Nhạc trưởng Seiji Ozawa – Người tiên phong
Seiji Ozawa là nhạc trưởng châu Á đầu tiên được công nhận có tài năng ở đẳng cấp cao nhất tại phương Tây. Đảm trách vai trò Giám đốc âm nhạc của Boston Symphony Orchestra trong 30 năm, Ozawa là người có thời gian nắm giữ cương vị này lâu nhất, trở thành một trong những vật quan trọng nhất âm nhạc cổ điển.
Thụ giáo những người thầy lớn
Seiji Ozawa sinh ngày 1/9/1935 tại Thẩm Dương, Trung Quốc trong thời gian quân Nhật Bản chiếm đóng tại đây. Seiji là con của ông Kaisaku, một nha sĩ và bà Sakura, một con chiên ngoan đạo. Ozawa vẫn luôn nhớ trong suốt cuộc đời cảm giác bị âm nhạc cuốn hút khi lắng nghe những bài thánh ca của mẹ. Được học piano từ năm 7 tuổi, Seiji bắt đầu đắm mình trong âm nhạc của Bach, Beethoven hay Brahms. Cả nhà trở về Nhật Bản vào năm 1944 và cậu bé tiếp tục theo học piano cùng Noboru Toyomasu với tham vọng trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp. Tuy nhiên do một lần bất cẩn trong khi chơi bóng bầu dục cùng bạn bè, Seiji đã bị gãy hai ngón tay và không thể tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình.
Không từ bỏ niềm đam mê âm nhạc, Seiji quyết định chuyển sang học chỉ huy dàn nhạc và sáng tác. Hideo Saito, nghệ sĩ cello, nhạc trưởng và giảng viên âm nhạc, một người họ hàng bên phía bà Sakura là người có ảnh hưởng đặc biệt to lớn trong việc truyền bá âm nhạc cổ điển phương Tây tại Nhật Bản thời kỳ hậu Thế chiến Thứ hai đã nhận lời dạy Seiji. Được Saito dạy dỗ nghiêm khắc, Seiji trưởng thành vượt bậc và có buổi chỉ huy đầu tiên trong cuộc đời, với Nippon Hosso Kyokai (NHK) Symphony Orchestra vào năm 1954, khi mới 19 tuổi. Một thời gian ngắn sau, Seiji đã được chỉ huy một dàn nhạc xuất sắc khác: Japan Philharmonic. Bốn năm sau, Seiji tốt nghiệp thủ khoa trong cả hai lĩnh vực sáng tác và chỉ huy dàn nhạc tại Toho School of Music.
Năm 1959, Ozawa lên đường tới Pháp trên một chuyến tàu chở hàng với mục đích nghiên cứu sâu hơn về nhạc cổ điển. Để trang trải cuộc sống, anh đã làm cho đại lý xe máy tay ga một công ty của Nhật Bản. Thật may mắn, chỉ ít lâu sau khi đặt chân tới châu Âu, Ozawa biết được thông tin về một cuộc thi chỉ huy dàn nhạc sẽ được tổ chức tại Besançon, miền Đông nước Pháp. Ozawa tham gia và giành chiến thắng đồng thời gây ấn tượng mạnh mẽ với nhạc trưởng danh tiếng Charles Munch, Giám đốc âm nhạc của Boston Symphony Orchestra, một thành viên của ban giám khảo. Munch đã mời Ozawa tới Mỹ để theo học tại Trung tâm Âm nhạc Berkshire (nay được đổi tên thành Tanglewood), được thành lập vào năm 1940 để bồi dưỡng các nhạc công và nhà soạn nhạc trẻ. Tại đây, Ozawa có cơ hội nâng cao trình độ của mình dưới sự hướng dẫn của Munch và Pierre Monteux. Anh lần đầu chỉ huy cùng dàn nhạc vào ngày 14/7/1960. Cũng trong năm này, Ozawa giành được giải thưởng Koussevitzky dành cho sinh viên chỉ huy dàn nhạc xuất sắc, vinh dự cao nhất của Tanglewood, giúp anh nhận được học bổng để theo học tại Berlin với Karajan. Với Karajan, Ozawa đã học được cách xây dựng tổng thể cho một tác phẩm biểu diễn, đặt khát khao của mình vào các động tác bằng sức mạnh ý chí tuyệt đối, duy trì được sự liền mạch cho dù phải hy sinh những tiểu tiết. Để đạt được điều này, Karajan yêu cầu Ozawa phải để cho âm nhạc choán lấy bản thân mình, có sự chuẩn bị kĩ lưỡng trước khi biểu diễn, cho cả cá nhân người chỉ huy và dàn nhạc.
