Nhạc trưởng Simon Rattle: Vẫn còn những tác phẩm tôi thấy quá sức mình
Nhạc trưởng nổi tiếng thế giới ở tuổi 70, nói về lý do âm nhạc có thể giúp con người cảm thấy trẻ trung hơn và triển vọng ảm đạm cho nghệ thuật ở Anh.

Ông nhắn tin cho tôi rất ngắn gọn “10:30 sáng ở nhà. Cà phê và bánh sừng bò.” Vì sự đúng giờ phần nào là ưu tiên của nhạc trưởng nên khách đến thăm cảm thấy áp lực phải gấp gáp. Simon Rattle sống ở rìa Grunewald, một dải đất rộng với rừng cây và hồ nước ở phía Tây Berlin, thiên đường dành cho những người phát đạt đã xây dựng biệt thự tại đó vào cuối thế kỷ 19 và lá phổi xanh cho toàn dân Berlin ngày nay. Những đầu hồi và tháp canh biến những ngôi nhà ngoại ô thành các lâu đài nhỏ, một gợi nhớ về quá khứ văn hóa dân gian lãng mạn của Đức. Ấn tượng này càng nổi bật thêm nhờ ánh đèn ảo diệu bởi khuôn viên với những chú Bambi trước nhà của Rattle được chiếu sáng bằng những cuộn bóng đèn giăng mắc quanh hàng rào, cổng vào và bụi cây.
Rattle đứng trên bậc thềm chào đón. Có phần kinh ngạc trước vẻ bề ngoài hoành tráng theo phong cách gothic của ngôi nhà, tôi nói đùa: “Vua điên Ludwig II à?”, khi ám chỉ nhà bảo trợ của Wagner, nổi tiếng với việc xây dựng những pháo đài kỳ ảo lấy cảm hứng từ các vở opera của nhà soạn nhạc. “Chính xác!” Rattle cười đồng tình. “Magdalena [Kožená, giọng nữ trung người Séc, vợ ông] và tôi đã cười phá lên trong hoài nghi khi lần đầu trông thấy nó – vào nhiều năm trước. Nhưng bên trong thì khá khác biệt”. Ngôi nhà gia đình tràn ngập ánh sáng này thực sự là nơi chốn thân mật dành cho họ cùng hai cậu con trai và một cô con gái, trong đó hai vẫn ở tuổi đi học, người con lớn đã là sinh viên ở Milan. (Rattle còn có hai cậu con trai lớn hơn từ cuộc hôn nhân đầu với nghệ sĩ giọng soprano Elise Ross). Những bức vẽ của trẻ em được dán trên tường; một tấm bảng ghim đầy ảnh gia đình. Một ngọn lửa, được Rattle nhóm lên, reo vui trong lò sưởi của một phòng ăn kiêm bếp không vách ngăn. Ông hiện đã nhập quốc tịch Đức. “Ba đứa trẻ đã lớn lên ở đây. Trường học ở đây. Các bài học âm nhạc, câu lạc bộ bóng đá, bạn bè và khu rừng đều ở đây. Đó là toàn là những thứ chúng đã quen thuộc”.
Rattle đã là giám đốc âm nhạc của Dàn nhạc giao hưởng London (LSO) từ năm 2017 đến năm 2023 và hiện là nhạc trưởng danh dự của LSO (người kế nhiệm ông là Antonio Pappano).
Từ năm 2002 đến năm 2018, Rattle là Giám đốc âm nhạc của Berlin Philharmonic. Tôi nhắc đến việc đêm trước mình đã nghe LSO, dàn nhạc cũ của ông, chơi ở phòng hòa nhạc Philharmonie. Chỉ huy buổi hòa nhạc là Herbert Blomstedt, năm nay đã 97 tuổi và, như Rattle nhận xét, vẫn có khả năng làm nên điều kỳ diệu. Bản thân Rattle đã bắt tay vào một công việc mới vào mùa diễn trước. Ông trở thành nhạc trưởng chính của Dàn nhạc giao hưởng và hợp xướng Đài phát thanh Bavaria, Munich – những nghệ sỹ mà ông đã nghe ngay từ buổi đầu tiên tới nhà hát và theo lời kể của chính ông, đã phải lòng khi còn là một thiếu niên ở Liverpool.
