Những nẻo đường thư tịch Hán Nôm

Qua nhiều nghiên cứu, có thể khẳng định, số thư tịch Hán Nôm Việt Nam ở nước ngoài là không nhỏ. Và trên thực tế, không chờ những chương trình, kế hoạch quy mô của nhà nước, những người có tâm huyết và cả cơ duyên đang nỗ lực bằng mọi cách để thông tin về số phận thư tịch Hán Nôm Việt Nam còn lưu lạc đây đó, hòng mong sẽ có ngày “châu về Hợp Phố”.

Một thời gian dài, giới nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn trong nước có vẻ như khá bằng lòng với việc nghiên cứu dựa trên cơ sở những bản dịch được thực hiện bởi lớp học giả tiền bối thông thạo chữ Hán, chữ Nôm như Đào Phương Bình, Cao Huy Giu, Đỗ Mộng Khương… hoặc bởi các cán bộ chuyên môn của ngành Hán Nôm. Bóng dáng tài liệu Hán Nôm dần xa xôi và cơ hồ trở thành thứ không cần thiết (khi đã có bản dịch). Tôi còn nhớ một giáo sư rất đáng kính của bộ môn Văn học Trung đại từng phải “lén” học Hán Nôm với cụ Cao Xuân Huy ở Thư viện Quốc gia vì lẽ đơn vị công tác cho rằng đã có bản dịch rồi cần gì phải học Hán Nôm (!?). Nhưng thử đặt câu hỏi, trong trường hợp bản dịch có vấn đề (mà bản dịch nào chẳng có vấn đề, không nhiều thì ít), thì liệu những nghiên cứu dựa trên nó có đáng tin cậy không? Đơn cử một trường hợp khá tiêu biểu trong Đại Nam thực lục, người dịch khi dịch chữ Hán nhân, phần lớn dịch là người Hán, nhưng học giả Choi Byung Wook (Hàn Quốc) đã chỉ ra một cách thuyết phục trong cuốn Vùng đất Nam Bộ dưới triều Minh Mạng rằng chữ Hán nhân trong nhiều trường hợp là một trong những cách tự xưng danh của người Việt (Kinh) v.v…

Cho đến nay, ngoài những người làm Hán Nôm chuyên nghiệp, đối tượng dành sự quan tâm lớn nhất cho tài liệu Hán Nôm có vẻ vẫn thuộc về những nhà nghiên cứu ngoại quốc. Họ, ngoài việc học tiếng Việt, còn nỗ lực học chữ Hán và chữ Nôm để có thể tự xử lí tư liệu. Có thể thấy, nếu những xuất bản phẩm được ấn hành trong nước thiên về giới thiệu bản dịch, văn bản gốc họa hoằn mới được in kèm thì những xuất bản phẩm tài liệu Hán Nôm gốc dường như chỉ có cơ hội ấn hành tại nước ngoài.

Bộ Việt Nam Hán văn tiểu thuyết tùng san (Tổng tập tiểu thuyết Hán văn Việt Nam) do NXB Cổ tịch Thượng Hải và Viện Nghiên cứu Hán Nôm hợp tác xuất bản đã giành được năm giải thưởng về sách của Trung Quốc, trong đó có giải thưởng danh giá của Bộ Giáo dục. Bộ Việt Nam Hán văn yên hành văn hiến khi được ĐH Phúc Đán (Thượng Hải) và Viện Nghiên cứu Hán Nôm xuất bản đã trở thành tài liệu gối đầu giường cho những nhà nghiên cứu về Việt Nam và các nước trong khu vực. Thậm chí, theo lời PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm), các nhà nghiên cứu Hàn Quốc đã coi bộ này là mẫu mực để trích dẫn, có nghĩa là, khi viết một bài báo khoa học, học giả chỉ cần trích dẫn theo bộ Yên hành đã được coi là hợp lệ. TS Nguyễn Nam còn thống kê, đã có ít nhất 17 tác phẩm được xuất bản ở Trung Quốc nghiên cứu về tư liệu của bộ Yên hành và con số này vẫn còn tăng1. Những người bạn Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc của tôi làm nghiên cứu trong lĩnh vực văn học chữ Hán cổ điển, văn học so sánh đều tự cho mình một trách nhiệm phải mua bằng được hai bộ sách nói trên dù đây là khoản kinh phí không hề nhỏ đối với họ – bộ Yên hành có giá bán 15.000 NDT (khoảng 40 triệu VND), bộ Tùng san rẻ hơn cũng có giá bán 1.800 NDT (khoảng 5 triệu VND).

