Những người thưởng thức tí hon

Nếu ai đó chưa từng hứng thú với việc viết cho thiếu nhi và băn khoăn về “danh tiếng” của mảng sáng tác này, hẳn chỉ là bởi họ không có cơ may chứng kiến niềm vui hồn nhiên của một đứa trẻ trước cuốn sách để mở.

Câu hỏi viết cho ai, (câu hỏi mà giới báo chí thường đặt ra cho người sáng tác, với những ngầm ẩn đằng sau, như khi họ phân biệt việc “viết cho đại chúng” hay viết cho “số ít” độc giả nào đó) có thể làm cho các nhà văn bối rối: nhà văn buộc phải tìm ra một câu trả lời về “độc giả” của mình, hẳn nhiên sẽ là những người mua sách tiềm năng, những kẻ mà nhờ có họ, nhà văn không chỉ là những kẻ khư khư đơn độc, giữ rịt nỗi bất hạnh cô độc làm cảm hứng tồn tại. Nhưng khó khăn thay, trừ những kẻ tiên tri, ai biết được số phận của những cuốn sách, ai lường được hết những độc giả của mình? Chỉ có một mảng sáng tác cho đến nay vẫn hầu như chuyên biệt, định ngữ của nó đồng thời là một cam kết ngầm giữa tác giả và người đọc hữu hình: văn học thiếu nhi.

Vẻ đẹp được phát hiện bởi ánh mắt đứa trẻ*

“Thiếu nhi” (hay các độ tuổi khác nhau của những người chưa đến tuổi trưởng thành) trở thành đối tượng đích và câu trả lời về người đọc đích/tiềm năng của nhà văn đã rõ ràng. Một điều tôi nhận thấy là, cái định ngữ đi kèm kia, với người này là một hạnh phúc, với người kia lại mang tới cảm giác lấn cấn, cả về phía người đọc và người viết, thường bởi từ “cho” ngầm ẩn. Nó gây cảm giác về một kiểu “văn chương thực dụng” (văn học đâu phải cái gì thực dụng để “cho” người này kẻ khác hữu hình?), về mức độ đầu tư trong chất lượng văn chương (hẳn anh, chị viết cuốn sách đơn giản này chỉ mất vài ba phút?). Không, hẳn không thể trách cứ độc giả hời hợt cho rằng nhà văn đã viết ra những thứ “quá chừng đơn giản”, “ngu ngốc”, “dễ dàng”, “tầm phào”…, ở một khía cạnh nào đó, nhà văn chẳng nên/chẳng thể nào quan tâm được tới những kẻ không phải độc giả (tiềm năng) của họ. Họ hiểu rằng, nếu đôi khi họ đóng vai trò của thằng ngốc thằng Bờm trong truyện cổ, kẻ chỉ nói được/được nói những câu từ đơn giản, nhẹ nhõm, thì sự sâu xa của nó, ý nghĩa và vẻ đẹp của nó, lại chỉ được phát hiện bởi ánh mắt đứa trẻ. Nhiều nhà phê bình người lớn thường không còn giữ được ánh mắt ấy.

Nhà văn không thể nào viết cho thiếu nhi mà quên đi ánh mắt của độc giả, những người thưởng thức tí hon ấy, nhưng sự ràng buộc này không phải những dây trói khó chịu.

Tôi vẫn cảm thấy lạ lùng rằng quá trình ý thức về người đọc hữu hình này trở thành tác nhân đầy sức mạnh cho trang viết của nhà văn; nói cách khác, nhà văn không thể nào viết cho thiếu nhi mà quên đi ánh mắt của độc giả, những người thưởng thức tí hon ấy, nhưng sự ràng buộc này không phải những dây trói khó chịu. Chỉ với mảng sáng tác này, quan hệ của nhà văn – người đọc/nhà phê bình ngầm mới thanh bình đến thế, vừa đầy ràng buộc về trách nhiệm, vừa không mất đi sự tự do sáng tạo, cả trong sự viết và sự đọc. Những người đọc tí hon hầu như không viết điểm sách, không tham gia tranh luận văn chương lại có thể là những nhà phê bình tuyệt vời và quyền năng: một nhà văn nói chung có thể trông đợi sáng tác của mình được hiểu ở thì tương lai, nhưng khi viết cho thiếu nhi, sự sống của cuốn sách phải được đón nhận bằng nước mắt, nụ cười trẻ thơ ở thời hiện tại, (hẳn nhiên, tôi không kể tới những cuốn sách, ví dụ như Gulliver du kí, vốn không phải được viết “cho thiếu nhi” như một đối tượng đích thời nó ra đời nhưng đã được thiếu nhi của nhiều thời đại sau đón nhận). Chỉ ở mảng sáng tác cho thiếu nhi, nhà văn mới dễ dàng tin tưởng vào sự đo lường mức độ thành bại, sống còn của cuốn sách từ ánh mắt độc giả, và hình như tôi chưa thấy người viết cho thiếu nhi nào than phiền độc giả thiếu nhi không hiểu họ. Cái giá của lao động vẫn thật ngặt nghèo: không dễ gì thỏa mãn và mang lại niềm vui đọc cho những đứa trẻ, không dễ gì kéo một đứa trẻ lại gần những cuốn sách, nhất là những đứa trẻ có vô vàn thế giới chơi quanh mình.