Việc Rattle sớm rời bỏ công việc cùng LSO làm bối rối một số nhà quan sát nhưng không cần phải phân tích nhiều. Chính sách kinh tế khắc khổ của đời sống nghệ thuật Anh buộc các dàn nhạc phải dựa vào các buổi hòa nhạc và chuyến lưu diễn dày đặc để tồn tại. Rattle cho biết: “LSO – cũng như mọi dàn nhạc London – phải lao động cực nhọc hơn bất kỳ dàn nhạc nào trên thế giới. Ấy thế mà bất chấp mọi áp lực không thể chịu nổi, họ vẫn tạo ra những màn trình diễn tuyệt vời. Tôi rất thích làm việc cùng họ. Nhưng về lâu dài, điều đó không tốt cho bản thân tôi hay cho gia đình tôi”.
Trái với tin đồn, cả quyết định tiếp quản cũng như rời bỏ LSO của ông đều không liên quan gì đến Trung tâm Âm nhạc – một phòng hòa nhạc được đề xuất thay thế cho Khu nhà kính Barbican mà sau đó đã bị loại bỏ. “Tôi ủng hộ ý tưởng khi nó có vẻ khả thi. Bạn có thể biểu diễn âm nhạc ở đủ mọi loại không gian. Nhưng tôi nghĩ khán giả thực sự mong đợi một ngọn hải đăng trung tâm, nơi nghệ thuật sẽ tỏa sáng. London có thể vẫn cần xây một phòng hòa nhạc hiện đại thế kỷ 21”.
Rattle đến Munich – tình cờ cũng là một thành phố cần một phòng hòa nhạc mới – sau khi nhạc trưởng Mariss Jansons của Dàn nhạc giao hưởng Đài phát thanh Bavaria qua đời. Dĩ nhiên đây cũng là một trong những dàn nhạc hàng đầu thế giới, và việc tới đó là một lựa chọn tự nhiên với Rattle: có thể cho là dễ thở hơn và được chào đón hơn so với Berlin Phil cực kỳ xuất sắc, hơn thế, dễ di chuyển bằng tàu hơn. Tại sao ông lại rời dàn Berlin? Sau một khởi đầu gập ghềnh, ông đã được đền đáp bằng một thời gian dài được tán thưởng nồng nhiệt và đạt được nhiều thành tựu trên nhiều mặt trận (gồm cả nền tảng phát trực tuyến Digital Concert Hall tiên phong). “Tôi cảm thấy thời gian mình ở đó đã đủ. Và giờ họ cần một làn gió mới”.

Vào một trong hai lần xuất hiện trên chương trình Desert Island Discs [Đĩa nhạc mang ra đảo hoang] của đài BBC, lần đầu khi ông 23 tuổi, Rattle đã so sánh vai trò của nhạc trưởng với vai trò của người luôn gọi món cho mọi người trong một nhà hàng Trung Hoa, không nên áp dụng phong cách độc tài nhưng cũng không thể quá dân chủ. Cách tiếp cận của ông là thúc đẩy sự hợp tác, luôn dựa trên kiến thức sâu sắc và sự chính xác. Người kế nhiệm ông ở Berlin, quả cầu lửa Kirill Petrenko người Nga – kín tiếng trước công chúng vì không trả lời phỏng vấn – thì thích mổ xẻ hơn, phân tích nhiều hơn và thái độ không khoan nhượng hơn. Cả hai cách tiếp cận đều có thể hiệu quả, nhưng cuối cùng dàn nhạc, tập thể ngôi sao, cần phải đi theo con đường của riêng mình trong buổi biểu diễn. “Ở Munich, một mối quan hệ cộng sinh giữa nhạc trưởng và các nhạc công là khả thi,” Rattle nói. “Trong 30 năm qua, các dàn nhạc đã cải thiện chất lượng trình tấu một cách đáng kinh ngạc. Hiện nay có nhiều dàn nhạc điêu luyện tuyệt vời, nhưng lại rất ít dàn nhạc có chất thơ. Đó là thứ tôi hiện đang sống cùng một cách rất hạnh phúc ở Munich…”
