Nho sinh, vua quan và kẻ sỹ (bài 2)

Do văn hóa đô thị không phát triển, Nho sinh, kẻ sỹ – tầng lớp trí thức ở Việt Nam chủ yếu xuất thân từ nông thôn và nông dân, và họ cũng dễ dàng gia nhập đội ngũ quan lại, trong khi những người xuất thân từ thị dân, nếu có đi học cũng ít trở thành quan lại.

Đây là một nét đặc biệt trong lịch sử quan liêu Việt Nam, mà người ta phải nghiên cứu nhiều hơn, rằng quan lại xuất thân từ nông dân có thể chăm lo hơn đến đời sống người nông dân chiếm đa số và quyết định kinh tế nông nghiệp, nhưng hầu như đứng ngoài sự phát triển của nghệ thuật và không có xu hướng mở cửa đất nước.

Lạc đệ viễn quy lai
Thê tử bất giác hỷ
Hoàng khuyển độc hữu tình
Đương môn ngọa dao vỹ.

Đi thi hỏng trở về
Vợ con mặt không vui
Chó vàng riêng có tình
Nằm giữa cửa vẫy đuôi.
(Lều chõng – Ngô Tất Tố)

Một đứa trẻ ra đời là niềm hạnh phúc của mọi gia đình Việt Nam xưa, nhất là trong điều kiện y tế lạc hậu thiếu thốn, hữu sinh vô dưỡng rất nhiều. Trong hàng trăm đứa trẻ trong làng, năm bảy đứa thông minh được đưa đến cho ông đồ địa phương dạy học. Con gái nhà giàu cũng có thể được học chữ, nhưng không bao giờ được tham gia thi cử; nếu thợ thủ công, nhà buôn muốn cho con cái đi học và thi cử thì phải từ bỏ giai tầng công thương đó và quay lại làm ruộng, trở thành nông dân. Khi các đô thị phát triển, từ thế kỷ 17 – 19, thị dân chủ yếu thuộc giai tầng công thương cũng có thể đi thi, điều này cho thấy, quy định về người thi cử xưa không chặt chẽ lắm.

Những nhà giàu thường góp tiền, mời ông đồ về nhà dạy học cho trẻ con, và về nghĩa đen, người ta nói rằng đứa trẻ này học hết chữ của thầy. Vốn là chữ Hán có lượng từ cần nhớ mặt chữ nhất định, trong khoảng 3 – 7 ngàn từ là đọc được sách cơ bản, 10 ngàn từ là có thể thi đỗ trạng nguyên, các ông đồ (thầy giáo) phân biệt trình độ cũng dựa trên cơ sở này: ai biết nhiều chữ hơn, sau đó thuộc kinh sách hơn, biết phân tích kinh sách hơn, và biết làm thơ làm văn. Một người đi học cũng phải đi theo lịch trình đó: biết chữ, kinh sách, làm văn thơ, ngoài ra không cần kiến thức gì khác. Rõ ràng với lối học như vậy, kẻ sỹ hầu hết là những người xa lạ với kiến thức kinh tế, ít thực tế xã hội, các kinh sách họ cần thuộc lòng đều xuất xứ từ Trung Quốc từ hơn 1.500 năm về trước (tùy theo thời), nói chung là ít tính cập nhật.

Sau khi thi đỗ làm quan địa phương, việc chính của họ là đốc thúc thu thuế cho nhà nước, dựa trên bộ luật của triều đình xử lý các vụ việc địa phương vốn không nhiều (chủ yếu là tranh chấp đất đai). Quan lại thực ra rất nhàn, nếu không làm được, sợ trách nhiệm, họ đẩy việc lên quan trên, quan trên lại đẩy lên quan trên nữa, và rất có thể nhiều việc vặt vãnh đưa đến tận tay ông vua.

