Nhạc và lễ

Cách đây hơn chục năm, khi sách còn chưa được in nhiều và đẹp như bây giờ, để tìm và mua được cuốn sách quí thật là khó. Một chiều muộn mùa hè trời còn nắng, tôi đạp xe xuống cuối phố Bà Triệu nơi có hiệu sách nhỏ nằm phía tay phải nhìn ngay ra đường, bên trong là những bộ giá gỗ vừa dày vừa nặng đựng sách, cả bốn mặt tường toàn là sách cao hút lên trần. Anh chủ nhà tóc búi tó bình thản ngồi pha trà, trầm ngâm hút thuốc. Tôi thì lúc cúi người, khi ngồi xổm, rồi mượn ghế đẩu bắc lên cao ngó sách, ở gần trên cùng có một quyển khổ nhỏ, bìa vàng nhạt, giấy thô đã ngả màu, tôi với tay đỡ xuống thì nhận ra cuốn "Vũ Trung tùy bút" của Phạm Đình Hổ, Nhà xuất bản Văn học 1972, trên gáy dán tem nhỏ ghi chữ V.22418, có lẽ nó xuất xứ từ thư viện hay tủ sách cá nhân nào đó.

Phạm Đình Hổ, tự là Tùng Niên, hiệu Đông Dã Tiều, người làng Đan Loan, huyện Đường An, tỉnh Hải Hưng (cũ, nay là tỉnh Hải Dương). Ông có nhà riêng ở phường Hà Khẩu, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức thuộc thành Thăng Long, tức là phố Hàng Buồm ngày nay, nơi xưa kia nhiều dân làng Đan Loan di cư ra kinh đô làm nghề thợ nhuộm. Ông sinh năm 1768 trong gia đình khoa bảng, cha đậu cử nhân làm Hiến sát Nam Định sau thăng lên Tuần phủ Sơn Tây dưới triều vua Lê Cảnh Hưng (1740-1786). Từ nhỏ Phạm Đình Hổ đã có khiếu văn chương, ham đọc, hay viết: “… sau này trưởng thành mà được lấy văn thơ nổi tiếng ở đời để cho người ta biết là con cháu nhà nọ, nhà kia, chí tôi chỉ muốn như thế mà thôi..” (trích Tự thuật). Xung quanh chuyện ông làm quan, viết văn, nhiều người còn ngờ ông chính là Chiêu Hổ người thường xướng họa với nữ sĩ Hồ Xuân Hương, tuy không tìm thấy bằng chứng cho giai thoại ấy. Vũ Trung tùy bút (Viết trong những ngày mưa – bản dịch của Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến) như tiêu đề của nó, là một tập ghi chép, tản văn, nặng về sưu tầm nghiên cứu. Trong số hơn năm mươi đầu mục, tôi quan tâm đến các phần “Bàn về Âm nhạc” và “Bàn về Lễ”.

