Những đồng tiền không chính thống (bài 1)

Tiền tệ là huyết mạch của đời sống kinh tế, ngay cả trong một xã hội thương mại không phát triển như thời phong kiến ở Việt Nam. Lịch sử của đồng tiền cũng là lịch sử kinh tế và phản ánh một cách sinh động những vấn đề nhân sinh xã hội.

Tiền Việt Nam đã được nghiên cứu thế nào, đến nay chúng ta chỉ có vài cuốn sách, mà chủ yếu lại là của người nước ngoài, trong đó có những người chơi tiền, sưu tập tiền, rồi khi bộ sưu tập trở nên có hệ thống, họ bèn viết thành tài liệu nghiên cứu. Một người như vậy là Tiến sỹ R. Allan Barker, một học giả phương Tây. Nhân dịp sang Bangkok năm nay, tôi gặp ông và được ông tặng cho cuốn sách do ông biên soạn có tên là: Lịch sử tiền đồng Việt Nam (The Historical Cash Coins Of Vietnam, Singapore, 2004, tên sách tiếng Hán: Việt Nam Lịch sử Cổ tiền). Cuốn sách này trình bày một cách hệ thống lịch sử của tiền đồng (ta hay gọi là tiền trinh hay tiền xu) qua các triều đại phong kiến ở Việt Nam, có hình ảnh minh họa.

Tất cả những đồng tiền của các niên hiệu nhà vua được chú giải và sắp xếp theo tiến trình lịch sử, kể cả những biến đổi khác thường của nó trong những đợt phát hành. Tác giả đã tham khảo lịch sử Việt Nam, đặc biệt thông qua bộ Đại Việt sử ký toàn thư (Toàn thư) để giải thích các hiện tượng lịch sử đối với tiền tệ và đối chiếu nhiều bộ sách nghiên cứu về tiền tệ Việt Nam khác, với những chú giải khác nhau cho từng đồng tiền. Chỉ có những nhà sưu tập mới mất công như vậy, vì việc đó phục vụ trước hết cho bộ sưu tập của họ.

Điều cả tôi và ông chú ý, khi nói chuyện với nhau, không phải là những gì cuốn sách đã trình bày hệ thống, mà lại về những đồng tiền không do nhà vua phát hành mà do các cát cứ phong kiến, các quân nổi loạn (quân khởi nghĩa) – theo cách gọi  trong sách là Rebel – và các thế lực khác nhau phát hành, xuất hiện trong suốt chiều dài phong kiến Việt Nam.

Cuốn sách này đề cập các đồng tiền của Lê Ngã, Trần Cảo trong thời chống quân Minh (thế kỷ 15) và các nhóm nghĩa quân họ Trần; tiền của các nhóm vua Mạc ở Cao Bằng sau khi đã mất ngôi ở Thăng Long; tiền của chúa Trịnh và chúa Nguyễn; tiền của hai nhóm khởi nghĩa thời Nguyễn là Lê Văn Khôi và Nông Văn Vân và một số loại tiền không chính ngạch khác như tiền của các bà quý tộc nhà Nguyễn. Sự xuất hiện của những đồng tiền này cho thấy tình hình chính trị không thật ổn định của đất nước trong nhiều giai đoạn và các thế lực cát cứ có thời gian dài sống trên địa bàn nào đó đủ sức quản lý và phát hành tiền tệ. Đây là nét thú vị của nghiên cứu kinh tế và chính trị thời phong kiến ở Việt Nam. Trước tiên, tôi cứ tổng hợp và trình bày những gì trong cuốn sách đã viết, rồi cuối cùng mới đối chiếu với tư liệu lịch sử Việt Nam.

Đồng tiền không chính thống đầu tiên có tên là Vĩnh Thiên Thông Bảo của Lê Ngã, năm 1420. Trong sách nói: Trong năm 1420, dưới chế độ bảo hộ của nhà Minh, Lê Ngã từ nước láng giềng Ai Lao trở về Việt Nam, thấy được tinh thần dân tộc tăng lên trong việc chống quân Minh. Ông quyết định chống quân Minh và tuyên bố mình là con cháu thuộc thế hệ thứ tư của vua cuối nhà Trần, Trần Duệ Tông (1372 – 1377).

