Những mảnh ghép “ngưng đọng” trăm năm trong “Một chiến dịch ở Bắc Kỳ”

Đây là một tư liệu quý giá, sống động, cho thấy những mảnh ghép về một thời đoạn của lịch sử đất nước vào cuối thế kỷ 19.

Trước khi việc du lịch nước ngoài trở thành một thú vui nằm trong tầm với của đại chúng từ nửa sau thế kỷ 20, thì các xứ sở xa xôi là thứ gì đó giống với giấc mơ hơn là thực tế trong mắt đa số con người. Bởi vậy, sách “du ký” thuật lại những chuyến đi tới các xứ sở xa xôi, những cuộc phiêu lưu gay cấn đích thân tác giả đã trải qua trở thành một thể loại thu hút độc giả từ hàng nghìn năm nay. Xenophon, Caesar cho tới Marco Polo, cũng như rất nhiều tác giả ít tên tuổi hơn, đều đã để lại các cuốn du ký với độ tin cậy khác nhau như thế. Đây chính là nguồn tư liệu để người đương thời và nhất là hậu thế tìm hiểu về những thời kỳ, những vùng đất tình cờ được ngòi bút của kẻ lãng du ghi lại. 

Sang thế kỷ 19, từ khi nhiếp ảnh ra đời, những cuốn du ký có một bước ngoặt thú vị. Thay vì chỉ có những lời kể, những bức tranh minh họa – không khỏi có sự hư cấu của tác giả, thì những bức ảnh chụp đem lại cho người đọc một cảm nhận chân thực hơn về một phần bức tranh xã hội. Những gì được viết dưới góc nhìn của người du hành đôi khi có thể nhanh chóng lạc hậu, song những bức ảnh thì mãi còn giữ nguyên giá trị của chúng là những mảnh ký ức được vĩnh viễn lưu giữ. Thời gian càng trôi qua, thay đổi càng nhiều, thì những bức ảnh cũ đã ngả màu trên trang sách du ký theo thời gian lại càng là những chứng nhân quý giá về một thời đã qua. 

Một đám ma. Ảnh trong sách “Một chiến dịch ở Bắc Kỳ”.

Một trong nhiều cuốn du ký như vậy đã được Charles-Édouard Hocquart (1853 – 1911), một bác sĩ quân y mê nhiếp ảnh thực hiện sau thời gian tình nguyện tham gia lực lượng quân đội Pháp đồn trú ở Bắc Kỳ (Tonkin) từ tháng 2/1884 tới tháng 2/1886. Ảnh của ông từng trưng bày tại Hội chợ Hoàn vũ tại Antwerp năm 1885 và được tặng Huy chương vàng. Từ những bức ảnh chụp trong thời gian phục vụ ở Đông Dương, năm 1892 Hocquart đã chọn ra hơn 200 bức làm minh họa cho cuốn du ký “Một chiến dịch ở Bắc Kỳ” (Une campagne au Tonkin) do nhà xuất bản Hachette ấn hành. Bên cạnh nội dung thuật lại những trải nghiệm của một bác sĩ quân y theo chân các đội quân Pháp xâm lược Bắc Kỳ, Hocquart dành phần lớn cuốn sách mô tả về dân cư, phong tục, phong cảnh không chỉ riêng của Bắc Kỳ mà cả những vùng đất khác trên lãnh thổ Việt Nam mà ông đặt chân tới. 

Trong tác phẩm, hơn 40% ảnh chụp người: những nhạc công, cô bán hàng chợ, người bán thịt rong, thợ khảm, thợ cạo, thợ cày, cô bán than, ông lão mù, phu phen, người nông dân xay lúa, thợ gốm, thợ rèn, tổng đốc, sứ thần, đốc học, trưởng làng, sĩ quan Pháp, tù nhân, thổ phỉ, lính khố đỏ… Bên cạnh những bức tranh và mô tả về đời sống lao động, chân dung cá nhân… Hocquard cũng dành một phần không nhỏ cho các nghi thức tôn giáo và tập tục (đám ma, thờ cúng tổ tiên…), giải trí (trò chơi, âm nhạc…).

Không lạ, với mục đích viết sách du ký để đánh vào trí tò mò của độc giả Pháp, Hocquart tập trung có chủ đích vào những chi tiết về mọi mặt cuộc sống đời thường cũng như những thông tin về tập quán, thói quen của người dân, hệ thống chính trị, triều đình của xứ sở xa xôi đang bị Pháp chinh phục và “khai hóa văn minh” kia. Những bức ảnh được chuyển thể thành các khuôn khắc kẽm và in vào minh họa trong cuốn sách cũng được lựa chọn theo cùng tiêu chí. Tuy vậy, đây vẫn là một tư liệu quý giá, sống động, cho thấy những mảnh ghép về một thời đoạn của lịch sử đất nước. 

