Những bức họa về Thời kỳ băng hà nhỏ

Các nghệ sĩ như Pieter Bruegel Già và Hendrick Avercamp đã ghi lại những phản ứng của người dân địa phương khi đối mặt với mùa đông giá lạnh và tình trạng thiếu lương thực.

Bức tranh sơn dầu thế kỷ 16 vẽ về khối băng đo được cao gần 20 feet và rộng 230 feet.

Vào chiều ngày 2/1/1565, một tảng băng đã trôi dạt tới bến cảng Delfshaven, một làng đánh cá tại Hà Lan. Theo câu viết trên bức tranh sơn dầu thế kỷ 16 vẽ về sự kiện này, khối băng đo được cao gần 20 feet và rộng 230 feet – đủ lớn đế chia cắt con đường thủy nối ngôi làng này với sông Nieuwe Maas. Không người đánh cá nào có thể trông chờ vào việc dong buồm ra khơi trong những ngày này vì mặt nước đã hoàn toàn đóng băng và các con thuyền dù lớn dù nhỏ đều bị mắc kẹt trong băng.

Nghệ sĩ Cornelis Jacobsz van Culemborch đã bình luận, sự xuất hiện của tảng băng này trong bức họa cho thấy nó không phải là điều thường thấy. Mùa đông Hà Lan rất lạnh nhưng hiếm khi có trường hợp này xảy ra. Còn trường hợp như bức họa là một sự kiện diễn ra vào năm 1565 vào giai đoạn giữa của Kỷ băng hà nhỏ (Little Ice Age LIA), một thời kỳ lạnh bao phủ trên diện rộng, kéo dài từ năm 1250 đến năm 1860. Các mức nhiệt độ trung bình toàn cầu vào khoảng 3.6 độ F, có lẽ do sự kết hợp của những vụ phun trào núi lửa và sự giảm thiểu hoạt động của Mặt trời.

Thời kỳ băng hà nhỏ biểu thị tác động của nó theo nhiều cách khác nhau. “Lũ lụt lan tràn sau những cơn bão khủng khiếp, nhiều người Hà Lan đã chết trong lũ lụt”, theo nhận xét của Dagomar Degroot, một nhà lịch sử môi trường tại ĐH Georgetown và tác giả của “The Frigid Golden Age: Climate Change, the Little Ice Age and the Dutch Republic, 1560-1720”, một chương trong cuốn sách The Frigid Golden Age của NXB Đại học Cambridge. “Những người khác thì chết cóng trong mùa đông”. Tình trạng lụt lội diễn ra thường xuyên ở một số vùng trên thế giới nhưng ở một số nơi khác lại phải chịu đựng hạn hán khắc nghiệt. Sông băng mở rộng; các mầm bệnh lây lan nhanh chóng và dễ dàng hơn; và những tảng băng trôi nổi đến tận các vùng mà chưa từng thấy băng trôi trước đây, kể từ Thời kỳ băng hà cuối cùng (vẫn được gọi phổ biến là Kỷ băng hà) đã khép lại hơn 11.500 năm trước, trước khi nền văn minh trên Trái đất khởi sinh.

Bức họa của họa sĩ vô danh Frost Fair on the Thames, With Old London Bridge in the Distance (Hội chợ sương mù, với cầu London cổ ở phía xa). Nguồn: Wikipedia