Tại Tây Berlin, Ozawa đã thu hút được sự chú ý của Bernstein và ông đã mời Ozawa trở lại Mỹ để làm trợ lý cho mình tại New York Philharmonic, bắt đầu từ năm 1961. Ozawa đã lần đầu chỉ huy dàn nhạc này vào ngày 13/4/1961 trong một chương trình mà anh chia sẻ sân khấu cùng Bernstein tại Carnegie Hall với Bacchanale của nhà soạn nhạc đồng hương Toshiro Mayuzumi. Ozawa đã học được từ Bernstein cách để dòng chảy âm nhạc được tự nhiên, cho dàn nhạc chơi với một phong cách tự do hơn. Cho đến năm 1965, Ozawa liên tục di chuyển giữa New York và Berlin, tiếp tục làm trợ lí cho Karajan và Bernstein, một số lần được đứng trên bục chỉ huy với cả hai dàn nhạc và cố gắng dung hòa hai phong cách làm việc tưởng như tương phản này, chắt lọc tinh túy để hình thành phong cách riêng. Từ năm 1962, thành công bước đầu của một chàng trai trẻ châu Á tại New York và Berlin, những trung tâm âm nhạc cổ điển lớn của thế giới đã khiến Ozawa được chào đón tại quê nhà. Anh được mời về để chỉ huy NHK Symphony Orchestra, tuy nhiên, một số nhạc công lớn tuổi từ chối biểu diễn cùng Ozawa, cho rằng phong cách biểu diễn của anh quá tự mãn và bị phương Tây hóa. Nhiều năm sau, Ozawa hồi tưởng lại: “Đối với người Nhật, tài năng của tôi đã nở rộ quá nhanh. Tôi nổi lên theo cách hạt ngô trở thành bỏng ngô một cách nhanh chóng. Các thành viên dàn nhạc đã tẩy chay tôi. Họ nói tôi có cách hành xử tồi. Đó là sự thật. Họ nói tôi đã thúc ép họ quá mạnh mẽ. Đó là sự thật. Họ nói tôi là kẻ bắt nạt. Đó là sự thật. Tôi nghĩ đó chỉ là vấn đề của việc làm việc một cách chăm chỉ. Nhưng những nhà quản lý đã đứng về phía các nhạc công”.
Ozawa đã tập trung sức lực cho việc tạo dựng được một vị thế vững chắc tại Bắc Mỹ. Ngày 16/7/1963, Ozawa lần đầu tiên ra mắt Chicago Symphony Orchestra khi thay thế vào phút cuối cho Georges Prêtre tại liên hoan Ravinia, ngôi nhà mùa hè của dàn nhạc. Ông đã giành được ca ngợi trên Chicago Tribune “Ozawa đã ngay lập tức nắm quyền chỉ huy khi anh sở hữu đũa nhạc và ý tưởng. Kỹ thuật chỉ huy của anh ấy gợi nhớ tới người thầy Herbert von Karajan theo cách đặt tổng phổ vào trong lòng dàn nhạc với sự minh bạch của cử chỉ và kết nối giữa những con người để từ đó đưa ra những câu lệnh được chấp nhận”. Ozawa được bổ nhiệm làm Giám đốc âm nhạc và nhạc trưởng thường trú của liên hoan Ravinia kể từ năm 1964 cho đến năm 1968 và là nhạc trưởng chính vào năm 1969. Sau khi chia tay, Ozawa cho biết mình rất trân trọng cơ hội mà Chicago Symphony Orchestra đã tạo ra: “Ravinia là tổ chức đầu tiên mời tôi làm giám đốc âm nhạc của mình. Nếu không có niềm tin mà các bạn dành cho tôi, tôi không nghĩ mình sẽ có bất kỳ sự nghiệp nào vào lúc này. Chicago Symphony Orchestra là một trong những dàn nhạc vĩ đại nhất mà tôi từng chỉ huy và tôi chưa có vinh quang nào trong âm nhạc lớn hơn những gì tôi đã trải qua ở đây”. Năm 1965, Ozawa được mời làm Giám đốc âm nhạc của Toronto Symphony Orchestra, cương vị mà ông nắm giữ cho đến năm 1969. Tại đây, ông có bản thu âm đầu tiên: Turangalila Symphony (Olivier Messiaen) và November Steps (Toro Takemitsu). Trong thập niên này, Ozawa được thường xuyên làm việc với những dàn nhạc hàng đầu của Mỹ và đến năm 1970, ông trở thành Giám đốc âm nhạc của San Francisco Symphony, thay thế nhạc trưởng người Áo Josef Krips, và là Giám đốc âm nhạc tại Berkshire Music Festival. Ozawa chia tay San Francisco Symphony vào năm 1976.