Trong nhiều năm qua, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc – những nước trong quá khứ có cùng đặc điểm sử dụng chữ Hán hoặc sử dụng chữ Hán song song với chữ riêng được tạo ra trên cơ sở chữ Hán để ghi âm ngôn ngữ của mình, đã có nhiều chương trình, kế hoạch tổng lực để tổng kết thư tịch cổ của họ, hoặc làm biên mục, hoặc số hóa, hoặc đưa chúng trở thành dữ liệu cộng đồng. Đặc biệt trong một thập kỉ gần đây, Trung Quốc khởi động và thực hiện mạnh mẽ chương trình sưu tập thư tịch chữ Hán ở hải ngoại bằng cách hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Singapore… để tập đại thành những thư tịch này và xuất bản dưới tên Vực ngoại Hán tịch trân bản văn khố. Đây được coi là một trong những công trình xuất bản trọng điểm cấp quốc gia. Đài Loan cũng đang làm công việc tương tự. Trong khi đó, bộ sách công cụ hữu hiệu nhất để tìm tư liệu Hán Nôm hiện nay là Di sản Hán Nôm thư mục đề yếu – kết quả hàng chục năm làm việc của cán bộ Viện Nghiên cứu Hán Nôm chỉ có thể được xuất bản với sự tài trợ của một cơ quan nghiên cứu nước ngoài là Học viện Viễn đông Bác cổ Pháp; bộ sưu tập văn bia của Viện cũng được in với sự tài trợ của Học viện này… Thư tịch Hán Nôm ở trong nước còn chưa được trọng thị xứng đáng với tầm vóc của nó thì không biết đến khi nào bộ phận thư tịch Hán Nôm còn lưu lạc ở nước ngoài được quan tâm chú ý.

Qua nhiều nghiên cứu, có thể khẳng định, số thư tịch Hán Nôm Việt Nam ở nước ngoài là không nhỏ. Năm 1993, trong bài Dẫn luận cho bộ sách Di sản Hán Nôm Việt Nam thư mục đề yếu, PGS Trần Nghĩa (khi đó là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, đồng chủ biên bộ sách với GS Francois khi đó là Giám đốc Học viện Viễn đông Bác cổ Pháp) đã tổng hợp từ nhiều bài nghiên cứu và những kinh lịch của bản thân để liệt ra sáu phông sách Hán Nôm chính tại hải ngoại gồm có: Nhật Bản (Đông Dương văn khố), Italia (Thư viện Tòa thánh Vatican), Pháp (Thư viện Quốc gia Paris; Thư viện Hiệp hội châu Á; Văn khố của Hội thừa sai ngoại quốc Paris; Thư viện Học viện Viễn đông bác cổ Pháp; Trường Các sinh ngữ Phương Đông; Bảo tàng Guimet; Kho lưu trữ Quốc gia, bộ phận Hải ngoại ở Aix- en- Provence), Anh (Thư viện nước Anh), Thái Lan (chùa Kiểng Phước), Hà Lan (Thư viện Đông Á thuộc ĐH Leiden). Và đây chưa phải là tất cả.

Trên thực tế, không chờ những chương trình, kế hoạch quy mô của nhà nước, những người có tâm huyết và cả cơ duyên đã và đang nỗ lực bằng mọi cách để thông tin về số phận thư tịch Hán Nôm Việt Nam còn lưu lạc đây đó, hòng mong sẽ có ngày “châu về Hợp Phố”. Đó cũng chính là câu chuyện của học giả Trương Văn Bình. Năm 1992, khi có cơ hội đọc sách và tìm hiểu thư tịch tại Thư viện Đông Á thuộc ĐH Leiden (Hà Lan), ông đã phát hiện tổng cộng 37 tài liệu Hán Nôm.

Thư viện Đông Á là một trong những thư viện hàng đầu về Trung Quốc học trong thế giới phương Tây, nơi sở hữu những bộ sưu tập sách hiếm quý mà phần nhiều trong đó hiện là độc bản trên thế giới. Miêu thuật sơ bộ về các bộ sưu tập dễ đưa đến cảm nhận đây là bộ sưu tập hiếm quý các thư tịch cổ đại và cận đại Trung Quốc, nhưng khi tìm sâu vào các đầu mục sách lại có thể tìm thấy không ít thư tịch Hán Nôm Việt Nam. 37 tài liệu Hán Nôm mà ông Trương Văn Bình giới thiệu bao gồm sách lịch sử như Tỉnh hạt đinh điền hiệu mục, Tỉnh hạt hạ đông thuế lệ, thêm một dị bản cho các tác phẩm Đại Nam quốc sử diễn ca, Nam Kỳ lục tỉnh địa dư chí, Hoàng Việt địa dư chí…; truyện thơ lục bát; và tác phẩm truyền giáo2. Đáng chú ý, ở đây còn thấy được bản chữ Hán của Gia Định báo, có thể coi là độc bản khi H.Cordier không ghi xuất bản phẩm này trong Thư mục Đông Dương (Paris, 1912-15) của ông, và M.Durant trong Dẫn luận về văn học Việt Nam (Introduction à la littérature Vietnamienne, Paris, 1969) chỉ đề cập bản quốc ngữ của Gia Định báo xuất hiện ở Sài Gòn vào năm 1865 (tr.139) mà không đề cập xuất bản phẩm bằng chữ Hán (dẫn theo Trương Văn Bình).

