Những giọng nữ cao của mọi thời đại

"Danh sách 20 soprano hàng đầu của mọi thời đại do chúng tôi đưa ra gần đây trên BBC Music đã gây ra một cuộc tranh cãi. Tại sao lại tranh cãi? Dựa trên các phân tích của những nhà phê bình opera hàng đầu Anh quốc, chúng tôi đã nhận ra rằng, không nữ danh ca opera nào trên các sân khấu hiện nay đủ xứng đáng để lọt vào top ten. Dĩ nhiên là có vài lý do chính đáng để các vị trí cao nhất thuộc về những ngôi sao lớn trong quá khứ. Các soprano của những thập kỷ 1950 và 1960 được tôn sùng chẳng kém gì các ngôi sao điện ảnh. Nhưng ngày nay, các chiến dịch marketing đồ sộ đang có xu hướng nhấn chìm những soprano xuất sắc nhất cũng như nghệ thuật opera kinh điển trong một thị trường ca hát hỗn độn, thậm chí là xô bồ, bao gồm cả sự thổi phồng và cường điệu quá mức các ca sỹ crossover*. Thật là khó để tìm vàng trong cát, nhưng có lẽ các soprano hiện đại dù sao cũng không thể có đủ kỹ thuật cũng như chiều sâu cảm xúc để vượt qua được những danh ca như Sutherland hay Callas của bốn mươi năm về trước".

Đó là lời giải thích của ban biên tập BBC Music Magazine (BBCMM) cho danh sách 20 soprano lớn nhất mọi thời đại mới được công bố trên tạp chí âm nhạc danh tiếng này. Tạo ra tranh cãi dường như là điều nằm trong mục đích bình chọn của BBCMM. Đánh giá về các soprano này dĩ nhiên là mang ít nhiều tính chủ quan, cảm tính của từng cá nhân người yêu nhạc. Tuy nhiên tất cả những ai đam mê nghệ thuật opera đều vẫn phải thừa nhận tài năng, tầm vóc của những nữ danh ca thật sự xuất chúng, họ là những người đã đặt ra các dấu mốc và chuẩn mực cao nhất của nghệ thuật opera kinh điển. Có lẽ ý nghĩa thực sự của việc bình chọn có lẽ là để mọi người cùng nhìn lại các khái niệm của nghệ thuật soprano qua các thời đại, nhằm tạo sự cuốn hút cũng như củng cố tư duy phê bình và nhìn nhận tốt hơn đối với môi trường ca hát hiện nay. Điều đó có thể góp phần giữ gìn và phát huy các tiêu chuẩn thẩm mỹ tốt đẹp của nghệ thuật thanh nhạc.    

 
Maria Callas

Sau đây, chúng ta hãy cùng đến với những ý kiến của một số thính giả say mê opera. Theo bài viết trên tờ The Guardian của nhà báo nổi tiếng Martin Kettle, việc Maria Callas đứng ở vị trí số một trong danh sách không hề gây ngạc nhiên. Tuy không phải giọng ca thuần khiết nhất được thu âm trong thế kỷ 20 và cũng chưa bao giờ là ca sỹ yêu thích của một số nhà phê bình khó tính, nhưng Callas có một tài năng nghệ thuật thiên tài và chất giọng có một không hai. Cho đến nay, các bản thu âm của bà vẫn thuộc về những bản thu âm kinh điển nhất. Nếu Callas mà không ở vị trí số một thì chắc chắn là sẽ có rất nhiều người thắc mắc.
Tuy nhiên, Kettle tỏ ra không đồng tình với cả bản danh sách. Ông cho rằng, danh sách có chủ yếu là các danh ca trong giai đoạn 1950-1990 và đặc biệt “thiên vị” những soprano giai đoạn 1950-1975. Chỉ hai người là Elizabeth Schumann và Rosa Ponselle là có sự nghiệp trước Chiến tranh Thế giới II, một người là Kirsten Flagstad có sự nghiệp xuyên qua cuộc chiến. Thời đại của Callas thuộc vào giai đoạn kỹ thuật thu âm phát triển khá hoàn thiện. Đây có thể coi “thời đại hoàng kim” của các giọng soprano, thành ra việc nhiều tên tuổi không nằm trong danh sách đã khiến nhiều người bất bình. Mirella Freni và soprano người Thụy Điển Astrid Varnay không có mặt, đó là một điều không thể hiểu được, Kettle viết. Ông cho rằng, BBCMM đã tỏ ra thành kiến với các danh ca Mỹ gốc Mỹ hoặc gốc Đức. “Tôi không biết là những người xếp Emma Kirkby đứng trên Rosa Ponselle và Elisabeth Schwarzkopf đang sống trên hành tinh nào?”, Kettle bức xúc. 

