“Những kẻ hèn nhát” – Đó là Jazz. Đó là cuộc sống
Vào thế kỷ 18, khi nghiên cứu về vùng Bohemia, sử gia âm nhạc Charles Burney đã đặt dân tộc Séc ngang hàng với dân tộc Ý như là những con người mang nhạc tính sâu đậm nhất ở châu Âu. Âm nhạc là yếu tính, là anima, là bộ nhiễm sắc thể của dân tộc Séc.
Milan Kundera lấy cớ viết tiểu thuyết mà như để lý luận âm nhạc, còn Josef Škvorecký – người bạn thân thiết của Kundera sau khi cả hai cùng chịu phận lưu vong – cũng chịu bao vu khống và gièm pha chỉ vì cuốn tiểu thuyết đầu tay Những kẻ hèn nhát (theo bản dịch của dịch giả Bình Slavická do NXB Phụ Nữ ấn hành) về Danny, một cậu trai yêu nhạc jazz và tin rằng mình chẳng làm được điều gì đó cả đời trừ chơi tenor saxophone và yêu những cô gái, trong tám ngày cuối cùng của Chiến dịch Praha, chiến dịch lớn cuối cùng của Liên Xô và quân Đồng Minh trong Thế Chiến thứ hai ngay sau cái chết của Adolf Hitler, tàn quân Đức đang rút lui và những phe phái chống phá lẫn nhau giữa buổi tao loạn.
Jazz! Jazz! Jazz! Thứ âm nhạc tôn thờ vị thần hỗn độn, phun trào dòng nham thạch của tự do và không bao giờ biết tới ngủ đông. Thứ âm nhạc mà trong từng khoảnh khắc đều ngùn ngụt một tình yêu sống, tự thứ âm nhạc ấy mang mối quan hệ nhị phân với sự tiêu vong vô nghĩa, hay nói cách khác, với chiến tranh bất kể ta thuộc phe nào. Thời lượng của jazz trong tiểu thuyết không nhiều, bởi thì giờ đâu để chơi jazz khi Danny cũng những người bạn trong ban nhạc của anh còn phải lẽo đẽo đi theo cách mạng, còn phải dầm mưa dãi nắng làm nhiệm vụ tuần tra, còn phải lần đầu tiên cầm súng, khẩu súng mà mới đầu, họ hãnh diện biết bao khi được chạm vào và chụp hình kỷ niệm. Song đôi khi, Danny không cần phải chơi jazz để sống trong jazz và sống trong mơ, vì jazz và những giấc mơ sống trong anh.
Jazz! Jazz! Jazz! Thứ âm nhạc tôn thờ vị thần hỗn độn, phun trào dòng nham thạch của tự do và không bao giờ biết tới ngủ đông.
Danny sống trong tâm tưởng nhiều như sống trong đời sống, dòng ý thức miên man không dứt của anh tựa những câu nhạc jazz mở ra vô vàn ứng tác nối đuôi nhau bất tận. tám ngày ứng với 8 chương trong tiểu thuyết, ngoại trừ chương cuối thì 7 chương đầu đều kết thúc khi Danny lên giường đi ngủ và lênh đênh tự do mặc cho những ngọn sóng vô hướng của nghĩ suy đưa đẩy, ta cảm tưởng như anh đã lăn lộn cả ngày, đôi khi đánh vật với cái chết chỉ để sau rốt, khi đêm buông, anh có thể lết về, nghĩ ngợi và thiếp đi. Anh có thể bắt đầu nghĩ về danh ca Judy Garland để rồi con sóng tâm trí cuốn anh theo, vùi anh vào những trăn trở về di chúc tình yêu và cái chân lý rằng trên đời này đâu có gì là xấu xa cả. Ta không biết làm cách nào mà những ý tưởng chẳng mảy may liên quan ấy xâu chuỗi vào được với nhau, nhưng chính vì không thể dò ra một công thức nhất quán mà tâm tư của Danny tìm đường len ra khỏi mọi lý thuyết khuôn đúc, những bộ đồng phục và những mệnh lệnh để tự do. Tự do như jazz, như tình yêu, như tuổi trẻ.