***
Rattle sinh ra ở Liverpool vào năm 1955. Là một đứa trẻ có học lực giỏi và sớm phát triển về âm nhạc, cậu đã sớm chơi “bất cứ thứ gì họ cho phép chơi” – trong Dàn nhạc Trẻ Merseyside lúc 10 tuổi; tự tổ chức các buổi hòa nhạc của riêng mình và khi còn rất trẻ, cậu gia nhập Dàn nhạc Trẻ Quốc gia với vai trò nghệ sỹ gõ và nghệ sỹ piano. Liệu cha mẹ cậu có phải là kiểu “cha mẹ hổ” theo nghĩa nào đó không? “Không. Hoàn toàn không.” Có vẻ như ông cũng vậy. Một trong những đứa con của ông đi học về khi chúng tôi đang trò chuyện. Trong chốc lát trao đổi về buổi hòa nhạc cuối học kỳ của trường học vào sáng hôm đó, ông tỏ ra thoải mái khi thừa nhận tật run tay. “Đó chính xác là cái tật cha mắc phải khi chơi piano,” ông nói với con với vẻ an ủi và trìu mến.
“Khi nhìn lại quá trình phát triển âm nhạc của bản thân, tôi chắc chắn rằng mình đã thay cha mình theo đuổi sự nghiệp âm nhạc. Điều đó không bao giờ được nói ra, nhưng tôi có thể cảm nhận được cha tôi đã đầu tư cho tôi như thế nào.” Denis Rattle từng một nghệ sỹ piano nhạc jazz, dẫn dắt một ban nhạc khiêu vũ nổi tiếng khi còn là sinh viên tại Oxford nhưng rồi cho rằng, trở thành một doanh nhân trong tương lai có thể là quyết định khôn ngoan hơn. “Ông kể với tôi là mình đã muốn làm nghệ sỹ chuyên nghiệp song vẫn lo lắng về chuyện mưu sinh với một gia đình trẻ.” Thay vào đó, Rattle cha đã trở thành một nhà xuất nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc tiên phong, gồm cả những cây violin giá rẻ sản xuất tại Trung Quốc kèm theo cả vĩ và hộp đựng, là thứ thay đổi cuộc chơi dành cho trẻ em đang học nhạc cụ vào thời đó, bao gồm cả Rattle.
“Ngay cả khi bạn biết một tác phẩm, bạn vẫn có thể bị bất ngờ bởi những khía cạnh mình chưa từng để ý. Tôi cho rằng đó là định nghĩa của thứ nghệ thuật tuyệt vời”. (Simon Rattle)
“Cây violin đầu tiên của tôi là một trong số đó. Nhưng thứ tôi thực sự nhớ là tất cả những bông hoa nhựa, những hàng hóa lạ mắt và đồ chơi kỳ quặc…” Cả cha và mẹ ông đều là người miền Nam, định cư ở Liverpool nhờ các mối kết giao hàng hải của cha ông.
Ngôi nhà thời thơ ấu của ông đầy những bản thu âm: từ nhạc cổ điển đến dàn nhạc jazz và nhạc pop thời cha mẹ ông, bao gồm tất cả các ca khúc của Frank Sinatra với Burt Bacharach. Mẹ ông đã điều hành một cửa hiệu đĩa nhạc ở thị trấn ven biển Broadstairs. Người cha yêu đời của ông đã mua một đĩa nhạc từ cửa hiệu của bà mỗi ngày trong vòng một năm cho đến khi bà xiêu lòng trước sự quyến rũ của ông. “Và khi tôi sáu tuổi, cha tôi đã đưa tôi cùng chị gái Susan đi nghe Duke Ellington. Khi đó, tôi ngồi còn thấp hơn cả cây piano.” Người chị gái tài năng của Rattle, lớn hơn cậu chín tuổi, đã mang về nhà những bản nhạc từ thư viện và sớm chỉ cho cậu em trai khoảng bảy tuổi cách đọc. Người chị đóng vai trò định hình trong sự nghiệp của cậu. “Chị có lẽ là người chị duy nhất trên thế giới nghĩ rằng: ‘Chà, tôi nghĩ em ấy sẽ thích Schoenberg’.” Chị đã nghe mọi buổi hòa nhạc có thể trên radio và nhớ hết những chi tiết như tác phẩm nào, khi nào và do ai biểu diễn.
