Những định đề của Cervantes và Shakespeare
Họ đều là những nhà văn tự ý thức về chính mình sâu sắc, họ đều hiện đại hiểu theo nghĩa mà hầu hết các bậc thầy văn chương hiện đại đều thừa nhận: một người viết những vở kịch ý thức rất rõ tính chất sân khấu, tính khả thi trong dàn dựng của chúng; người kia sáng tạo nên tác phẩm hư cấu ý thức rất sâu về bản chất hư cấu của mình.
Khi chúng ta đang tiến tới kỷ niệm 400 năm ngày qua đời của William Shakespeare và Miguel de Cervantes Saavedra thì một chi tiết có lẽ đáng chú ý là: mặc dù người ta thường cho rằng hai tác gia “khổng lồ” này qua đời cùng một ngày, 23-4-1616 nhưng trên thực tế lại không phải như thế. Đến năm 1616, Tây Ban Nha đã chuyển sang dùng lịch Gregorian trong khi nước Anh vẫn dùng lịch Julian, vốn chậm hơn 11 ngày. (Nước Anh còn sử dụng hệ thống ngày tháng theo lịch Julian đến tận năm 1752, và khi thay đổi này cuối cùng cũng phải xảy ra, người ta kể rằng trên đường phố đã có những cuộc bạo động và đám đông la ó, “Hãy trả lại cho chúng tôi 11 ngày!”) Người ta có thể nghĩ cả sự trùng hợp về ngày tháng lẫn sự khác biệt của hai hệ thống lịch đều sẽ kích thích những hứng thú khôi hài và suy tư sâu xa của hai vị “cha đẻ” của nền văn học hiện đại này.
Chúng ta không biết liệu họ có biết nhau hay không, nhưng họ có nhiều điểm chung, bắt đầu ngay ở cái vùng “không biết” này, vì họ đều là những con người bí ẩn, có những quãng thời gian trong cuộc đời họ không được ghi lại, và thậm chí ấn tượng hơn nữa, có những tư liệu về họ bị mất. Cả hai đều không để lại những tư liệu cá nhân. Hầu như không có thư từ, nhật ký, bản thảo bị quên lãng, mà chỉ có tác phẩm đồ sộ, đã hoàn chỉnh. “Phần còn lại là im lặng.” Hệ quả là, cả hai ông đều trở thành con mồi cho những lý thuyết ngu xuẩn muốn tìm cách lật lại quyền tác giả của họ.
Chẳng hạn, một tìm kiếm nhanh trên internet sẽ “tiết lộ” rằng không chỉ Francis Bacon đã viết những tác phẩm của Shakespeare mà ông còn là người sáng tác cả Don Quixote nữa. (Giả thuyết điên rồ nhất của tôi về Shakespeare là những vở kịch của ông không phải do ông viết mà là do một ai đó có cùng tên sáng tác.) Và cố nhiên, Cervantes cũng đối mặt với thử thách về tác quyền trong suốt cả đời mình, khi một kẻ có bút danh là Alonso Fernández de Avellaneda, căn cước cũng rất mơ hồ, đã xuất bản phần nối tiếp Don Quixote và buộc Cervantes phải viết tập II thật sự của cuốn tiểu thuyết này, với những nhân vật biết rõ về kẻ đạo văn Avelllaneda và hết sức khinh rẻ hắn.
Cervantes và Shakespeare gần như chắc chắn chưa bao giờ gặp nhau, nhưng càng nhìn vào những trang văn mà họ để lại, ta càng nghe thấy nhiều sự đồng vọng giữa hai tác giả. Trước hết, và đối với tôi, ý niệm được chia sẻ giá trị nhất là niềm tin rằng một tác phẩm văn chương không phải chỉ đơn thuần là hài hước, bi kịch, lãng mạn, chính trị/lịch sử: rằng, nếu hình dung một cách đúng đắn, nó có thể là nhiều thứ cùng lúc.