Từ năm, bảy tuổi, đứa trẻ được đi học. Những đứa trẻ nhà nghèo nhưng thông minh sẽ được cả họ góp tiền nuôi đến khi đi thi, và nó sẽ phải cố gắng đỗ đạt để sau khi làm quan còn trả nợ dòng họ bằng lợi thế địa vị của mình. Thoạt tiên thầy đồ sẽ dạy nó lễ nghĩa, chào mời, hầu hạ trà – thuốc – rượu cho thầy, mài mực, quét nhà, đóng quyển và ăn ở tốt với đồng học, nếu sai trái, thầy sẽ đánh đòn – cái này gọi là Tiên học lễ, Hậu học văn, và Yêu cho roi cho vọt / Ghét cho ngọt cho bùi – sau đó mới được học chữ. Sau mười năm, lưng vốn kha khá, nó có thể ứng thí (đi thi); có đứa thông minh hơn thì 13, 14 tuổi đã đi thi – khoa cử xưa không hạn chế tuổi ứng thí, nhưng nếu trẻ quá thì có thể bị đánh trượt cho bớt kiêu ngạo, để khoa sau sẽ lấy. Sau khi có chữ, không phải tất cả đều đi thi, hoặc thi xong thì đều đỗ, số người biết chữ tự nhiên gia nhập đội ngũ kẻ sỹ, tham gia dạy học, làm thầy thuốc, thầy địa lý, thầy bói, ông sư, ông từ, thầy phù thủy, đạo sỹ… Tóm lại, tất cả các nghề liên quan đến chữ nghĩa tinh thần đều được gọi là thầy, trên nguyên tắc kẻ sỹ chỉ là nhà Nho. Quan lại cũng kính nể họ, bởi vì ngày nào đó kể cả ông vua cũng phải xem bói, nhờ thầy địa lý đặt mồ mả.

Đối với nhiều người, quá trình đi thi diễn ra cả đời, như trường hợp nhà thơ Tú Xương dự thi đến tám khoa mà vẫn trượt. Trừ những khoa ân thi đột xuất, thì cứ ba năm một khoa, nếu thi trượt ba năm sau mới có cơ hội làm lại. Có gia đình, con đã đỗ làm quan mà bố vẫn còn lều chõng đi thi. Thi đỗ thì mở vinh dự cả họ, mát mặt cả làng; thi trượt thì cay đắng không để đâu cho hết, cái nỗi cay đắng ấy còn đeo đẳng cho đến đứa trẻ và gia đình người Việt ngày nay. Bao giờ gột sạch được tâm lý bị điểm kém và thi trượt cũng là bình thường, thì học thức của người Việt mới có cơ tiến bộ.

Tam giáo Nho, Lão, Phật và việc xuất xử là quan trọng với xã hội xưa. Xử có nghĩa là ra làm quan, giúp vua trị nước, trổ tài kinh bang tế thế. Xuất có nghĩa là lui về quê, lên núi đi ở ẩn, lánh xa cuộc đời ô trọc, biến mình thành tiên Phật giữa cuộc đời trần tục. Tam giáo vào Việt Nam từ đầu Công nguyên, nhưng một ngàn năm sau mới ảnh hưởng tới hệ chính trị và tư tưởng. Giới Nho sinh kẻ sỹ không xuất hiện trước thời Lý, vai trò lãnh đạo xã hội lúc đó thuộc về các thủ lĩnh quân sự và ít nhiều là giới sư tăng vào cuối thế kỷ 10. Tuy nhiên cái mô hình cát cứ phong kiến và các tiểu quốc trong một quốc gia của Đông Nam Á có những nhược điểm mà phong kiến Việt Nam không muốn theo, họ muốn có một nhà nước mạnh tập quyền và tìm thấy sức mạnh ấy ở Nho giáo, một thứ đạo trị quốc có tính chính trị mà Phật giáo không có. Tất cả các đệ tử của Khổng Tử đều sẵn sàng làm quan và biết làm quan, chứ các vị sư sãi và đạo sỹ thì không thể. Nho giáo nhanh chóng chiếm lĩnh đời sống thường nhật trong việc tổ chức nhà nước và xã hội, gia đình, còn Phật giáo biến thành tôn giáo ở làng, ổn định và ru ngủ dân chúng. Đạo giáo và tư tưởng của Lão Tử thì quá khó khăn và trừu tượng để thực hành, nên cũng chỉ có ít người đi theo. Giới trí thức xa lánh xã hội biến mình thành ẩn sỹ không nhiều, và họ cũng không có điều kiện thành ẩn sỹ như giới văn nhân sỹ đại phu Trung Quốc. Tức là muốn đi ở ẩn cũng cần có vài trăm mẫu ruộng, vài chục người hầu, thật quá sức với một ông quan thanh liêm. Từ giới Nho sỹ tách ra các loại thầy như trên đã nói, trong đó có thầy đồ làm mọi việc tín ngưỡng, văn thư cho làng xã – họ không giàu có nhưng tạm đủ ăn, và được tôn trọng trong góc chiếu giữa đình. Kẻ sỹ làm quan và kẻ sỹ không làm quan hình thành một đẳng cấp trong xã hội phong kiến, dẫu vậy họ cũng không thành quý tộc, phần lớn là nghèo với vài mẫu ruộng, nhà gỗ và một hai người hầu, không có tài sản gì lớn.