Hai chị em thân nhau – “thân thiết hết mức có thể với một người rất khép kín như trẻ tự kỷ”. Không ai biết nhiều về chứng tự kỷ vào thời điểm đó. “Khi ấy người ta cho rằng chứng tự kỷ là do cách nuôi dạy lạnh lùng của cha mẹ và là phản ứng của trẻ đối với môi trường. Mọi người có thể áp dụng nhiều tính từ cho cha mẹ tôi. Lạnh lùng sẽ không bao giờ là một trong số đó.” Susan không được chẩn đoán cho đến tận khi trưởng thành. Phải nhờ đến sự thuyết phục đầy yêu thương của ông, cha mẹ ông mới hoàn toàn bác bỏ tín niệm lỗi thời – rằng lỗi là do hoàn cảnh gia đình. “Và giờ đây chúng ta biết rằng rất nhiều nhân vật tài năng trong quá khứ – gồm cả các nhà soạn nhạc như Prokofiev, Martinů – đã mắc phải hội chứng này”.
Rattle sớm lấy Chứng chỉ Giáo dục Phổ thông bậc cao và rời nhà năm 16 tuổi để đến London và Học viện Âm nhạc Hoàng gia. Ông ngạc nhiên khi thấy thành phố quê hương mình nổi tiếng nhờ ban nhạc Beatles, những người không ảnh hưởng nhiều đến nhận thức tuổi vị thành niên của ông. Đến năm 19 tuổi, ông đã hoàn thành chương trình học và bắt đầu sự nghiệp chuyên nghiệp. “Tôi rất muốn bắt đầu với âm nhạc, nhưng tôi nhận thức rằng mình vẫn chưa thực sự hoàn thành việc học. Tôi đã nghĩ rằng sau khi học xong ở học viện, tôi sẽ vào đại học. Nhưng cuộc sống đã làm thay đổi kế hoạch này”.
Rattle muốn ám chỉ đến việc mình giành chiến thắng trong Cuộc thi Chỉ huy Quốc tế John Player năm 1974 và được bổ nhiệm làm trợ lý chỉ huy của Dàn nhạc Giao hưởng Bournemouth. “Tôi sớm nhận ra rằng đây là một nghề rất kỳ lạ. Thú vị, phấn khích, hấp dẫn, cô đơn, chán nản… tất cả những điều đó”. Ông quyết định học văn học Anh, chỉ trong một năm, tại trường Cao đẳng St Anne, Oxford, một phần để tìm ra con người mình khi không có “ma túy âm nhạc”. Ông tập trung vào các thi sĩ trừu tượng, James Joyce và WB Yeats, và tránh xa âm nhạc “trừ âm nhạc trên đồng hồ báo thức”. Nhưng Dàn nhạc giao hưởng Birmingham đã mời ông làm Giám đốc âm nhạc – một vị trí mà ông giữ từ năm 1980 đến năm 1998, và sẽ định hình vững chãi sự nghiệp của ông cũng như thay đổi đời sống âm nhạc ở Birmingham. Việc thử nghiệm một cuộc sống xa rời cái nghề “nghiện ngập” của ông đã kết thúc.
