Những dấu vết thôi thúc ôn cố tri tân
Sinh thời, cha tôi – họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc, hầu như không bao giờ nhắc đến những năm học vẽ ở Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (MTĐD). Chỉ có hồi 1970, khi nương náu ở Lều Vịt Hồ Tây với ông mấy tháng liền, được ông khuyên giải bằng những chia sẻ riêng tư, tôi mới bắt đầu biết rằng giai đoạn học MTĐD chỉ là một chương trong số phận mà ông gọi là “đi tàu lậu vé” của cuộc đời mình. Nghĩa là, cho đến lúc ấy, ông thấy cuộc đời như những chuyến tàu, ông vẫn đi cùng mọi người trên những chuyến tàu ấy, nhưng chỉ mình ông là không có vé, và mọi người đều biết như vậy. Một mặc cảm “không cùng hội cùng thuyền”. Ở chặng đường MTĐD, ông bảo “Học vẽ thời ấy phần lớn toàn con nhà quan lại cự phú ăn trắng mặc trơn, mình là anh trên răng dưới rễ, bị gia đình từ bỏ, phải sống nhờ học bổng, lúc nào cũng như lạc loài…” Cái nỗi niềm ấy, phải mất gần nửa thế kỷ sau, trong lúc lần tìm mọi dấu vết để phục dựng cuộc đời và sự nghiệp của cha, tôi mới thực sự thấu hiểu, nhờ những tư liệu hiếm hoi may mắn có được.
Lớp sơn mài, 1935 – Lưu trữ gia đình Trịnh Hữu Ngọc.
Vắng mặt – dấu vết đầu tiên
Cha tôi vắng mặt trong hầu hết những bức ảnh chụp thầy trò trường MTĐD. Từ ảnh ghi nhớ những bữa ăn sang trọng có mặt thầy Pháp và trò ta, những cuộc tụ hội hoặc kỷ niệm nào đó rất đông người, những cảnh khai trương một tác phẩm điêu khắc, cảnh các lớp vẽ đang giờ học, bên trong một phòng triển lãm của sinh viên ngay trong trường, ngoài cửa một cuộc triển lãm lớn trong thành phố, ảnh chụp đoàn học sinh đi dự tang lễ thầy Tardieu vẫn hay đăng trên sách báo và internet… Trong tất cả những ảnh chụp từ thời thành lập trường 1925 đến năm biến động 1945 mà tôi đã xem, cha tôi chỉ có mặt trong một bức duy nhất, chụp nhóm sinh viên lớp sơn mài hồi 1935, có không khí rất bất chợt và vui vẻ, khác hẳn những ảnh tập thể có sắp xếp. Mà trong ảnh này, ông cũng chỉ là một gương mặt của người đứng sau lưng bạn bè, cho dù là với một nụ cười. Không biết ông ăn mặc thế nào, có giống với các bạn đồng môn hay không?
Sự vắng mặt ấy, với tôi, là dấu vết kín đáo đầu tiên của tâm trạng “đi tàu lậu vé” trong giai đoạn MTĐD của cha tôi.
