Những tế bào chết của nhà thơ

Hình dung về thi sĩ như kẻ lang thang, phiêu dạt, kẻ tán rộng cơ thể và in dấu mình trên những con đường, để thất lạc những mảnh vụn da thịt nơi những sông, suối, những biển hồ,...chừng như là một hình dung cổ điển. Nhưng đó phải chăng là ‘một giấc mơ cổ điển’ của thi ca? Hình như chỉ khi bỏ làm thơ, Rimbaud mới trải nghiệm thực sự đời sống phiêu dạt, mới biết tới châu Phi và những hải trình xa lạ.

***

Các thi sĩ luôn tự cho mình cái quyền đương nhiên được bỏ đi. Ai đó nói đó chỉ là một huyền thoại vặt vãnh.

***

Khi sống với chữ, thi sĩ đi giữa các trang giấy, hủy hoại thân mình trong cuộc đi ấy và có thể không bao giờ cần mở cửa phòng văn. Khi mải mê quăng mình theo những hành trình địa lý, có thể họ không bao giờ trở về đời sống của những trang giấy nữa. “Văn là đời” là một lời nói dối. Trang giấy này và trang đời kia là những khả thể đời sống khác nhau mà ta có thể lựa chọn, những không gian ngăn bằng những cánh cửa tưởng trong suốt, nhưng trên các tấm bản lề đều khắc ghi những lời nguyền mà thường các thi sĩ không để ý.

***

Tôi hầu như chưa từng có may mắn tìm được các thi sĩ nơi cô tịch.

***

Các bài thơ có thể không là gì ngoài một bí mật riêng tư được tiết lộ theo một cách tăm tối.

 ***

Người ta thường nói về nhà thơ như những kẻ mơ hồ, thường kèm theo cái nhìn từ trên xuống. Như thể một đời sống mơ hồ là có tội. Lựa chọn hay bị lựa chọn là sự mơ hồ, lựa chọn sống trong sự mơ hồ, hay chính bản thân là một sự mơ hồ, thi sĩ thường thấy mình có thể đi giữa nhiều chiều kích. Và họ rất dễ bị sát thương bất thần.

***

Sự đồng cảm của nhà thơ với cuộc sống và con người rộng và sâu đến chừng nào để bật thành những câu thơ? Hay đúng hơn, các câu thơ đã ưu ái họ đến chừng nào khi cho phép họ tạm cư trú nơi đó?

***

Các nhà thơ có phải những kẻ dũng cảm tiên phong và mạnh hơn mọi nỗi sợ hãi để dám nói ra điều phải nói? Hay bởi không quyền lực, những nỗi sợ hãi ấy có thể sống bình ổn trong họ và vẻ như ít gây nguy hiểm. Những nỗi sợ cũng cần một nơi trú ngụ.

***

Nỗ lực trở nên vô ích có thể là một tham vọng lớn của thơ ca. Khi người ta còn cần tới từ “sức mạnh” để bảo đảm cho tồn tại, thì hẳn, thơ ca có thể biện minh cho mình bằng sức mạnh nguyên thủy của nó: sức mạnh của cái yếu đuối, cái vô quyền lực, cái vô ích, vô dụng.

 ***

Sự lựa chọn riêng tư của thi ca có thể là một mệnh lệnh sống còn. Của khao khát đắm chìm. Của dòng máu hoang dã. Của nhu cầu không-xã hội. Của nhu cầu tự thú với chính mình tận đáy tâm hồn. Của những bí mật không chịu chết cứng trong từ bí mật và muốn hoá thân. Của những nỗi đau cá nhân không trở nên vô hình và hư vô “phải sống” hoà bình trước đòi hỏi của các quy ước. Của sự dị biệt không cần bận tâm về sự dị biệt của nó.

***

Trang giấy in những bài thơ mà ta tiếp xúc cho ta biết gì về người viết ra nó? Đôi khi tôi cố tìm trong câu chữ một gương mặt, một con người, một tâm hồn, một tấm lòng đã trải bày, một cơ thể đang thở hồi hộp. Nhưng không có gì cả ngoài, có lẽ, những tế bào chết của một cơ thể bay đâu đó, nặng như một mảnh chì vụn, nhẹ tựa mảy hoa bồ công anh. Trang sách mà họ hi vọng gửi gắm chỉ là một kiếp chết của cây rừng, và có thể không gì được giữ lại, có thể không gì cả ngoài những vết tàn tro và những khoảng trắng. Hoặc cả những khoảng trắng cũng không được giữ lại.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)