***
Một câu hỏi thường được đặt ra cho những nghệ sỹ lớn là làm thế nào họ duy trì được sự hứng thú khi liên tục biểu diễn cùng một kịch mục. Các bản giao hưởng của Gustav Mahler và các vở opera của Leoš Janáček đã luôn là món ăn thường trực trong cuộc sống của Rattle kể từ tuổi thiếu niên. Ông trích dẫn lời một người bạn thân, Vic Firth quá cố, nghệ sỹ timpani chính của Dàn nhạc giao hưởng Boston trong 46 năm. “Mọi người thường nói làm sao anh có thể chơi những bản nhạc này, hết lần này đến lần khác, với cùng niềm đam mê như vậy. Vic cũng là một tay buôn nghệ thuật lõi đời. Ông sẽ nói: ‘Này, nếu tôi có một bức tranh tuyệt vời trên tường, tại sao tôi lại không ngắm nó mỗi ngày, để có thể tận dụng nó tối đa?’” Hầu hết thời gian, Rattle chỉ huy theo trí nhớ. “Bạn không bao giờ có thể hoàn toàn biết được cái gì lưu lại và cái gì không. Một số tác phẩm được găm vào não tôi theo cách không bao giờ có thể mất đi. Với những tác phẩm khác, bạn nhìn và nghĩ, không hiểu sao mình dường như không biết đến thứ này. Gần đây, điều này đã xảy ra với [vở opera] Der Rosenkavalier của Richard Strauss, mà tôi biểu diễn rất nhiều khi còn ở tuổi đôi mươi tại Glyndebourne. Ngay cả khi bạn biết một tác phẩm, bạn vẫn có thể bị bất ngờ bởi những khía cạnh mình chưa từng để ý. Tôi cho rằng đó là định nghĩa của thứ nghệ thuật tuyệt vời.”
Một trong những người bạn của ông, tài tử Simon Callow, gần đây kể với tôi rằng cha mẹ Rattle đã từng kéo ông sang một bên để nhờ vả. “Họ rất lo lắng”, Callow nhớ lại. “Cô chú muốn cháu nói chuyện với Simon về một vấn đề nhạy cảm mà cô chú thực sự không thể nêu ra với nó” Đầu óc Callow bấn loạn khi nghĩ tới kết cục của việc này: “Cô chú muốn cháu bảo Simon đi cắt tóc”. Mái tóc của Rattle, đóng khung khuôn mặt theo kiểu thiên thần trong tranh Botticelli, đã khiến ông có thể được nhận diện cả ở bên ngoài giới nhạc cổ điển. Có cả các trang mạng xã hội về chủ đề này. Ông thấy chuyện Callow kể rất buồn cười nhưng cũng mang tính biểu thị. “Mẹ muốn tôi để tóc thẳng. Mẹ nghĩ như vậy trông chững chạc. Mẹ cho tôi đi học mỗi sáng với kiểu tóc rẽ ngôi lệch, chải thẳng và ép xẹp bằng nước. Dĩ nhiên chỉ được vài phút là mái tóc đã trở lại bình thường”.
***
Chúng tôi ngẫm ngợi về những điều tích cực đã làm phong phú thêm đời sống âm nhạc kể từ khi Rattle khởi nghiệp. Âm nhạc thời kỳ đầu –bất kỳ tác phẩm nào trước JS Bach (1685-1750) – đã trở thành một phần của danh mục biểu diễn. Các nhà soạn nhạc nữ, trong quá khứ và hiện tại, đã thúc đẩy một quy tắc đa dạng mới. Rattle luôn là người ủng hộ cái mới. Hai nhà soạn nhạc người Anh, George Benjamin và Mark-Anthony Turnage, đã viết các tác phẩm mới dành cho sinh nhật của Rattle.