Nhạc jazz bắt nguồn từ người da đen, cụ thể là người da đen bị những chuyến tàu buôn nô lệ đưa tới Tân Thế Giới. Jazz, vì vậy, là nỗi hoài hương của những kẻ mất nhà, jazz là bóng ma nhảy múa của những ngôi nhà đã khuất trông. Nhưng với Danny, nhà anh ở đấy, cha mẹ anh ở đây, bạn bè anh ở đấy, thành phố Kostelec của anh vẫn ở đấy, anh nghĩ mình sẽ đi Praha nhưng anh đã đi đâu, anh vẫn đang ở chính nhà mình cơ mà, vậy thì có một cảm thức ly hương nào ở Danny không?
Câu trả lời là có. Anh đã lưu vong ngay khi chân còn chạm vào đất quê hương. Khi nhìn thấy những đội quân giải phóng hớn hở mang mùi hôi của vùng đài nguyên và những cánh rừng tuyết phủ cưỡi trên lưng những con ngựa hoàn toàn xa lạ, chẳng một ai biết chút gì về jazz, trong cái giây phút đáng ra phải dâng trào lòng biết ơn ấy, anh lại thấy chuyện chẳng can gì tới anh: “Tôi không có gì chống lại bất kỳ cái gì, miễn là tôi có thể chơi saxophone với nhạc jazz và ngắm nhìn các cô gái”. Và khi bài diễn văn, tiếng vỗ tay, tiếng hát đồng ca, lễ diễu binh, tiếng kèn đồng những bài ca ái quốc không phải nhạc jazz vang lên trên quảng trường mừng chiến thắng, dường như đã có một dự cảm khẽ nhói rằng cái thời đại Danny có thể ầm ĩ chơi những bản nhạc của Dixieland đã đến hồi chấm dứt. Hòa bình lập lại, song cái giá cho hòa bình là sự mất đi jazz, một thứ “kỳ cục nhố nhăng và điên loạn” trong mắt một số người, nhưng trong mắt một số người khác, là cuộc sống. Cái tổ ấm âm nhạc và lục địa ký ức của một thời đầy jazz đầy những quán bar ấy đang lung lay tới tận nền móng, và Danny sẽ thành kẻ lưu đày đi lạc.
Jazz ồn ào nhưng jazz không phải là tiếng ồn ào hồn rỗng. Có một chi tiết khi Danny nghĩ anh không làm cách nào mà hô lên “Cộng hòa Tiệp Khắc muôn năm” hay “Hòa bình muôn năm” như tất thảy đám đông, không phải vì anh không mừng khi chứng kiến chiến tranh kết thúc và chế độ bảo hộ đã chấm dứt, nhưng làm sao một nghệ sĩ jazz thực thụ có thể hô váng một lên một điều gì đó chỉ để nhập vào dòng người? Sự tự do của jazz không nằm ở việc chống lại một thế lực kiểm soát nào đó để giành sự tự chủ. Sự tự do của jazz nằm ở chỗ không đếm xỉa đến bất cứ quyền lực nào. Sự tự do của jazz là khi người ta nghiễm nhiên coi cuộc đời chỉ được tạo thành từ âm nhạc và những cô gái, không gì hơn ngoài những danh từ thuần khiết ấy.
Trong một bài viết của Milan Kundera mang tên 1968: Paris, Praha và Josef Škvorecký trên tờ World Literature Today, Kundera đặt câu hỏi tại sao Những kẻ hèn nhát lại làm nổ ra một vụ “bê bối” lớn đến thế ở Tiệp Khắc khi mà nó chẳng bôi bác chính quyền, chẳng tố giác những trại cải tạo lao động hay chạy theo tiếng gọi của dòng văn chương chống đối. Nhà văn Škvorecký và nhân vật Danny của ông chắc chắn chẳng muốn trật tự xã hội được khôi phục như thời trước chiến tranh. Ông hay nhân vật của ông đều không đứng về phe địch, họ chỉ đơn giản là không bị lóa mắt bởi ánh chói lòa từ cuộc cách mạng, bởi họ còn bận trằn trọc trong hầm tối chật hẹp mà rất đỗi mênh mang của trái tim mình.