 
 Nhạc sỹ vùng quê

Nhiều người, ngay cả trong giới chuyên nghề âm nhạc, từng cho rằng người Việt xưa đã có những hình thức âm nhạc (chuyên dùng cho) nghi lễ. Tìm trong Vũ Trung tùy bút, mục “Bàn về Lễ”, trang 60, có viết: “… lễ là tiết văn của phép trời, phép tắc của việc người, phàm những điều nhân sinh vận dụng làm ra đều có phép tắc, đấng thánh nhân mới theo thứ tự mà bày ra hình thức, chẳng một lễ nghi gì không hợp với lẽ thiên nhiên…”, và “… có bốn lễ: Quan, Hôn, Tang, Tế, hợp với một thiên thông lễ nữa là năm thiên, giải thuyết rõ ràng, giản dị, hơn cả mọi nhà…”. Về việc Quan, thì “… từ năm Hồng Đức nhà Lê (1470-1497), trên có vua Thánh Tông là bậc công minh, lại có các quan đại thần là Thân Trân Trung, Đỗ Nhuận, Lương Thế Vinh, là bậc học vẫn uyên thâm, làm quan tại triều, mới kê cứu âm nhạc Trung Hoa hiệp vào quốc âm ta, đặt hai bộ Đồng Văn và Nhã Nhạc. Bộ Đồng Văn thì chuyên tập âm luật để hòa nhạc, bộ Nhã Nhạc thì chuyên chuộng nhân thanh, trọng về tiếng hát, đều thuộc về quan Thái Thường coi cả…” (Vũ Trung tùy bút, trang 54). Tuy cho tới nay hầu như không tìm được tư liệu nào về hai bộ âm nhạc trên, và theo ghi chép thì chúng có gốc từ vương triều Trung Hoa, một số nhà nghiên cứu đã cho rằng Đồng Văn và Nhã Nhạc là hai bộ nhạc lễ đầu tiên được chính thức sử dụng trong triều đình phong kiến Việt Nam (kinh đô Thăng Long) từ đầu thế kỷ 15, trong khi Đồng Văn là bộ nhạc hòa tấu (nhạc không lời), thì Nhã Nhạc thiên về giọng hát và hòa với tiếng hát. Tuy nhiên, tra phần âm nhạc trong bộ An Nam Chí Lược, lại thấy ghi từ đời nhà Trần (thế kỷ 13) đã có hai dàn Đại Nhạc và Tiểu Nhạc thường chơi vào những dịp lễ và hội trong triều, Đại Nhạc chuyên về hòa tấu nhạc cụ (nhạc không lời, dùng nhiều kèn, trống) trong khi Tiểu Nhạc nhẹ nhàng hơn thiên về phần hát (sử dụng sáo và các đàn dây gảy), và liên tục từ đó cho tới khi nhà Nguyễn dời đô vào Huế, đầu thế kỷ 19, các dàn Đại Nhạc và Tiểu Nhạc vẫn được coi là âm nhạc chính thống cung đình, không thấy nhắc đến hai hệ Đồng Văn và Nhã Nhạc vốn du nhập từ Trung Quốc. Các dấu vết của các bộ Đại Nhạc và Tiểu Nhạc, từ hệ thống bài bản và cấu trúc dàn nhạc cho đến thành phần nhạc cụ, còn lưu lại đến ngày nay và đang được phục hồi tại Huế. Nhiều nhà nghiên cứu đã coi hai bộ Đại Nhạc và Tiểu Nhạc là thành phần chính của âm nhạc cung đình triều Nguyễn và đề nghị gọi chung là Âm nhạc Cung đình Huế, thay cho chữ “Nhã Nhạc” (du nhập từ Trung Quốc và Nhật Bản) dường như gần với bộ Tiểu Nhạc, hơn là dùng để chỉ hệ thống Âm nhạc Cung đình hiện nay. Và bản thân những lão nghệ nhân vốn đã từng chơi trong dàn nhạc Cung đình Huế những năm đầu thế kỷ 20, nay đã qua tuổi 80, vẫn gọi là hai bộ Đại nhạc và Tiểu nhạc, chứ không thấy nhắc đến chữ “Nhã Nhạc” bao giờ…
Sau việc Quan, các việc Hôn (hôn lễ), Tang (tang lễ), Tế (tế lễ) đều xếp vào hàng dân gian, từ trước đời nhà Lê (thế kỷ 15) đã hình thành những Giáo Phường chuyên cai quản âm nhạc chốn dân gian, gọi chung là Tục Nhạc. Trải qua thời gian, các hình thức tục nhạc (chuyên dùng cho) việc Hôn và việc Tang đã thất truyền, không còn dấu vết. Có chăng chỉ là những câu chuyện kể, ví như mỗi khi làng tổ chức hôn lễ, thì tùy theo từng địa phương mà chơi dân nhạc của nơi đó, như tấu Chèo, Quan họ, Trống quân ở hầu hết các vùng thuộc đồng bằng Bắc bộ, kết hợp với các trò diễn và trò chơi dân gian. Việc tang lễ có phần hơi khác, tương truyền thì làng chỉ tổ chức tang lễ có nhạc đưa tiễn mỗi khi có cụ (cao tuổi) về với tổ tiên, âm nhạc có trích từ hệ thống cung đình, nghiêm trang nhưng không sầu não. Dấu vết còn lại của nhạc tang lễ (quen gọi là nhạc đám ma) tới ngày nay, là cây kèn “Bầu” (quen gọi là kèn đám), bộ trống Bùng binh kèm tiếng đàn Hồ chậm rãi, tuy làn điệu không còn như xưa nữa..
Âm nhạc cho Tế cũng xếp vào hàng Tục Nhạc, tùy theo địa phương mà dùng loại nhạc tế khác nhau. Tương truyền xưa kia, các dịp tế lễ vẫn sử dụng một phần Nhạc Cung Đình, như các dàn kèn, trống và hệ thống bài bản Hành Vân, Lưu Thủy dành cho dàn nhạc hòa tấu vẫn còn phảng phất tới ngày nay. Cho tới cuối thế kỷ 19 ở miền Bắc, một nhánh của lối Hát Ả Đào (tức Ca trù) là Hát Cửa Đình vẫn còn chuyên dùng phục vụ tế lễ, nhưng hiện đã thất truyền. Ngày nay, âm nhạc tế lễ chủ yếu thuộc hệ Chầu Văn (tức Hát Văn, phổ biến trong các dịp cầu chúc, đình đám, và Hầu Đồng, còn gọi là Lên Đồng). Hát Văn ngày nay phổ biến khắp các miền Bắc, Trung, Nam, trở thành loại hình ca-nhạc tín ngưỡng chủ yếu của người Việt. Ở miền Trung, đặc biệt là Huế, một phần trong hệ nhạc Phật giáo, cũng được dùng cho những dịp tế, lễ, hội hàng năm..
Âm nhạc là nghệ thuật của âm thanh, khác với hội họa, điêu khắc, kiến trúc… ở chỗ nó dường như vô hình, âm nhạc cổ truyền không chỉ của riêng người Việt, mà của toàn bộ các dân tộc trên thế giới này, đều chỉ được lưu giữ (nếu còn) dưới dạng truyền khẩu, những câu hát, ngón đàn truyền trực tiếp từ người này sang người khác, từ đời này sang đời khác, bởi vậy nó cũng bị thay đổi theo sự biến chuyển của từng dân tộc, của từng tộc người, tùy theo sự chuyển của tập quán, tâm lý, thói quen, và tùy thuộc vào thời gian trôi, bởi vậy sự thay đổi, thất truyền, hay biến mất của một loại hình nhạc cổ nào đó là không thể tránh khỏi
 


