Nhận diện lại tính cách người Việt

Nếu quan sát dư luận xã hội ở Việt Nam thể hiện trên báo chí trong những năm gần đây, có thể nhận thấy một nhu cầu có thật của người Việt. Dẫu biểu hiện có thể khác nhau, thậm chí đối lập, nếu như ở nơi này là những diễn đàn như “Nước Việt Nam to hay nhỏ” hay ở nơi khác là những chuyên mục như “Thói hư tật xấu” của người Việt, thì có lẽ cũng chỉ là biểu hiện của cùng một nhu cầu bức thiết: nhìn nhận lại về mình. Cuối tháng 11 vừa qua, tòa soạn Tia Sáng đã tổ chức một cuộc tọa đàm về Tính cách người Việt? với sự tham dự của một số nhà nghiên cứu, nhà khoa học, văn nghệ sĩ là công tác viên của tạp chí: Giáo sư Hoàng Tụy, nhà thơ Lê Đạt, nhà văn Nguyên Ngọc, các nhà khoa học, nhà giáo Trần Ngọc Vương, Đỗ Lai Thúy, Phạm Duy Hiển, Phạm Duy Nghĩa, Lại Nguyên Ân, Nguyễn Quang A...

Vấn đề tòa soạn đặt ra đã nhận được sự tán thành của những vị khách mời tham dự tọa đàm. Giáo sư Hoàng Tụy cho biết từ lâu, qua kinh nghiệm giảng dạy, ông đã nhận thấy một số đặc điểm có tính hạn chế chung của nhiều thế hệ học trò: thiếu một khả năng đào sâu trong tư duy, thiếu đầu óc tưởng tượng, thiếu khả năng kiên trì, đi đến cùng trong những tham vọng đạt đến bằng được những thành tựu đỉnh cao. Kinh nghiệm đó buộc ông phải suy nghĩ đến những hạn chế trong tính cách của người Việt nói chung. Kinh nghiệm này của Giáo sư Hoàng Tụy cũng được ông Trần Ngọc Vương cùng chia sẻ. Ngay từ khi mới bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy lịch sử quốc văn ở bậc đại học, ông đã đặt ra mục tiêu tìm hiểu đặc điểm phong cách tư duy của người Việt, nhận chân chân dung tinh thần của người Việt. Mục tiêu đó đã đươc hiện thực hóa thành nhiều công trình nghiên cứu mà theo cảm nhận của cá nhân ông là có sự cộng hưởng trong xã hội. Từ góc nhìn khác, nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy cho rằng ẩn sâu trong tâm lí của dân tộc Việt, thể hiện qua kho tàng folklore, có một thứ tâm lí nguy hiểm của người Việt tự ảo tưởng về chính mình và khả năng thành công của chính mình. Tâm lí đó thể hiện qua những câu chuyện về những ông Trạng chân đất, những ông Trạng Lợn, Xiển Bột là rất rõ. Tất nhiên, tâm lí đó không phải chỉ có ở riêng người Việt nhưng điều đó càng có nghĩa là chúng ta phải nhận thức lại về chính mình.
 