Ta hãy nhớ lại những cảnh mở đầu của Hamlet. Hồi I, cảnh I là một câu chuyện ma. “ Chẳng phải điều này còn hơn cả huyễn tưởng?” Barnardo đã hỏi Horatio, và dĩ nhiên, vở kịch còn hơn cả thế. Hồi I, cảnh II, hé mở một mối dan díu ngầm: một hoàng tử học thức không thể kiềm chế cơn giận dữ khi mẹ của chàng – bà hoàng hậu vừa mới mất chồng – đã vội cưới ngay người chú của cháng (“Ôi! Sao quá nhẫn tâm vội vàng đắm mình vào đống gối chăn loạn luân khéo léo đến thế!”). Hồi I, cảnh III, Ophelia xuất hiện, tâm sự với người cha luôn đa nghi của mình, Polonius, về mối tình mà sau này sẽ trở thành một kết cục đau buồn: “Ôi Cha ơi, chàng đã luôn tỏ vẻ yêu thương con một cách đàng hoàng, đứng đắn.” Hồi I, cảnh IV, lại là một chuyện ma và một cái gì đó đang thối rữa trong lòng xã hội Đan Mạch.
Và khi vở kịch tiến triển, nó tiếp tục có những sự biến dạng, lần lượt trở thành một câu chuyện về một vụ tự sát, một âm mưu chính trị, một bi kịch báo thù. Nó có những khoảnh khắc hài hước, có một vở kịch lồng trong kịch. Nó bao hàm cả những bài thơ tinh tế nhất từng được viết bằng tiếng Ahh và nó kết thúc bằng một cảnh tượng đẫm máu mang tính chất melodrama.
Đó là những gì chúng ta – những kẻ đi sau – kế thừa từ thiên tài xứ Bard này: ta hiểu rằng một tác phẩm có thể là mọi thứ cùng lúc. Truyền thống Pháp, vốn nghiêm ngặt hơn, phân chia bi kịch (mà mẫu mực là Racine) với hài kịch (mà mẫu mực là Molière). Shakespeare đã trộn lẫn chúng lại với nhau và nhờ ông, chúng ta cũng có thể làm việc ấy.
Trong một tiểu luận, Milan Kundera đã đề xuất một cách quan niệm, theo đó, thể loại tiểu thuyết có hai cột mốc khởi điểm là Clarrisa của Samuel Richardson và Tristram Shandy của Lawrence Sterne, thế như cả hai tác phẩm hư cấu đồ sộ, mang tính bách khoa thư này đều cho thấy ảnh hưởng từ Cervantes. Bác Toby và hạ sĩ Trim rõ ràng được xây dựng theo mẫu Quixote và Sancho Panza, trong khi chủ nghĩa hiện thực của Richardson rõ ràng đã ảnh hưởng rất nhiều từ cách mà Cervantes bóc trần truyền thống văn chương trung cổ ngu ngốc mà những ảo tưởng của nó đã khiến Don Quixote mê muội. Trong kiệt tác của Cervantes, cũng như trong tác phẩm Shakespeare, sự nhục nhã cùng tồn tại với sự cao quý, niềm bi thương và thống cảm cùng tồn tại với sự tục tĩu, thô bỉ, tất cả được đẩy lên cực điểm ở khoảnh khắc mãi mãi làm chúng ta xúc động khi thế giới thực khẳng định chính nó còn Chàng hiệp sĩ Mặt buồn phải thừa nhận mình là kẻ ngu dại, một lão già điên khùng, “ cứ đi tìm những con chim năm nay trong tổ chim năm ngoái.”
Họ đều là những nhà văn tự ý thức về chính mình sâu sắc, họ đều hiện đại hiểu theo nghĩa mà hầu hết các bậc thầy văn chương hiện đại đều thừa nhận: một người viết những vở kịch ý thức rất rõ tính chất sân khấu, tính khả thi trong dàn dựng của chúng; người kia sáng tạo nên tác phẩm hư cấu ý thức rất sâu về bản chất hư cấu của mình, thậm chí còn phát kiến cả một người kể chuyện tưởng tượng, Cide Hamete Benengeli – một người kể chuyện, thú vị thay, có gốc gác Arab.