Thực ra, trong giai đoạn ấy, chuyến tàu ấy, cha tôi còn ngồi trong một toa khác nữa – toa tàu Hướng Đạo Sinh Việt Nam. Ông tham gia ngay từ đầu, coi người khởi xướng Hướng Đạo ở Bắc Kỳ – cụ Hoàng Đạo Thúy – như người anh lớn trong nhà, và làm trưởng Tráng đoàn Vạn Kiếp trong nhiều năm. Dấu vết Hướng Đạo của ông rất sinh động ở những câu chuyện về tình huynh đệ hào sảng của ông đối với các huynh trưởng cũng như tráng sinh của mình. Một cựu tráng sinh đoàn Vạn Kiếp, nay đã gần trăm tuổi, vẫn còn kể chuyện về ông, hát những bài tráng sinh ca do ông sáng tác từ những năm 1940. Ngay cả trong tác phẩm đồ gỗ của ông làm thời 1950, mô-típ hoa bách hợp của Hướng Đạo cũng được khắc họa rất tha thiết và sang trọng. Nhưng ông vẫn vắng mặt trong tất cả những ảnh chụp Hướng Đạo. Và đặc biệt hơn nữa, ông vắng mặt hoàn toàn trong chính trường, trong lúc hầu hết các đồng chí Hướng Đạo của ông đều tham gia Việt Minh, trở thành những yếu nhân thân cận với Hồ Chí Minh hay những nhân vật lịch sử có vai trò trong cuộc khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Danh sách một thiểu số
Ngày 24/08/2014, biết tôi đang tìm tư liệu để viết sách về họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc, chị Loan de Fontbrune – một chuyên viên tại Học viện Quốc gia về Lịch sử Mỹ thuật ở Paris (INHA – Institut National d’Histoire de L’Art – Paris) – đã trân trọng gửi cho tôi bản chụp một lá thư công vụ do người thư ký họ Trịnh của trường viết ngày 18/10/1935 gửi hiệu trưởng Victor Tardieu, trong đó có danh sách các sinh viên MTĐD được tài trợ học bổng năm 1936. Cha tôi có tên trong danh sách ấy.
Từ danh sách này, chúng tôi chỉ khẳng định được hai điều: Trịnh Hữu Ngọc là sinh viên năm thứ ba trong năm 1935, nghĩa là ông học Khóa IX (1933-1938); và là sinh viên có sẽ học bổng trong năm 1936, với số tiền 60 đồng Đông Dương một tháng mà theo lời mẹ tôi kể sau này, “cũng đủ để sống đàng hoàng, và còn nuôi được cả một anh giúp việc lo dọn dẹp và các việc nặng khác trong nhà.” Trong tổng số 39 sinh viên Khoa Hội họa và Điêu khắc có mặt trong năm 1936, của từ Khóa VII đến Khóa XI, chỉ có chín người được học bổng. Quả là một danh sách thiểu số. Với dư luận chung, có mặt trong sách thiểu số loại này là một vinh dự. Bản thân chúng tôi cũng đã từng thấy một cảm giác gần như tự hào về việc cha mình không những đã thi đỗ được vào MTĐD ở tuổi 21, mà còn được trường cấp học bổng để có thể theo học một cách đàng hoàng. Chỉ sau này, từ kinh nghiệm bản thân, và đặc biệt là từ một dấu vết khác của cha, chúng tôi mới có một cảm xúc khác về loại danh sách thiểu số này. Trước khi trình bày dấu vết đặc biệt của thời kỳ đầu thế kỷ 20 ấy, chúng tôi thấy cần phải chia sẻ một dấu vết “không cùng hội cùng thuyền” đặc biệt khác của họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc, xuất hiện công khai hồi mùa xuân 1988.
Danh sách sinh viên được học bổng năm 1936 – Lưu trữ INHA. Ảnh: Loan de Fontbrune.
Một cử chỉ lạc lõng
Trong cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên và duy nhất của Trịnh Hữu Ngọc tại 16 Ngô Quyền, Hà Nội, từ 7 đến 27 tháng 4, 1988, người xem ngỡ ngàng khi thấy một mảng tường trang trọng có đặt một chiếc kỷ gỗ trắc, trên đó đặt bức tượng chân dung thầy Victor Tardieu1– người sáng lập và là hiệu trưởng MTĐD; phía trên tường là một ảnh chân dung thầy Nam Sơn Nguyễn Văn Thọ, là cộng sự đồng sáng lập nhà trường với thầy Tardieu; và trên nữa là một ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Đó là lần đầu tiên ở nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, một cựu sinh viên MTĐD công khai bày tỏ lòng biết ơn tới hai bậc thầy đã có vai trò cực kỳ quan trọng trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam.”2 Khi trả lời báo chí và người xem về bộ ngai thờ không tiền khoáng hậu ấy, cha tôi đều phải giới thiệu về hai người thầy của mình, rồi thêm rằng “Tôi thành họa sỹ là nhờ hai thầy Tardieu và Nam Sơn, còn cụ Hồ là người chấp nhận tôi là họa sỹ”.