 
Joan Sutherland

Một điều có thể gây bàn cãi nữa là sự thiếu vắng các danh ca đang chiếm lĩnh sân khấu opera hiện nay. Không có Rene Fleming, không Anna Netrebko, không Angela Gheorghiu và không Natalie Dessay. Thực ra điều này cũng có cái lý của nó. Hồi 2002, chính Kettle đã từng phỏng vấn Joan Sutherland, bà có nói với Kettle: “Ngày nay, các ca sỹ trẻ thường không chú trọng phát triển kỹ thuật căn bản. Họ không biết cách thở như thế nào để phát âm cho tốt… Họ hát không thoải mái, không tự nhiên và thư thái, không đem lại cảm nhận về kỹ thuật hít thở êm ái và liên tục để phát âm. Và điều nghiêm trọng nhất là họ thiếu sự truyền cảm hứng ca hát cho công chúng”.
Về mặt kỹ thuật thì Netrebko và Fleming không phải là đối tượng của những lời phê bình này. Nhưng họ là những trường hợp cá biệt, họ là những người “còn sống sót” trong giai đoạn suy tàn của việc đào tạo kỹ thuật thanh nhạc. Mặc dù vậy thì họ vẫn phải chiến đấu với những áp lực mới trong sự nghiệp của một ngôi sao soprano hiện đại: thu đĩa CD và tung ra thị trường toàn thế giới.


Galina Vishnevskaya và người chồng Mstislav Rostropovich

Trên khía cạnh chủ quan thì có lẽ nghệ sỹ soprano vĩ đại nhất là người từng tạo nên một ấn tượng không thế nào quên đối với cá nhân thính giả. Chính Kettle đã thừa nhận rằng: “kể từ 30 năm trước, khi tôi được nghe Leontyne Price hát Requiem của Verdi ở Albert Hall dưới sự chỉ huy của George Solti, mãi đến bây giờ tôi chưa từng nghe ai hát cái gì hay hơn thế”.
Ca sỹ giọng countertenor Daniel Gundlach cũng có cùng quan điểm với Kettle khi phản đối chuyện Emma Kirkby được coi là soprano “lớn” hơn Rosa Ponselle. “Nếu chúng ta cảm thấy hài lòng hơn với kiểu giọng líu lo như chim của Kirkby thì chẳng còn ai cần phải phấn đấu để vượt qua được chất giọng phong phú tuyệt vời như của Ponselle nữa”, Gundlach viết trên blog của mình.

 
Anna Netrebko

Thực ra thì với thái độ cầu thị, tinh thần bình chọn của BBCMM ở mức độ nào đó cũng có phần công bằng và có lý do xác đáng. Dù sao thì sự bình chọn này cũng là dựa trên sự tổng hợp ý kiến của các nhà phê bình opera hàng đầu nước Anh. Bởi thế mà ngay cả một thính giả “bình dân” đam mê opera như Lương Vũ Hải (một trong những người tham gia xây dựng trang http://nhaccodien.info) cũng đã có những dự đoán khá gần với kết quả của BBCMM (mặc dù thần tượng Montserrat Caballé của Hải chỉ đứng vị trí thứ 6 trong danh sách). “Callas không chỉ chắc chắn lọt vào list (danh sách) mà thậm chí sẽ ở ngôi vị đứng đầu trong 20 soprano… Những note c3 chắc nịch của Nilsson chắc chắn hất cẳng bất cứ một sop kịch tính nào muốn lại gần dù đó có là G.Jones hay H.Behrens.
 

Nhiều khả năng Nilsson sẽ đứng ở vị trí cao trong top. Sẽ thật đáng tiếc nếu với nhạc cảm, khả năng nhập vai xuất sắc của Rysanek không giúp bà vào được list… Ở địa hạt ca khúc nghệ thuật, ca khúc thính phòng, Schwarzkopf dường như không có đối thủ… Chuyện màu da của chị Leontyne Price tuy mang nhiều ý nghĩa chính trị, chủng tộc hơn, nhưng thật khó phủ nhận giọng hát cũng như vị trí của chị ấy không chỉ ở Mỹ mà cả ở châu Âu… Thật khó lựa chọn trong nhóm các danh ca hiện nay, bởi vì nhìn ai cũng thấy… không xứng đáng, và có nhiều màu sắc của sự… lăng xê. So bó đũa chọn cột cờ, dễ dàng nhận thấy những cái tên đáng chú ý như Netrebko xinh đẹp (nhưng hát khô), Gheorghiu quyến rũ (nhưng đơn điệu), Dessay kĩ thuật diễn xuất độc đáo (nhưng chỉ quanh quẩn ở coloratura**).”

Chú thích:
(*) Crossover: chỉ sự pha trộn các thể loại để nhằm mục đích đạt được thành công về mặt thương mại.
(**) Coloratura: chỉ kiểu giọng màu sắc.

Danh sách 20 soprano lớn nhất mọi thời đại đăng trên BBC Music Magazine
1. Maria Callas [1923-1977]
2. Joan Sutherland [1926]
3. Victoria De Los Angeles [1923-2005]
4. Leontyne Price [1927]
5. Birgit Nilsson [1918-2005]
6. Montserrat Caballé [1933]
7. Lucia Popp [1939-1993]
8. Margaret Price [1941]
9. Kirsten Flagstad [1895-1962]
10. Emma Kirkby [1949]
11. Elisabeth Schwarzkopf [1915-2006]
12. Regine Crespin [1927]
13. Galina Vishnevskaya [1926]
14. Gundula Janowitz [1937]
15. Karita Mattila [1960]
16. Elisabeth Schumann [1888-1952]
17. Christine Brewer [1960]
18. Renata Tebaldi [1922-2004]
19. Rosa Ponselle [18987-1981]
20. Elly Ameling [1933]

TTD

Tác giả

(Visited 15 times, 1 visits today)