Chiếm lĩnh sân khấu thế giới
Năm 1973 là năm vô cùng đáng nhớ đối với sự nghiệp chỉ huy của Seiji Ozawa: chính thức trở thành Giám đốc âm nhạc của Boston Symphony Orchestra, một trong những dàn nhạc hàng đầu nước Mỹ và thế giới, để thay thế cho William Steinberg. Đó là một bước đi táo bạo của dàn nhạc khi lựa chọn một nhạc trưởng châu Á. Ông đã tận tâm, tận lực trong cương vị này cho đến tận mùa diễn 2001-2002, tổng cộng 29 năm và trở thành nhạc trưởng gắn bó với dàn nhạc lâu năm nhất, phá vỡ kỉ lục 25 năm của Serge Koussevitzky được thiết lập trước đó từ năm 1924 -1949. Kế thừa truyền thống của những nhạc trưởng đi trước như Serge Koussevitzky, Munch, Erich Leinsdorf và Steinberg, Ozawa đã duy trì danh tiếng của Boston Symphony Orchestra như là một trong những dàn nhạc vĩ đại nhất. Những năm đầu tiên Ozawa gắn bó với Boston Symphony Orchestra thật tuyệt vời. Nhà phê bình Michael Steinberg miêu tả khi họ biểu diễn cùng nhau: “Một dòng năng lượng đáng kinh ngạc dường như bắt đầu từ phần nhỏ của lưng và chảy lên cột sống, qua vai, dọc theo cánh tay, xuyên qua bàn tay chạm tới đầu gậy và bay vào không trung. Đó là một điều tuyệt vời để thưởng thức”. Ở tuổi 38, Ozawa đã mang đến sức sống và một nguồn năng lượng hoàn toàn khác. Boston Symphony Orchestra được coi là dàn nhạc sở hữu phong cách đặc trưng của Pháp, tinh tế và duyên dáng, được khởi xướng vào năm 1918 từ Henri Rabaud. Tuy nhiên, dưới sự dẫn dắt của Ozawa, dàn nhạc đã tạo ra âm thanh mang nhiều màu sắc Đức-Áo hơn, phù hợp với những tác phẩm của Beethoven, Brahms hay Gustav Mahler. Ozawa có biệt tài gần như vô song trong việc kết hợp giữa các dàn nhạc và hợp xướng khổng lồ trong các tác phẩm dài, phức tạp và đông người, chẳng hạn như La Damnation de Faust (Hector Berlioz), Gurre-Lieder (Arnold Schoenberg) hay War Requiem (Benjamin Britten). Vào ngày 28/11/1983, tại Paris Opera, Ozawa đã chỉ huy ra mắt vở opera Saint François d’Assise (Olivier Messiaen) dài hơn bốn tiếng rưỡi, tác phẩm đòi hỏi đến gần 300 nghệ sĩ biểu diễn, riêng bộ gõ đã lên đến hơn 40 nhạc cụ. Song song với công việc tại Boston Symphony Orchestra, Ozawa thường xuyên biểu diễn tại châu Âu, cộng tác với những dàn nhạc hàng đầu như Berlin Philharmonic hay Vienna Philharmonic.