Trong một thời gian dài, các nhà nghiên cứu dành rất nhiều sự quan tâm vào việc các xã hội hiện đại thời kỳ đầu thích ứng như thế nào với những thay đổi trong Thời kỳ băng hà nhỏ. Các tài liệu ghi lại có thể đem lại những cái nhìn nhất định vào thời kỳ lạnh lên toàn cầu. Tường thuật về những gì xảy ra ở Paris vào năm 1675, Marie de Rabutin-Chantal (hay còn được gọi là Mme de Sévigné), một trong những biểu tượng của văn học Pháp thế kỷ 17 với những bức thư gửi con gái, đã viết “Lạnh khủng khiếp… Ngay cả Mặt trời và mùa nữa cũng đã thay đổi”. Chín năm sau, vào tháng giêng năm 1684, John Evelyn – người Anh nổi tiếng với những tập nhật ký giúp đem lại cái nhìn sâu sắc về cuộc sống và các sự kiện tại thời điểm trước khi các tạp chí hoặc tờ báo thông thường được xuất bản – đã viết, “Sương giá tiếp tục ngày một khắc nghiệt hơn. [Tuy vậy] bên sông Thames ở London vẫn tràn ngập các gian hàng, có đủ loại cửa hàng và trao đổi hàng hóa, tất cả đều tràn ngập hàng”.

Bên cạnh các ghi chép này còn có một nguồn tài liệu giàu có thông tin về thời kỳ tiểu băng hà, đó là nghệ thuật. Một bức họa được vẽ năm 1684, do một họa sĩ vô danh vẽ, Frost Fair on the Thames, With Old London Bridge in the Distance (Hội chợ sương mù, với cầu London cổ ở phía xa), đã khắc họa hội chợ mà chính Evelyn đã miêu tả trong cuốn nhật ký nổi tiếng của mình. Họa sĩ Ý thời kỳ Baroque, Gabriel Bella lại miêu tả các kênh đào đóng băng ở Venice vào năm 1708. Những bức họa và phác họa khác về thành phố Trung cổ cho thấy phá Venice bị đóng băng ít nhất hai lần trong thế kỷ 18, đó là vào năm 1789 và năm 1791.

Bức họa họa sĩ Ý Paolo Veronese vẽ năm 1571

Ngay cả các tác phẩm nghệ thuật không tập trung vào những dị thường khí hậu về thời kỳ băng hà nhỏ cũng có thể đem lại những manh mối. Các học giả thường sử dụng các bức họa có trong lịch sử Venice để dò theo mực nước biển dâng thông qua so sánh vị trí của các dải tảo quanh các bức tường của những tòa nhà ở đây. Trong một nghiên cứu về các bức họa do họa sĩ Ý Paolo Veronese vẽ năm 1571, “The Sea Level in Venice according to Verones, Canalotto, and Bellotto’s Paintings” (Mực nước biển dâng ở Venice theo các bức họa của Verones, Canalotto, và Bellotto), người ta đã phát hiện ra có thể là Verones đã sử dụng camera obscura (phòng tối), một thiết bị quang học có mục tiêu tạo ra hình ảnh bằng cách tập trung các tia sáng lên màn hình hoặc tờ giấy, thường được các họa sĩ thời kỳ này sử dụng như một công cụ hỗ trợ vẽ ngoài trời. Ở đây, Verones coi đây là cách để đảm bảo tính chính xác về tỉ lệ. Do đó, giáo sư Dario Camuffo, tác giả của bài báo này, đã kết luận là mực nước biển bên ngoài tòa lâu đài của gia đình Coccina vào thời kỳ đó xấp xỉ 30 inch (76,2cm), nghĩa là thấp hơn so với hiện nay.

Sự khắc nghiệt của mùa đông 

Thời kỳ băng hà nhỏ trùng khớp với thời kỳ dịch chuyển lớn về tôn giáo và chính trị. Hệ quả của thời kỳ Cải cách Kháng nghị (Protestant Reformation), cuộc cải cách tôn giáo do Martin Luther khởi xướng, các nghệ sĩ Bắc Âu đã dần dần rời bỏ hình ảnh thiên đường và địa ngục Cơ đốc giáo. Ở Bỉ, Đức và Hà Lan, các bức chân dung vua và các vị thánh đã được thay bằng các bức họa về cha mẹ và trẻ em, những người lính và thợ, cảnh đường phố và phong cảnh thiên nhiên.