Cử chỉ công khai vinh danh cả ba nhân vật ấy thực sự “lạc lõng” trong đời sống văn nghệ nước nhà lúc bấy giờ. Một trí thức thực dân, một đồng sự thuộc địa, và nhân vật lịch sử khổng lồ đã xóa bỏ sự hiện diện của họ – cả ba đều là ân nhân của họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc. Với thầy Nam Sơn thì chúng tôi hiểu được ngay. Cùng giống cùng nòi, thầy là người dạy dỗ mà lại quý trọng cha chúng tôi từ buổi đầu cho tới ngày ra nghề. Gia đình thầy đã thành thân thiết với gia đình chúng tôi. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì chúng tôi cũng hiểu được, vì suốt trong bao nhiêu năm, khi ngay cả mọi người trong Hội Mỹ thuật cũng bảo Trịnh Hữu Ngọc chỉ làm đồ gỗ chứ có vẽ gì đâu mà là họa sỹ, mà cũng chả bao giờ ló mặt đến Hội, thì năm nào cụ Hồ cũng cho người đến mua tranh làm quà tặng khách quốc tế, và còn nhờ thiết kế nhà nghỉ và nội thất máy bay riêng của mình, đối đãi như với một họa sỹ tự do thực sự. Nhưng còn thầy Tardieu? Một người Pháp xa lạ, chỉ thấy ngồi tiệc tùng với những sinh viên không cần học bổng trong những bức ảnh sang trọng? Lại còn có lúc bị đám sinh viên bản xứ làm reo phản đối, khiến cho nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật Quang Việt, một chuyên gia về thời kỳ MTĐD, cho rằng một trong những cuộc làm reo ấy đã khiến thầy Tardieu căng thẳng đến mức đột quỵ và qua đời! Điều gì đã khiến cha chúng tôi, một sinh viên “lúc nào cũng như lạc loài” trong trường, đã có một thâm tình đặc biệt như vậy với hiệu trưởng Victor Tardieu?
Có lẽ anh linh cha đã nghe thấu nỗi niềm ấy của chúng tôi, nên mới dẫn chúng tôi đến một dấu vết mới của mình, cách xa quê hương nửa vòng địa cầu.
Thư gửi thầy
Ngày 02/06/2016, anh Ngô Kim Khôi, cháu ngoại họa sư Nam Sơn-Nguyễn Văn Thọ, sau khi đọc bản in thử phần đầu cuốn sách “Trịnh Hữu Ngọc – Từ những tác phẩm còn lại” của chúng tôi đang làm, đã từ Paris gửi cho tôi một tin nhắn qua điện thư, rằng “Anh ơi, anh thắp hương cho cụ Ngọc đi, em vừa tìm được bức thư cụ viết tay, gửi cho cụ Tardieu đây này…” Và chỉ vài phút sau, tôi đã thấy những con chữ tiếng Pháp của cha, viết bằng bút mực ngòi sắt, trên nền giấy không có dòng kẻ đã nhuốm màu thời gian, như cát hóa thạch, hiện lên trên màn hình chiếc MacBook Pro của mình…
Bức thư viết ngày 2 tháng 8 năm 1935. Lưu bút cho thấy cha chúng tôi viết thư ấy ở Phủ Lạng Thương, chắc trong một buổi về thăm quê; nhưng gửi thư từ địa chỉ 89 phố Khâm Thiên, Hà Nội. Trong thời gian ấy, thầy Tardieu đang ở Pháp, và thầy Roger thay quyền cai quản nhà trường. Chúng tôi nghĩ khi cụ Tardieu đọc lá thư, những con chữ của cụ Ngọc sẽ vang lên thành lời như thế này:
Thưa thầy thân quý,
Xin cho phép môn sinh này của thầy có lời chúc thầy cùng gia quyến tôn kính của thầy luôn được an vui, khỏe mạnh và may mắn. Về phần mình, chúng tôi rất mong sẽ nhận được lời thầy trong chuyến thư sắp tới. Đã rất lâu rồi, và chúng tôi nhớ thầy.
