đấy, tôi không thể nào làm tốt hơn được, già rồi”.

Khi ông phát hiện mình mắc bệnh tuyến tiền liệt, các đồng nghiệp như Ricardo Muti đã hối thúc Kleiber liên lạc với các bác sĩ danh tiếng. Nhưng ông gạt đi. Ông trốn tránh bệnh tật và ghét nói về cái chết nhưng cũng biết mình đã vượt qua đỉnh cao và ở bên kia sườn dốc. Ông đã đạt được tâm nguyện, làm mọi thứ hoàn hảo như ý và không còn mong muốn điều gì hơn nữa.

Căn nhà của Kleiber ở Slovenia khá khép kín, bài trí đơn sơ. Ngôi làng nhỏ trên núi ở Slovenia ấy rất phù hợp với tính cách Kleiber. Ông đã có lựa chọn đúng đắn khi lấy đó làm nơi an nghỉ cuối cùng. Vợ ông, bà Stanislava Brezovar (hay Stanka), một vũ công ballet người Slovenia, dù có hình ảnh mờ nhạt trong cuộc đời và sự nghiệp Kleiber, thực chất lại ảnh hưởng rất lớn đến ông. Kleiber gặp bà trong một chuyến đi biểu diễn và dù bị từ chối ngay lần đầu bắt chuyện, ông vẫn kiên trì theo đuổi. Họ kết hôn và có hai người con. Dù làm việc ở Đức hay Áo, Kleiber chủ yếu sống tại căn nhà ở Slovenia. Là một tín đồ Công giáo ngoan đạo, Stanka khiến chồng mình dần trở nên tin vào “tâm linh” hơn, khi bản thân ông vốn uyên bác về triết học Đông Tây, thông thạo sáu ngoại ngữ từ nhỏ do theo cha đi khắp châu Âu. Stanka qua đời cuối 2003, để lại cú sốc lớn cho Kleiber. Người thân cho rằng việc ông qua đời vào tháng 7/2004, sau Stanka chỉ hơn nửa năm, không phải do bệnh tật hay tuổi già mà chủ yếu là vì thương tiếc vợ. □

 

Trang Nguyễn tổng hợp từ internet

Trong số các tác phẩm thu âm, giao hưởng số 5 của Beethoven do Kleiber chỉ huy Vienna Philharmonic gây tiếng vang lớn nhất và vẫn được đem ra mổ xẻ thường xuyên. Đối với von Karajan, chỉ có Otto Klemperer được coi là “đuổi gần kịp” Kleiber trong cách xử lý tác phẩm. Đánh giá ở đây không phải dựa trên một thang điểm mà là ở sự độc đáo trong xử lý tác phẩm, đặc biệt ở chương cuối viết theo cấu trúc sonata với ba đoạn phức trình bày (exposition), phát triển (development), tái hiện (recapitulation), cuối cùng là coda (phần kết).
Có vẻ như dụng ý của Beethoven khi nhanh chóng tiến vào giai đoạn phát triển là để khán giả cảm thấy chưa sẵn sàng khi mới nghe phần trình bày bốn chủ đề của toàn chương trong một phút rưỡi ngắn ngủi. Cả Klemperer và Kleiber đều muốn gây ấn tượng khi lặp lại chúng ở phần Tái hiện. Cả hai nhạc trưởng đều có chung cách xử lý những đoạn dẫn rất tuyệt vời với trombone, nhưng Kleiber khéo léo hơn. Đoạn cao trào này diễn ra ngay trước khi khúc scherzo phủ lên tác phẩm bóng tối êm dịu như dòng chảy của mật ong (từ ô nhịp 331 tới 594), gợi mở mọi giác quan: một hương vị dịu dàng thanh thoát nhưng với màu óng vàng rực rỡ của ánh nắng mùa hè.
Càng về cuối, dường như Kleiber càng để giai điệu tự cuốn đi theo cách của riêng nó, khiến một vài chi tiết bị lướt qua, nhất là ở phần coda. Tuy nhiên, đây là điều không thể tránh khỏi, ngay cả với Klemperer, đặc biệt khi “bộ ba” gồm trio, scherzo và finale được tích hợp thành một.

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)