Những bài ca mùa xuân

Trong một cánh rừng rộng lớn là di sản âm nhạc đồ sộ mà Mozart để lại, ngoài nhiều cây đại thụ là các tác phẩm quy mô lớn (giao hưởng, opera…), còn có rất nhiều cây hoa nhỏ đủ loại hương sắc là các tiểu phẩm trong đó có ca khúc nghệ thuật. Thiếu nhi Việt Nam từ lâu đã biết tới một bông hoa nhỏ trong cánh rừng này. Đó là bài hát “Khát vọng mùa xuân” mà nhạc sĩ Phạm Tuyên chuyển soạn lại từ lied “Sehnsucht nach dem Frühlinge” của Mozart với phần lời tiếng Việt và tiết tấu chậm hơn để các em thiếu nhi chưa được đào tạo thanh nhạc cổ điển bài bản vẫn có thể hát được.

“Sehnsucht nach dem Frühlinge” (Khát vọng mùa xuân), K. 596 hay còn gọi tên theo câu hát đầu tiên là “Komm, lieber Mai, und mache” (Đến đây nào, tháng Năm thân yêu) được Mozart viết cho một giọng hát và phần đệm piano. Lời ca là bài thơ cùng tên của Christian Adolf Overbeck.

Sehnsucht nach dem Frühling
(Khát vọng mùa xuân)
Thơ: Christian Adolf Overbeck
Lied: Mozart

Đến đây nào, tháng Năm thân yêu
Và làm cho cây xanh trở lại,
Và khiến những bông hoa tím nhỏ
Bên bờ suối bừng nở vì em!

Ôi em yêu thích biết bao nhiêu
Lại được ngắm hoa violet
Ôi chao, tháng Năm thân yêu hỡi,
Em vui sướng quá được dạo chơi!

Đúng là trong những ngày mùa đông
Cũng có nhiều niềm vui như thế:
Có thể phi nước kiệu trong tuyết
Còn buổi tối chơi rất nhiều trò;

Xây những nhà nhỏ bằng quân bài.
Chơi bịt mắt bắt dê và ẩn nấp;
Cũng có thể đi trượt băng nữa
Ở miền thôn dã thật đáng yêu.

Nhưng khi mà chim chóc hót vang
Và chúng em hân hoan vui sướng
Nhảy nhót trên thảm cỏ xanh biếc–
Thì lại là một chuyện khác rồi!

Chao, giá mà thời tiết ấm lên
Và ngoài kia cây xanh hơn nữa!
Tháng Năm thân yêu ơi! hãy tới,
Chúng em – lũ trẻ cầu khẩn mà!

Ôi đến đây và mang theo về
Trước tiên là nhiều hoa violet!
Cũng mang nhiều chim sơn ca nữa
Cùng những con cu gáy xinh xinh!

Dù không giữ lại sự đối âm tuyệt vời giữa bè giọng hát và bè piano trong lied gốc của Mozart nhưng ở phiên bản tiếng Việt “Khát vọng mùa xuân”, nhạc sỹ Phạm Tuyên đã chuyển dịch thành công tinh thần lời thơ của lied gốc. Nói cách khác, Phạm Tuyên đã “pop hóa” ca khúc nghệ thuật này của Mozart để nó có cơ hội phổ biến hơn ở Việt Nam. Thực tế đã chứng minh điều này khi “Khát vọng mùa xuân” là bài hát yêu thích của nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam với bốn câu hát mở đầu đã trở nên quen thuộc:

“Này mùa xuân ơi đến mau đây
để cho thêm xanh lá cây rừng.
Trở về rừng bên suối trong lành
nhìn hoa đang hé tưng bừng.”

Nền thanh nhạc cổ điển non trẻ của Việt Nam trong năm 2010 có một tín hiệu vui. Đó là sự ra mắt CD ca khúc nghệ thuật Phác thảo mùa thu của nhạc sỹ Đặng Hữu Phúc với phần ca từ của nhà thơ, dịch giả Phan Đan. Từng nghe nhiều CD ca khúc thính phòng thế giới với đủ loại ngôn ngữ, thật khó có thể diễn tả được cảm xúc của tôi, người viết bài này, khi lần đầu được cầm trên tay, được nghe CD ca khúc nghệ thuật đích thực đầu tiên của Việt Nam. Đối với cá nhân tôi, Phác thảo mùa thu là một tia nắng xuân. Và không sớm thì muộn, mùa xuân chắc chắn sẽ đến với nền thanh nhạc cổ điển nói riêng và âm nhạc cổ điển Việt Nam nói chung.

Ngọc Anh (tổng hợp và dịch thơ)

Tác giả

(Visited 27 times, 1 visits today)