Ông Roger đã hết sức đảm nhiệm cương vị của thầy. Ông Nam Sơn, ông Lộc và bà Aymé đều rất tận tâm và rất dễ chịu với chúng tôi. Thật thế, họ không hề gọi chúng tôi là đám “ba que ba láp”, nhưng chúng tôi vẫn rất nhớ thầy. Thật ra khi thầy đi vắng, chúng tôi được vẽ tự do hơn mà không lo bị bảo “cậu vẽ như lợn” hay “tôi sẽ đuổi cổ cậu”, những câu nói làm chúng tôi ăn mất ngon trong vài ngày trời. Nhưng thầy biết không, như những đứa trẻ không còn biết chơi trò gì nữa khi đợi bố về, chúng tôi bắt đầu cảm thấy như mình đang sống trong không khí của một ngôi nhà bị ma ám.
Xin thầy đừng nghĩ rằng chúng tôi hư hỏng, hay ông Nam Sơn và ông Lộc bất tài. Một nghìn lần không thưa thầy. Với chút khôn ngoan còn lại, chúng tôi luôn biết cách làm cho công việc của các vị trưởng môn dễ dàng hơn. Chắc chắn thầy có thể khiển trách họ đã không đóng đủ tiền bảo hiểm. Họ cũng không làm chúng tôi yên tâm hơn vì chính họ là những người mong thầy về nhất.
Chúng tôi nghỉ học đã hơn một tháng rồi. Chúng tôi xoay xở đủ cách để tiếp tục làm việc. Chúng tôi sa vào những cuộc khủng hoảng khác nhau. Khủng hoảng màu vẽ, khung tranh, toan … nhất là khủng hoảng về người mẫu. Nhưng xin thầy yên tâm, chúng tôi vẫn hy vọng nộp cho thầy năm tới những bài vẽ tốt.
Các đồng môn Cẩn và Khang của chúng tôi đã lên đường vào Huế. Mạn phép thầy cho tôi khỏi phải bận tâm về họ. Họ ra đi phơi phới, yên trí với phương tiện đầy đủ của mình, chắc chắn họ sẽ có những thành quả tốt đẹp. Trong khi đó, tôi cũng đã lên đường để thực hiện lời hứa với chính mình, mang theo một niềm tin buồn bã rằng tôi đã không nghe lời thầy, cùng với mọi hạn chế của rủi ro và thiếu thốn, những sự cố ngẫu nhiên, những thất thố quan hệ bắt nguồn từ cuộc sống buông thả mà tôi vẫn gắng sức từ bỏ. Qua suốt một năm u buồn, cái thu lượm được của tôi chỉ là những suy tư vụn vặt đáng thương. Tôi đã nhận ra hết gánh nặng của mình. Tôi đã tự kết tội, và hài lòng chịu án phạt ấy. Bất hạnh muốn tôi còn phải kéo lê cuộc sống ăn bám này, và còn hành hạ bằng cách cho tôi có dáng vẻ một đứa trẻ được nuông chiều: Chỗ ở chỉ 5 đồng một tháng của tôi vẫn được thu xếp đàng hoàng, có máy quay đĩa, máy chụp ảnh, rương sắt với ổ khoá Yale, chỗ này chỗ kia một vài thứ đồ linh tinh có chất sang trọng. Chỉ có Nùng và Chương biết tôi sống thế nào, chỉ có họ mới biết rằng tôi và con chó cảnh của tôi, mỗi ngày chỉ được ăn một bữa.
Dễ hiểu tại sao tôi có vẻ bỡn cợt khi nói về cái nghèo và sự thiếu thốn của mình. Bị gia đình bỏ rơi, tôi nâng niu những người bạn tận tình với mình. Biết những chuyện này, thầy sẽ hiểu được cuộc sinh tồn đáng buồn của tôi.
Tôi thừa biết mình phải làm việc, và đã rất nỗ lực để chinh phục lại sự tôn trọng của thầy, nhưng thưa thầy, làm việc giữa cả đống bùng nhùng này, lại còn bị nghe “Cậu chỉ là đồ ba láp”, rồi còn đay thêm “Tôi nói thật chứ không đùa đâu”, thì chắc phải là thần Hercule mới làm nổi.
