Những ngôi “nhà thở”
Khi thời tiết ngày càng trở nên khó lường, các kiến trúc sư Việt Nam tìm về quá khứ và thiên nhiên để giảm bớt sức ép khí hậu.
Ngôi nhà “không tô”
Trong nhiều thập kỷ, bà Nguyễn Thị Hai, 67 tuổi và các chị em của mình đã phải sống “đóng hộp” trong những căn hộ chung cư chật chội và ngột ngạt ở thành phố Hồ Chí Minh. Giờ đây, trong những năm tháng tuổi xế chiều, những người phụ nữ cùng em trai muốn trở về quây quần chăm sóc nhau dưới cùng một mái nhà, một nơi mà gia đình ông bà cùng mong muốn là “thoáng và mát như ngoài trời”. “Gì chứ, cô rất sợ ngộp, cô cũng muốn có ánh sáng nữa,” bà Hai nói
Để biến ước mơ thành hiện thực, gia đình đã giao phó cho các kiến trúc sư Trần Thị Ngụ Ngôn và Nguyễn Hải Long từ Tropical Space (Không gian Nhiệt đới), một công ty kiến trúc chuyên về những giải pháp tự nhiên phù hợp khí hậu. Sau hai năm xây dựng kéo dài vì đại dịch Covid-19, ngôi nhà đã thành hình, từ xa nhìn như một khối gạch màu cam rực rỡ, nổi bật giữa những ngôi nhà ống và biệt thự giả thuộc địa nhạt màu ở huyện Nhà Bè. “Nhà cửa ở đây chưa đánh số, nhưng hỏi nhà tụi tui thì dân ở đây ai cũng chỉ đường được hết á,” bà Hai nói. “Họ gọi đây là ngôi nhà không tô.” Nhiều người tò mò, bà kể, xin vào thăm quan, “còn tưởng xây chưa xong.”
Mặt trước và sau của ngôi nhà không tô được bao bọc bằng lớp tường gạch nung xếp lỗ, vừa che chắn không gian phía trong khỏi mưa tạt và nắng gắt, vừa cho phép những làn gió mang hơi nước mát từ con rạch sau nhà lùa qua. Những cơn gió khi len vào phía trong sẽ được “gom lại” ở khoảng không thông tầng giữa căn nhà ống, đẩy không khí nóng lên tầng áp mái ra ngoài qua hai giếng trời hình bán nguyệt và những cửa sổ hai bên. “Điều hòa gắn cho đẹp vậy thôi, chứ nhiều khi không xài. Có nực đâu mà dùng,” bà Hai một tay chỉ lên ngăn tủ gỗ “cất” thiết bị điện sát trần phòng ngủ của mình, tay kia vuốt giữ mái tóc muối tiêu bị gió lùa rối. Chị em bà cũng không mấy khi bật đèn ban ngày, và buổi tối chỉ cần ánh sáng từ gian thờ áp mái hắt xuống là đủ.
Gạch đỏ, vật liệu “nàng thơ” của Không gian Nhiệt đới, chính là yếu tố điều hòa nhiệt độ của công trình này. Khi thời tiết Sài Gòn thay đổi liên tục giữa những ngày nắng nóng đỉnh điểm và các cơn mưa cực đoan năm 2023, nhà của chị em bà Hai vẫn giữ được bầu không khí mát dìu dịu phía trong. Trong một chuyến ghé thăm “ngôi nhà không tô” lúc chuyển mùa, lớp ngoài bức tường gạch chạm vào đã nóng ran, nhưng lớp phía trong vẫn còn âm ẩm. Khoảng sân trước và sau ngôi nhà cũng lát gạch đỏ, nhưng được gắn theo phương dựng thẳng, để nước mưa tự ngấm qua các lỗ gạch, vừa chống ngập úng, vừa tỏa hơi nước lên bề mặt sân những ngày oi bức. “Nếu ở trong nhà này mà có cảm giác nóng, thì ở ngoài là cực kỳ nóng. Chứ bình thường lạnh lắm, có khi phải mặc áo len như ở Đà Lạt vậy,” bà Hai kể. Từ khi chuyển về đây vào năm ngoái, bà và các em – đều đã ở tuổi băm mươi và sáu mươi – khỏe mạnh hơn. Bà ngủ tốt hơn, ăn ngon hơn, và vận động nhiều hơn, chủ yếu là chăm sóc nhiều cây cối trong nhà và ngoài sân.
