Những cây cầu: Một phần của lịch sử văn minh

Thật khó hình dung ra cuộc sống ngày hôm nay, trên Trái đất này, nếu thiếu đi những nhịp cầu. Hàng thế kỷ “nước chảy qua cầu”, biết bao những kinh nghiệm đúc kết và những hiểu biết đắp bồi đã được cô nén gọn ghẽ trong từng nhịp vươn, thanh giằng...

Hai cuốn “Lịch sử của những cây cầu” và “Nghệ thuật làm cầu”. Nguồn: TTXVN

Khi nói về cầu, không chỉ đơn thuần nói về một dạng công trình giao thông bắc qua những địa hình sông núi, biển hồ, đô thị… để kết nối các điểm đi và đến một cách liên tục mà còn nói về những đóng góp vào tiến trình phát triển đời sống xã hội ở rất nhiều khía cạnh khác nhau. Do đó, tiến trình văn minh hóa của con người gắn liền với những cây cầu, từ kết cấu thô sơ nhỏ bé tới phức tạp đồ sộ. Các chuyên gia cầu đường vẫn nói rằng, trong mỗi cây cầu ngày nay đều có bóng dáng của những cây cầu cổ xưa, mặc dù với những cặp mắt thông thường chỉ thuần túy lướt qua bề ngoài hiện đại của chúng thì thật khó hình dung ra điều này.

Tuy nhiên, nếu lật giở những trang Lịch sử của những cây cầu của Henry Grattan Tyrrell, cuốn sách được người kỹ sư Canada sống cách chúng ta gần một thế kỷ và từng tham gia xây dựng nhiều cây cầu ở Mỹ viết lên, có thể thấy hiển hiện một đường liên kết xuyên qua không gian và thời gian ở những cây cầu từ Bắc chí Nam, Đông sang Tây, khởi thủy được ghi dấu bằng cầu Caravan bắc qua sông Meles ở Smyrna, Tiểu Á vào năm 850 trước Công nguyên (ngày nay là İzmir, Thổ Nhĩ Kỳ) – nơi chứng kiến sự trưởng thành của Homer, người viết hai áng thiên anh hùng ca IliadOdyssey. Có lẽ, e ngại trước một mai, thế hệ sau có thể dễ dàng quên lãng quá khứ, dẫn đến mất đi một cái nhìn tổng quan về quá trình hình thành, sáng tạo cầu của con người, Henry Tyrrell, lúc đó ở tuổi ngoài 40 và vừa đảm trách xuất sắc vai trò kỹ sư trưởng thiết kế cây cầu giàn đơn nhịp bắc qua sông Miami lớn – một nhánh của sông Ohio, đã dành thời gian viết sách. Ông trích dẫn câu nói của một kỹ sư xây dựng khác là John Elfreth Watkins, phụ trách Viện Kỹ thuật cơ khí, Bảo tàng Smithsonian (Mỹ) trong lời mở đầu cuốn sách của mình “Trong thời đại mà khoa học có thể biến mọi ý tưởng thành hiện thực, phải chăng chúng ta cần một chiếc kính viễn vọng quay ngược thời gian, cho ta thấy toàn bộ thành tựu rực rỡ của loài người?”.