Trong nhiệm kỳ của mình, Ozawa thường xuyên cùng Boston Symphony Orchestra thực hiện các chuyến lưu diễn. Đáng chú ý nhất là chương trình được thực hiện tại Bắc Kinh vào tháng 12/1979, là dàn nhạc Mỹ đầu tiên thực hiện điều này sau khi hai quốc gia bình thường hóa quan hệ. Ozawa trở thành cây cầu nối quan trọng bởi ông đã trải qua thời thơ ấu tại Trung Quốc. Theo nhà phê bình âm nhạc Ellen Pfeifer, Ozawa đã thay đổi bộ mặt của Boston Symphony Orchestra và trở thành một đại sứ âm nhạc. Ozawa đã thực hiện hơn 100 bản thu âm cùng Boston Symphony Orchestra với nhiều hãng đĩa danh tiếng như Deutsche Grammophon, Sony Classical, RCA Victor, Philips. Mặc dù vậy, sự gắn bó gần 30 năm của ông cùng dàn nhạc cũng gây nên nhiều tranh cãi. Từ những năm 1990, Ozawa hứng chịu nhiều chỉ trích, khi bị buộc tội phá hỏng âm thanh tỏa sáng đầy dịu dàng và tao nhã của dàn nhạc. Một nhóm nhạc công của Boston Symphony Orchestra gửi thư lên ban quản trị, chỉ trích Ozawa không đưa ra được “những chỉ dẫn cụ thể về mặt tốc độ và nhịp điệu” hay “quan tâm đến chất lượng âm thanh” và thậm chí không chia sẻ bất kỳ “quan điểm truyền tải rõ ràng về từng tác phẩm mà dàn nhạc đã biểu diễn”. Nhiều nhà phê bình cũng thất vọng là Ozawa, người vốn tràn đầy năng lượng ngày càng có những màn trình diễn chiếu lệ. Tinh thần của dàn nhạc sụt giảm đáng kể. Ozawa từng ví von mối quan hệ giữa nhạc trưởng và dàn nhạc như một cuộc hôn nhân và giờ đây, một số nhạc công đã dựa vào đó để bình luận: “Không phải tất cả các cuộc hôn nhân đều kết thúc bằng cái chết… một số kéo dài một cách đơn điệu, thiếu sự quan tâm, tôn trọng và động viên lẫn nhau”. Năm 1994, một phòng hòa nhạc 1.200 chỗ ngồi được khánh thành trong khuôn viên Tanglewood. Norio Ohga, Chủ tịch Tập đoàn Sony, người đã quyên góp hai triệu USD trong tổng số 10 triệu đã yêu cầu khán phòng này phải mang tên Seiji Ozawa. Ozawa đã trở thành người hùng tại đất nước Nhật Bản. Tuy nhiên, bất chấp những lợi ích mà Ozawa mang lại, mối quan hệ giữa ông và Boston Symphony Orchestra ngày càng xấu đi. Ông bị cáo buộc can thiệp quá sâu vào công việc tại Tanglewood Music Center.
Mối quan hệ từng được coi là kỳ diệu giờ trở nên cũ kỹ. Greg Sandow nhận xét trên tờ Wall Street Journal: “Ông vẫn nhảy múa trên bục chỉ huy với vẻ quyến rũ đặc trưng của mình nhưng ông ấy trông đẹp hơn nhiều so với âm thanh của dàn nhạc”. Năm 1999, Ozawa thông báo sẽ nghỉ việc tại Boston Symphony Orchestra sau khi hết nhiệm kỳ vào năm 2002. Sau đó, vào ngày đầu tiên của năm 2002, Ozawa đã cùng Vienna Philharmonic biểu diễn chương trình hòa nhạc chào đón năm mới truyền thống. Bản thu âm này trở thành đĩa nhạc bán chạy nhất Nhật Bản.
Thật bất ngờ, ngay sau khi chia tay Boston Symphony Orchestra, Ozawa đã trở thành nhạc trưởng chính tại Vienna State Opera, công việc mà người thầy của ông Karajan từng đảm nhiệm, bởi vì ông chưa từng chỉ huy nhiều opera trước đó. Tuy nhiên, Ozawa đã lấp đầy những khoảng trống do sự nghiệp trước đây, đến mức ngay cả với những vở opera đồ sộ, trí nhớ của ông vẫn tạo ra những điều phi thường. Mark Volpe, người từng là Giám đốc điều hành của Boston Symphony Orchestra cho biết: “Khi tôi gặp ông ấy ở Vienna, có những vở opera dài đến bốn tiếng và ông ấy biết tất cả mọi phần. Ở đoạn giữa đó có phần của oboe 2, phần phát triển, ông ấy có thể kể cho bạn chính xác về mọi thứ đang diễn ra. Bốn tuần sau, ông ấy không thể kể cho bạn về việc đã chỉ huy tác phẩm đó. Bằng cách nào đó, ông ấy đã biết về năng lực của mình. Và khi ông ấy cần phải bấm nút xóa, ông ấy đã thực hiện”. Ozawa đã gắn bó với Vienna State Opera trong tám năm, chia tay vào năm 2010. Người thay thế ông là Franz Welser-Möst.