“Phương châm của chúng tôi là thiết kế những ngôi nhà có thể tự điều hòa trước thời tiết nhiệt đới,” KTS. Ngụ Ngôn nói về thiết kế “nhà thở” của mình. Công ty đã xây dựng các phiên bản công trình ở nhiều khu vực khác nhau, trong đó có cả bên bờ sông hay ngập lũ ở Quảng Nam, và vùng hay hứng chịu nắng và bão ở Đà Nẵng. “Khi thời tiết mỗi năm trở nên khắc nghiệt hơn, người dân càng sợ hãi và có xu hướng “đóng lại”, khép kín trước thiên nhiên,” KTS. Hải Long nói thêm. “Chúng tôi muốn thiết kế những không gian có thể mời họ quay trở lại, để họ có thể tận hưởng và tương tác với thiên nhiên xung quanh một cách an toàn.”
Tropical Space không phải là công ty duy nhất để tâm đến khí hậu đang biến đổi. Trong bối cảnh các hiện tượng thời tiết cực đoan đang xuất hiện ngày một thường xuyên hơn, Việt Nam cũng chứng kiến một lớp những kiến trúc sư tiên phong thử nghiệm những biện pháp thiết kế ứng phó bền vững.
Được gọi bằng nhiều tên như kiến trúc sinh khí hậu (bioclimatic architecture), mô phỏng sinh học (biomimicry) hay kiến trúc xanh, phong trào này được cho là khởi động ở Việt Nam vào đầu những năm 2010, và đều có chung một nguyên tắc thiết kế cơ bản. Đó là yếu tố hòa nhập thiên nhiên, thông qua cách bắt chước, mô phỏng các nguyên tắc sinh thái, sử dụng các vật liệu tự nhiên và thích ứng với môi trường xung quanh. Đây không phải là một triết lý thiết kế mới. Kiến trúc thích ứng với môi trường đã có từ hàng ngàn năm nay, và kiến trúc xanh đã có chỗ đứng rõ rệt trên toàn cầu từ những năm 1970. Phong trào kiến trúc xanh của Việt Nam hiện nay tiếp nối từ chính những mạch truyền thống này, kết hợp với những công nghệ và hiểu biết hiện đại. Ngoài những “ngôi nhà thở” của Tropical Space, các giải pháp thân thiện với khí hậu của các kiến trúc sư Việt Nam còn bao gồm việc kết hợp cây xanh, vườn và mặt nước để lọc bụi và điều hòa không khí trong nhà, hay hồi sinh của các thiết kế và vật liệu truyền thống như mái tranh và mái ngói, tường đất để cách nhiệt, tre để giảm khí thải và cả tái sử dụng phế liệu.
“[Các kiến trúc sư Việt] có rất nhiều phát minh hết sức khéo léo và thông minh, có thể áp dụng rộng rãi ở nhiều nơi trên toàn thế giới”, Hana Abdel, giám tuyển cấp cao tại Arch Daily, trang web kiến trúc được truy cập nhiều nhất trên thế giới, đánh giá. Các dự án của Việt Nam được đăng tải trên trang này, tính đến nay đã có 886 dự án, thường thu hút lượng truy cập lớn từ các quốc gia phía Nam có khí hậu tương tự như Brazil và Ấn Độ. “Các công trình này ở Việt Nam là minh chứng cho thực tế các giải pháp xanh và bền vững không nhất thiết phải quá cầu kỳ và đắt đỏ, mà chúng ta luôn sẵn có những giải pháp rẻ, đơn giản và dễ tiếp cận”, Hana nói thêm.