Lê Ngã sắp xếp lấy công chúa nhà Trần, người sau đó đưa ông ta lên làm vua. Trong bốn tuần, ông chiêu mộ được 10 nghìn quân chống quân Minh, rất nhiều quân khởi nghĩa khác đã đi theo ông. Ông tuyên bố mình là vua, gọi là Thiên Tượng hoàng đế, là con trời thay trời thống trị thiên hạ, nên đặt hiệu là Vĩnh Thiên, tuyển chọn quan lại cho triều đình của ông và phát hành tiền tệ. Ông chống lại quân Minh ở thành Xương Giang, nhưng bị tướng nhà Minh Lý Bân với một đạo quân lớn phản công. Lê Ngã thất trận chạy trốn và không bao giờ còn ai nhìn thấy ông nữa.

Tuy nhiên khi nghiên cứu tiền tệ Việt Nam, Allan Barker lại tìm thấy trong nghiên cứu Annam And Its Minor Currency do Edward E.Toda viết năm 1882 một đồng tiền tên là Vĩnh Ninh Thông Bảo chưa ai nhìn thấy trước đó, và cũng có niên đại năm 1420.
Theo nghiên cứu của Toda: Có cuộc khởi nghĩa của Lộc Bình Vương (tước hiệu), vốn là gia nô của một gia đình quý tộc Trần. Ông chống lại quân Minh năm 1420, và tuyên bố mình là chắt của vua Trần Duệ Tông [Lê Ngã thì xưng là cháu bốn đời]. Trong một tháng thì chiêu mộ được 10.000 trai tráng [Lê Ngã cũng chiêu mộ được 10.000 người trong bốn tuần]. Ông xưng làm vua hiệu Vĩnh Ninh, cũng chống lại quân Minh rồi thất bại chạy mất tích. Nhưng theo Allan Barker trong, Toàn thư không có tên quân khởi nghĩa nào là Lộc Bình Vương.

Như vậy về căn bản Allan Barker cho rằng Lê Ngã và Lộc Bình Vương chỉ là một người với các số liệu tiểu sử giống nhau, nhưng tại sao ông này lại phát hành những hai đồng tiền khác nhau Vĩnh Thiên Thông Bảo và Vĩnh Ninh Thông Bảo có lẽ là bí ẩn chưa có lời giải đáp.

Vào khoảng những năm 1426 – 1428, xuất hiện một đồng tiền có tên là Thiên Khánh Thông Bảo, hiện chưa thấy nghiên cứu nào trong nước giới thiệu. Tuy nhiên, theo sách Lịch sử tiền đồng Việt Nam của Allan Barker, đồng tiền này được coi là của Trần Cảo (Toàn thư viết là Trần Cao), tên thật là Hồ Ông, do Lê Lợi đôn lên làm vua bù nhìn. Sau khi chống quân Minh thành công, Lê Lợi khôn ngoan cống nộp để tránh chiến tranh và thù hằn với một nước lớn. Đồng tiền Thiên Khánh Thông Bảo theo truyền thuyết là một lễ vật cống nộp.

Sách này nói: Lê Lợi khởi nghĩa chống quân Minh Trung Quốc năm 1417 và tiếp tục đến tận năm 1428. Cuối năm 1426, Lê Lợi cố gắng lấy lòng với quân Minh để đưa Hồ Ông lên làm vua, thực ra như một ông vua bù nhìn, và tuyên bố rằng Hồ Ông là hậu duệ của các vua Trần tên là Trần Cảo. Sau khi quân Minh rút lui năm 1428, Lê Lợi giết Hồ Ông và đoạt lấy vương quyền. Món tiền này có tên là Thiên Khánh Thông Bảo theo truyền thuyết được coi là món đồ cống vật với quân Minh.