Trả ơn Nhật Bản
Dù hoạt động chủ yếu tại Mỹ và châu Âu, Ozawa không bao giờ quên nguồn gốc Nhật Bản của mình. Hai người con của ông được học tập và trưởng thành tại quê nhà vì Ozawa muốn họ được lớn lên trong di sản Nhật Bản. Tháng 9/1984, cùng với người bạn, nhạc trưởng Kazuyoshi Akiyama, Ozawa đã sáng lập Saito Kinen Orchestra để tưởng nhớ người thầy của mình Hideo Saito. Saito Kinen Orchestra ban đầu bao gồm những thành viên từng là học trò của Hideo Saito. Họ biểu diễn tại Saito Kinen Festival Matsumoto, một liên hoan âm nhạc được tổ chức hằng năm từ năm 1992 tại thành phố Matsumoto, Nagoya. Từ năm 1987, dàn nhạc thực hiện các chuyến lưu diễn tại nhiều thành phố lớn ở châu Âu và châu Mỹ. Saito Kinen Orchestra không có thành viên cố định, khi các nhạc công ban đầu già đi, Ozawa đã bổ sung nhiều nhân tố mới, bao gồm cả những nhạc công tại các dàn nhạc hàng đầu trên thế giới. Với chất lượng nghệ thuật rất cao, vào năm 2008, Saito Kinen Orchestra từng được tạp chí Gramophone bình chọn là dàn nhạc xuất sắc thứ 19 trên thế giới.
Ngày 7/1/2010, Ozawa thông báo hủy các buổi biểu diễn vì lý do sức khỏe. Ông bị chẩn đoán ung thư thực quản giai đoạn đầu, cùng với đó là các bệnh liên quan đến phổi và lưng, cần phải phẫu thuật. Trong quãng thời gian chữa bệnh và nghỉ ngơi này, Ozawa và nhà văn Haruki Murakami đã có những cuộc đối thoại, là nội dung của cuốn sách Tuyệt đối về âm nhạc. Phải đến tháng 4/2016, Ozawa mới trở lại biểu diễn trong một chương trình cùng Berlin Philharmonic. Kể từ đó, ông dần dần trở lại với âm nhạc nhưng tần suất xuất hiện rất hạn chế. Lần cuối cùng ông chỉ huy dàn nhạc diễn ra vào ngày 22/11/2022 khi Ozawa ngồi xe lăn biểu diễn overture Egmont (Beethoven) cùng Saito Kinen Orchestra. Chương trình được truyền hình trực tiếp tới Koichi Wakata, một phi hành gia đang ở trên Trạm vũ trụ Quốc tế. Ngày 6/2/2024, Ozawa qua đời tại nhà riêng ở Tokyo vì suy tim, hưởng thọ 88 tuổi.
Không chỉ đối với những người dân Nhật Bản, Seiji Ozawa đã trở thành niềm tự hào của toàn bộ châu Á. Ozawa là nghệ sĩ châu Á đầu tiên trong thế giới nhạc cổ điển tạo dựng được vững chắc tên tuổi mình giữa một rừng các ngôi sao châu Âu và Mỹ. Sau ông cũng có những tên tuổi khác từ châu Á như Myung-Whun Chung, Mitsuko Uchida, Midori hay Yo-Yo Ma nhưng không thể thay thế được vị thế của Ozawa. Ozawa khẳng định, nguồn gốc Nhật Bản của mình là lợi ích chứ không phải là trở ngại trong tiếp cận âm nhạc cổ điển phương Tây: “Rất khó để một nhạc trưởng người Pháp có thể tiếp thu được truyền thống của Đức. Nhưng người Nhật chúng tôi có thể có được truyền thống âm nhạc tốt đẹp từ tất cả các quốc gia vì chúng tôi không có truyền thống âm nhạc nào của riêng mình”.
Bất chấp việc vị trí của ông trong số những nhạc trưởng vĩ đại vẫn còn nhiều tranh cãi, Ozawa vẫn luôn là một con người phi thường với những kĩ năng đáng kinh ngạc như nhận xét của Richard Dyer, nhà phê bình âm nhạc lâu năm của Boston Globe: “Ozawa đã thể hiện tài năng chỉ huy hiện hữu vĩ đại hơn bất cứ ai trong thế hệ của mình và một trí nhớ âm nhạc đa dạng và chính xác khiến bất cứ nhạc sĩ nào cũng phải kinh ngạc và ghen tị khi bắt gặp… Ozawa vẫn luôn đẹp để chiêm ngưỡng và độc đáo về thông tin và cảm xúc tập trung mà ông ấy có thể truyền tải qua cử chỉ, ánh mắt và thái độ. Ozawa là một bức thư pháp chuyển động, chính xác và giàu sức gợi cảm”. □
Nguồn tham khảo
https://www.nytimes.com/2024/02/09/arts/music/seiji-ozawa-dead.html
https://www.theguardian.com/music/2024/feb/11/seiji-ozawa-obituary
Bài đăng Tia Sáng số 5/2024