Nhớ Anh – Một nhà văn hóa
Tôi biết tin nhà thơ Lê Đạt qua đời khi đang lướt trang web của BBC, hãng thông tấn nhanh nhạy nhất thế giới. Thật không thể tin vào mắt mình ! Chưa hề nghe tin anh ốm đau mà anh đã đột ngột ra đi, để lại bao nỗi thương tiếc cho chúng tôi, loại đàn em của anh. Mới hôm nào vừa gặp anh trong buổi liên hoan tất niên của tạp chí Tia Sáng, lúc ra về còn có dịp may mắn đi cùng và trò chuyện với anh mấy phút; lúc chia tay anh cười “Về nhé!”.Không ngờ đây là lần cuối cùng tôi được thấy nụ cười giản dị, chân thành không ai có thể quên của anh.
Tôi được may mắn quen nhà thơ là nhờ anh Văn Thành. Hồi đó anh Thành giới thiệu anh viết giúp tôi lời tựa bản dịch cuốn “Võ Sĩ Đạo – Linh hồn Nhật Bản”. Thi sĩ Lê Đạt tôi biết tiếng và hằng hâm mộ từ thời Nhân văn-Giai phẩm, ở trong một căn phòng chừng 6 mét vuông trên gác ba nhà số 9 phố Lãn Ông. Tôi không thể tưởng tượng anh có thể sống và sáng tác trong điều kiện như vậy. Ngoài cái giường đơn và một chiếc bàn nhỏ, khoảng trống còn lại xếp đầy những bao giấy chất cao đến tận trần nhà (tầng trệt là cửa hiệu bán giấy vệ sinh). Thế mà anh vẫn vui tươi, thân mật trò chuyện với tôi khá lâu dù là lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau và tôi chỉ là loại tép riu so với anh, một nhà thơ nổi tiếng về tài nghệ và nhân cách. Thỉnh thoảng anh cười ha hả, đọc thuộc lòng mấy câu tiếng Pháp của các danh nhân. Một con người thực sự trí tuệ – tôi nghĩ. Lần sau đến đây, anh đưa cho tôi lời tựa của anh viết trên mặt sau một tờ lịch bloc khổ to. Bài viết rất ngắn, chữ to, nét chữ nguệch ngoạc, không một chỗ sửa chữa – lối viết của những bậc thầy trong nghề văn, hạ bút một lần là xong. Tôi đọc đi đọc lại, thấy không một chữ nào thừa; chữ nào cũng có sức nặng, để lại cho người đọc sự khâm phục một tài năng. Không ai có thể viết hay hơn, súc tích hơn ! Tôi rụt rè hỏi, sao anh viết hay thế ? Anh cười: Mình nghĩ mãi rồi mới viết. Thế đấy, lao động của một tài năng đâu phải thứ dễ dàng mà có. Sau này thấy anh tự nhận là “Phu Chữ”, tôi càng hiểu sự khiêm tốn của một thiên tài. Anh cũng như cụ Nguyễn Tuân, là bậc thầy về ngôn từ tiếng Việt; chỉ khác là cụ Nguyễn viết văn xuôi, còn anh vừa viết văn vừa làm thơ.
Giờ đây mỗi lần nhớ đến Anh, tôi càng thấm thía lời của Văn Thành: anh Lê Đạt là một nhà văn hóa.
Giờ đây mỗi lần nhớ đến Anh, tôi càng thấm thía lời của Văn Thành: anh Lê Đạt là một nhà văn hóa.
Nguyễn Hải Hoành
(Visited 1 times, 1 visits today)