The little Street (Con phố nhỏ, 1658) của Johannes Vermeer

Các họa sĩ Hà Lan đã xây dựng chủ nghĩa hiện thực. Năm 1882, họa sĩ Pháp Eugène Fromentin đã miêu tả nghệ thuật Hà Lan như một sự hiện diện “trung thành, chính xác, toàn diện” nền văn hóa đất nước này; một thế kỷ sau, nhà lịch sử nghệ thuật Svetlana Alpers đã lột tả hội họa Bắc Âu như “một nghệ thuật miêu tả” thực tại, khác xa với nghệ thuật kể chuyện của Phục hưng Ý. Ví dụ, The little Street (Con phố nhỏ, 1658) của Johannes Vermeer cho thấy những vết nứt chỉnh sửa trên tường gạch của một ngôi nhà ở thành Delft giống như vết sẹo từ vụ nổ thuốc súng vào năm 1654 đã làm phá hủy thành phố và dẫn đến cái chết của Carel Fabritius, người học trò tài hoa nhất của Rembrandt.

Mặc dù thể hiện quang cảnh trong những khoảnh khắc khác nhau của mùa là một nhánh quan trọng của hội họa nhưng ít thấy những bức vẽ mùa đông châu Âu trước Thời kỳ băng hà nhỏ. Nguyên nhân của nó một phần vì những mùa đông khắc nghiệt như mùa đông vĩnh cửu trong bức họa của van Culemborch, là những trải nghiệm chỉ thấy một lần trong đời. “Thế giới Trung cổ có khí hậu ấm hơn”, với việc người Viking định cư ở Greenland và nho được trồng ở miền Bắc Anh, nhà văn Benjamin Moser trong cuốn sách The Upside-Down World: Meetings With the Dutch Masters (Thế giới đảo ngược: Gặp gỡ các bậc thầy hội họa Hà Lan) đã chỉ ra “mùa đông lạnh bất thường đầu tiên” của châu Âu là vào năm 1564 và năm 1565, khi tảng băng lớn đã xuất hiện ở Delfshaven.

Bên cạnh các ghi chép này còn có một nguồn tài liệu giàu có thông tin về Thời kỳ tiểu băng hà, đó là nghệ thuật, hay cụ thể hơn là các bức tranh.

Sương giá trải rộng từ Rotterdam đến Brussels, nơi tác động của nó đã được họa sĩ Flemish Pieter Bruegel Già miêu tả trong bức họa Hunters in the Snow (Winter) (Những người thợ săn trên tuyết mùa đông) 1. Như một phần của loạt tranh miêu tả mùa, bức tranh đã nắm bắt được cái khắc nghiệt của Thời kỳ băng hà nhỏ, đặc biệt khi so sánh với những cảnh đi săn khác ở thời điểm này. Như một bài viết trên tờ Trouw của Hà Lan, “Những người đi săn dường như không gặp may, họ chỉ trở về với một con cáo nhỏ. Đó không phải là một chiến công. Những người chủ quán trọ đang cố nhóm lửa. Họ phải nấu ăn, dẫu cho tín hiệu từ cuộc đi săn cho thấy là dường như chả hứa hẹn mấy về thực phẩm”.

Họa sĩ Flemish Pieter Bruegel Già miêu tả trong bức họa Hunters in the Snow (Winter) (Những người thợ săn trên tuyết mùa đông)

Thời kỳ băng hà nhỏ đặt ra nhiều thách thức trước mặt người Hà Lan, những điều họ chưa từng thấy trước đây. Ở Vùng đất thấp, sông ngòi và các con kênh thường là nơi chuyên chở hàng hóa thuận tiện bậc nhất; khi chúng bị đóng băng, các ngôi làng đều bị cắt đứt khỏi mạng lưới thương mại biển. Tình trạng thiếu lương thực trở nên phổ biến, và gỗ cũng trở nên khan hiếm tới mức vào mùa đông năm 1564 đến năm 1565, một khối gỗ tương đương với mức lương trong hai tuần. Không đủ khả năng mua gỗ với giá cắt cổ, các gia đình phải lùng sục củi ở chỗ không ai có thể nghĩ tới, bất cứ thứ gì có thể đun được như phá cả giá treo cổ ở quảng trường thành phố, lật ván sàn nhà làm củi để khỏi chịu cảnh chết cóng trong thời tiết khắc nghiệt.

