Những cỗ máy lỗi
Điều cốt yếu nhất chúng tôi cần là một điểm tựa. Đủ gần gũi để nối kết hiện tại với quá khứ, đủ thân thuộc để quy tụ chúng ta khi thế giới sụp đổ tan tành.
Một sắp đặt hợp lý
Daniel không phải là Optimus Prime – người hùng lẫy lừng của loạt phim Robot đại chiến, một thành viên của chủng loài robot ngoài hành tinh có tri giác tồn tại dưới dạng thức các mô-đun cấu hình tự động, cũng không trùng với bất cứ thứ gì những người trẻ mong đợi khi cuối cùng chúng tôi cũng chế tác thành công mô hình robot chiến đấu mới. Tôi lại càng không phải ‘nữ tiến sĩ Lucy Frankenstein’ gì sất, dẫu báo chí cứ ngấu nghiến vớ lấy cái danh xưng ấy để tung hô như thể đó là tên cha sinh mẹ đẻ của tôi vậy.
Tất cả những thứ ồn ào đó với tôi chẳng đáng để tâm lấy một giây. Điều cốt yếu nhất chúng tôi cần là một điểm tựa. Đủ gần gũi để nối kết hiện tại với quá khứ, đủ thân thuộc để quy tụ chúng ta khi thế giới sụp đổ tan tành.
Một cảnh trong phim “Transformers”. Nguồn: Forbes
Dẫu không muốn nhắc tới chút nào, nhưng chiến tranh đã kéo dài suốt một thời gian. Mọi người ai nấy chán chường mỏi mệt. Cơn thịnh nộ mù quáng này, sự khước từ đối thoại để kiếm tìm một tiếng nói chung giữa hai phe tham chiến, nhất quyết phớt lờ những gặp gỡ tương đồng có thể… vậy đấy, quá khó để giữ hòa khí ngay cả khi bạn đã chủ động lên chương trình can dự. Logic lỗi tạo sinh những cỗ máy lỗi.
Cuối cùng, chúng tôi học theo cổ nhân, quyết định rằng những xung đột thời đại nhất nên được giải quyết theo cách thức xưa cũ nhất. Đấu tay đôi. Và chiến lợi phẩm sẽ thuộc về tay người chiến thắng. Họ giành vinh quang về cho mình và cho cả chúng tôi. Daniel hội tụ đầy đủ mọi phẩm chất của một chàng hiệp sĩ. Cao hơn 3 mét, trên mình khoác bộ áo giáp làm từ hợp kim titan, cùng một bộ sưu tập các kiểu loại vũ khí luôn sẵn sàng trong kho chứa, đầy đủ từ vũ khí công nghệ cao tới những dụng cụ tấn công từ thuở sơ khai. Như để bày tỏ một lòng tôn kính dành cho chàng dũng sĩ Achilles, tôi tiếp cho tấm khiên đồng cậu mang trên mình một sức mạnh vô song.
Khi tôi cho họ xem thành phẩm cuối cùng, những chàng trai cô gái làm việc ở ban phòng vệ gần như không thốt nên lời. Một phản ứng có phần tích cực. Nhưng rất chóng sau đó, họ đòi hỏi nhiều hơn và nhiều hơn nữa. Họ muốn Daniel phải có cảm giác. Hệt như con người ấy, họ khăng khăng nhấn mạnh.
“Nếu Daniel không cả biết cảm nhận được nỗi vui mừng trước chiến thắng mình đạt được, thì còn có nghĩa gì đây?” họ nói, cứ như thể vừa đưa ra được một lập luận chắc chắn lắm.
Tôi cố giải thích cho họ hiểu điều ấy tiềm ẩn nhiều nguy cơ đến thế nào. Tôi cảnh báo trước cho họ tham vọng này có khả năng sẽ dẫn tới đâu. Nhưng họ chẳng buồn đếm xỉa.
“Bà buộc phải hiểu được điều này,” họ nói với tôi, nhắc cho tôi nhớ, như tất cả các lần trước đây, rằng kết quả của cuộc chiến này quan trọng hơn bất cứ điều gì. Tôi là kẻ dễ dàng xao nhãng khỏi mọi thua thắng thiệt hơn, ám ảnh duy nhất bủa vây tâm trí tôi chỉ là một sự thật rằng Roger, Veronica, và cả cha tôi nữa, tất cả đều đã chết – lúc này thì thắng, thua hay bất phân thắng bại đều không quan trọng. Có thế nào thì gia đình thân yêu của tôi cũng không thể trở về.