Giám tuyển của Arch Daily tin rằng nếu được khuyến khích và thúc đẩy đúng mức, như qua chính sách và giáo dục, các kiến trúc sư Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng trở thành một trong những lực lượng dẫn đầu về thiết kế bền vững trên thế giới.
Trở về quá khứ
Mối quan hệ giữa kiến trúc Việt Nam và thiên nhiên, khí hậu trong nhiều thế kỷ qua đã trải qua nhiều chu kỳ thăng trầm, với những giai đoạn hài hòa và cả chia tách.
Ý tưởng xây dựng không gian thích ứng với môi trường vốn là cốt lõi của thiết kế truyền thống. Trước khi các thiết bị công nghệ xuất hiện, các cư dân ở Việt Nam qua nhiều thế hệ thường sử dụng mái cao và dốc, hàng hiên rộng, sân vườn, vách đan hoặc chấn song cho những ngôi nhà của mình để điều chỉnh thông gió và chiếu sáng. Đến thời kỳ thuộc địa, người Pháp vào thế kỷ 19 cũng đã điều chỉnh kiến trúc của họ cho phù hợp với vùng nhiệt đới bằng cách sử dụng cửa chớp, ban công và cửa sổ cao và rộng.
Thế kỷ tiếp theo chứng kiến sự trỗi dậy của kiến trúc hiện đại bên cạnh các phương pháp xây dựng truyền thống, với việc sử dụng đồng thời các thiết bị điều hòa không khí nhân tạo và tự nhiên. Máy điều hòa nhiệt độ cũng được giới thiệu vào Việt Nam giữa thế kỷ này, ban đầu là ở khách sạn, tòa nhà ngoại giao và quân sự cho những người phương Tây không quen thuộc khí hậu địa phương, và bệnh viện cho những người dễ chịu tổn thương trước thời tiết.
Tuy nhiên, từ những năm 1990 trở đi, kinh tế phát triển, dân số bùng nổ và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng đã thu hẹp không gian ở, khiến người dân, nhất là cư dân thành thị khó bảo tồn các tập quán truyền thống, theo anh Đặng Thanh Hưng, giảng viên Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh.
“Thiết kế nhà ở thời kỳ này có xu hướng lộn xộn và thậm chí rối loạn. [Người dân] có xu hướng tối đa hóa không gian, bắt chước nhau, không theo những giá trị thẩm mỹ, môi trường và các quy định xây dựng”, anh Thanh Hưng nói. Hơn 90% nhà xây dựng trong giai đoạn này là tự phát, nghĩa là nhà ở do các cá nhân xây dựng mà không tuân theo các hướng dẫn và quy định xây dựng. Các thiết bị công nghệ về chiếu sáng và điều hoà không khí cũng được phổ cập rộng rãi, cho phép các cư dân dần tách khỏi tự nhiên xung quanh mình.
“Kiến trúc phổ biến nhất hiện nay ở các thành phố nhằm mục đích đối phó, chống lại thời tiết, thậm chí phản môi trường, hơn là thích ứng,” anh Thanh Hưng nói thêm.
Trên thực tế, phương pháp xây dựng nhà cửa hiện đại, bất kể quy mô, đã và đang gây tàn phá môi trường và khí hậu đến mức đáng báo động.