Tìm hiểu về quá khứ luôn đòi hỏi ít nhiều trí tưởng tượng, vì không quá khứ nào được truyền lại toàn vẹn cho hậu thế. Nhưng càng có nhiều khoảnh khắc của quá khứ được lưu giữ lại thì hậu thế càng biết về quá khứ chân thực, sống động và gần với những gì đã diễn ra hơn. Chính vì thế, cuốn du ký năm xưa chủ yếu nhắm vào tâm lý tò mò ham thích tìm hiểu về một thế giới thuộc địa xa lạ của độc giả chính quốc tại Pháp, giờ đây giống như một phần quá khứ được “đóng băng” lại giữ nguyên vẹn qua hơn trăm năm, lại có giá trị tham khảo rất quý với bất cứ người Việt Nam nào muốn biết, muốn cảm nhận rõ hơn về cha ông mình trong quá khứ. 

Sau hơn trăm năm, việc “Một chiến dịch ở Bắc Kỳ” được chuyển ngữ sang tiếng Việt cùng toàn bộ 229 tranh ảnh và 4 bản đồ về Việt Nam được tái hiện đầy đủ với chất lượng cao quả là một món quà thú vị cho đông đảo bạn đọc thích tìm hiểu về lịch sử, nhất là lịch sử nước nhà.

Ký sự hành trình “Une campagne au Tonkin” (Một chiến dịch ở Bắc kỳ) xuất hiện lần đầu, bằng tiếng Pháp, trên tạp chí Le Tour du Monde (Vòng quanh thế giới) với nhan đề “Trente Mois au Tonkin” (Ba mươi tháng ở Bắc kỳ), được chia làm năm phần đăng từ năm 1889 đến năm 1891. Năm 1892, tác giả sửa nhan đề thành Une campagne au Tonkin (Một chiến dịch ở Bắc kỳ) để nhà xuất bản Hachette (Paris) in.
Bác sĩ Charles-Édouard Hocquard tham gia chiến dịch quân sự một cách tự nguyện nhưng không trực tiếp tham chiến, chính vì vậy mà ông chỉ điểm sơ qua các chiến dịch quân sự chứ không đi sâu vào nó. Hành trình của Hocquard qua tám tỉnh thành từ Bắc đến Trung kỳ; từ vùng châu thổ đến các bản làng miền núi, thị trấn đồng bằng; từ các con lộ đến đường mòn, các lối dọc ven sông; từ đồi trọc đến những cánh đồng lúa bát ngát.
Cùng thời gian đó, một công chức Pháp là Camille Paris phụ trách việc xây dựng đường điện báo nối Nam kỳ và Bắc kỳ công tác tại Huế, những quan sát và ghi chép của ông được xuất bản tại nhà xuất bản Ernest Leroux (Paris, 1889) với nhan đề “Voyage d’exploration de Huê en Cochinchine, par la route mandarine” (Chuyến thám hiểm từ Huế đến Nam kỳ bằng đường cái quan), bao gồm mười hai ảnh khắc và sáu tấm bản đồ về Việt Nam, thuật lại những điều trải nghiệm từ phía nam thành Huế đến Bình Thuận. Nếu đặt hai tác phẩm của Camille Paris và Hocquard cạnh nhau, chúng ta có một bộ sách giá trị mô tả sống động Việt Nam qua các tỉnh thành từ Bắc vào Nam: Hà Nội, Hải Phòng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hòa Bình, Ninh Bình, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Phan Rang và Bình Thuận. Mỗi người mỗi phương pháp, mỗi điểm nhìn, nhưng qua các tác phẩm của họ độc giả ngày nay có cơ hội tiếp cận nhiều thông tin quan trọng về đời sống thường nhật của người dân Bắc kỳ nói riêng và Việt Nam nói chung hồi cuối thế kỷ XIX.
Một số công trình chính của Hocquard:
– Iconographie photographique appliquée à l’ophtalmologie (Hình ảnh ứng dụng trong nhãn khoa, 1881)
– Effets du traitement hydro-minéral à Bourbonne-les-Bains (Các hiệu quả của trị liệu bằng nước khoáng tại bệnh viện Bourbonne-les-Bains, 1887) – L’Expédition de Madagascar, journal de campagne (Cuộc viễn chinh Madagascar, ký sự chiến dịch, 1897) – Une campagne au Tonkin (Một chiến dịch ở Bắc kỳ, 1892)

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)