Những ngày màu hồng
Đây là tên gọi triển lãm cá nhân của hoạ sĩ Lê Quý Tông đang diễn ra tại Viet Art Center - 42 Yết Kiêu Hà Nội vừa qua. Bằng những góc nhìn riêng biệt, phóng to cận cảnh đầy thách thức, với những ý tưởng khá độc đáo khi chọn chủ đề, hội họa của Lê Quý Tông gây ấn tượng và tạo nên những biên độ xúc cảm đa dạng ở người xem. Đó là cảm giác, hay cảm thức về chiều thời gian, về tốc độ, về sự thay đổi của đời sống xã hội, bên cạnh đó là tính bất an, bạo lực và những nỗi niềm lo âu khắc khoải của con người trong thế giới hôm nay.
Cảm thức về chiều thời gian hiện lên khi chúng ta nhìn thấy mồn một những toà nhà cổ, tháp nước cổ, cầu Long Biên, đầu máy xe lửa, thậm chí cả những chiếc ghế cổ chỏng chơ không người ngồi, bụi bặm cùng vôi vữa thời gian… Chúng như đồ vật quá đát bị cuộc sống bỏ rơi, đào thải. Hoặc vừa mới đây thôi còn thấp thoáng đâu đó trong đời sống hiện tại nhưng rất có thể sẽ nhanh chóng bị chìm dần vào quên lãng hay biến mất trong sự thay đổi đến chóng mặt của môi trường xã hội. Khi vẽ những đồ vật cổ này, Lê Quý Tông như vừa muốn níu kéo thời gian, vừa như muốn gìn giữ ký ức bằng cách ban cho đối tượng một vẻ đẹp, một đời sống hội họa lâu bền đặc biệt trên tranh mình.
Cảm thức về tốc độ hiện lên chủ yếu ở các bức tranh vẽ về phong cảnh ven đô, ngã ba cầu Chương Dương. Đó là các bức tranh kéo dài theo chiều ngang với những bố cục táo bạo, những phối cảnh chiều sâu có điểm hút và vòng xoáy bất ngờ. Bằng lối đi bút phóng túng, ào ạt, dùng những nhát bút to, nhanh, không quá đi sâu vào chi tiết, mà ngược lại, cố tình làm nhoè mờ, Lê Quý Tông tạo ấn tượng về những dòng chảy liên tục không ngừng của ô tô, xe cộ và nhịp sống cầu Chương Dương. Cảm thức về tốc độ trong tranh Lê Quý Tông không trừu tượng và có tính linh cảm, hoài bão vào khoa học như ở tranh của các họa sĩ Vị lai đầu thế kỷ trước. Mà nó là hơi thở của đời sống hiện thực bề bộn, mệt mỏi, quay cuồng trong cơn lốc đô thị hoá mà con người đang bị cuốn vào và không thể cưỡng lại nổi.
Sự mệt mỏi của con người có thể nhìn thấy ở loạt tranh chân dung treo xen kẽ tại triển lãm. Những khuôn mặt của một người phóng to ở nhiều góc độ, nhiều trạng thái, phần lớn ưu tư, khắc khoải, có gì đó trần trụi, cô đơn, đau đớn, biểu cảm. Các bức chân dung này được vẽ bằng các nhát bút to bản với một kỹ thuật đi bút nhuần nhuyễn, điêu luyện, tài giỏi, tạo nên cấu trúc của hình khối, ánh sáng và những nét biểu cảm khác nhau trên khuôn mặt. Họa sĩ sử dụng gam màu êm dịu, chủ yếu là trắng- ghi xám- hồng nhạt, nhiều sắc độ, gợi chất da thịt trong suốt, lung linh, giàu chất hội họa.
Phần cuối cùng của triển lãm là các bức tranh vẽ hình máy bay, xe tăng khô khan, đen đúa, với những đám người bị “quân sự hoá” ngạo nghễ, thô bạo. Tất cả hơi có vẻ cứng nhắc, khiên cưỡng, chưa được thuyết phục cho lắm, song chúng gợi những liên tưởng về chiến tranh, bạo lực và sự bất an của thế giới hôm nay.
Triển lãm của Lê Quý Tông có tên gọi là “Những ngày màu hồng”. Nhưng nếu muốn gọi là “Những ngày màu xám” thì chắc cũng là vậy, không có gì thay đổi. Nó tuỳ ở tâm trạng người xem.
Lê Quý Tông còn rất trẻ, sinh năm 1977, đã từng đoạt giải thưởng Mỹ thuật “ánh mắt trẻ” 2003, hiện là giảng viên Đại học Mỹ thuật Việt