Các tòa nhà là một trong những nguồn thải khí carbon dioxide (CO2 – khí nhà kính chính hiện nay) lớn nhất trên thế giới. Báo cáo hiện trạng toàn cầu về Tòa nhà và Xây dựng năm 2022 cho thấy lĩnh vực này chiếm đến 37% lượng khí thải CO2 liên quan đến năng lượng và sản xuất vào năm 2021. Một công trình bắt đầu gây ô nhiễm trước cả lễ động thổ xây dựng: dấu chân carbon của nó xuất hiện từ khâu sản xuất và vận chuyển vật liệu, và tiếp tục trong suốt quá trình xây, bảo trì và sau đó phá hủy – được gọi chung là carbon tiêu tốn (embodied carbon). Đồng thời, mỗi ngày, các tòa nhà đều ngốn năng lượng (hiện nay chủ yếu là hóa thạch) cho các chức năng hằng ngày như chiếu sáng, làm mát không gian, làm nóng nước…. Khí thải nhà kính từ đây gọi là carbon vận hành (operational carbon), và chiếm đến 70% tổng lượng khí thải thường niên của công trình và 27% lượng phát thải CO2 toàn cầu liên quan đến vận hành.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, các tòa nhà dân cư chịu trách nhiệm cho hơn 30% lượng khí thải carbon liên quan đến năng lượng cố định của thành phố. Các công trình khác như trung tâm thương mại, nhà hàng và khách sạn chiếm gần 20%, trong khi ngành xây dựng và sản xuất công nghiệp thải thêm hơn 45%.
Không chỉ vậy, một công trình bài khí hậu còn có thể gây tổn hại về người. Những ngôi nhà không phù hợp với khí hậu địa phương có thể khiến cư dân dễ bị tổn thương hơn trước các mối đe dọa thời tiết khắc nghiệt, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc từng cảnh báo. Khi các đợt nắng nóng xảy ra thường xuyên hơn, các tòa nhà có thiết kế kém có thể khuếch đại tác động của nó, khiến người ở bên trong chịu thêm nóng nực và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến nhiệt.
Việt Nam hiện đang nóng lên với tốc độ nhanh gấp đôi mức trung bình của thế giới. Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh được xếp hạng trong số những địa phương bị đe dọa nhất bởi nắng nóng chết người. Cùng lúc đó, các ốc đảo nhiệt ngày càng phình to, ví dụ như tại thành phố Hồ Chí Minh tổng diện tích của chúng lên gấp bốn lần từ năm 1995 đến năm 2015. Những “hòn đảo” nóng bức này xuất hiện khi các khu đô thị bị bủa vây bởi các công trình nhân tạo, cùng bê tông và nhựa đường, hấp thụ bức xạ nhiệt và tỏa lại hơi nóng ra xung quanh, khiến nhiệt độ trung bình ở đây cao hơn ở những vùng tự nhiên, nhiều cây xanh và mặt nước như công viên và nông thôn. Tệ hơn, nhiệt có liên quan đến 30% tổng số ca tử vong ở thành phố Hồ Chí Minh, theo một nghiên cứu từ năm 2010 đến năm 2013.
“Mọi người sợ hãi trước những mối đe dọa này. Họ chọn những thiết kế khép kín và dùng đến điều hòa nhiệt độ để giữ cơ thể mát mẻ”, anh Thanh Hưng nói. “Nó tạo ra một vòng luẩn quẩn đi xuống, khi chính các thiết bị này lại góp phần gây ra biến đổi khí hậu.” Theo báo cáo năm 2019, riêng máy điều hòa không khí và tủ lạnh đã đóng góp tới 9% tổng lượng khí thải của cả nước. Hầu hết máy điều hòa không khí ở Việt Nam đều sử dụng các môi chất lạnh gây khí nhà kính mạnh như HCFC và HFC.
Nhà như một lớp đệm an toàn
Đoàn Thanh Hà, kiến trúc sư đồng sáng lập H&P Architects có trụ sở tại Hà Nội, bắt đầu mày mò thử nghiệm các thiết kế bền vững từ những năm 2000, sau khi anh liên tục nghe về các cuộc khủng hoảng về dân số, suy thoái sinh thái và thiếu hụt tài nguyên.
Anh tìm đến thiết kế thụ động, một phương pháp cho phép các kiến trúc sư tận dụng những tài nguyên thiên nhiên sẵn có xung quanh như nắng, gió để duy trì không gian sống dễ chịu quanh năm. Phần nào cùng hướng tiếp cận với Tropical Space, nhưng anh Thanh Hà “chơi đùa” với nhiều chất liệu hơn.