Tôi thường xuyên bị than phiền là thiếu tập trung cũng bởi thế.
Nhưng những người còn lại trong đội phòng thủ thì vững chãi một tinh thần thép. “Chúng ta phải đánh cho phe kia bại trận. Dẫu có thế nào đi chăng nữa, Lucy ạ, phải làm cho bọn chúng nếm mùi thất bại.”
Tôi không yêu gì Daniel (thực lòng mà nói, đã từ rất lâu tôi chẳng còn yêu ai được nữa), nhưng cậu chàng thì thương mến tôi vô cùng. Theo một cách nào đó, tôi là người mẹ đã sinh thành ra cậu. Gặp bất cứ chuyện gì cậu cũng tìm tới tôi, lúc để xin phép, khi để nghe lời khuyên bảo. Những chuyện đùa cợt đầy ẩn ý về Frankenstein khi nói tới mối quan hệ của chúng tôi có vẻ không được hay ho cho lắm, nhưng phải nói cũng phần nào có lý.
Một ngày trước khi lâm trận, trong khi tôi đang hàn lại lớp bảo vệ trên cổ tay trái của cậu, Daniel bất chợt hỏi tôi: “Lucy này, tại sao việc chúng ta thắng và họ thua lại quan trọng đến thế?”
“Lỗi tư duy,” tôi khẽ nói, với chính mình nhiều hơn là với cậu chàng. Tôi dằn lòng nghĩ mình nên giữ mồm giữ miệng là hơn. Rogger trước kia đã chẳng lúc nào cũng cầu xin tôi hãy giữ im lặng. Em hoàn toàn có thể thét lên trước ngọn triều dữ. Nhưng Lucy ạ, cuối cùng thì nó cũng sẽ cuốn chìm em. Còn cha tôi thì căn dặn: Không phải tất cả những trận chiến đều diễn ra ở nơi con nhìn thấy.
Daniel chờ đợi, hi vọng sẽ được nghe thêm điều gì đó từ tôi. Người khổng lồ dịu dàng của tôi chẳng bao giờ thúc bách, chỉ lặng yên chờ đợi. Ánh mắt ấy khiến tôi buộc lòng phải nói thêm, từng lời thầm thì lẫn vào làn hơi thở. Tôi nhắc lại từng câu chữ mà Veronica, đứa con gái bé bỏng, đã từng nói với tôi khi tôi hỏi cô bé vì đâu cứ mãi trốn dưới gầm giường mỗi khi thấy sấm chớp, dẫu cô bé biết rằng cơn bão đã cách xa hàng dặm. “Vì thật khó để có thể trở thành một người dũng cảm chân chính”.
***
Robot chiến đấu của họ trông đồ sộ hơn nhiều. Có phải số phận lúc nào cũng cố đẩy chúng tôi bằng được vào những tình thế ngặt nghèo?
Ngay sau khi tiếng tù và vang rền báo hiệu trận đấu bắt đầu, Daniel rút thanh gươm ra. Thanh gươm vung lên một đường duyên dáng, cao và mạnh, trước khi được hạ xuống đột ngột, dữ dội và dứt khoát, lưỡi kiếm cắm lút xuống nền cát đấu trường. Rồi cậu quỳ xuống trước mặt đối thủ của mình, dõng dạc: “Không có bất cứ một điều gì tốt đẹp được quyết định trong ngày hôm nay.”
Đối thủ không đáp trả một nụ cười. Y không được chế tác để làm điều đó. Nhưng những người thuộc phe y thì cười vang đắc thắng, không ngớt hò reo và làm những cử chỉ cho thấy phần thắng đã nằm chắc trong tay.
Như để đáp trả, tiếng huýt sáo và la hét vang dậy từ phía khán đài chúng tôi. Cơn cuồng nộ cũ nhanh chóng được tiếp lửa sục sôi, và chúng tôi nhận ra mình đang trên đà không phanh quay trở lại với sự bạo lực cũ mà trận giao tranh này đã cố sức né tránh ngay từ những dự định ban đầu.
Tôi bật khóc. Không phải vì chúng tôi đang phải đối diện với khả năng thua cuộc. Không phải vì mọi dự đồ của chúng tôi có nguy cơ sụp đổ. Cũng không phải vì tôi biết Daniel sẽ làm gì tiếp theo. Dù có cảm giác hay vô tri giác, cậu vẫn là một cỗ máy được lập trình để thực thi một mục đích duy nhất. Và mục đích này, không gì khác, là khiến phe kia bại trận.