Tuy nhiên, ông nuối tiếc trước sự suy giảm trong hỗ trợ đời sống âm nhạc ở Anh. “Tôi không biết trong những năm qua mình đã bao nhiêu lần nói khi trả lời phỏng vấn rằng đây là thời điểm thực sự khó khăn đối với nghệ thuật. Ngay cả ở Đức hiện cũng đang có khủng hoảng tài chính.” Vào tháng 11, chính quyền Berlin đã phê chuẩn cắt giảm 130 triệu euro (108 triệu bảng Anh) ngân sách văn hóa năm 2025 – giảm 12%. Tuần trước, nhà hát Komische Oper của thành phố đã hủy một kế hoạch dàn dựng với lý do thiếu kinh phí. “Ít nhất thì ở đây cũng có một niềm tin cơ bản vào hình thức nghệ thuật – đó là nhạc cổ điển. Nhưng đây là thời điểm rất khó khăn. Ở Anh, tôi hiểu khó khăn thế nào bởi đất nước này đã quen xoay xở với nguồn lực ít ỏi và làm những điều phi thường. Nhưng có một điểm tới hạn, một điểm khủng hoảng, nơi bạn không thể vượt qua. Bạn chỉ đơn giản là không thể làm nhiều hơn với ít nguồn lực hơn.”
Trên hết, Rattle bị sốc trước sự phá hủy mang tính hệ thống các đoàn opera của Vương quốc Anh. “Tôi kinh hoàng khi nghĩ rằng có những người tin, khi chẳng có bất kỳ khái niệm hay hiểu biết nào, rằng bạn có thể cứ phá vỡ hình thức nghệ thuật này rồi lại tái tạo nó. Chúng tôi theo dõi chuyện này và cảm thấy tồi tệ bởi cảm giác bất lực”. “Vậy ông có thể giải thích, một cách đơn giản, tại sao một đoàn opera cần một dàn hợp xướng thường trực và một dàn nhạc không? “Làm sao tôi có thể diễn đạt điều này bằng một cách rõ ràng được. Nói đơn giản, đây là một hình thức nghệ thuật, nó không phải chỉ là việc kết hợp một cách tùy tiện các nghệ sĩ solo với phần nhạc đệm. Dĩ nhiên là mọi thứ đều phải kết hợp với nhau và hiểu biết chung trong một dàn nhạc, dàn hợp xướng thường được tích lũy qua nhiều năm kinh nghiệm; đó là một kho báu vô giá. Nếu bạn muốn một thứ gì đó vận hành một hình thức nghệ thuật hữu cơ, tất cả các bộ phận phải sẵn có ở đó.”
Cuộc sống của ông ra sao ở tuổi thất thập? “Thật sáo mòn khi nói rằng âm nhạc giúp bạn trẻ trung. Tôi vẫn cảm thấy như ở tuổi thiếu niên, dù đầu gối tôi có thể có ý kiến khác. Tôi từng luôn nghĩ rằng sẽ đến một thời điểm thần bí nào đó khi sự thông thái ngự trị trong bạn. Điều này hoàn toàn không đúng. Tôi vẫn đang học các tác phẩm mới. Việc đó mất nhiều thời gian hơn. Tôi sắp chỉ huy vở The Excursions of Mr Brouček to the Moon của Janáček. Nó điên rồ hết mức. Rốt cục tôi cũng hiểu được nó. Và vẫn còn những tác phẩm tôi cảm thấy quá sức mình. Mass Si thứ của Bach, Missa Solemnis của Beethoven…” Ông chưa bao giờ biểu diễn hai kiệt tác sử thi này trong kịch mục ư? “Chưa. Chưa từng. Tôi sẽ biểu diễn chăng? Tôi sẽ phải xem đã… Chúng đáng sợ. lắm”. Chúng có thể khiến ngươi ta nản chí đấy. Trước mắt Rattle có viễn cảnh mà người ta cho là đáng sợ hơn, ấy là những tập mới nhất của Squid Game [Trò chơi con mực], bộ phim kinh dị sinh tồn phản địa đàng của Hàn Quốc, mà ông đã hứa sẽ xem cùng các con vào Ngày tặng quà. Ông biết bổn phận của mình nằm ở đâu.
Ngọc Anh dịch
——–
* Fiona Maddocks là cây bút phê bình âm nhạc của tờ Observer. Bà cũng là tác giả các cuốn sách: Hildegard of Bingen: The Woman of Her Age, Harrison Birtwistle: Wild Tracks, Music for Life and Goodbye Russia: Rachmaninoff in Exile.
Bài đăng Tia Sáng số 6/2025