Nhưng thưa thầy, xin thầy yên tâm. Chúng tôi sẽ không bao giờ bội bạc tấm lòng của thầy, tấm lòng của một người cha. Không có được tính bạt thiệp của người Pháp để diễn đạt lòng biết ơn của chúng tôi đối với thầy, nhưng chúng tôi biết gìn giữ tình phụ tử của thầy tận nơi đáy lòng mình.
Còn về cuộc đời của chúng tôi – đã từng man dại – năm năm học này sẽ thành một kỷ niệm không thể nào quên, sẽ thành như cả một cuộc đời. Chúng tôi sẽ không bao giờ quên những giờ phút làm việc say sưa được thầy tận tụy hướng dẫn như một người cha. Chúng tôi cũng sẽ không bao giờ quên lời khuyên của thầy rằng nên tránh ảnh hưởng của nghệ thuật Địa trung hải.
Thưa thầy, chúng tôi tôn kính phẩm cách Pháp đã khiến thầy yêu thương chúng tôi thật chân thành, không thiên vị, như một người cha – vì con người và vì nghệ thuật.
Một lần nữa, chúng tôi xin có lời tốt đẹp nhất chúc thầy và gia quyến tôn kính của thầy luôn mạnh giỏi, đắc thọ.
Môn sinh của thầy,
(ký tên) Ngọc
Với cách xưng hô “Cher Maitre” – “Thưa thầy thân quý”; với những bộc bạch rất khí khái mà vẫn tôn kính khi nhắc đến những lời quát mắng học trò của thầy, đến những khó khăn vì nhiều lý do trong thời gian thầy đi vắng, đến tấm lòng phụ tử mà mình cảm nhận rất sâu sắc ở thầy, và đặc biệt là những lời tâm sự về cuộc sống và tâm trạng riêng tư nhất của mình với thầy; bức thư này quả thật là dấu vết bằng lời sâu đậm nhất mà chúng tôi có được cho tới nay của tình thầy trò đặc biệt mà cha chúng tôi đã có với cụ Tardieu. Đặc biệt, chúng tôi tin rằng khi viết “Bất hạnh muốn tôi còn phải kéo lê cuộc sống ăn bám này…”, cụ Ngọc muốn ám chỉ việc mình vẫn còn phải sống nhờ học bổng của trường, coi đó là một bất hạnh đối với mình. Những lời nhắc đến Trần Văn Cẩn và Nguyễn Khang cũng tiết lộ tâm trạng của một sinh viên phải sống nhờ học bổng đối với các đồng môn giàu có, những người lúc nào cũng “yên trí ở phương tiện đầy đủ của mình”.
Ở thời điểm ấy, tại nhà 89 Khâm Thiên, chàng sinh viên mỹ thuật Trịnh Hữu Ngọc đã phải lo cuộc sống cho gia đình hai vợ và hai con gái đầu lòng. Chắc hẳn đó cũng là một lý do khiến cho chàng rất ít khi có mặt trong các bức ảnh tập thể ở các buổi tụ họp liên hoan ở trường. Nhưng đọc những bộc bạch riêng tư với thầy trong bức thư này, ta chỉ thấy những dằn vặt hình nhi thượng về sự nghiệp và căn tính, tuyệt nhiên không có một lời nào với ý gợi lòng thương cảm để được thầy ưu ái.
Điểm đáng nói nữa, là khi bày tỏ lòng tôn kính của mình với thầy Tardieu, cụ Ngọc nói rõ “Trés cher maitre – nous vénerons en vous le français qui sait nous aimer sincérement sans distinction aucune et paternellement pour l’amour du prochain et de l’art” – mà chúng tôi dịch là “Thưa thầy rất thân quý, chúng tôi tôn kính phẩm cách Pháp đã khiến thầy yêu thương chúng tôi thật chân thành, không thiên vị, như một người cha – vì con người và vì nghệ thuật.” Nghĩa là cái tình thầy trò ấy không phải là một quan hệ ơn huệ cá nhân bình thường, mà là một tình cảm xuất phát từ nhận thức cao đẹp hơn về nhân phẩm mà cụ Ngọc nhìn thấy ở giá trị Tự do-Bình đẳng-Bác ái, khởi xướng từ cuộc cách mạng của người Pháp.