Các dự án của H&P Architects lấy cảm hứng từ những thiết kế truyền thống bản địa và tái khám phá quá khứ, sử dụng các vật liệu tự nhiên như tre và đất, ngói và gạch giá rẻ có nguồn gốc địa phương.
Sau nhiều thất bại, trong đó có nhà tre nổi dành cho các vùng hay chịu lũ lụt vẫn dừng ở dạng nhà mẫu “hay ho, đẹp đẹp” trong nhiều năm, anh Thanh Hà cùng cộng sự được biết đến rộng rãi với các thiết kế đoạt giải thưởng, trong đó có công trình nhà cộng đồng ở Mạo Khê với những bức tường đất nện dày, hay ngôi nhà gạch Brick Cave bán mở và một công viên khai thác mỏ được hồi sinh bằng vật liệu tái chế.
“Kiến trúc có thể cung cấp giải pháp,” anh Hà nói. “Nó có thể thiết kế một vùng đệm an toàn giữa con người và thiên nhiên, nhằm nuôi dưỡng sự kết nối và giảm thiểu tác động tiêu cực qua lại giữa hai bên.”
Thiết kế thụ động là giải pháp được IPCC, cơ quan của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, khuyến nghị cho các nước đang phát triển. Những quốc gia này được dự đoán sẽ chứng kiến lượng lớn các công trình mới mọc lên, và thiết kế thụ động có thể là công cụ giảm thiểu biến đổi khí hậu phù hợp với điều kiện các quốc gia này, nhờ hiệu quả về chi phí, giá cả phải chăng, đồng thời còn có khả năng thích ứng. Theo nghiên cứu về những ngôi nhà thụ động ở các vùng khí hậu khác nhau, nhu cầu năng lượng cho điều hòa không gian của dạng công trình này thấp hơn từ 75 đến 95% so với nhu cầu năng lượng của tòa nhà cách nhiệt thông thường cùng hình khối.
Theo KTS. Thanh Hà, để thiết kế này phát huy tác dụng, mấu chốt là người tạo ra nó phải hiểu rõ thiên nhiên xung quanh, chất liệu và trên hết là con người cư ngụ bên trong đó.
Văn phòng Ngói Space của anh và cộng sự được bao bọc bằng những bức tường và rèm xếp bằng ngói truyền thống, thích ứng với hai thái cực thời tiết nóng thiêu đốt và rét buốt giá của Hà Nội. “Có vị khách người Nhật Bản đến thăm và ngạc nhiên với văn phòng bán mở của chúng tôi,” anh Hà nói. “Họ đến từ Bắc Bán cầu, quen đóng kín. Mùa đông trong nhà họ có thể mặc ít quần áo cho thoái mái.” Trong khi đó, Ngói Space lại dựa theo thói quen sinh hoạt của người Việt Nam: trời lạnh sẵn sàng mặc nhiều lớp ngồi trong phòng khách hay đi ngủ mà không thấy lo lắng hay khó chịu. “Với thói quen này, người Việt ở môi trường Việt Nam không cần thiết kế đóng kín, mà cho phép kiến trúc lưỡng tính, tức là đóng được và mở được.”
Nói cách khác, không chỉ “chơi đùa” với các tài nguyên tự nhiên quanh công trình, các kiến trúc sư còn có thể tận dụng hành vi con người để làm giảm thiểu năng lượng tiêu thụ và khí thải của công trình (như thông qua điều chỉnh trang phục, hoặc phân bổ hoạt động bên trong không gian đó sao cho phù hợp). Biện pháp can thiệp hành vi và phi công nghệ này được IPCC gọi chung là quản lý thụ động. “Khí hậu và môi trường sẽ xác định cách cư dân ở đó suy nghĩ, hành xử và cả tạo dựng không gian,” anh Thanh Hà nói thêm.
Tại văn phòng (cũng không sơ trát) của Tropical Space ở một tòa nhà quận Tân Phú, điều chỉnh hành vi với các kiến trúc sư có thể đến từ việc đơn giản như đổi chỗ ngồi. Để đón ánh sáng, các khung cửa sổ ở đây không treo rèm. “Mỗi mùa sẽ hắt hướng khác nhau, khi nào nắng gắt quá mình luôn có lựa chọn là chuyển chỗ” anh Hải Long nói bên chiếc bàn làm việc hình bầu dục lớn.