Hunters in the Snow cho thấy những người thợ săn phải lao động trong cái lạnh khủng khiếp trong khi một nhóm những người chơi trượt tuyết ở phía trước. Một bức vẽ khác của Bruegel, Winter Landscape With Skaters and Bird Trap (Mùa đông với những người trượt tuyết và bẫy chim), cũng được vẽ năm 1565, dẫu không đặt liền kề nhưng cũng cho thấy một thông điệp tương tự. Sự khắc nghiệt của khí hậu, hay của thế giới này, có thể đặt những con người trong thế giới vào lằn ranh của sự phân chia giữa những người vật vã để tồn tại và những người no đủ, nhàn nhã.

Thế giới đảo ngược 

Câu thành ngữ “đi bộ trên băng mỏng” (walking on thin ice) nói về những tình huống rủi ro trong cuộc sống có thể đe dọa con người bất cứ lúc nào. 

Suy nghĩ về vấn đề đạo đức của Bruegel thật khác biệt với những họa sĩ Hà Lan và vùng đất thấp như Hendrick Avercamp, người sống vào đầu thế kỷ 17. Nếu mùa đông của Bruegel khắc nghiệt và tàn nhẫn thì ngược lại, mùa đông của Avercamp lại nồng ấm và vui vẻ, cả về màu sắc lẫn tinh thần nó gợi ra trong bầu khí quyển. Các bức họa của ông hầu như nắm bắt khoảnh khắc con người hào hứng chia sẻ niềm vui khi trượt băng, hoặc chơi ijskolf, trò chơi phôi thai của hockey trên băng ngày nay. Như Moser viết trong cuốn sách của mình The Upside-Down World, “Họ cho thấy một thế giới Giáng sinh vui vẻ với những người ăn mặc vui nhộn đang tiêu khiển trên những con kênh đóng băng: các bức họa mà tôi từng thấy qua những trò chơi ghép hình và những bưu thiếp ngày hội”.

Không khí vui vẻ như Winter Landscape With Ice Skaters (Quang cảnh mùa đông với những người trượt băng) của Avercamp

Những hoạt cảnh về người nông dân có thể được định hình từ trải nghiệm riêng của Avercamp: Moser vẫn lặp đi lặp lại rằng họa sĩ này có thể sinh ra đã bị điếc (ông vẫn được gọi là ‘de stom van Campen’, người điếc của thành Kampen) nên môi trường lãng mạn mà ông thấy là do quan sát từ một khoảng cách rất xa. Tuy vậy thì những tác phẩm nghệ thuật này cũng có gốc rễ trong lịch sử. Avercamp sinh ra vào năm 1585 – ba năm trước khi Hà Lan ra đời, bao gồm bảy vùng phía Bắc), khi giành độc lập từ thực dân Tây Ban Nha sau một cuộc chiến nhiều tổn thất và kéo dài – và qua đời vào năm 1634. Trong suốt cuộc đời họa sĩ, nước cộng hòa này đã trở thành một trong những quốc gia thịnh vượng và quyền lực nhất thế giới.

Vô số bức họa của Avercamp về khung cảnh mùa đông – ông vẽ gần 100 bức về mùa đông và hiếm khi vẽ thứ phong cảnh nào khác – đã gắn kết mùa và những hoạt động trong mùa như một khía cạnh trung tâm của sự phát triển bản sắc quốc gia Hà Lan. Ngày nay, các tác phẩm của ông đem lại những cái nhìn nhanh vào một thời kỳ khí hậu đã biến mất khỏi bộ nhớ con người do sự ấm nóng của khí hậu.

