Những nẻo đường đời và những bản tình ca khác

Văn chương Le Clézio mang dấu ấn cổ điển, xưa cũ. Điều ông trăn trở dường như không liên quan đến những chủ đề của văn đàn Pháp đương đại. Trong Những nẻo đường đời và những bản tình ca khác*, Le Clézio khai thác sự khác biệt giữa các nền văn hóa, những cuộc phiêu du, nỗi cô đơn và hồi ức từ thuở ấu thơ đến khi trưởng thành, những nội dung đã trở đi trở lại trong hầu khắp sáng tác của Le Clézio nhưng chưa bao giờ nhàm cũ.

Le Clézio vốn được nhận xét là “nhà văn của những khởi hành mới”. Cái lưu động trong thế giới của nhà văn là sự lưu lạc của các nhân vật, sự trôi dạt của cuộc đời họ. Các tác phẩm của Le Clézio viết về sự lưu vong, về những con người xa xứ, về những mảnh đời phiêu bạt. Đó là bà mẹ tên Hélène trong Những nẻo đường đời luôn đem theo hai đứa con gái đi theo những người tình của mình, như có lúc bà bỏ xứ Provence đến Mexico theo ông bác sĩ Édouard, hay như bà cụ Eva trong Khách sạn cô liêu đã “ở khách sạn cả cuộc đời, ngao du trên những con tàu lao mình phiêu lưu trên biển,… đã nếm trải hết thảy, tình yêu và hội hè…”.

Các nhân vật của ông, vì thế, luôn luôn lang thang vô định và âu lo kiếm tìm trong vô vọng một thiên đường bình yên ở một nơi nào đó, Mexico hay Pháp… Nhưng sau cùng của chặng đường, họ chỉ gặp sự xa lạ đáng sợ ở vùng đất mới, sự vô trách nhiệm của người đàn ông họ tin tưởng. Bác sĩ Édouard trong Những nẻo đường đời đã bảo bà Hélène, người mang cả gia đình đi theo ông sang một miền đất lạ, bằng cái giọng bình thản ấy: “Có lẽ em nên về nhà ở Pháp đi, đằng nào anh cũng sẽ đi, anh đã xin chuyển rồi”. Không ồn ào mà nhỏ nhẹ nhưng thấm thía, chỉ một chi tiết nhỏ như thế của Clézio cũng đủ nói lên thân phận con người.

Trong tác phẩm, nhà văn nhận diện rõ ràng rằng: đằng sau sự khẳng định bản sắc cá nhân trong xã hội phương Tây hiện đại, con người đang dần dần xây dựng những bức tường ngăn mình với cộng đồng, và dần dần đánh mất mình. Cô bé Pervenche trong Những nẻo đường đời luôn “thấy trong lòng trĩu nặng một nỗi đơn côi. Đó là một cơn bải hoải kỳ lạ, một nỗi chán chường lừng khừng mà mê hoặc”. Mẹ của Pervenche là một người vô trách nhiệm. Bà bỏ mặc cô bé trượt dốc. Bà nói với vẻ vô tư lự: “Ồ, con biết đấy, nó sống cuộc sống của nó. Đấy là thứ nó muốn…”. Còn chị của Pervenche “đã thi đỗ mọi cuộc thi, nhưng không biết níu giữ em mình lúc nó ngã xuống”. Mọi thành viên trong gia đình đều quá xa xôi, cách biệt, để rồi một cái níu tay dường như cũng là vô vọng.

Cùng lúc đó, Le Clézio quan tâm đến các ngưỡng thời gian, chẳng hạn sự chuyển biến giữa thời ấu thơ và tuổi trưởng thành. Hơn ai hết, Le Clézio viết về tuổi mới lớn rất thận trọng, tinh tế và đầy chất thơ. Đó là quãng đời mà mọi cảm nhận về mình, về người khác và về thế giới đều trở nên nhạy bén hơn, trong mọi hiện thực của cuộc sống bỗng tồn tại một liên hệ vô hình, và người ta bắt đầu nhìn thấy những gì đã bị che giấu trong các đôi mắt từng trải. Cô bé của Le Clézio trong Mộng phiêu du đã nhận xét rằng: “Thật ra, bước vào thế giới người lớn thật khó khăn, khi mọi ngả đường đều dẫn về cùng những lằn ranh ấy, khi bầu trời cao vời vợi, khi cây cối chẳng còn đôi mắt, khi các dòng sông hùng vĩ bịt bùng vì những mảng bê tông xám xịt, khi động vật không còn cất tiếng nói và bản thân con người cũng đánh mất các dấu hiệu của mình”.

Cơn gió Đông lạnh buốt, hoàng hôn làm biển tắt lịm, hoa bìm bìm lác đác nở trên dậu, bãi đất trống mênh mông dưới ánh trăng, hoang mạc cát và hoang mạc biển, ánh nắng lấp lánh đầu những ngọn sóng, và vị mặn trong gió đại dương…, tất cả những chi tiết sống động ấy xuất hiện thường xuyên trong những trang sách của Le Clézio như những câu thần chú. Người ta so sánh ông với một nhà truyền bá đi dép lê, một nhà côn trùng học, một nhà sinh thái học có lối viết bí ẩn như những bức tượng trên đảo Pâques. Le Clézio chỉ cho ta thấy cách nhìn điều kỳ diệu từ những thứ bình thường xung quanh mình, có lẽ vì thế mà mỗi trang viết của Le Clézio hiển hiện một vẻ mơ màng quyến rũ, độc đáo kỳ lạ và mê đắm khôn chừng.

Trong tác phẩm của Le Clézio, mọi sinh vật, dù là nhỏ nhất cũng có chỗ đứng của mình, và mọi nền văn hóa, dù thô sơ và chỉ giới hạn trong một nhóm dân tộc thiểu số cũng vẫn được công nhận như một phần của di sản văn hóa nhân loại. Le Clézio làm người đọc say đắm khi miêu tả cô gái đẹp tuyệt trần có tên “Gió phương Nam”, người Maohi, cô gái chuyên đi chân đất và chán ngán các quy ước của người Pháp. Trong truyện ngắn Kho báu, Le Clézio miêu tả về một cuộc hành trình mà ở đó những nền văn hóa đối diện nhau trong cùng thời khắc quá khứ, hiện tại và tương lai.

Lối viết của Le Clézio cổ điển và dễ tiếp nhận. Le Clézio không đua đòi với văn chương thời thượng. Từng câu, từng câu trong mỗi trang sách đều ngắn gọn, dễ hiểu, không hề tân kỳ, kiểu cách. Ngôn từ đẹp, giống như thơ. Le Clézio giữ cho tất cả mọi xúc cảm và ngẫm ngợi đều giản dị như quan điểm của ông về văn chương: “Viết văn ư, đó là đi ngắm nhìn phía bên kia quả đồi”.

Ngày mà Le Clézio hay tin mình đoạt giải Nobel, ông đã yêu cầu người ta không được đánh thuế sách nữa, để cho những người nghèo khổ nhất cũng được tiếp cận với văn hóa. Vì đối tượng đích mà những trang sách này hướng tới chính là những kẻ đau khổ trên mọi nẻo đường đời.

—-

(*) Tập truyện ngắn – Dịch giả: Hồ Thanh Vân; NXB Hội Nhà văn và Nhã Nam ấn hành năm 2010.

 

Tác giả

(Visited 19 times, 1 visits today)