Các đại diện của Tropical Space bổ sung rằng bất kỳ thiết kế thân thiện với khí hậu nào nếu muốn phát huy tác dụng lâu dài đều phải ưu tiên người sử dụng và sự thoải mái của họ. “Bạn không thể đòi bất cứ ai phải hy sinh những nhu cầu và tiện nghi cơ bản của họ – bắt họ không dùng điều hòa chẳng hạn – để thân thiện với môi trường. Điều đó là không thực tế”, chị Ngụ Ngôn nói.
Thay vào đó, kiến trúc sư có thể đưa ra nhiều giải pháp để con người lựa chọn ứng phó linh hoạt và an toàn. Ví dụ, “căn nhà thở” của Tropical Space ở Nhà Bè ngoài trang bị điều hòa đều lắp những chấn song gỗ và lớp kính có thể đóng mở cho các cánh cửa sổ, phòng trường hợp mưa lớn hoặc khói bụi. “Mình mang đến nhiều lựa chọn, cả nhân tạo và tự nhiên, để người dùng không bị phụ thuộc hoàn toàn vào thiết bị công nghệ hay thời tiết,” chị Ngụ Ngôn nói.
Mới là khởi đầu
Mặc dù vậy, những thiết kế này vẫn dựa vào một số vật liệu có lượng phát thải cao, chẳng hạn như gạch đỏ. Các kiến trúc sư từ H&P và Tropical Space nhận thức được điều này, nhưng họ tin rằng phát thải từ vật liệu này có thể được giảm thiểu.
“Thay vì từ bỏ hoàn toàn gạch nung – vốn ít nguy cơ nứt vỡ, chúng ta có thể áp dụng những cải tiến về công nghệ nung tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường sẵn có trên khắp thế giới cho các lò nung địa phương”, vị kiến trúc sư từ H&P nói. Bộ đôi đến từ Tropical Space cho biết họ đã tìm thấy và bắt đầu hợp tác với một nhà sản xuất gạch ở miền Nam cam kết dùng công nghệ nung không phát thải.
Làn sóng kiến trúc mới này của các kiến trúc sư Việt, dẫu sao, vẫn có thể coi là một khởi đầu hứa hẹn hướng tới sự bền vững của ngành xây dựng, theo đánh giá của Abdel từ Arch Daily. “Nhưng nỗ lực của các kiến trúc sư thôi là chưa đủ,” cô nói. Để giảm lượng khí thải carbon khổng lồ của ngành đòi hỏi các khách hàng, nhà đầu tư, nhà phát triển, chính phủ và người dân cùng tham gia. Hay nói cách khác, cần có “một cách tiếp cận tổng thể, từ quy hoạch đô thị, quy định xây dựng, đến những thiết kế thích ứng của các kiến trúc sư, và phương pháp xây dựng và sản xuất vật liệu ít phát thải và lành mạnh.”
Ở Việt Nam, kiến trúc bền vững hiện nay vẫn còn là ngoại lệ. Ngành xây dựng đã cam kết đến năm 2030 sẽ giảm 74,3 triệu tấn CO2 tương đương (chiếm 13% tổng lượng giảm phát thải), nhưng cho đến nay vẫn chỉ có hơn 300 tòa nhà được chứng nhận “xanh” theo tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm Edge, LEED, Green Mark và tiêu chuẩn Lotus. Không có tòa nhà nào đáp ứng được các tiêu chí phát thải ròng bằng không. Hầu hết các công trình này là trường học, nhà máy, khách sạn và cơ sở thương mại, chỉ tương đương 0,5% tổng công trình xây mới mỗi năm, một con số được Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn thừa nhận là “khá khiêm tốn”.