Những thông tin ông Trương Văn Bình công bố thật quý giá, nhưng liệu những thông tin này đã đầy đủ và chính xác về tài liệu Hán Nôm Việt Nam tại ĐH Leiden hay chưa? Vài năm gần đây, thông qua đồng nghiệp là các nhà nghiên cứu Đài Loan và Mỹ, tôi có thêm một số thông tin về kho sách này như hiện trạng, hệ thống tổ chức và lưu trữ, nguyên tắc tiếp cận thư tịch hiếm quý v.v… và một vài văn bản mà họ tiếp cận được. Trong đó, có văn bản chưa được ông Trương Văn Bình kiểm tới trong bài viết của mình là bản Huấn mông nhất tự khúc (do cử nhân người Quảng Nam là Nguyễn Đắc Thuyên soạn, tàng bản của Văn Nguyên đường, Phật Trấn, Việt Đông)3. Nếu so với thông tin ông Trương Văn Bình đưa ra trong bài viết của mình thì khả năng cao đây không phải là văn bản Huấn mông nhất khúc ca ông tiếp cận được. Điều này cho thấy, khả năng tìm thấy các văn bản Hán Nôm Việt Nam khác tại đây là hoàn toàn có thể.

Điểm khó khăn mấu chốt là, không phải ai cũng có điều kiện như ông Trương Văn Bình, hoặc những người có điều kiện tiếp xúc và khai thác thư viện này như những sinh viên Việt Nam hiện đang theo học tại ĐH Leiden lại không biết chữ Hán. Trong khi đó, chỉ một phần trong số thư tịch của thư viện có thể tra cứu online, số khác chỉ có thể tra cứu bằng các phiếu thư mục tại cơ sở lưu trữ. Đó là chưa kể  trong đa số trường hợp, các nhà thư mục học lịch đại của Thư viện Đông Á đã không phân biệt thư tịch chữ Hán và chữ Nôm của Việt Nam trong khối các thư tịch chữ khối vuông, vì vậy chỉ có thể dựa trên tên sách và kinh nghiệm thiệp liệp tư liệu Hán Nôm để chọn ra những thư tịch có khả năng cao là của Việt Nam. Công việc đó chỉ có thể thực hiện được nếu có đủ thời gian và được sự hỗ trợ đáng kể về mặt kinh phí.

Bản thân người viết bài này hồi tháng 4/2011, sau buổi thuyết trình về kịch bản tuồng cổ Việt Nam theo lời mời của ĐH Trung Sơn, Quảng Châu, Trung Quốc, được một thính giả là TS Văn học Quan Cẩn Hoa của ĐH Trung Sơn mời đến xem giúp một bộ sưu tập sách Hán Nôm Việt Nam. Tôi thực sự rất vui mừng vì đây là cơ hội hiếm có để thu thập thông tin về tư liệu Hán Nôm Việt Nam lưu lạc tại Trung Quốc (vốn trước nay rất mơ hồ), và cũng là duyên may vì nếu không được “nhờ vả” đọc hộ thì tôi không thể tiếp cận số tư liệu thuộc dạng chỉ được tiếp cận khi có sự cho phép đặc biệt này.

TS Quan Cẩn Hoa cho biết, cuối năm 2005, khi Phòng Tư liệu của Khoa Trung văn, ĐH Trung Sơn kiểm kê thư tịch thì phát hiện một loạt sách chưa được kê vào biên mục. Căn cứ vào những dấu đóng trên sách, các cán bộ nghiên cứu khi đó đã chứng minh số thư tịch này thuộc bộ sưu tập vật phẩm của Phòng trưng bày vật phẩm Dân gian của trường. Phòng này bảo quản và trưng bày hơn 10.000 vật phẩm khác nhau nhưng do chiến tranh, loạn lạc và những lần di dời địa điểm của trường, một bộ phận của bộ sưu tập bị thất lạc và loạt sách nói ở trên chính là một phần trong số đó.

