Nhiều biển nhưng “máu” đất vẫn nặng

Nhân sự việc ngư dân Quảng Ngãi đổ xô trục vớt cổ vật từ con tàu đắm do họ tình cờ phát hiện mới đây trong lúc mò hải sản, TS Nguyễn Thị Hậu - Viện phó Viện nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh, cũng là một nhà khảo cổ học, có cuộc trò chuyện về khảo cổ học biển đảo.

Là người trong ngành, chị nghĩ gì về sự việc ngư dân Quảng Ngãi tranh nhau lặn biển lấy đồ cổ?

Phần lớn những con tàu đắm đều do ngư dân làm ăn bám biển phát hiện ra. Đến nay mình đã khai quật được năm con tàu đắm ở vùng biển Việt Nam. Dù là khảo cổ dưới nước hay trên bờ, quan trọng là nghiên cứu di tích cả nơi đó chứ không chỉ là moi được cổ vật đem lên.

Trên báo, một vị lãnh đạo Viện Khảo cổ đã trả lời phỏng vấn là do “Ba không” (không tiền, chuyên gia, máy móc) nên khảo cổ học dưới nước chẳng thể đáp ứng gì. Chị thấy có đúng không, những khó khăn ấy thì ngành nào chả có?

Riêng với khảo cổ học dưới nước là đúng… Hiện nay khai quật trên bờ vẫn dùng sức người là chính. Máy móc chủ yếu ở phòng thí nghiệm, ít có ở hiện trường. Mà khảo cổ dưới nước không có tàu và máy móc chuyên dùng thì không làm gì được cả.

Nhưng ngư dân chỉ “lặn vo” cũng xuống tha hồ vớt lên được đồ gốm sứ cổ đó thôi?

Thế mới làm vỡ bao đồ gốm, phá hỏng bao nhiêu di tích. Không phải nước nào có nhiều biển cũng phát triển được khảo cổ học dưới nước vì khi đầu tư người ta phải nghĩ tới hiệu quả, lợi nhuận. Tôi được biết một số quốc gia ven Địa Trung Hải đã đầu tư lớn để nghiên cứu khảo cổ những đô thị cổ xưa chìm dưới nước. Không phải là “khai quật” bê chúng lên bờ, mà họ trùng tu, bảo dưỡng rồi đặt trở lại vị trí cũ của nó dưới biển, giữ nguyên hiện trường khảo cổ để khai thác du lịch, một nguồn thu vô tận. Một số quốc gia Đông Nam Á cũng phát hiện nhiều tàu đắm, họ thuê công ty trục vớt. Nước mình không có chuyên gia đi liền với máy móc, phương tiện mới.

Đất nước ta nhiều biển đảo, nhưng gần đây do phải đấu tranh chủ quyền người dân mới hiểu biết sâu sắc… Đây có là vùng quan tâm mới của khảo cổ học không?

Phải tiếp tục quan tâm hơn nữa cho xứng tầm vấn đề. Nghiên cứu làng biển, văn hóa ven biển, các đảo Việt Nam… Khi nói văn hóa Việt, chúng ta chỉ nhấn mạnh văn minh lúa nước. Mình nghiên cứu biển quá chậm. Nếu nghiên cứu lịch sử, người Việt di dân vào Nam, mang theo văn hóa sông Hồng, văn minh lúa nước nhưng đã có sự biến đổi, “tâm thức biển” đã khác so với đồng bằng sông Hồng. Ngay về ẩm thực cũng biểu hiện văn hóa vùng miền. Trong các món ăn lâu đời mang tính truyền thống của người miền Trung, miền Nam, đồ biển, tôm cá rất thịnh hành. Trong khi ngày xưa ở Bắc, mực khô cá khô là đặc biệt. Cá tươi chê tanh. Có lẽ chỉ có một hải sản “vua” là cua bể vào được ẩm thực cả ba miền, tham gia được vào mâm cỗ truyền thống miền Bắc (xưa kia cỗ có nem cua bể là sang). Văn hóa cư dân ven biển đóng góp cho văn hóa Việt, từ cách thức sinh hoạt làm ăn trên biển cho đến tâm thức họ gắn bó với biển chả khác nào người nông dân gắn bó với đất. Khai thác biển sẽ khó khăn nếu không có chiến lược như khai thác đất.

Nước ta nhiều biển, vậy mà sao nghề biển cũng như mọi thứ liên quan đến biển đều phát triển chậm?

Đúng là chưa có đầy đủ điều kiện nghiên cứu văn hóa biển. Thời kỳ chiến tranh, chỉ nghiên cứu những gì có trong tầm tay, trong đất liền. Nhược điểm chung: “máu” đất vẫn nặng. Văn hóa truyền thống đồng bằng Bắc Bộ chi phối. Ngay lứa người khai sáng nghiên cứu lịch sử – văn hóa cũng chỉ có được vài vị để ý biển, phát hiện vấn đề, đánh động cần nghiên cứu biển như các vị: Cao Xuân Phổ, Trần Quốc Vượng, Phạm Đức Dương… Xã hội vẫn phổ biến tâm thức đồng bằng. Nhiều câu hay nói như “Vững tay chèo ra biển lớn”, “Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn” dù là “quyết tâm chính trị” hay để ví von, vẫn lộ ra một tâm thức không coi biển là biển, mà dường như biển vẫn mang dáng vẻ của cái ao (làng).

Xin cảm ơn chị.

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)