 Hát bội
 
Đoàn nhạc sỹ

Từ thế kỷ 18, cụ Phạm Đình Hổ đã viết: “… khoảng năm Cảnh Hưng, phường hát Chèo bội mới pha thêm lối Tuồng, cũng đóng vai trò vẽ mặt ra múa hát đùa cợt, không khác gì ở hí trường. Các nhà tang gia hay đua nhau mượn phường Chèo đóng Tuồng để khoe khoang…, đến năm Canh Tuất (1790) lại thấy dân gian bày trò Hát Bội ấy. Các con nhà lương gia tử đệ có người bỏ cả chức nghiệp đi theo học hát, khăn áo dáng bộ như đàn bà, thường khi ở nhà cũng nghêu ngao tập hát Chèo, trước mặt khách cũng không thẹn thò gì cả. Lại còn trò đánh bạc trọi gà sinh ra nhan nhản. Tập tục đến thế thật đáng buồn!” (trích Vũ Trung tùy bút, mục Bàn về Âm nhạc, trang 57). Thế mới thấy những sự thay đổi diễn ra hàng ngày hàng giờ, đời sau khác đời trước, nhiều khi cố công tìm cái “cổ” (cổ truyền), nhưng khó biết được cái “cổ” nào là.. “cổ thật” nữa…
Cuối mùa đông, tôi viết vội mấy dòng…

Vũ Nhật Tân 
Nguồn tin: Tia Sáng

Tác giả

(Visited 11 times, 1 visits today)