Những gương mặt cuộc đời

Trong khán phòng vắng nhưng ấm, những chân dung phiếm chỉ có thể nói được nhiều hơn với một khán giả vô ưu.


“Face 03”, họa sĩ Nguyễn Minh.

Phần nhiều sáng tác trong triển lãm “Chân dung* không phải là về một chân dung cụ thể, thậm chí có những bức tranh, khối tượng đã vượt xa ngoài khái niệm cổ điển về một sáng tác chân dung trong mỹ thuật.

Người sáng tác dường như cố gắng thoát ra khỏi các giới hạn quy định hay ranh giới khái niệm trong nghệ thuật tạo hình, cho phép mình bay bổng, giả tưởng. Tranh chân dung nhưng có thể là một bức trừu tượng, biểu hiện, bày tỏ những sắc thái tinh thần, sự tự vấn hay ước mơ đời người. Tượng chân dung nhưng có thể là khối hình tựa vào cảm quan hồn nhiên của người nặn tượng về một vẻ đẹp của tính nữ tràn đầy sự mạnh mẽ của cái tôi cá nhân. Những hình dạng khuôn mặt người, ước lệ, lẫn sau cây, nhà phố, bông hoa sen,… hòa trong đó nhiều bộn bề của cảm xúc và suy tư về cuộc sống và con người đang chảy tràn trước mắt. Bên cạnh đó, lại có những bức tranh mà hình như người vẽ muốn mượn màu và hình để nhất thời khuôn định lại cảm xúc của riêng mình.

Một vài nét phác tinh tế đủ gợi lên một gương mặt thanh tú, thảng hoặc ta vẫn gặp đâu đó ngoài đời. Một vài nét vạch gợi hình khối đủ để bức tượng nói với người đối diện về một tâm hồn nhẹ tênh sau tất cả mọi gánh nặng phàm tục. Đấy có thể là hiện tại của ai đó, cũng có thể chỉ là mộng mơ về tương lai của chính mình của các tác giả.

Tất nhiên, ai đó có thể thắc mắc, sao được gọi là chân dung mà chẳng phải chân dung một người cụ thể, sao lại có những mảng màu bên nhau mà như chẳng liên quan đến nhau, sao vẫn còn những nét, khối đáng lý ra phải được chỉn chu hơn nhiều, sao tự họa mà dường như vẫn vơi thần thái, hay bởi người vẽ còn mãi tìm kiếm về hình thức thể hiện, không buồn che giấu sự lúng túng trong cả phối màu và diễn hình… Nhưng suy cho cùng, nghệ thuật luôn là sự tìm kiếm một cái gì đó khác, ở bên ngoài mình, hoặc sâu bên trong thế giới tâm hồn của riêng mình. Mỗi một bức tranh hay tượng không đơn thuần là biểu hiện kết quả của một kiếm tìm, một thành công mà có khi lại là khởi đầu cho một kiếm tìm khác của cả người sáng tác và người thưởng ngoạn…

Chân dung, với một khán giả vô ưu như người viết, là một triển lãm ấm áp. Nó chứa đựng nhiều cảm xúc thành thực của người sáng tác và còn ấm áp hơn chút nữa bởi nó gợi mở cho người xem về sự đa dạng, đa diện của cuộc đời ngày bên ngoài cánh cửa khán phòng.

Một số tác phẩm trong triển lãm:

Tranh sơn dầu của Nguyễn Minh Hiếu

Chân dung 2, họa sĩ Trịnh Tú.

Chân dung con gái, họa sĩ Hoàng Anh Tuấn.

——-

(*) Triển lãm được diễn ra từ ngày 8 đến 15-12– 2017, tại Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội, số 50 – phố Đào Duy Từ, quận Hoàn Kiếm,  Hà Nội. Triển lãm gồm 39 sáng tác mới của các họa sĩ trong nhóm G39.

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)