Không! Tôi khóc bởi tôi hiểu hơn ai hết cái cảm giác làm người mình yêu thương thất vọng nó đáng buồn đến thế nào. Và đau đớn hơn là nỗi bất lực không thể bảo vệ họ. Như tôi đã không thể nào cứu được cha mình khỏi tuổi già, không thể cứu được Roger khỏi thiết chế quân luật, cũng không thể cứu được Veronica khỏi bom rơi đạn lạc vô thường.
Nhìn thấy sự do dự trên gương mặt Daniel, tôi hiểu tất cả những gì cậu đang cảm thấy. Ngay trước khi đối thủ tung cú giáng chết người, Daniel ngoái nhìn tôi giữa đám đông. Đó là điều không nên một chút nào, nhưng logic lỗi đã tạo ra một cỗ máy lỗi. Daniel kiếm tìm ở tôi một cái gật đầu cho phép. Tôi nhún vai trong nước mắt, như mọi lần, không thể trao cho cậu một câu trả lời chắc chắn.
Daniel cuối cùng cũng đưa ra quyết định. Cậu tự tay xé toạc lớp vỏ bảo vệ cổ tay trái, để lộ ra công tắc hủy diệt nằm bên dưới. Chỉ một công tắc này thôi sẽ đủ quyền năng làm nổ tung cậu, cùng tất cả mọi người và mọi thứ trong vòng bán kính 50 dặm. Những anh chàng cô nàng vệ binh la hét trong thảng thốt: “Dừng lại đi! Vì Chúa!” Nhưng tất cả đã quá muộn.
Tôi không hiểu vì đâu họ phải phản dối dữ dội đến nhường đó. Phe kia đã bại trận hoàn toàn. Đó chẳng phải là tất cả những gì họ mong muốn hay sao?□
Thái Hà dịch
Nguồn: “Faulty Machines”. Futures. Nature 571. 10-7-2019
Gretchen Tessmer
Ngoại truyện:
“Những cỗ máy lỗi” là câu chuyện về cuộc đối đầu vũ khí công nghệ cao do Gretchen Tessmer chắp bút. Đa phần truyện của Tessmer có thể được tìm đọc qua trang Twitter của cô, với mối quan tâm sắc bén về tâm thức đám đông và nỗi ám ảnh về lỗ đen vũ trụ. Dưới đây là vài dòng tâm sự về nguồn cảm hứng đã gợi cho cô về quá trình viết tác phẩm mới nhất này:
“Câu chuyện được bắt đầu từ một tình huống thường nhật, khi bạn đang bị cuốn vào một cuộc tranh luận ngẫu nhiên có nguy cơ bùng nổ thành một trận cãi vã có thiên hướng chính trị dữ dội và vô nghĩa, trong khi văng vẳng bên tai là âm thanh phát ra từ màn hình đang chiếu bộ phim Robot đại chiến. Robot đại chiến nào nhỉ, rất có thể bạn sẽ đặt câu hỏi. Có không biết bao nhiêu là robot đại chiến. Thực lòng, tôi nghĩ liên tưởng của bạn sẽ có phần gần gũi với tôi. Mỗi khi nghĩ tới robot, trong đầu tôi thường lập tức mường tượng ra hình ảnh Michael Bay hay Optimus Prime – những cỗ máy-người hùng luôn xuất hiện đúng thời điểm để thực thi công lí. Đó là tất cả những gì tôi có thể hình dung. Robot chiến đấu vẫn luôn là đề tài hấp dẫn tôi, khiến tôi muốn một lần thử sức. Đã có rất nhiều trang viết không đầu không cuối phải loại bỏ trước khi ra được câu chuyện trọn vẹn này. Những ý tưởng của tôi có lẽ không hoàn toàn mới mẻ, nhưng đó đều là những khởi điểm để tôi có thể đào sâu thêm trong những lần viết sau này. Logic, hoạch định và thiện chí – tôi thích cái ý tưởng muốn sắp đặt mọi thứ trong thế giới thành một mô hình mẫu mực và sạch sẽ của con người. Nhưng chỉ cần bước chân vào đó thôi và cảm nhận, tất cả những điều lý tưởng ấy sẽ tan chảy và cháy rụi. Hoặc tê liệt trong muộn phiền, như ở trường hợp Lucy. Cảm giác tự thân nó đã là thiếu sót, sai lệch và không thể đoán định. Nhưng bạn thấy không, nếu không có nó, câu chuyện này sẽ tẻ nhạt biết bao nhiêu”.