Cuốn biên niên sử ngành cầu đường này, vì thế, gợi mở cho người đọc biết bao điều tưởng chừng không có gì mới lạ nhưng thật ra lại hết sức thú vị dưới ngòi bút sắc sảo và linh hoạt. Với cuộc du hành về quá khứ, người ta có thể thấy lại những cây cầu thời Hi Lạp, Ai Cập cổ đại như cầu Caravan đã nói ở trên, cầu Arkadiko ở Argolis, Hy Lạp được hình thành vào cuối thời kỳ đồ Đồng trên những phiến đá xếp nhô dần tới khi khít nhau tại giữa nhịp hay cầu Pul-i Qadim vượt sông Ab-i Diz (ngày nay thuộc phía Bắc Khuzistan, Iran) có 20 vòm nhọn đặt trên trụ đặc xây vào năm 350 trước Công nguyên… Vào thời kỳ chúng được xây dựng nên, có thể đó đã là một trong những sáng tạo bậc nhất của con người để gây dựng nên cơ sở hạ tầng kiến trúc phục vụ đời sống. Nhưng có lẽ, ấn tượng hơn cả là những cây cầu thế hệ sau, ngay Henry Tyrrell cũng phải thốt lên ở dòng đầu tiên chương II “Những cây cầu La Mã” (từ năm 700 TCN tới năm 500): “Những cây cầu La Mã có độ bền vĩnh cửu… Trải qua bao thiên tai, địch họa, chúng vẫn trụ lại sau hơn hai nghìn năm”. Điều gì làm nên sự vững chãi của những chứng nhân lịch sử đó? Henry Tyrrell lý giải điểm sáng công nghệ làm cầu của người La Mã là ở kết cấu trụ, khoang vòm, nhịp vòm và bê tông được làm theo một công thức thất truyền mà ngày nay chưa ai tái lập được.

Điểm sáng công nghệ làm cầu của người La Mã là ở kết cấu trụ, khoang vòm, nhịp vòm và bê tông được làm theo một công thức thất truyền mà ngày nay chưa ai tái lập được.

Từ đỉnh cao này, sự tiến hóa của các cây cầu, không vì thế mà lại đi lên vĩnh viễn theo đường thẳng tuyến tính. Không phải con người không có nhu cầu đi lại hay vượt qua những vùng đất nhưng có những thời điểm, bước thăng trầm lịch sử của Đêm trường Trung cổ đã làm trì hoãn cả sự phát triển. Theo dòng dẫn dắt của Henry Tyrrell, người ta chứng kiến sự suy thoái của ngành cầu đường: trong suốt mười mấy thế kỷ, hiếm có cây cầu đáng kể nào được xây dựng, trừ một vài công trình của người Moor tại Tây Ban Nha, và thậm chí đến năm 1.400 thì quy mô xây dựng cũng còn rất nghèo nàn, khiêm tốn.

Nhưng thật may là từ nút thắt Trung cổ, ngành cầu đường đã có cuộc hồi sinh vào thời kỳ Phục Hưng trên khắp châu Âu, qua đó đặt nền tảng cho những đột phá mang tính cách mạng về kết cấu và chất liệu làm cầu ở các thời kỳ sau: cầu đá cận đại, cầu phao, cầu dẫn nước, cầu gỗ, cầu gang đúc, cầu giàn nhịp đơn, cầu dầm hộp và dầm bản thép, cầu treo, cầu mút hẫng, cầu vòm thép và sắt rèn, cầu giàn giáo và cầu cạn, cầu bê tông, cầu bê tông cốt thép. Thật khó hình dung sự phong phú và đa dạng của các loại cầu mà Henry Tyrrell đã đề cập đến trong Lịch sử của những cây cầu nếu thiếu đi sự hỗ trợ của một nền công nghiệp đã manh nha xuất hiện và dần lớn mạnh theo thời gian, ví dụ “năm 1776, Abrham Darby, ông chủ xưởng luyện kim Coalbrookdale tiến hành xây dựng cây cầu gang đúc Coalbrookdale qua sông Serven, ở Shropshire (Anh), nơi có lịch sử luyện quặng sắt. “Cây cầu sử dụng 378 tấn kim loại và trở thành cầu đầu tiên trên thế giới được làm hoàn toàn từ sắt. Hiệp hội nghệ thuật Anh đã trao huy chương vàng cho công trình của ông Darby vào năm 1788”.