Việc giải giáp và rút quân trong thời kỳ chiến tranh phong kiến cũng mất hàng năm giời, người ta vẫn phải ăn uống tiêu pha dọc đường, kể cả ta lẫn địch. Chúng tôi cho rằng, đây là đồng tiền tạm thời được phát hành trong giai đoạn quân Minh đồng ý triệt thoái, và chuyển giao quyền lực cho phe Lê Lợi, dưới danh nghĩa một ông vua họ Trần là Trần Cảo. Đã là vua thì phải có niên hiệu, nên có thể niên hiệu của Trần Cảo là Thiên Khánh, dẫn đến đồng tiền Thiên Khánh. Nhưng trên thực tế lịch sử thì cả Trần Cảo và niên hiệu rất ít được nhắc đến, trừ trong các tài liệu của nghĩa quân Lam Sơn, coi Trần Cảo là biện pháp chính trị, tránh cho Lê Lợi tiếng xấu là tiếm quyền của nhà Trần. Bản thân nhà Trần đã tiêu vong sau chính biến năm 1400 của nhà Hồ. Những đồng tiền Thiên Khánh Thông Bảo được tìm thấy cơ bản giống nhau về lối để chữ Hán, tuy nhiên có vài đồng có dạng chữ hơi khác một chút, đặc biệt là chữ Khánh rậm rịt và khó đọc hơn. Theo Barker đây có thể là sự trả thù của Lê Lợi về tội xâm lăng của quân Minh. Về điều này chúng tôi cảm thấy khó thuyết phục mà nghĩ rằng đó là lỗi của kỹ thuật đúc nhiều hơn. Trong thời khởi nghĩa Lê Lợi, khó mà có xưởng đúc tốt được.

 Trong thời kỳ nhà Lê Sơ (1427 – 1527), khởi đầu từ vua Lê Lợi, nổ ra nhiều cuộc nổi dậy, trong đó có vài cuộc mang tên nghĩa quân nhà Trần và phát hành tiền. Cổ tiền học đã phát hiện một số đồng tiền mang tên Trần như vậy. Đó là đồng Trần Công Tân Bảo (1516) của Trần Công Ninh, Thiên Ứng Thông Bảo và Phật Pháp Tăng Bảo (1517) của Trần Cảo, Tuyên Hòa Hựu Bảo (1517 – 1521) của Trần Thăng.

Đồng tiền Trần Công Tân Bảo được ba cuốn sách giới thiệu, đó là cuốn Lịch sử tiền đồng Việt Nam của Allan Barker, An Nam và hệ thống tiền tệ của Edward E. Toda, như trên đã nói, và cuốn Tiền An Nam của Muira Gosen. Riêng sách của Muira Gosen vô cùng quan trọng, nếu nghiên cứu hệ thống tiền tệ Việt Nam. Chúng gồm ba công trình: 1. Muira Gosen, Volume I Annam Sempu, Reki Daisen Nobu, 1966 – Coins of Annam, Historical Reign Coins; 2. Volume II Annam Sempu, Terui Sen Nobu, 1967 – Coins of Annam, Grouped by Calligraphic style; 3. Volume III Annam Sempu, Diasen Gin Sen Nobu, 1971 – Coins of Annam, Large Coins, Silver Coins, and Bars. Chính Barker luôn trích dẫn các tài liệu này.

Theo Allan Barker, Trần Công Tân Bảo là đồng tiền của nghĩa quân có tổ chức Trần Công Ninh vào khoảng năm 1511 – 1516. Nhưng theo Toda, cuộc khởi nghĩa này mang tên Trần Tuân và diễn ra năm 1511, trong khi theo Gosen thì cuộc khởi nghĩa mang tên Trần Công Ninh năm 1516 và ông cũng nói về Trần Tuân như sau:

Trần Tuân đã thành công trong việc chống lại tướng của chúa Trịnh, khi bị họ Trịnh phản công. Ông có kế hoạch bao vây kinh thành, nhưng lại không tin tưởng vào việc làm của mình. Một đêm bất cẩn, tướng Trịnh và đồng đảng với 30 chiến binh mò vào doanh trại khi quân khởi nghĩa đang ngủ và sát hại ông.

Đồng tiền huyền thoại có thể hiểu theo hai cách, Barker giải thích, Trần Công Tân Bảo có ý nghĩa là Tiền mới phát hành mang tên Trần Công, và nghĩa khác là đồng tiền của triều đại Trần mới.

Sau Trần Công Ninh, năm 1517, có một cuộc khởi nghĩa khác cũng mang danh họ Trần là Trần Cảo. Trần Cảo này khác với Trần Cảo mà Lê Lợi dựng lên. Chúng tôi cho rằng những cái tên như Hồ Ông, Trần Cảo mang tính mơ hồ cả về vai trò của nhân vật đó, khi người ta không biết đích xác có một người thật như vậy không, hay chỉ là chuyện hư đồn. Tuy nhiên trong sách của Barker có đến hai đồng tiền thuộc về Trần Cảo năm 1517. Đó là đồng Thiên Ứng Thông Bảo và đồng Phật Pháp Tăng Bảo.