Theo Mai Nguyễn, nhà tư vấn thiết kế bền vững tại thành phố Hồ Chí Minh, làn sóng xanh trong ngành xây dựng hiện đang tập trung vào các tòa nhà lớn – những tòa nhà có diện tích sàn hơn 2.500 m2 – thay vì nhà ở cá nhân.
Các chuyên gia cho biết, để những thay đổi này đi vào “guồng” hoạt động của toàn ngành, cần phải có một cuộc chuyển đổi có hệ thống, thông qua những hướng dẫn, chỉ dẫn thực hành, tiêu chuẩn kỹ thuật và chính sách quản lý… “Ý chí chính trị là có, nhưng xây dựng xanh đến nay vẫn chưa có tính ràng buộc, nên việc biến ý chí thành hiện thực là một chặng đường dài”, Mai nói.
Chỉ dựa vào thay đổi của cá nhân mà không có những hành động của hệ thống cũng ẩn chứa những rủi ro nhất định. Hiện nay, không phải mọi người đều thuê và có thể thuê kiến trúc sư cho công trình của mình, anh Thanh Hưng cho biết. “Và ngay cả khi có ý định tốt, các kiến trúc sư cũng gặp những hạn chế trong đo lường hiệu quả thiết kế của mình,” anh nói. “Áp dụng các tiêu chuẩn và quy chuẩn còn giúp những thuật ngữ “xanh” và “thân thiện với thiên nhiên” tránh nguy cơ bị lạm dụng quá đà”.
Nhưng đồng thời, bản thân các biện pháp can thiệp chính sách cũng cần phải cụ thể theo từng vùng, một nguyên tắc được nhiều kiến trúc sư bền vững tiên phong áp dụng. Theo anh Thanh Hưng và Mai Nguyễn, bất kỳ bộ tiêu chuẩn nào cũng phải tính đến và phản ánh những đặc điểm khí hậu và địa lý đa dạng của từng nơi. “Nếu [các can thiệp chính sách] đều áp dụng khắp nơi như một thì sẽ gây hại nhiều hơn là lợi”, hai chuyên gia nhận xét.□
Bài: Nhung Nguyễn. Ảnh: Hiroyuki Oki.
——
Nguồn tham khảo:
– Anh-Tuan Nguyen, An investigation on climate responsive design strategies of vernacular housing in Vietnam.
– Andrew Cruse. Tropical Comforts in Vietnam
– Mel Schenck, Vietnamese Architects Are Leaders in the Architecture of the Information Age and How Vietnam Created Its Own Brand of Modernist Architecture, Saigoneer
– Héloïse Pelen, The Evolution of colonial French houses architecture in Vietnam and former Indochina: how European-based architecture has had to adapt to the local climate
– McGee, T.G. Interrogating the production of urban space in China and Vietnam under market socialism.
– 2022 Global Status Report for Buildings and Construction
– UNEP&SEfficiency, A Practical Guide to Climate-resilient Buildings & Communities
– GIZ, Greenhouse Gas Inventory of the Refrigeration and Air Conditioning Sector in Vietnam
– The World Bank Group and ADB. Climate Risk Country Profile: Vietnam (2021)
– Tran Ngoc Dang, Green Space and Deaths Attributable to the Urban Heat Island Effect in Ho Chi Minh City
– Dang-Quang Nguyen, Variations of surface temperature and rainfall in Vietnam from 1971 to 2010
– Jürgen Schnieders, Passive Houses for different climate zones
– Buildings. In IPCC, 2022: Climate Change 2022: Mitigation of Climate Change. Contribution of Working Group III to the Sixth Assessment Report of the Intergovernmental Panel on Climate Change
– “Nguồn phát thải khí nhà kính tại TP.HCM nhiều nhất từ đâu?” Báo Tuổi Trẻ, 20/09/2023
– “Ho Chi Minh City’s bioclimatic architecture” – Wallpaper
Bản gốc bằng tiếng Anh được đăng tải trên Mekong Eye. Bản dịch có cập nhật và chỉnh sửa để dễ theo dõi.
Bài đăng Tia Sáng số 7/2024