Những khát vọng biểu đạt trong không gian
Khởi nguồn của mỹ thuật là sự trình bày các hình tướng theo cách nào đó nhằm đạt được sự thỏa mãn trong nội tâm người nghệ sỹ. Bản chất đó cũng tương tự như khởi nguồn của âm nhạc, khi người nhạc sỹ sắp xếp các âm thanh để đạt được sự thỏa mãn trong nội tâm của bản thân.
Bản chất sự thỏa mãn ấy là gì? Thói quen gán chữ dễ dãi có thể gọi đó là sáng tạo cái đẹp, nhưng phạm trù xấu và đẹp dễ gây tranh cãi, và cũng chỉ là lớp màng bùng nhùng bám hời hợt trên bề mặt tác phẩm. Câu hỏi về bản chất sự thỏa mãn trong nội tâm là câu hỏi thiết yếu, chạm vào bản chất sâu xa hơn của nghệ thuật. Tuy nhiên, nó hoàn toàn không dễ trả lời.
Chúng ta có thể bắt đầu với sự nhìn nhận rằng các tác phẩm mỹ thuật hay âm nhạc có sức lay động lòng người cũng thường là sự phản chiếu nội tâm của tác giả. Đặc biệt, với âm nhạc không lời, bởi không bó buộc vào sự tả cảnh nên người nhạc sỹ có thể tập trung cao độ nhất cho việc sắp xếp các âm thanh để biểu đạt lòng mình một cách trọn vẹn nhất.
Khi nghe nhạc không lời, thính giả dễ chấp nhận rằng mình đang cảm nhận những trạng thái có thể vô cùng mơ hồ và trừu tượng mà âm nhạc làm dấy lên trong nội tâm chứ không nhất thiết phải luận giải ra những tình cảnh hay sự vật cụ thể ngoài đời sống. Do không bị ràng buộc vào cái cụ thể ấy, âm nhạc không lời có thể chạm đến tính người một cách sâu sắc, tự do và hàm súc.
Nhưng không giống như âm nhạc, mỹ thuật trong một giai đoạn dài bị trói buộc vào chức năng biểu đạt những tình cảnh và sự vật rạch ròi. Con đường giãi bày nội tâm của người họa sỹ buộc phải là đường vòng. Họ chỉ có thể biểu đạt nội tâm mình một cách gián tiếp, thông qua hình tướng sự vật trong đời sống, thiên nhiên, những tích truyện sử thi hay tôn giáo… Thông qua quá trình biểu đạt những sự vật đó, người nghệ sỹ một mặt vẫn có thể biểu đạt các cảm xúc, như thông qua biểu cảm của ánh mắt, bàn tay, hay trừu tượng hơn là bố cục hình khối, màu sắc, và các tiết tấu nhịp điệu thị giác, v.v. Tuy nhiên, tất cả những biểu cảm này dù rất quan trọng và chính chúng mới làm nên linh hồn cho tác phẩm, vẫn chỉ có thể là sự cài cắm trên thân xác của nội dung sự vật được mô tả.
Trong sự trói buộc như vậy, việc biểu đạt những cảm xúc mơ hồ siêu hình của con người một cách trực tiếp như những gì âm nhạc có thể làm được, trong mỹ thuật tưởng chừng là điều bất khả thi.
Đột phá của những dòng chảy nghệ thuật Hiện đại
Chủ nghĩa Biểu hiện là dòng chảy tiên phong đáp ứng nhu cầu biểu đạt nội tâm trong mỹ thuật. Vẫn là vẽ về những câu chuyện, sự vật, tình cảnh cụ thể, nhưng lúc này người nghệ sỹ phát huy cao độ sức mạnh của công cụ biểu đạt trong mỹ thuật. Hình tướng sự vật được tùy ý điều chỉnh, cường điệu, thậm chí bóp méo để truyền đạt sắc thái biểu cảm mà tác giả hướng đến, khiến tác phẩm trở thành một thứ không gian phản ánh trung thực và kịp thời hơn những diễn biến trong nội tâm của người nghệ sỹ.
Tuy nhiên, liệu các họa sỹ có thể chạm đến sự tự do tuyệt đối, khi họ có thể biểu đạt cảm xúc của mình mà không cần thông qua hình tướng của bất kỳ sự vật mang tính trung gian nào ngoài đời sống hoặc trong tự nhiên?
Có lẽ đây chính là nhu cầu âm ỷ dưới mạch ngầm các dòng chảy mỹ thuật Hiện đại. Mạch ngầm ấy khởi đầu từ Chủ nghĩa Ấn tượng, khi các họa sỹ không chỉ biểu đạt hình tướng của thế giới và thiên nhiên mà còn chiết tách ra cấu trúc tinh thể của những ấn tượng thị giác từ chúng. Trong cấu trúc tinh thể ấy hàm chứa xúc cảm nội tâm của tác giả, không chỉ trên một vài điểm nhấn mà trên toàn diện bề mặt không gian tác phẩm. Từng phần tử và tổng thể bề mặt tác phẩm có mối liên hệ mật thiết bước đầu tạo thành một thứ nhạc tính trong mỹ thuật.