Với họ, trở thành người anh hùng cứu nước không sánh bằng trở thành người anh hùng với người trong mộng mới thật bõ công. Giả sử họ có cầm súng lên thì cũng chẳng phải vì thực tâm họ muốn bắn đoàng một tay SS mà chỉ vì họ muốn lấy le với người phụ nữ họ mê say đấy thôi. Đọc trường đoạn khi Danny cầu mong cho Zdenek, người tình của nàng Irena mà Danny thắm thiết yêu bị bắn tan xác để nàng thành cô quả mãi mãi mới đáng yêu trong sáng đến nhường nào. Niềm ích kỷ trong sáng, sự bồng bột nông cạn ấy sâu sắc hơn mọi hình tượng oai phong lẫm liệt mà những tư liệu lịch sử sẽ trắng trợn thêu dệt cho anh. Hãy nhìn Danny, đó mới là jazz! Jazz tự do không phải vì nó chống lại ý thức hệ đối kháng. Những ý thức hệ cứ việc đối kháng nhau còn Jazz tự do vì nó phi ý thức hệ. Jazz dân chủ không phải vì nó đấu tranh cho một nền chính trị nào, jazz dân chủ vì khi chơi nhạc, các nhạc công đều dân chủ với nhau, mỗi người là một soloist với tầm cỡ ngang bằng.
Vừa đọc Những kẻ hèn nhát, hãy vừa nghe những nghệ sĩ jazz thuở ấy, hãy nghe tiếng piano jazz mẫn tiệp thoang thoảng buồn của Krzysztov Komeda, hãy nghe giọng ca tươi tắn vô lo như một vở kịch vui của Leonid Utesov, cái tự do mà họ tìm kiếm chỉ là niềm tự do nguyên thủy của một nghệ sĩ, sự tự do ấy chỉ chống lại duy nhất sự ì trệ của tâm hồn.
Tâm tư của Danny tìm đường len ra khỏi mọi lý thuyết khuôn đúc, những bộ đồng phục và những mệnh lệnh để tự do. Tự do như jazz, như tình yêu, như tuổi trẻ.
Những trang cuối của Những kẻ hèn nhát tựa một đoạn finale trong một tác phẩm âm nhạc jazz hoa lệ, với tất cả những xúc cảm sống động nhất nổ giòn như pháo hoa, khi Danny cầm hộp kèn saxophone tới quảng trường, cùng những người bạn ngạo nghễ tấu lên khúc điệu jazz trong buổi hoàng hôn. Ngạo nghễ, bởi chỉ mới một lúc trước thôi nơi đây còn là diễn trường cho vị đại tướng phát biểu bài diễn văn hùng tráng và sự phản kháng cuối cùng của tay lính Đức bướng bỉnh, thế mà lúc này, những chàng trai và những cô gái thanh xuân lại tụ tập về đây chơi thứ âm nhạc “gây rối” không ai hiểu được. Quang cảnh như một hồi quang phản chiếu trước khi tất cả tắt lịm, trong giây phút đó, âm nhạc là tất cả mọi thứ, vừa là bài ca vinh quang của dân tộc mà cũng là lời xưng tụng những thiếu nữ mơn mởn, vừa là lời nức nở cho những người bạn đã vô duyên vô cớ bỏ mạng vì bom rơi đạn lạc đến lời nức nở cho những tên lính Quốc xã tàn ác đã bị xử bắn không khoan hồng, nức nở cho cả sự bất lực của chính mình và cho cả ánh tà dương. Tất cả đều như nhau, tất cả đều tội nghiệp và đều đẹp đẽ, đều đã đến và đã qua, tất cả vừa cao quý vừa hoài vọng, tất cả đều đáng để ta cười vì nó và thổn thức vì nó. Chẳng điều gì tốt hơn điều gì, mộng ước và vỡ mộng cũng ngang bằng, cùng náu mình bên trong jazz, chỉ có ngôi nhà jazz có đủ phòng ốc khang trang cho mọi kẻ xin tị nạn, vì nó là “cuộc sống. Và đối với tôi nó là cuộc sống duy nhất. Tốt nhất và duy nhất có thể” – Jazz.□