Như vậy, rõ ràng nhu cầu nhận thức lại về chính mình là một nhu cầu có thật đối với người Việt trong hoàn cảnh hiện nay. Nhà văn Nguyên Ngọc đã so sánh hoàn cảnh của Việt Nam ngày nay với một thế kỉ trước, thời điểm những phong trào Duy tân diễn ra. Ở cả hai thời điểm, Canh tân và Phục hưng dân tộc đều là những yêu cầu có tính cách sống còn. Và trong cả hai thời điểm, vấn đề tự phê phán luôn là một trong những vấn đề có tính cách xương sống. Ông cũng cho rằng cần nhất thiết phải “đánh đổ” một tâm lí coi việc nói về những nhược điểm của chính dân tộc mình như một điều cấm kị. Với quan niệm trước hết, cần phải làm một cuộc “tổng kiểm kê” tất cả mọi đặc tính của người Việt một cách khách quan và lạnh lùng nhất,  TS.Nguyễn Quang A nhìn nhận công việc của những người như ông Vương Trí Nhàn tìm kiếm “thói hư tật xấu” của người Việt là một việc làm có ý nghĩa.
Cũng cần phải nhắc lại là quá trình nhận thức lại những đặc tính của người Việt cũng là một công việc được nhiều vị học giả, nhà nghiên cứu tiền bối có toan tính hoặc đã thực sự thực hiện. Trong những người này, có thể kể đến cố Giáo sư Trần Quốc Vượng, cố Giáo sư Cao Xuân Hạo và đặc biệt, cố Giáo sư Trần Đình Hượu với công trình Đến hiện đại từ truyền thống. Tuy nhiên, từ đây, vấn đề đặt ra là công việc này cần phải được tiến hành như thế nào. Nhà nghiên cứu Trần Ngọc Vương cho rằng cần phải tìm hiểu vấn đề trong chiều sâu chứ không phải chỉ là những vấn đề manh mún, vụn vặt. Không thể chỉ thỏa mãn với việc liệt kê những sự kiện, với những nhận xét, dù hết sức thuyết phục và hấp dẫn về tính cách người Việt. Phải giải thích và cắt nghĩa tất cả những biểu hiện đó. Quan điểm của ông Vương đã nhận được sự tán thành của tất cả các vị khách mời. Không những vậy, theo nhà văn Nguyên Ngọc một trong những yếu tố quan trọng nhất để tìm hiểu tính cách người Việt là cần phải nhận thức lại lịch sử. Sau một thời gian dài chiến tranh với yêu cầu tuyên truyền được đặt lên hàng đầu, ngày nay, lịch sử Việt Nam cần phải được viết lại, viết lại không có nghĩa là “viết ngược” mà là viết đúng hơn, gần hơn với sự thật lịch sử, khách quan, khoa học hơn. Từ một phía khác, theo quan điểm của nhà thơ Lê Đạt cho rằng cần phải thấy đặc tính dân tộc là một tiềm năng và có tính động. Những gì hôm qua là tích cực thì lại có thể là tiêu cực với ngày hôm nay. Cần phải sống vì cái hiện tại, cái tương lai chứ không phải vì quá khứ.
Từ xuất phát điểm có tính định hướng nói trên, các nhà nghiên cứu đã quay lại với vấn đề những yếu tố chi phối đặc tính dân tộc Việt. Nhà nghiên cứu Trần Ngọc Vương cho rằng trong hai trục tồn tại và phát triển, toàn bộ lịch sử Việt Nam chủ yếu chỉ xoay quanh trục tồn tại. Những thành tựu lớn nhất của người Việt trong lịch sử đều liên quan đến việc khẳng định và bảo vệ sự tồn tại. Với vị trí địa lí đặc biệt, đối với người Việt, tồn tại được đã là một kì tích và đòi hỏi một phẩm chất cao quý. Đó là một yếu tố mà bàn đến tính cách Việt phải tính đến. Thế nhưng, chính vì nhu cầu tồn tại luôn được đặt lên hàng đầu nên những hạn chế của tính cách người Việt đều tập trung vào mệnh đề phát triển.
Một số vị khách mời tuy đồng thuận với luận điểm của ông Vương nhưng cho rằng đó không phải là nguyên nhân duy nhất. Theo ông  Đỗ Lai Thúy, một trong những đặc điểm lịch sử quan trọng tạo quyết định những đặc điểm của tính cách người Việt đó chính là sự tồn tại dai dẳng trong lịch sử của xã hội tiểu nông. Ngay từ yếu tố địa lí, hệ sinh thái tiền sử Đông Nam Á mà trong đó có Việt Nam là hệ sinh thái phổ tạp, có mọi thứ nhưng mọi thứ đều manh mún. Từ đó dẫn đến sự xuất hiện sớm và sự tồn tại kéo dài của tính cách tiểu nông cở sở của chế độ quân chủ chuyên chế. Trong hoàn cảnh xã hội hiện nay, đề cao các giá trị của văn hóa làng xã cũng chính là một cách duy trì và đề cao những giá trị tiểu nông và trên một phương diện nào đó đã dung dưỡng những tính xấu của người Việt.
Từ ý kiến của GS. Phạm Duy Hiển về những đặc điểm lịch sử chi phối sự hình thành tính cách dân tộc, bắt đầu từ, buổi tọa đàm mở rộng sang vấn đề hệ quả của sự tồn tại kéo dài của các chế độ có tính cách chuyên chế trong lịch sử Trung đại Việt Nam đối với sự hình thành và phát triển của giới trí thức. Theo ông Trần Ngọc Vương trong bốn loại hình nhà Nho chính (nhà tư tưởng, học giả, ông quan và người nghệ sĩ), lịch sử phát triển của Nho giáo Việt Nam thiếu vắng gần như hoàn toàn hai loại hình đầu tiên. Từ đây, đặt ra vấn đề những thiếu hụt có tính lịch sử của tầng lớp trí thức ở Việt Nam và những tác động nhiều mặt của nó đến sự phát triển của xã hội.
Những khách mời cuộc tọa đàm đều cho rằng trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào quá trình toàn cầu hoá, đây là một vấn đề quan trọng cấp thiết và cần có sự trao đổi của nhiều tầng lớp xã hội trên diễn đàn của Tia Sáng.

PV.

Tác giả

(Visited 8 times, 1 visits today)