Những cuộc chiến chưa suy tàn
Sự suy tàn của chiến tranh không phải là thành quả của một phép mầu hay sự thay đổi của những luật tự nhiên, mà là bởi con người đã có những lựa chọn đúng đắn hơn. Có thể khẳng định chắc chắn rằng đây là thành tựu vĩ đại nhất - xét về phương diện chính trị và đạo đức - của nền văn minh hiện đại”, Yuval Noal Harari.
Người tị nạn từ Ukraine sang Ba Lan đốt lửa sửa ấm tại trạm kiểm soát biên giới Rava Ruska, phía Tây nước này, hôm 26/2. Ảnh: Kyiv Independent.
Nửa tháng trước khi cuộc chiến nổ ra ở Ukraine, thì trên tờ The Economist, sử gia Yuval Noah Harari có bài viết cho rằng những chọn lựa đúng đắn của nhân loại đang bị đe dọa ở Ukraine.
Tác giả của bộ sách nổi tiếng: Sapiens (Lược sử loài người), Homo Deus (Lược sử tương lai) và 21 Lessons for the 21st Century (21 bài học cho thế kỷ 21) nhìn từ góc độ tiến hóa của lịch sử nhân loại, ghi nhận thành tựu lớn nhất mà nhân loại đạt được kể từ sau Thế chiến thứ hai đó chính là “sự suy tàn của chiến tranh”.
Trong thế giới kinh tế toàn cầu hóa, nền văn minh con người phát triển đến chỗ coi sự lớn mạnh của một quốc gia không phải nằm ở sức ảnh hưởng hay uy quyền về quân sự, sự mở rộng bờ cõi lãnh thổ địa lý, mà ở các ảnh hưởng về văn hóa, thương mại, công nghệ và nhất là nguồn tài nguyên tri thức.
Luật rừng (the law of jungle) là từ mà sử gia nhắc lại để chỉ tình trạng kẻ mạnh đè bẹp kẻ yếu, lấy sức mạnh vũ trang làm cách duy nhất để hành xử – vốn là những gì khiến cho nhân loại thống khổ và mất mát trong lịch sử – sẽ khó có thể xảy ra trong thế giới hiện đại, khi mà một cuộc chiến tranh không chỉ khiến cho bên thua trận hứng chịu sự thảm khốc mà cả bên thắng trận cũng sẽ tự biệt lập trước thế giới và gánh chịu những tổn thất kéo theo về kinh tế, ngoại giao…
“Sự suy tàn của chiến tranh không phải là thành quả của một phép mầu hay sự thay đổi của những luật tự nhiên, mà là bởi con người đã có những lựa chọn đúng đắn hơn. Có thể khẳng định chắc chắn rằng đây là thành tựu vĩ đại nhất – xét về phương diện chính trị và đạo đức – của nền văn minh hiện đại”, Yuval Noal Harari viết. Nhưng ông vẫn lo âu: “Nhưng thật không may, bởi nếu điều đó được sinh ra bởi sự lựa chọn của con người thì cũng có nghĩa là nó có thể bị đảo ngược”.
Những hệ lụy về kinh tế từ cuộc chiến ở Ukraine thì toàn thế giới đang cảm nhận được từng ngày từng giờ, qua giá nhiên liệu, thị trường tài chính chứng khoán, giao thương và đặc biệt là hàng không… Những khó khăn và mất mát kéo theo từ cuộc chiến là vô cùng lớn, khó đong đếm được, không chỉ xáo trộn trên thực địa Ukraine mà là những xáo trộn sinh kế, đời sống cho cả thế giới, bởi thế giới hôm nay là một khối liên đới chặt chẽ.
Những gì đang xảy ra ở Ukraine cũng đúng như sử gia Peter Frankopan nhìn ra, là có một sự lặp lại của “Những con đường tơ lụa” trong lịch sử. Đây là vùng đất giàu có tài nguyên, lại là cầu nối Đông-Tây, nơi “đóng vai trò một lò nung, nơi các ý tưởng, phong tục và ngôn ngữ đã chen vai thích cánh với nhau từ thời cổ đại tới ngày nay”. Và từ góc độ địa chính trị, địa kinh tế, Peter Frankopan khẳng định trong cuốn The Silk Roads – A New History of the World (Những con đường tơ lụa): “Tác động của sự bất an, bất ổn hay chiến tranh trong vùng này không chỉ với giá xăng dầu ở các cây xăng trên toàn thế giới; nó còn ảnh hưởng tới giá công nghệ chúng ta sử dụng và thậm chí là bánh mì chúng ta ăn”.
Khủng hoảng từ đại dịch kéo dài ròng rã hai năm đã khiến nhiều nền kinh tế quốc gia suy kiệt, nhiều hệ thống an sinh các nước nghèo phải điêu đứng, nay cuộc xung đột mới lại đặt ra những thử thách đầy nan giải.
Điều tệ hại nhất của cuộc chiến chính là tạo ra một tiền lệ đi ngược với những nỗ lực và thành tựu nhân loại đã đạt được. Xung đột quân sự bây giờ không còn là điều bất khả thi. Kéo theo sau đó, các quốc gia thay vì đầu tư vào các mục tiêu phát triển y tế, giáo dục, phúc lợi xã hội nâng cao chất lượng sống con người, thì sẽ dồn thêm nguồn ngân sách vào quân sự, vũ trang để chuẩn bị cho những tình huống chiến tranh chủ động và ít nhất là không bị động trước rủi ro.
Tuy chưa đi đến hồi kết, nhưng cuộc chiến ở Ukraine đang cho thấy những mất mát không dừng lại ở sinh mệnh con người bị giày xéo, mà còn là những xung đột lan rộng hơn khi thế giới đang có những sự xoay chuyển cục diện đầy bất ổn có thể nhận ra qua cuộc đáp trả, trừng phạt… mà tác động sâu sắc nhất lại trên những kẻ yếu thế, những nhóm người dễ tổn thương trong xã hội.
Cuộc chiến cũng tạo ra một thứ tiền lệ đe dọa an ninh các quốc gia khi các bất đồng không còn giải quyết qua đối thoại mà qua các cuộc phát động chiến dịch quân sự; nước này có thể dễ dàng bỏ qua những nguyên tắc pháp lý quốc tế để xâm nhập lãnh thổ của nước khác.
Khảo cổ học cho thấy các cuộc chiến tranh có tổ chức xuất hiện trên thế giới từ khoảng 1.300 năm trước Công nguyên. Bài học về những lựa chọn đúng đắn để tránh sự ghê rợn và phi lý của chiến tranh cho đến nay vẫn còn nằm trên sách vở, chưa thể là thực tế.□