Sau khi được phát hiện, số thư tịch này được chuyển đến lưu giữ tại Trung tâm Nghiên cứu Di sản văn hóa Phi vật thể của ĐH Trung Sơn, tổng cộng là 25 hòm với hơn 2.000 quyển. Mục lục kho sách đã hai lần được công bố nhưng điều đáng ngạc nhiên là cả hai đều không có thông tin về bộ phận sách của Việt Nam. Hiện nay, theo tôi được biết, học giới trong nước vẫn chưa biết thông tin về số sách Hán Nôm Việt Nam ở đây.

Trong một thời gian rất ngắn, đọc lướt qua (và không được phép chụp ảnh), tôi thống kê được 28 đầu sách chữ Nôm là ca bản như Bài ca Năm canh (Phúc An đường Hàng Gai in năm 1928), Bài ca năm âm (Hoàng Sơn soạn, Phúc An đường in năm 1932)…; truyện Nôm như Nhị độ mai trò (Quảng Thịnh đường in năm 1913), Trương Viên diễn ca (Quảng Thịnh đường in năm 1925), Trống quân tân truyện (in năm 1918), Tiếu lâm diễn nghĩa (Quan Văn đường in năm  1922)…; năm đầu sách chữ Latin (năm quyển) như Bần nữ thán (in năm 1928 tại Hà Nội), Nhị thập tứ hiếu (in năm 1925 tại Hà Nội), Lưu Nguyễn nhập thiên thai (in năm 1913 tại Hà Nội)… Ngoài ra, một số sách của Trung Quốc in lại tại Việt Nam cũng được xếp vào đây như Tăng bổ Tuyển trạch thông thư Quảng ngọc hạp kí (Quảng Thịnh đường in năm 1920), Tân đính Vạn sự bất cầu nhân thư (Phúc An đường in năm 1923)… Những thư tịch này, không những rất đáng trân trọng vì đó là di sản văn hóa của Việt Nam còn lưu lạc ở nước ngoài, quan trọng hơn nữa là vì có một số văn bản trong bộ sưu tập này hiện rất khó tìm thấy ở Việt Nam. Tôi đã hẹn một ngày gần nhất sẽ trở lại giúp Trung tâm Nghiên cứu Di sản làm mục lục phân tích cho số thư tịch này bởi các học giả Trung Quốc ở đây không đọc được chữ Nôm, và cũng khá yên lòng bởi chúng đang được bảo quản trong điều kiện tốt.

Mười năm trước, khi chọn đề tài cho luận văn Thạc sỹ chuyên ngành Hán Nôm, tôi đã chọn nghiên cứu về các bộ thư mục triều Nguyễn bởi đây là tài liệu duy nhất còn lại cho biết tình hình thư tịch Hán Nôm Việt Nam trong các thư viện lớn của nhà nước đầu thế kỉ XX. Học giả của Học viện Viễn đông Bác cổ Pháp cũng tới sao chép không ít tài liệu ở các thư viện này về lưu trữ tại thư viện của Học viện tại Hà Nội. Thư tịch ở các thư viện này, ngoài bộ phận sau đó được trao trả cho Chính phủ Việt Nam- hiện nay thuộc trách nhiệm quản lý của Viện Nghiên cứu Hán Nôm – thì một bộ phận không nhỏ, dưới nhiều tác động của lịch sử Việt Nam thời cận đại và bằng nhiều con đường khác nhau, đã được chuyển ra nước ngoài, nằm rải rác trong các thư viện nhà nước hoặc sưu tầm tư nhân (của nhà nghiên cứu, người sưu tầm sách, người buôn đồ cổ…). Từ đây, theo dõi và kiếm tìm thông tin về con đường lưu lạc của chúng trở thành công việc chăm chắm của nhiều nhà nghiên cứu trong nước. Nhưng ngoài nỗ lực và cơ duyên của từng cá nhân, để làm được công việc này chắc chắn cần có sự hỗ trợ mang tính chiến lược từ phía Nhà nước. 



* Viện Nghiên cứu Hán Nôm

1 TS. Nguyễn Nam, Vị trí cho Việt Nam trong Hán học/Trung Quốc học thế giới, bài viết riêng cho Hội thảo kỉ niệm 10 năm Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, tháng 12/2012.

2 Tạp chí Hán Nôm, số 2, 1992.

3 Trong bài viết (đã dẫn) của mình, ông Trương Văn Bình đề cập một văn bản là Huấn mông nhất khúc ca: 訓 蒙 一 曲 哥, Cử nhân Nguyễn Đắc Thuyên ở Quảng Nam soạn năm Thiệu Trị, Cận Văn Đường xuất bản. Hòa Nguyên Thạnh phát hành.

Tác giả

(Visited 25 times, 1 visits today)