Tại tang lễ của thầy Tardieu tại Hà Nội, ngày 26/08/1937 – Lưu trữ gia đình Nam Sơn. Ảnh: Ngô Kim Khôi.
Đây cũng là lần đầu tiên chúng tôi thấy cha viết về thân phận “bị gia đình ruồng bỏ” của mình, mặc dù ông đã có vài lần nhắc đến chuyện chỉ vì định bỏ việc để đi học vẽ mà bị bố đoạn tuyệt, nên mới bỏ đất Sài Gòn để ra Hà Nội tìm cách học MTĐD. Đọc thư này, chúng tôi mới hiểu sâu sắc hơn tại sao thời còn trẻ cụ Ngọc quý bạn hơn quý họ hàng. Và cho đến già, có đồng nào trong túi là cụ lại đạp xe đi thăm các bạn. Rồi cuối đời, cụ muốn được thành tro bụi chứ không thích bị an táng trong khu mộ họ Trịnh do chính cụ thiết kế và xây dựng ở quê nhà. Và nhất là: cha chúng tôi luôn tôn trọng những thiên hướng tự nhiên của chúng tôi, luôn yêu thương chúng tôi thật bình đẳng, vượt khỏi mọi thói thường nhỏ nhặt.
Cùng với bức thư, bức ảnh sau đây, mà chúng tôi xin được bản sao từ lưu trữ gia đình của họa sư Nam Sơn-Nguyễn Văn Thọ, có lẽ là minh chứng thuyết phục nhất cho tình phụ tử cha tôi đã dành cho thầy Tardieu.
Trong ảnh này, tất cả sinh viên MTĐD dự tang lễ tiễn đưa thầy Victor Tardieu hôm 26/08/1937 đều mặc đồ Tây; chỉ có Trịnh Hữu Ngọc là để tang thầy đúng như để tang cha đẻ của mình, theo phong tục Việt Nam. Chúng tôi nghĩ chả cần phải thêm lời nào nữa. Về cả tình phụ tử ấy, cũng như số phận “không cùng hội cùng thuyền” mà Trịnh Hữu Ngọc đã lựa chọn cho mình.
Ôn cố tri tân
Những dấu vết cá nhân về cuộc đời của một sinh viên MTĐD mà chúng tôi vừa trình bày cũng tiết lộ khá nhiều chuyện khác khiến chúng tôi thấy việc lần tìm dấu vết người xưa cũng có một tác dụng “ôn cố tri tân” nhất định. Nghĩa là khi biết thêm về quá khứ thì tự nhiên cũng có một cái nhìn mới đối với hiện tại. Xin chia sẻ một vài cái biết thêm ấy.
Thứ nhất là thời MTĐD, mỹ thuật được coi là một “nghề chuyên môn”, nên nhà trường thầy dạy sinh viên những cái rất cụ thể. Cái lo của sinh viên phải làm được theo lời dạy của thầy, phải có những bài vẽ tốt nộp cho thầy, cho thấy thời ấy nhà trường dạy vẽ, điêu khắc, kiến trúc, vẫn theo một hệ thống cơ bản chất lượng rõ ràng, noi theo những “khuôn vàng thước ngọc” đã thành cổ điển, cho nên mọi thứ đều có đúng có sai, có đẹp có xấu, có cái nên cái không nên. Theo lời anh An Kiều, thì những bảng điểm của cụ Nam Sơn dùng để chấm bài cho sinh viên đều có các tiêu chí cụ thể, và thang điểm được tính đến từng 1/10 của một điểm. Được học cơ bản kỹ như thế, nên tốt nghiệp MTĐD ai cũng có thể làm thầy giáo dạy vẽ, dạy điêu khắc, dạy kiến trúc, ở trong hệ thống nhà trường của xã hội, hoặc mở lớp mở trường riêng của mình.