Trong giai đoạn bùng nổ của ngành cầu đường này, khắp nơi trên thế giới, người ta chứng kiến những cây cầu ngoạn mục bắc qua sông dữ, nơi phơi bày các thách thức qua nhiều thế kỷ về độ dốc, địa hình, tốc độ chảy của dòng nước… nhưng nay đã chịu quy phục trước óc sáng tạo và những tiến bộ kỹ thuật của con người. Giữa những cột mốc ấy, ắt hẳn người đọc Việt Nam không khỏi thấy tự hào khi có hai cây cầu được ghi danh, đó là cầu Long Biên (được Henry Tyrrell đề cập đến cái tên ban đầu: cầu Doumer) và cầu Hàm Rồng. Nhờ Lịch sử của những cây cầu mà người ta biết rằng, Long Biên là cây cầu mút hẫng, trong đó cánh hẫng tự chịu tải trọng tác dụng lên chính nó trong kết cấu lắp hẫng. Mặc dù khởi thủy của cầu mút hẫng là cầu Shogun ở thành phố Nikko vào thế kỷ thứ 4 nhưng giải pháp thi công hiện đại đã được Sir John Flower và Benjamin Baker chứng minh vào nửa cuối thế kỷ 19 bằng mô hình người thật mô tả phương pháp truyền tải trọng từ nhịp đeo về bờ thông qua cánh hẫng. Trước sự hung dữ và chiều rộng của sông Hồng mà hãng Daydé & Pillé (Paris), đơn vị giành chiến thắng trong đấu thầu, đã sử dụng kiểu cầu mút hẫng này. Từ năm 1898 tới năm 1902, họ đã quy tụ 3000 công nhân, sử dụng 5.700 tấn thép, 39.000 khối đá xây với 6,2 triệu franc kinh phí. Vào năm 1903, cầu Long Biên chính thức được đưa vào sử dụng và trở thành cây cầu dài nhất hai lục địa Á – Âu thời điểm đó. Rút cục, khả năng chống chịu đáng kinh ngạc của cầu Long Biên đã được chứng thực “Tháng sáu năm 1903, trận bão kinh hoàng quét qua Đồng bằng Bắc Bộ phá hủy phần lớn thành phố Hà Nội nhưng cây cầu vẫn đứng vững dưới áp lực khủng khiếp năm đó. Những người dân xứ Đông Dương bấy giờ đã thực sự kinh ngạc trước hình ảnh cây cầu khổng lồ hoàn toàn vô sự giữa đống đổ nát xung quanh nó”.   

Cây cầu dẫn nước La Mã ba tầng Pont du Gard nằm ở Vers-Pont-du-Gard, miền Nam nước Pháp. Nguồn: Wikipedia

Có thành tựu nào đạt được mà lại thiếu sự thất bại. Đằng sau những cây cầu là muôn vàn câu chuyện vui buồn, bên cạnh sự hấp dẫn, lý thú là biết bao thương đau, chết chóc. Ngay cả ban đầu, việc xây dựng cầu Hàm Rồng cũng khiến gần 200 thợ làm cầu bỏ mạng và kỹ sư người Pháp hoang mang đến tự tử. Những kinh nghiệm thất bại như vậy đã được đúc rút để những cây cầu sau được thiết kế một cách tối ưu, an toàn và bền vững.

