Những thứ họ mang*

Một câu chuyện chân thực về chiến tranh, đó là mục đích của Tim O’Brien khi viết Những thứ họ mang, cho tới nay vẫn được đánh giá là một trong những tác phẩm văn chương hay nhất về cuộc chiến Việt Nam.

Nỗi buồn chiến tranh phiên bản Mỹ, những Jimmy Cross, Chuột Kiley, Mitchell Sanders, Henry Dobbins hay Kiowa mang theo mình những vật dụng và vũ khí nặng nề cho các cuộc hành quân, và họ còn gánh vác cả những gì vô hình, có thể là tình yêu nhưng cũng có thể là niềm thù hận, nỗi sợ, và cả sự hèn nhát. “Cố cứu cuộc đời” sau này “bằng một câu chuyện kể”, Những thứ họ mang, trong niềm tuyệt vọng không sao thoát ra quá khứ của nó, xuất phát từ một thôi thúc nội tâm không thể kiểm soát và kết thúc bằng một niềm thanh thản tương đối, khi những câu chuyện ấy đã được kể ra, “những gì họ mang” đã nhẹ đi một phần.

“Điều hay nhất của những câu chuyện này – không câu chuyện nào kém phần sắc sảo của một cái nhìn thấu suốt – là ký ức và tính chất tiên tri. Chúng nói chúng ta đang ở đâu lúc này, chứ không phải đã ở đâu, và có lẽ cả chúng ta sẽ ở đâu nữa.” – Los Angeles Times

 “Cuốn sách gồm những câu chuyện liên hệ với nhau một cách đáng ngạc nhiên của O’Brien, Những thứ họ mang, viết về sức mạnh của trí tưởng tượng… Không ai khác ngoài ông có thể làm ta cảm nhận được cần phải tưởng tượng như thế nào về thực tế cuộc chiến tranh ấy.” – USA Today

Tim O’Brien (1946) là nhà văn Mỹ nổi tiếng, chủ yếu viết về các trải nghiệm cá nhân trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, cũng như tác động của chiến tranh đối với các quân nhân Mỹ đã tham gia cuộc chiến này.

Sau khi tốt nghiệp cử nhân khoa học chính trị năm 1968, ông bị gửi sang Việt Nam tham chiến theo chế độ quân dịch. Trở về Mỹ năm 1970, O’Brien tiếp tục học cao học tại ĐH Harvard và bắt đầu sự nghiệp viết văn của mình bằng việc cho xuất bản cuốn hồi ký If I Die in a Combat Zone, Box Me Up and Ship Me Home vào năm 1973.

Một trong các đặc trưng trong tác phẩm của O’Brien là sự nhòe mờ ranh giới giữa hư cấu và thực tại. Trong Những thứ họ mang, ông vạch ra sự phân biệt rạch ròi giữa “sự thực trong truyện” (sự thực hư cấu) và “sự thực có thật” (sự thật của những sự kiện có xảy ra trong thực tế), và nhấn mạnh rằng cảm xúc tạo ra bởi một câu chuyện hư cấu đôi khi còn thực hơn những gì nảy sinh khi đọc về những chuyện có xảy ra trong thực tế.

O’Brien từng được trao Giải thưởng Sách quốc gia của Mỹ cho tác phẩm Going after Cacciato. Tiểu thuyết In the Lake of the Woods của ông được trao giải thưởng James Fenimore Cooper dành cho truyện lịch sử hay nhất năm 1995.

Ông hiện sống cùng gia đình tại Texas, luân phiên dạy ở Đại học Bang Texas và một số khóa dạy viết văn.

* Tập truyện của Tim O’Brien, Trần Tiễn Cao Đăng dịch, Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn ấn hành tháng 4/2011.

 

Tác giả

(Visited 55 times, 1 visits today)