Nho học và Nho sinh đi với kinh sách, nhưng việc xuất bản sách thời xưa rất hạn chế, đa phần vẫn chép tay. Kinh sách không phổ cập trên đường phố, chợ búa, hầu như không mua được, trong Kinh sách lại chủ yếu là Tứ thư, Ngũ Kinh từ thời Khổng Tử, thơ văn các triều đại, sách bói toán địa lý, sách thuốc, còn tuyệt không có sách nào về tri thức xã hội và khoa học. Điều đó cho thấy người trí thức xưa hình thành như thế nào, với một bên là nghề trồng lúa của nông dân và một bên là đạo lý của Khổng Tử, đơn giản chỉ như vậy.

Thời của các thủ lĩnh cát cứ, như Đinh Tiên Hoàng, không biết gì đến lễ nghĩa Nho giáo, và họ cai trị không có một hệ tư tưởng nào cụ thể, tất nhiên với chút đạo lý Phật giáo sơ khai. Không có Nho sinh và cũng không có kẻ sỹ, chỉ thuần túy là các chiến binh, thủ lĩnh quân sự, tướng lĩnh và sư tăng. Nho giáo được đưa vào chương trình dạy thái tử từ thời Lý, và cũng có vài khoa thi nhất định, nhưng xem toàn bộ chế độ khoa cử thì lớp Nho sinh còn rất hạn chế. Phải đợi đến thời Lê sơ tầng lớp này mới phát triển mạnh mẽ, chỉ riêng thời Lê đã chiếm 2/3 số tiến sỹ trong khoa cử Việt Nam, chứng tỏ đó là thời thịnh trị của Nho giáo và thi cử.

Với hai con đường chính lập nghiệp là văn và võ, quan lại hình thành trong các triều đại Lê Trịnh ở Đàng Ngoài và Nguyễn ở Đàng Trong và phân hóa sâu sắc sau cuối thế kỷ 18, đặc biệt sau chính biến của nghĩa quân Tây Sơn, dần dẫn đến triều đại Tây Sơn. Khoa cử và Nho sinh lại có cơ hội phát triển trong thời Nguyễn, nhất là những năm nửa đầu thế kỷ 19. Năm 1858, khi Pháp chính thức xâm lược Việt Nam thì chế độ khoa cử bắt đầu đi xuống, nhiều nhà Nho không muốn cộng tác với triều đình và tự mình khởi nghĩa văn thân. Người ta đã nhìn sự tôn quân và đạo của Khổng Tử một cách khác. Trong thời kỳ cát cứ và thủ lĩnh, sự cha truyền con nối là không nhất thiết. Thủ lĩnh quân sự lên nắm quyền bằng thực tài võ nghệ, cầm binh, cho nên người ta không dễ chấp nhận một ông con thủ lĩnh yếu đuối. Nhưng khi chế độ quân chủ trưởng thành, người ta bắt buộc phải chấp nhận một ông vua theo dòng trưởng bất chấp ông vua đó bao nhiêu tuổi, có tài năng hay không. Kết quả của hầu hết các triều đại là vua khởi nghiệp là minh quân, nhưng vua cháu chắt lại bất tài vô đạo và dẫn đến một cuộc chính biến mới. Tuy nhiên đạo lý Khổng giáo chẳng có gì thay đổi, nó vẫn tôn quân tôn trưởng và buộc người dân chấp nhận một chế độ phong kiến không lựa chọn, nếu may mắn thì là triều đại vua sáng tôi hiền, không may mắn thì vua tối quan tham, còn cái chế độ phong kiến ấy là bất biến.