Nhưng nếu dừng lại ở đây, có lẽ, các cây cầu chỉ là những thực thể phi sự sống, một dấu tích thô cứng chỉ chứng tỏ sự ngạo nghễ “chiến thắng tự nhiên” của con người. Đó là lý do vì sao sau khi hoàn thành Lịch sử của những cây cầu được một năm, Henry Tyrrell lại bắt tay vào soạn lại các bài báo mình đã viết trên tạp chí chuyên ngành thành cuốn Nghệ thuật làm cầu, một tập tiểu luận mà tên của nó đã gợi mở cho người ta biết bao điều về tính mỹ học của các công trình cầu đường, bởi “còn gì bất công hơn khi buộc công chúng phải chịu đựng một cây cầu xấu xí”. Cái đẹp của cầu trong mắt Henry Tyrrell là sự hài hòa với cảnh quan, tiết kiệm vật liệu, thể hiện được mục đích và kết cấu, thỏa mãn yêu cầu về tỉ lệ kích thước và đường nét kết cấu, sử dụng thích đáng chi tiết trang trí… Trong lịch sử không thiếu những cây cầu như vậy đã trở thành một phần của đời sống xã hội, khi hội tụ cả công năng lẫn vẻ đẹp hài hòa. Đến đây, hẳn bạn đọc Việt Nam vẫn còn nhớ Cây cầu trên sông Drina, cuốn tiểu thuyết lịch sử đặc biệt ôm trọn vùng Balkan trải dài qua bốn thế kỷ của nhà văn đoạt giải Nobel Văn chương năm 1961 Ivo Andrić mà cảm hứng xuất phát từ cây cầu đá hiện đại mang đậm dáng vẻ Phục Hưng Mehmed Paša Sokolović ở Višegrad do Mimar Koca Sinan, một trong những kiến trúc sư và kỹ sư vĩ đại bậc nhất của Đế chế Ottoman, thiết kế theo đơn đặt hàng của Đại Vizir Mehmed Paša Sokolović. Nối hai bờ Bosnia& Herzegovina và Serbia, cầu Mehmed Paša Sokolović là điểm hàn gắn và chữa lành những con người thuộc về các vùng địa lý, sắc tộc, tôn giáo khác nhau như giữa vùng Balkan, Đế chế Ottoman và thế giới Địa Trung Hải, giữa Cơ đốc giáo và Hồi giáo. Việc quản lý và sửa chữa cây cầu cũng liên quan đến các quyền lực chính trị và các nền văn hóa khác nhau: sau sự khởi dựng của người Ottoman, “cây gậy tiếp sức” được chuyển đến tay người Áo-Hung, Nam Tư, và Bosnia & Herzegovina… Do vậy, trong phần giới thiệu về cây cầu được đưa vào Danh sách Di sản văn hóa thế giới từ năm 2007, UNESCO nhận định “Cây cầu có vai trò biểu tượng rất quan trọng trong suốt quá trình lịch sử nhiều mất mát, và đặc biệt là trong nhiều cuộc xung đột diễn ra trong thế kỷ 20. Giá trị văn hóa của nó còn vượt khỏi biên giới quốc gia và biên giới văn hóa xây dựng nên nó”.

Cái đẹp của cầu là sự hài hòa với cảnh quan, tiết kiệm vật liệu, thể hiện được mục đích và kết cấu, thỏa mãn yêu cầu về tỉ lệ kích thước và đường nét kết cấu, sử dụng thích đáng chi tiết trang trí… Henry Tyrrell

Những cây cầu, dưới những khía cạnh này, bỗng trở nên thiết thân hơn với cả những người vốn dĩ chỉ coi cầu thuần túy là một công trình giao thông. Có lẽ, người góp phần làm thay đổi quan điểm đó không ai khác chính là Henry Tyrrell, người hoàn thành Lịch sử của những cây cầuNghệ thuật làm cầu trong hai năm liên tiếp, sau khi đã đạt đến độ chín nghề nghiệp, và trên hết là một người quá đỗi yêu vẻ đẹp tự nhiên. Là con trai của một nhà khám phá và yêu thích các hoạt động ngoài trời, những trang viết đầu tiên của ông là về thiên nhiên hoang dã Canada chứ không phải cầu. Sau này, công việc đưa ông đi đây đó và trở thành nguồn cảm hứng để ông suy nghĩ về những cây cầu được thiết kế đủ tốt, hài hòa với tự nhiên và giống những cây cầu được xây dựng trong quá khứ mà ông may mắn được ngắm nhìn. Có lẽ vì điều đó mà cả hai cuốn sách này của Henry Tyrrell, cùng với những cuốn sách khác về thiết kế nhà xưởng của ông, đã được giới học giả xếp vào danh sách những cuốn sách quan trọng về văn hóa và là một phần cơ bản của hiểu biết về tiến trình văn minh của con người. Trong các nghiên cứu và sách về cầu đường, bao giờ hậu thế cũng tìm đến sách của ông.

Chiếc kính viễn vọng mà Henry Tyrrell dùng để soi chiếu về quá khứ, không chỉ thuần túy nhìn về những cây cầu trong lịch sử mà còn giúp chúng ta nhớ về di sản cha ông. Nhưng rồi đây “thương hải tang điền”, liệu có gì có thể tồn tại mãi mãi? Ồ không, theo một nghĩa nào đó thì di sản ở khắp mọi nơi, di sản ở quanh ta, ngay trong những nhịp cầu. □

Tác giả

(Visited 107 times, 1 visits today)