Sách Barker viết: Trong năm 1516, Trần Cảo xuất hiện ở Hải Dương, tuyên bố mình là chắt của vua Trần Thái Tông và cả hai đều là hiện thân của Phật tái sinh (Phật sống). Ông tụ tập được một đạo quân lớn, những người lính mặc quần áo đen, cạo trọc đầu. Năm 1517, ông dẫn quân tập kích Thăng Long và tuyên bố mình tự lập làm vua dưới danh hiệu Thiên Ứng. Bên cạnh đồng Thiên Ứng Thông Bảo, còn có đồng tiền mang tính Phật giáo, tên là Phật Pháp Tăng Bảo cũng được dùng thông thường. Đây là sự kiện hy hữu trong lịch sử tiền tệ, mà việc phát hành tiền lại được làm dưới danh nghĩa nhà Phật, nơi chỉ sống bằng bố thí của thiên hạ.

Chúng ta đã đề cập đến những đồng tiền của Trần Cảo, một người khởi nghĩa vào năm 1517, phát hành hai đồng tiền Thiên Ứng Thông Bảo và Phật Pháp Tăng Bảo. Sự kiện này được đề cập trong sách Lịch sử tiền đồng Việt Nam của Allan Barker. Toàn thư và các sách lịch sử Việt Nam cho biết: Vào tháng 3 (âm lịch), Trần Cảo là người ở trang Dương Châu, huyện Thủy Đường và Đông Triều, tự xưng là Đế Thích giáng sinh, lập niên hiệu Ứng Thiên. Ngày 1 tháng 4 (âm lịch) đem quân đến bến Bồ Đề. Nhà vua thân chinh đàn áp Trần Cảo lui về Trâu Sơn. Ngày 11/4 (âm lịch) Trần Cảo chiếm kinh thành. Nhà vua từ Tây Đô huy động quan quân, gửi hịch các phủ huyện kêu gọi đánh dẹp Trần Cảo, Trần Cảo bị bao vậy trong thành, mở cửa chạy qua sông Thiên Đức, lên miền Lạng Sơn cắt tóc đi tu. (theo Biên niên sử cổ trung đại Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, 1967). Như vậy đồng tiền Thiên Ứng Thông Bảo được Trần Cảo phát hành khi tiến đánh Thăng Long, xưng là Đế Thích, lấy niên hiệu Thiên Ứng. Đồng tiền Phật Pháp Tăng Bảo được phát hành vào cuối cuộc khởi nghĩa, khi Trần Cảo cắt tóc đi tu. Mặc dù đi tu nhưng thế lực của ông ta còn rất mạnh, vì cũng theo sách lịch sử thì thế lực họ Trịnh (Trịnh Duy Sản) sau khi giết vua Lê Tương Dực, lập vua Lê Chiêu Tông, đã họp quân ở Thanh Hóa chống Trần Cảo.

Tuy nhiên vấn đề không kết thúc ở đây, theo Allan Barker, con trai Trần Cảo là Trần Thăng có thể tiếp tục binh quyền, và phát hành đồng tiền Tuyên Hòa Hựu Bảo, các sách về lịch sử tiền Việt Nam (như của Gosen và Ding Phu Bao) giới thiệu đồng tiền này có năm 1517. Cũng theo Allan Barker, đồng tiền Tuyên Hòa Hựu Bảo không được xem xét một cách truyền thống là đồng tiền có giá trị ở Việt Nam nhưng ngày nay rất khó tìm, và trên thị trường phải mua với giá cao.