Trên nguyên tắc, chế độ quan lại có tập ấm và không tập ấm: khi được tập ấm, con có thể thừa kế chức vụ và ruộng đất vua ban cho cha; không tập ấm thì hết đời cha con cái cũng giống như dân thường. Trong lịch sử quan chế Việt Nam, việc tập ấm theo con đường võ dễ dàng hơn, vì người con nếu có võ nghệ và tài cầm binh dễ được nhận biết; còn trong con đường văn, sự tập ấm hầu như không có, vì chỉ có khoa cử mới có thể chứng tỏ được học vấn. Ở Trung Quốc, tầng lớp quan lại sau khi không làm quan nữa thì bắt đầu tham gia hoạt động văn nghệ (tầng lớp văn nhân sỹ đại phu) và chính họ quyết định sự phát triển của văn hóa nghệ thuật của đất nước; còn ở Việt Nam, quan lại về vườn chỉ có thể làm thơ và ảnh hưởng tới đời sống văn hóa không nhiều. Trường hợp như Nguyễn Khuyến là hiếm hoi. Đóng góp của quan lại Việt Nam đối với sự phát triển của văn hóa nghệ thuật là không nhiều, trừ văn học. Văn hóa nghệ thuật thời phong kiến phụ thuộc chính vào hoạt động văn nghệ của nông dân và giai tầng thợ thủ công – những người làm ra các công trình kiến trúc điêu khắc, âm nhạc, dân ca và thơ ca truyền miệng.

Thực ra không phải đợi đến Khổng Tử mới có trí thức. Nho giáo và nhiều tư tưởng khác có sẵn trong từng thời từng lúc của xã hội phong kiến phương Đông nhiều loạn lạc. Tầng lớp thuyết khách du hiệp đầy rẫy trong xã hội nhiều tiểu quốc ở Trung Quốc và các nước khác từ trước Công nguyên, vốn rất linh hoạt về tư tưởng, không lấy quốc gia làm trọng, đi theo chủ thì thờ chủ, chủ không tốt, không tạo điều kiện cho tài năng của họ, thì chạy sang quốc gia khác, thờ chủ khác. Khi Nho giáo dần dần nắm địa vị độc tôn trong các hệ tư tưởng trị quốc, thì môn đệ của Nho giáo là những Nho sinh cũng có những nét tương tự như truyền thống của du hiệp thuyết khách. Quân, Sư, Phụ – Vua, Thầy, Cha là ba đấng họ tôn thờ và trung thành, có thể hiến dâng cả tính mạng, còn đất nước dân tộc rất ít khi được nhắc đến, hay thể hiện lòng trung. Đó chính là nhược điểm của trí thức Nho giáo coi cái rường mối xã hội quan trọng hơn các quan hệ tự nhiên khác.

Cuộc đời của nhà Nho là cuộc đời sống với những lý tưởng bất biến, cũng có thể khả dĩ trong một xã hội bất biến, dân số ít, kinh tế thuần nông nghiệp, tứ dân sỹ – nông – công -thương ai nấy chăm lo làm đúng bổn phận của mình. Lý tưởng đó ít nhất đã kéo dài gần một ngàn năm tưởng chừng chỉ lặp đi lặp lại như bốn mùa xuân – hạ – thu – đông, nhưng khi chạm vào thế kỷ 19 với sự bành trướng của chủ nghĩa Thực dân và khoa học kỹ nghệ phương Tây, nó chợt trở nên mỏng manh và tan vỡ.

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)