Những con đường sách

Sau rạp chiếu phim, thư viện là địa điểm văn hóa được người Pháp đến nhiều nhất. Từ đầu những năm 80, nhờ chính sách hữu hiệu của Bộ Văn hóa và Truyền thông Pháp mà mạng lưới thư viện phát triển rõ rệt.

Các thư viện thành phố giữ vai trò hàng đầu trong mạng lưới thư viện. Có khoảng 3.000 thư viện do các thành phố quản lý với đội ngũ nhân viên lên đến 35.000 người, phục vụ gần 2/3 số dân. Các thư viện này một mặt bảo tồn và phát huy di sản (có thư viện được thu về từ thời cách mạng 1789…), mặt khác phát triển văn hóa đọc, với tinh thần dân chủ hóa văn hóa. Đồng thời các thư viện không ngừng đổi mới và hiện đại hóa để cuốn hút thêm nhiều độc giả (tư duy không gian kiểu mới, chuyển hóa thành thư viện đa phương tiện, tin học hóa và mở rộng truy cập Internet…). Bên cạnh mạng lưới thư viện thành phố, còn có 97 thư viện tỉnh, do Nhà nước thành lập năm 1945 để phục vụ nông thôn, và đến nay đã tiếp cận được 75% nông dân. Các thư viện tỉnh chủ yếu sử dụng hệ thống xe lưu động, mang sách đến trường học, nhà tù, nhà hưu trí.
Với tinh thần bảo vệ và phát huy đa dạng văn hóa, Pháp là một trong những nước đi đầu áp dụng chính sách phát triển văn hóa đọc và xuất bản sách – sản phẩm thương mại đặc biệt. Chính sách này được thực hiện chủ yếu thông qua Trung tâm Sách quốc gia (Bộ Văn hóa và Truyền thông), Bộ Ngoại giao các Đại sứ quán Pháp ở nước ngoài. Là tác nhân chủ yếu của chính sách phát triển văn hóa đọc, Trung tâm Sách Quốc gia có chức năng bảo vệ một nền xuất bản đa dạng và chất lượng cao. Khoảng 18.000 cuốn sách đã được cơ quan này hỗ trợ. Chính các nhà chuyên nghiệp trong lĩnh vực sách tham gia trong các hội đồng xét duyệt tài trợ.
Hoạt động của Trung tâm không chỉ giới hạn trong khuôn khổ nước Pháp mà còn quảng bá sách ra nước ngoài (1/3 tổng ngân sách được dành cho hợp tác quốc tế). Nhiều đơn vị và cá nhân Việt Nam được hưởng sự hỗ trợ của trung tâm. Ví dụ: từ nhiều năm nay Tổng Công ty sách Việt Nam được hưởng tài trợ để bán sách chuyên ngành với giá thấp. Một số nhà xuất bản được hưởng hỗ trợ chi phí dịch tác phẩm và khoảng hơn 30 dịch giả Việt Nam đã được hưởng học bổng sang Pháp nghiên cứu từ 1 đến 3 tháng để hoàn thiện một dự án dịch sách. Ngoài ra, Trung tâm đã hỗ trợ để dịch và xuất bản tại Pháp nhiều tác phẩm văn học Việt Nam của các tác giả như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Dương Hướng, Phan Thị Vàng Anh…

Theo sáng kiến của Bộ Văn hóa và Truyền thông, hằng năm Trung tâm tổ chức nhiều hoạt động để hướng mọi người đến với sách và say mê đọc sách. Ví dụ: Ngày hội đọc sách được tổ chức hằng năm vào mùa thu tại Pháp và được nhân rộng ra khắp mạng lưới các trung tâm văn hóa của Pháp tại hơn một trăm nước trên thế giới. Mỗi năm, Pháp tôn vinh văn học của một nước thông qua Chương trình “Belles Etrangères”: một đoàn hơn mười nhà văn nước ngoài được mời sang Pháp để giới thiệu sách, giao lưu với độc giả Pháp, xuất bản và ký tặng sách.
Phối hợp với Bộ Văn hóa và truyền thông, Trung tâm Xuất khẩu Sách Pháp và một số nhà xuất bản, Bộ Ngoại giao Pháp đã triển khai Chương trình sách Đại học và Khoa học giảm giá, giúp cho sinh viên ở châu Phi mua sách với giá giảm từ 50% đến 75%, mà không hề gây ảnh hưởng đến dây chuyền xuất bản.
Để tăng cường giao lưu văn hóa, hằng năm Bộ Ngoại giao cấp học bổng cho khoảng 60 nhà văn ra nước ngoài trong khuôn khổ chương trình Missions Stendhal. Nhờ học bổng này, nhà văn Pascal Roze đã sang Việt Nam và đã lấy Việt Nam làm bối cảnh để xuất bản tác phẩm L’eau rouge (Nước đỏ). Tác phẩm này đã gây tiếng vang lớn ở Pháp và dự kiến ra mắt bạn đọc Việt Nam trong năm 2008, do NXB Phụ nữ in và phát hành.
(Theo Label France)

Năm 1981, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Pháp thời kỳ đó, ông Jacques Lang, đã ban hành Luật về giá sách duy nhất, theo đó tất cả các cửa hàng không được bán cao hơn hay thấp hơn 5% giá in trên cuốn sách. Lúc đầu Luật này bị phản đối vì bị coi là đi ngược lại chính sách tự do cạnh tranh. Nhưng đến nay Luật này đã nhận được sự ủng hộ của các nhà chuyên nghiệp sách và nhờ đó mà mạng lưới hiệu sách phát triển ở khắp mọi miền nước Pháp.

Minh Nguyệt

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)