Triều đại của vua Lê Lợi dựng nên kéo dài được trăm năm (1427 – 1527) thì bị nhà Mạc cướp ngôi. Trong sử sách Việt Nam, nhà Mạc tồn tại từ năm 1527 đến năm 1592 bị Trịnh Tùng, con trai của Trịnh Kiểm, phò tá con cháu vua Lê, tấn công và đuổi khỏi kinh thành Thăng Long, kể từ đó nhà Mạc coi như kết thúc. Sách Lịch sử tiền đồng Việt Nam của Allan Barker cũng viết những điều tương tự. Nhưng sau khi con cháu nhà Mạc chạy lên Cao Bằng và dựa vào thế lực của nhà Minh thì có khả năng vài đồng tiền được phát hành, đó là các đồng An Pháp Nguyên Bảo, Thái Bình Thông Bảo và Thái Bình Thánh Bảo. Chúng tôi nhấn mạnh đây là sự kiện có thể, còn mối quan hệ thực sự giữa thế lực Mạc Cao Bằng với ba đồng tiền đó chưa có sự hiểu biết sâu sắc. Ngoài ra, còn ba đồng tiền nữa cũng có thể được coi là của họ Mạc thời gian ở Cao Bằng, đó là các đồng Khai Kiến Thông Bảo, Sùng Minh Thông Bảo và Chính Nguyên Thông Bảo.

Cuộc chiến năm 1592 ở Thăng Long diễn ra phức tạp. Tháng Giêng năm đó, Trịnh Tùng vây được Thăng Long, san phẳng hào lũy rồi lại phải rút quân. Đến tháng 11 (âm lịch), Trịnh Tùng đánh tràn vào Thăng Long, Mạc Mậu Hợp phải chạy trốn, sang tháng Chạp thì bị bắt ở Kinh Bắc, rồi bị tra tấn và hành hình ở Thăng Long, chấm dứt tình trạng Nam Bắc triều. Tuy nhiên tàn quân nhà Mạc còn chiếm Lạng Sơn, Hà Bắc, Thái Nguyên, Cao Bằng. Đến năm 1677, quân Trịnh mới dứt điểm được quân Mạc ở Cao Bằng, kể từ Mạc Kính Dụng đến Mạc Kính Vũ là ba đời, 85 năm, đất đai các miền phía Bắc do quân Mạc cát cứ thu hồi trở lại nhà Lê Trịnh. Những đồng tiền trên có lẽ được phát hành trong thời gian đó chủ yếu ở các vùng miền phía Bắc mà quân Mạc cát cứ.

Đồng tiên An Pháp Nguyên Bảo được tranh cãi rất nhiều, chúng từng xuất hiện với số lượng lớn giống nhau, nhất là những xu nhỏ, và không chỉ có mặt ở Cao Bằng, mà còn thấy ở Hà Tiên, một tỉnh cực Nam. Trong nghiên cứu của Toda về Hệ thống tiền tệ của Việt Nam, có ý kiến cho rằng, đồng An Pháp Nguyên Bảo từng xuất hiên thời Lê Lợi trong cuộc chiến tranh giành độc lập với nhà Minh, tuy nhiên theo Allan Barker, ý kiến này thiếu cơ sở.

Theo Allan Barker, hai đồng tiền Thái Bình Thông Bảo và Thái Bình Thánh Bảo cùng truyền thuyết của chúng gắn liền với nhà Mạc ở Cao Bằng. Và chứng cứ có giá trị nhất là việc này được nhắc đến trong Phủ Biên tạp lục của Lê Quý Đôn. Trong Phủ Biên tạp lục, Lê Quý Đôn cho rằng việc dần củng cố quyền lực của các chúa Nguyễn đã dẫn đến phát hành đồng tiền tương tự như đồng Thái Bình Thông Bảo của nhà Mạc. Sự chính xác của thông tin này không rõ ràng, nhưng nó cũng đưa ra ý kiến về truyền thuyết đồng tiền nhà Mạc ở Cao Bằng.

Chúng tôi có tham khảo các ý kiến của những nhà sưu tập cổ tiền Việt Nam thì phần lớn đều không quan tâm đến những đồng tiền của quân khởi nghĩa, hoặc không biết gì về chúng. Họ đi theo cách phân loại của người Trung Quốc, những đồng tiền không xác định gọi là Vô khảo phẩm – sản phẩm chưa được xác định, và Vô khảo phẩm cũng nhiều chủng loại khác nhau rất phức tạp.

Bản chi tiết hơn của bài viết cùng nhiều ảnh minh họa được đăng trên báo in Tia Sáng, số 17, ra ngày 05/09/2013

Tác giả

(Visited 54 times, 1 visits today)