Có đánh mất mình?

Viết cho thiếu nhi có sợ làm văn chương trở nên đơn giản và “đánh mất mình”? Tôi chỉ muốn kể ở đây một chuyện nhỏ của mình, về chuyện tôi đã không ngờ khi bước vào văn chương: việc viết cho trẻ nhỏ, và làm những cuốn sách cho các em nhỏ đang dần trở thành một mối bận bịu ngày càng nhiều thêm của tôi. Tôi đã không biết trước rằng buổi phỏng vấn ngắn ngủi với nhà văn Lê Phương Liên, một người viết cho thiếu nhi bền bỉ, về mối quan tâm của người viết trẻ với văn học thiếu nhi, cho một tờ báo tôi tập sự sáu năm trước lại là điểm khởi đầu cho những trao đổi rộng dài hơn, và sau đó, trong cuộc sống của mình, mỗi lúc tôi lại gặp thêm nhiều những người viết, những họa sĩ minh họa thú vị, trẻ trung, những người bạn mới, những người làm các dự án về sách vở, văn chương cho thiếu nhi, và chính tôi lại thấy mình mở rộng được niềm vui sống riêng tư một cách kì lạ.

Thế giới người lớn đã/đang vỡ lẽ một điều hiển nhiên: thiếu nhi không phải để trở thành người lớn, thiếu nhi có một cuộc sống tự nó.

Trước khi tham gia dự án kéo dài năm năm xây dựng một bộ tranh – truyện (picture book) cho trẻ em từ 0-6 tuổi với Nhà xuất bản Kim Đồng, một dự án tập hợp các nhà văn và họa sĩ, thông qua những workshops, những buổi làm việc trực tiếp hằng năm cùng các biên tập viên nhà xuất bản và hai nhà văn, họa sĩ đến từ Đan Mạch là Tove Krebs Lange và Sally Altschuler, tôi hầu như chỉ nhìn những cuốn truyện cho thiếu nhi được dịch mới đầy hấp dẫn gần đây với con mắt tiếc nuối, hoặc đôi khi đọc làm vui, nhưng sau đó, tôi buộc phải tìm hiểu nhiều hơn, đọc nhiều hơn và khám phá (lại) nhiều điều đã rơi mất khi lớn dần lên. Chỉ riêng về sách tranh truyện cho lứa tuổi rất bé, với tôi, đã như một khám phá nhỏ. Dù ít ỏi, đã có những cuốn sách tuyệt vời được dịch gần đây, của nhiều nhà xuất bản khác nhau, chẳng hạn như Ngủ ngon nhé, khỉ đột, Ai đã bĩnh lên đầu ta, Con bị ngã à, Sói đã trở lại… (Việc dịch mảng sách này có thể không mất nhiều công sức, nhưng theo các nhà xuất bản, tiền bản quyền cao, và các sách tranh truyện ngoại ngữ bán trên amazon cũng thường có giá không hề rẻ chút nào, nếu các bố mẹ đặt mua sách gốc cho trẻ con!)

Ý tưởng khởi đầu cho một bộ tranh truyện văn học với lời tối giản, tranh biểu hiện tối đa, với những nhân vật, khung cảnh và đời sống người Việt, chứ không phải là những câu chuyện có minh họa, sản phẩm hiện nay là bộ sách Những câu chuyện ở thị trấn Lúc Búc của nhóm nhà văn, họa sĩ trong dự án này chỉ là một nỗ lực nhỏ bé, nhưng với tôi, đó cũng là một sự khám phá nhỏ về bản thân mình. Tôi sẽ không kể các giai đoạn bếp núc của nhà văn – họa sĩ – biên tập, mà chỉ muốn nói tới điều tôi đã bắt gặp ở thế giới trẻ thơ: ý tưởng và nhu cầu về một thế giới bình đẳng và chia sẻ. Thế giới người lớn đã/đang vỡ lẽ một điều hiển nhiên: thiếu nhi không phải để trở thành người lớn, thiếu nhi có một cuộc sống tự nó. Tiếc thay, thường người lớn, cả khi biết được điều vỡ lẽ đó, cũng không thể nào hoàn toàn giữ được bình tâm và tâm niệm về sự bình đẳng khi cư xử với một đứa trẻ: những người lớn đã bị thời gian làm cho xơ cạn khả năng cư xử bình đẳng với tạo vật, như cách một đứa trẻ có thể nói chuyện với, bất kể con người, đồ đạc hay cây cối. Những cuốn sách cho độ tuổi từ 7 tới 77 tuổi hiện nay, có thể là một cách ta tìm lại cái khả năng bình đẳng hồn nhiên sơ khai này.

