Nhức nhối điêu khắc ngoài trời

Từ nhiều năm nay chuyện tượng đài nhiều quá, to quá, xấu quá; chuyện tượng đài sụt lở, hư hỏng; chuyện tượng đài quá giống nhau ở mọi nơi; chuyện tượng này tượng kia sao chép hay quá giống với một tác phẩm nước ngoài; chuyện thất thoát lãng phí chẳng kém xây dựng cơ bản... đã tốn không ít giấy mực của báo chí và thời lượng của truyền thông nghe nhìn.

Song hình như giới lãnh đạo và quản lý từ trung ương tới địa phương vẫn làm ngơ, một sự “im lặng đáng sợ”. Và vẫn có hàng loạt dự án được phê duyệt, gấp rút thi công. Tượng đài đã trở thành một lĩnh vực “làm ăn- béo bở, siêu lợi nhuận”, cũng là một sự nhức nhối của mỹ thuật và văn hóa Việt Nam.
Khoảng 10 năm gần đây, từ chỗ rụt rè với các Trại điêu khắc quốc tế và trong nước làm tượng công viên, nay đã có cả một phong trào ồ ạt mở trại, làm tượng vườn nhân các Festival, lễ hội phục vụ du lịch ở nhiều tỉnh thành đến mức “quá tải”. Nhưng dù là một hình thức rất tốt để phát triển điêu khắc và phục vụ dân sinh trong quá trình đô thị hóa, nó cũng đã bộc lộ những điểm yếu căn bản cần nghiêm túc tìm hiểu và khắc phục.

 
Bao giờ tượng vườn mới thực sự là một phần “môi sinh” cho người dân?

Ngày 9/5 /2006, Viện Mỹ thuật và Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội đã tổ chức một hội thảo toàn quốc về hai chủ đề trên, với sự  tham gia của đông đảo các nhà chuyên môn, mỹ thuật, kiến trúc, đào tạo và đại diện báo chí, thông tin đại chúng…
Về tượng đài lịch sử, ghi công, ca ngợi – có hai luồng ý kiến đối lập gay gắt, quyết liệt. Thứ nhất là luồng ý kiến của những người đang và đã làm tượng đài: Thanh minh về sự không sao chép của mình, về sự “không có chứng cớ về “thất thoát tài chính’”; phê phán cơ cấu các hội đồng duyệt không chuyên môn nên không thể làm đẹp theo ý người sáng tác; phê phán sự thiếu kết hợp, thậm chí đối chọi nhau giữa kiến trúc và điêu khắc. “Phái” này cho rằng cần tiếp tục làm nhiều tượng đài, làm nhanh, còn “chất lượng thì để thế hệ sau hậu xét!”. “Nếu không làm tượng đài thì đào tạo điêu khắc làm gì!”, (thực ra, không có nước nào đặt mục tiêu đào tạo điêu khắc để làm tượng đài cả), “chỉ có những người chiến thắng mới làm tượng đài, nhiệm vụ chính trị đòi hỏi làm tượng đài”…
Luồng ý kiến ngược lại đề nghị đình chỉ việc làm tượng đài tới năm 2020 hoặc vô thời hạn, vì nước ta đã có quá nhiều tượng đài, hầu hết đều xấu, quá giống nhau và quá lạc hậu. (Điều này thì chính các tác giả đã và đang làm tượng đài cũng công nhận vì không ai có thể đưa ra được một thí dụ tượng đài khả dĩ là tốt trong hàng ngàn công trình đã được nghiệm thu). Tượng đài cũng không phải là phương thức phục vụ chính trị tốt, thậm chí còn phản tác dụng. Bốn mươi năm làm tượng đài theo kiểu Trung Quốc, Liên Xô (nay các nước này cũng không làm nữa) chứng tỏ chúng ta không có năng lực làm việc này. Tượng đài không phù hợp với thẩm mỹ truyền thống của dân tộc, không phục vụ dân sinh. Tượng đài gây lãng phí lớn…

Những môtip thường gặp ở điêu khắc ngoài trời Việt Nam: Nhà, Mẹ con, Đôi tình nhân, Khỏa thân – Tắm gội, Vú, Bàn tay, Dấu chân, Trứng, Mầm chồi, Phật, Sen, Cá (tôm, cua, ốc – gắn với các trại ở địa phương có thế mạnh về thủy sản), Trâu – Bò, Chim, Vốn cổ hay Thiếu nữ tóc dài, Chiến sĩ khoác súng, Gia đình, Trẻ em, Chân dung…


Về trại điêu khắc và tượng vườn, các nhà chuyên môn dễ thống nhất quan điểm hơn. Hướng phát triển này là tốt nhưng cần phải chuẩn bị kỹ mọi khâu tổ chức mỗi trại điêu khắc từ chọn tác giả, chủ đề, chất liệu… Việc thiết kế đô thị, chọn lọc tác phẩm, bố trí các pho tượng cũng như thiết kế công viên môi trường là vô cùng quan trọng. Không nên làm ồ ạt theo kiểu phong trào bởi thực tế các trại cho thấy đã có sự trùng lặp, nhàm chán, hời hợt. Tượng vườn, tượng đô thị mà tôi muốn gọi là tượng môi sinh có một tiềm năng lớn ở Việt Nam. Tuy về điêu khắc vườn ta không có truyền thống nhưng vườn và lối sống hòa hợp với thiên nhiên là một truyền thống bền chắc đáng quý và hợp với xu hướng thời đại, như là một sự cân bằng cần có trong giai đoạn đô thị hóa, hiện đại hóa ồ ạt hiện nay và vài thập niên tới. Nếu rút ra những bài học từ những năm qua, đúc kết chuyển giao kinh nghiệm đã thu được, các trại điêu khắc được tổ chức chuyên nghiệp hơn, các địa phương và các ban tổ chức đi vào chiều sâu chuyên môn hơn, không hành chính hóa, lễ hội hóa hay “phong trào hóa” thì nó vẫn là hình thức tốt nhất cho phát triển điêu khắc và đưa điêu khắc vào cuộc sống như chúng ta mong đợi. Nó tăng cường tính sáng tạo, tính bất vụ lợi và ý thức công dân của cả tác giả lẫn người dân.

                                                                            
Điêu khắc ngoài trời là kết quả tổng hợp của kinh tế, chính trị, xã hội và sự phối hợp nhiều bên “để việc giải quyết cần có sự phối hợp đồng bộ”.
Hiếm có một hội thảo khoa học nào của giới văn nghệ lại diễn ra nghiêm túc và thẳng thắn với cả những cảm xúc tới mức “phẫn uất” rất thành thực như vậy. Thế nhưng, nếu giới lãnh đạo vẫn cứ “làm ngơ”, thì những điều đó có ý nghĩa gì?

Điêu khắc ngoài trời – bộ mặt văn hóa quốc gia dễ tiếp cận và dễ nhìn thấy nhất đối với người dân cũng như người nước ngoài khi đến Việt Nam có lẽ đã, đang và sẽ còn là một chủ đề nóng hổi đáng được đưa ra để mổ xẻ, tìm giải pháp cho những hiện trạng chưa có lối ra. Hội thảo “Điêu khắc ngoài trời Việt Nam” do Viện Mỹ thuật và Trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội tổ chức tháng 5/ 2006, vì vậy, đã thu hút sự quan tâm và tham gia “quyết liệt” của những chuyên gia, người trong  cuộc.

Tia Sáng giới thiệu tổng thuật của nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân và bài viết được đánh giá cao tại hội thảo của kiến trúc sư Lý Trực Dũng.

 

Nguyễn Quân

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)