Và họ vừa là những người yêu mến, gắn bó với đời sống dưới đáy, lại vừa là những con người mang những ý tưởng cao sâu, tác phẩm của họ là phòng tranh mà ở đó ta thấy những kẻ bất lương, những ả gái điếm, những tên móc túi và những gã say khướt ở trong cùng quán rượu. Tính chất trần thế này là điều cho thấy cả hai đều là những nhà hiện thực chủ nghĩa trứ danh, kể cả khi tỏ ra mình là những ngòi bút huyễn tưởng, và bởi thế, một lần nữa, chúng ta – những kẻ đi sau -có thể học được từ họ, rằng cái kỳ ảo là vô nghĩa trừ khi nó phục tùng chủ nghĩa hiện thực – có có một “pháp sư” nào mang tinh thần hiện thực chủ nghĩa hơn Prospero, nhân vật chính trong vở Tempest [Cơn bão]? – và chủ nghĩa hiện thực phát huy sức mạnh của nó nhờ mũi tiêm lành mạnh của người kể chuyện hoang đường. Cuối cùng, dù cả hai đều khai thác những thủ pháp bắt nguồn từ truyện kể dân gian, huyền thoại và ngụ ngôn song họ đều từ chối luân lý hóa và hơn tất cả, chính điều này khiến họ còn hiện đại hơn cả những người đi sau họ. Họ không nói với chúng phải nghĩ hay cảm thấy thế nào, nhưng họ chỉ cho chúng ta cách làm thế nào để khơi gợi sự cảm và nghĩ.
Trong hai người, Cervantes là con người hành động, tham gia vào những cuộc chinh chiến, bị thương nặng, mất khả năng sử dụng bàn tay trái, bị cướp biển bắt làm nô lệ ở Algiers trong suốt năm năm cho đến khi gia đình của ông có đủ tiền chuộc. Shakespeare không có những kinh nghiệm cá nhân kịch tính như thế; thế nhưng trong hai người, ông lại là tác giả hứng thú hơn đối với những câu chuyện chinh chiến và đời lính. Othello, Macbeth, Lear đều là những câu chuyện về những người đàn ông trong chiến tranh (cuộc chiến bên trong chính họ, nhưng cố nhiên cũng là cuộc chiến nơi chiến trường). Cervantes đã sử dụng những kinh nghiệm đau thương của mình, chẳng hạn như Câu chuyện của người tù trong Don Quixote và ở một vài vở kịch, nhưng cuộc chiến mà Don Quixote lao vào – để dùng những từ ngữ hiện đại – lại mang tính chất phi lý và hiện sinh hơn là “thực”. Lạ lùng thay, người chiến binh Tây Ban Nha lại viết về sự vô ích hài hước của việc lao vào chinh chiến và tạo nên một hình tượng châm biếm vĩ đại về chàng hiệp sĩ như một gã khờ (người ta có thể nhớ đến Catch-22 của Joseph Heller và Slaughterhouse-Five của Kurt Vonnegut như là những trường hợp của thời hiện đại cùng khai thác đề tài này), trong khi đó kịch tác gia-thi sĩ người Anh lại để trí tưởng tượng của mình liều lĩnh đi sâu vào chiến tranh (tương tự như Leo Tolstoy, như Norman Mailer).
Dù có những khác biệt nhưng nét tương đồng giữa họ là để lại những di sản lớn lao cho thế hệ sau tiếp tục tìm tòi và suy ngẫm.
Trần Ngọc Hiếu dịch
Nguồn: Lunatics, Lovers and Poets: Twelve Stories After Cervantes and Shakespeare, with an introduction by Salman Rushdie, is published by And Other Stories (£10)