Degroot cho rằng một phần sự thịnh vượng của Hà Lan, là do Kỷ băng hà nhỏ. “Lượng mưa gia tăng đã làm ảnh hưởng nặng nề đến cuộc xâm lược của Tây Ban Nha”, ông lưu ý “trong khi những thay đổi trong hoàn lưu khí quyển giúp cho các hạm đội của Hà Lan tiến vào trận thủy chiến với sự hỗ trợ của gió thổi từ sau, một sự thuận lợi mang tính chiến thuật quan trọng trong thời đại của thuyền buồm. Người nông dân, thủy thủ, binh lính, lái buôn và cả những nhà thám hiểm Hà Lan đều tìm thấy những cách để đối đầu hoặc thậm chí là tận dụng những điều kiện thời tiết mà người khác cho là thảm họa”. 

Những người thợ đóng tàu đã bôi dầu mỡ và gia cố các vỏ thân tàu biển, cho phép chúng trượt trên băng. Các con tàu phá băng này giữ cho tuyến đường thủy nội địa trở lại hoạt động bình thường trong thời tiết băng giá khắc nghiệt và giúp duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa ổn định.

Những tác phẩm đầy không khí vui vẻ như Winter Landscape With Ice Skaters (Quang cảnh mùa đông với những người trượt băng) của Avercamp không chỉ ghi lại được sức chống chịu kiên cường của người dân trong thời tiết giá lạnh mà còn cho thấy sự bỏ qua cả những phân tầng xã hội truyền thống. “Nước đóng băng trong các con kênh như lễ hội vậy,” Moser viết, “một thế giới đảo ngược xảy ra khi chỉ trong vài ngày, những thông lệ cuộc sống đã được nới lỏng”. Nhà thông thái Hugo Grotius, người cùng thời với Avercamp, cũng đồng ý. Ông viết trong một bài thơ “Ở đây không còn ai nói về chuyện thứ bậc; Ở đây chúng ta đều cởi mở và tự do; Ở đây cô thôn nữ sánh cùng ngài quý tộc”. Vào thời điểm đó, thế giới đảo ngược có thể không bị băng giá làm cho giới hạn nữa.

Vô số bức họa của Avercamp về khung cảnh mùa đông – ông vẽ gần 100 bức về mùa đông và hiếm khi vẽ thứ phong cảnh nào khác – đã gắn kết mùa và những hoạt động trong mùa như một khía cạnh trung tâm của sự phát triển bản sắc quốc gia Hà Lan. Ngày nay, các tác phẩm của ông đem lại những cái nhìn nhanh vào một thời kỳ khí hậu đã biến mất khỏi bộ nhớ con người do sự ấm nóng của khí hậu.

“Những bức họa này đậm chất hoài nhớ về cái buồn hoặc sự mất mát”, Moser nói với Smithsonian, cụ thể giữa những người Hà Lan lớn lên với trượt băng ngoài trời. “Những bức họa đó đã 400 năm tuổi và con người trong đó đã thật xa lạ nhưng chúng ta vẫn có thể kết nối với họ được bởi chúng ta đã từng làm những điều tương tự họ khi còn nhỏ. Giờ thì họ đã trở thành một dạng như hóa thạch của những con khủng long”. □

Anh Vũ dịch

Nguồn: https://www.smithsonianmag.com/history/these-paintings-reveal-how-the-dutch-adapted-to-extreme-weather-during-the-little-ice-age-180983671/

——————

1. Các nhà lịch sử nghệ thuật thường sử dụng thuật ngữ ‘Flemish’ để chỉ những thành thị nói tiếng Flemish ở các quốc gia ở vùng đất thấp thời Trung cổ (Low Countries), bao gồm các vùng đất mà ngày nay là Bỉ, Hà Lan, Luxembourg, Pháp và Đức.

Bài đăng Tia Sáng số 8/2024

Tác giả

(Visited 38 times, 1 visits today)