Thứ hai là “nghề mỹ thuật” thời ấy được coi trọng như các nghề chuyên môn khác trong xã hội. Và trường mỹ thuật cũng là một “học đường”. Các chuyên môn hội họa, điêu khắc, kiến trúc đều được coi là mỹ thuật, dạy trong cùng một trường. Họa sỹ, điêu khắc gia, kiến trúc sư, tốt nghiệp cao đẳng mỹ thuật, đều có vị thế như bác sỹ, kỹ sư, luật sư, và các nhà sư phạm. Thời ấy, theo như các dấu vết hình ảnh, giáo viên và sinh viên mỹ thuật, khi đến trường, đều ăn vận chỉnh tề theo đúng quy chuẩn vị thế cao đẳng học đường của xã hội lúc bấy giờ.
Thứ ba là MTĐD đã có chế độ chu cấp họa phẩm cho sinh viên, từ giấy các loại, vải các loại, khung căng… cho đến mọi thứ họa phẩm khác. Có vẻ như việc cung cấp họa phẩm và người mẫu được thu xếp với một công ty chuyên ngành, chắc là của Pháp, và có đóng bảo hiểm để đảm bảo số lượng hay chất lượng thế nào đó. Chúng tôi vẫn còn giữ được một tập vẽ từ thời sinh viên của cụ Ngọc, trang giấy nào cũng có đóng dấu tròn của MTĐD.
Thứ tư là MTĐD tuyển sinh rất ít, chắc là chọn lọc kỹ đầu vào, và để đảm bảo sinh viên được dạy theo mô hình một thầy chỉ có một số trò nhất định thôi. Và mặc dù nhà trường chu cấp toàn bộ họa phẩm, có học bổng cho sinh viên nghèo, tuyển sinh không phân biệt thành phần giai cấp3, và sinh viên tốt nghiệp đều được nhà nước bổ nhiệm về làm mỹ thuật học vụ hoặc giáo viên mỹ thuật ở các trường trong cả xứ Đông Dương; nhưng ai không nhận bổ nhiệm ấy thì cũng không bị nhà nước bắt đền hoặc trừng phạt, vẫn được tự do lựa chọn cuộc sống của mình. Trong số tài liệu có tại lưu trữ gia đình của cụ Nam Sơn, chúng tôi được biết có công văn cho thấy họa sỹ Nguyễn Phan Chánh có đệ đơn xin được làm thầy giáo dạy vẽ ở Nam Vang, nhưng không được, vì nhà trường đã bổ Tô Ngọc Vân về đó rồi.
Cuối cùng, về số phận “đi tàu lậu vé”, “không cùng hội cùng thuyền” mà cha chúng tôi từng nhắc đến ấy; chắc bây giờ anh linh ông chỉ đang mỉm cười khi đọc bài viết này. Chúng tôi tin rằng ông đã hết lênh đênh rồi, đã về đến Nhà yên bình, đã tìm thấy trọn vẹn cái riêng của mình trong nhịp sống hài hòa của Thiên nhiên. Và cái tri tân của chúng tôi từ những dấu vết của ông là: số phận nào cũng là do mình tự chọn, và chẳng có gì hơn được thế.
Shorewood, Milwaukee
07/03/2017
———-
1Tác phẩm của George Khánh, chúng tôi mượn của anh An Kiều, con trai cụ Nam Sơn để bày trong triển lãm.
2“Trịnh Hữu Ngọc – Từ những tác phẩm còn lại”, Trịnh Lữ, NXB Mỹ Thuật, 2017, trang 10.
3Có lẽ vẫn theo tiêu chuẩn mà chúng tôi thấy trong tài liệu của Chính phủ Pháp hướng dẫn thành lập và vận hành Trường vẽ Gia Định, năm 1916, nghĩa là người nộp đơn xin học chỉ cần 16 tuổi trở lên, và có giấy chứng nhận của cảnh binh hoặc chính quyền địa phương rằng gia đình và bản thân mình là người tử tế, chưa có vi phạm gì về pháp luật.