Mỗi khi trang sách làm cho đứa trẻ mỉm cười

Viết cho trẻ em như thế nào? Với tôi, như những gì tôi cảm nhận được đến nay, đó vẫn là một cuộc đánh vật, không phải với nỗi dằn vặt sáng tạo của cá nhân, mà là của một quá trình học lại từ đầu, đi – lại – từ – đầu cái hành trình ta đã bỏ qua, đã phần nhiều (tệ thay) lãng quên, và đồng thời là một quá trình học lại những bài học vỡ lòng về ngôn ngữ (tiếng Việt). Trong tôi, hẳn cũng chia sẻ với nhiều người, có một đứa trẻ đã từng hứa với lũ bạn tuổi thơ “sẽ đưa hết các bạn vào trong truyện của mình” và bỏ lại dần đằng sau lời hứa đó. Trong tôi có một đứa trẻ chưa bao giờ lớn, tôi đã nhìn thấy nó đứng ngồi bơ vơ, thơ thẩn chơi một mình chỗ đó, nơi đó, mơ mộng về những câu chuyện kể, những bức tranh, những nốt nhạc trong óc, và tôi xúc động, nỗi xúc động đủ để cái con người “văn chương” xa xôi nào đó trong tôi (có lẽ cái ý hướng văn chương xa xôi nào đó mà tôi cứ nghĩ mình đang theo đuổi vô tư kia mới là thực dụng) dành nhiều phần sống hơn cho đứa bé chưa bao giờ lớn đó. Và may rủi, đôi khi tôi như đứa trẻ đi lạc đường vô tình gặp kho báu hay vào nhà một bà phù thuỷ trong rừng. Trên hành trình khám phá kho báu hay lạc vào ngôi nhà phù thuỷ đó, tôi vẫn nghĩ, nhà văn viết cho thiếu nhi, nhất là cho lứa tuổi rất nhỏ, không phải chỉ là người kể chuyện, theo nghĩa người sở hữu cái tay nải chứa đầy những câu chuyện, cái khăn trải bàn biết nghe hiệu lệnh “bàn ơi trải khăn ra, sắp thức ăn đi”, cái hang động biết mở ra sau câu thần chú “vừng ơi mở ra”,… mà còn phải ý thức về một thứ ngôn ngữ có khả năng lan thấm, bằng cách đọc – kể, bằng những giờ trẻ em có thể đọc thầm, bằng tiếng đọc vỡ lòng đầu môi, để trẻ em trở thành những người đọc độc lập của cuốn sách.

Nếu ai đó chưa từng hứng thú với việc viết cho thiếu nhi và băn khoăn về “danh tiếng” của mảng sáng tác này, hẳn chỉ là bởi họ không có cơ may chứng kiến niềm vui hồn nhiên của một đứa trẻ trước cuốn sách để mở.

Tôi đã nghĩ, nếu ai đó chưa từng hứng thú với việc viết cho thiếu nhi và băn khoăn về “danh tiếng” của mảng sáng tác này, hẳn chỉ là bởi họ không có cơ may chứng kiến niềm vui hồn nhiên của một đứa trẻ trước cuốn sách để mở. Tôi không tự tìm được cách giải thích nào cho nhu cầu viết/không viết cho thiếu nhi của các nhà văn nói chung, ngoài việc cho đó là những cơ may trong cuộc đời của một người cầm bút. Chúng ta sẽ nhớ mãi những nhà văn của tuổi thơ, những ông hoàng kể chuyện cho trẻ em, như Andersen và cũng sẽ chẳng quên những cuốn sách của các nhà văn mà việc viết cho thiếu nhi chỉ là một mảng giá trị thêm vào với các giá trị văn chương khác của họ, như L.Tolstoy, cùng vô số những cuốn sách mà khi còn thơ bé chúng ta đã đọc… Mỗi khi trang sách làm cho một đứa trẻ mỉm cười, tôi nghĩ, những người viết, người vẽ khi đó đang hạnh phúc vì được trải nghiệm sự vô danh vô giá của việc là tác giả của những trang sách đó. Bây giờ, chợt nghĩ về chuyện văn chương cho thiếu nhi ở Việt Nam hiện nay còn ít người viết, ít người quan tâm, tôi chỉ nghĩ rằng: có thể, những nhà văn ở mọi nơi, chưa viết cho thiếu nhi, có lẽ là bởi họ thiếu một chút cơ may – chút cơ may được thấy những đứa trẻ cầm trên tay cuốn sách và mỉm cười, để thấy sự vô danh mỉm cười với ta qua nụ cười của đứa trẻ.

* Các tít phụ do Tia Sáng đặt

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)