Các nghệ sỹ Hậu Ấn tượng như van Gogh và Cezanne đẩy bút pháp Ấn tượng lên một tầm tư tưởng khác, biến bút pháp thành chất liệu để dệt nên thứ không gian có tính hệ thống nhất quán liền lạc, nơi mối liên hệ giữa từng phần tử với không gian tổng thể trở nên sâu sắc hơn bao giờ hết. Các nét bút song song tạo hiệu ứng thúc đẩy và củng cố lẫn nhau, dẫn dắt cảm xúc lên cao trào như thường thấy trong tranh van Gogh, hoặc đan chéo tạo hiệu ứng đối trọng và ngắt nhịp một cách linh hoạt tùy biến theo cách của Cezanne.
Khả năng biểu đạt tự do với cường độ và tính linh hoạt như vậy trong bút pháp tạo sự thay đổi về chất trong không gian tác phẩm, cho thấy độc lập với đề tài và nội dung sự vật được minh họa, tự thân không gian tác phẩm là một thực thể, một thế giới bí ẩn riêng. Đó là điểm tựa và niềm cảm hứng có sức mạnh lan tỏa để các họa sỹ tiếp tục tìm kiếm, chuyển hóa thành các dòng chảy khác của Nghệ thuật Hiện đại, từ Lập thể, Trừu tượng, tới De Stilj. Trong đó, Trừu tượng là dòng chảy điển hình nhất của sự vượt thoát các hình tướng của sự vật trong đời sống và tự nhiên. Chỉ bằng màu sắc, nét, khối và các hiệu ứng bề mặt khác, người nghệ sỹ hoàn toàn có thể thỏa sức xây dựng nên thứ không gian phản chiếu nội tâm của riêng mình.
Sự rời rạc và bước nhảy trong không gian
Không gian nội tâm được phản chiếu từ không gian của các nghệ sỹ Ấn tượng, và tiếp tục phát triển qua bút pháp của các nghệ sỹ Hậu Ấn tượng như van Gogh và Cezanne, là thứ không gian liền lạc, nơi mọi phần tử đều có sức mạnh liên kết hài hòa với tổng thể.
Tuy nhiên, không phải họa sỹ nào cũng theo đuổi thứ không gian tràn lấp và liền lạc ấy. Từ rất sớm, độc lập với Chủ nghĩa Ấn tượng, chủ nghĩa Tượng trưng xoáy sâu vào sự rời rạc của không gian. Các nghệ sỹ Tượng trưng thường dựng nên những không gian thần thoại dĩ vãng, với các nhân vật bồi hồi chìm đắm trong thế giới bí ẩn riêng. Không gian tác phẩm chỉ là cái cớ, và không gian nội tâm là thứ chỉ có thể gợi nhắc chứ không thể đặc tả.
Các nghệ sỹ Siêu thực với những nỗ lực đi vào thế giới tiềm thức có lẽ đã mong muốn đi tiếp con đường của chủ nghĩa Tượng trưng, trong khi người tiếp tục chiết giải bản chất của tinh thần Tượng trưng và tinh lọc tới mức cao nhất, hẳn là Giorgio de Chirico, với khát vọng hướng tới biểu đạt những cảm xúc siêu hình đằng sau thế giới hữu hình.
Tuy nhiên, Marcel Duchamp mới là người hấp thụ tư tưởng về sự rời rạc trong không gian để đẩy đi xa hơn. Nếu như chủ nghĩa Tượng trưng chỉ tập trung vào sự phân lập không gian – trình bày một thứ không gian để gợi nhắc về một thứ không gian khác – thì Duchamp hướng tới một bước nhảy xa hơn nữa trong không gian biểu đạt, khi bao gồm cả ý niệm và phép gán, tính phi logic và sự ngẫu nhiên. Tính nghệ thuật gắn với một tác phẩm như chiếc bồn tiểu không chỉ bao hàm thực thể vật chất ấy, một món đồ được chế tạo sẵn và có tính khiêu khích, mà cơ bản chính là bước nhảy trong không gian mà người nghệ sỹ có thể gieo vào tâm tưởng người xem và phá vỡ những quan điểm trái ngược mặc định của họ.
Tương tự theo cách đó, các dòng chảy mỹ thuật Hậu Hiện đại sau này tiếp tục thể hiện tham vọng tạo ra các bước nhảy trong không gian. Tác phẩm không phải là không gian thực thể vật chất mà tác giả trình bày, thậm chí cũng không nhất thiết phản chiếu những cảm xúc nội tâm tác giả, mà điều quan trọng là bước nhảy nó tạo ra trong không gian tâm tưởng của người xem.
Lời kết
Con đường phát triển mỹ thuật khởi nguồn từ sự biểu đạt các hình tướng sự vật nhưng ngày càng đi xa hơn theo thiên hướng biểu đạt cảm xúc nội tâm. Ngày nay người nghệ sỹ đã có thể lựa chọn tạo lập một thế giới riêng biệt và tự do biểu đạt nội tâm của mình cùng mọi cung bậc cảm xúc của nó. Họ cũng có thể đi xa hơn cả sự phản chiếu nội tâm bản thân, quán chiếu vào không gian xã hội xung quanh mình và tạo ra những bước nhảy phá vỡ các định kiến.
Trên bề mặt đó là sự hỗn độn tỏa đi muôn hướng, nhưng dưới mạch ngầm chúng đều là những dòng chảy tất yếu, được thúc đẩy từ chung một nguồn cội: mở rộng cảm quan về không gian trong tâm tưởng con người, bởi tâm tưởng luôn hướng về điều gì đó ở xa hơn nữa.□