Những thực tại song song trong các thước phim

Thế giới phim ảnh đã vay mượn nhiều khái niệm khoa học cơ bản rồi nhào nặn chúng thành những ý tưởng nghệ thuật vượt sức tưởng tượng thông thường.

Vào đầu tháng ba năm nay, kênh truyền hình cáp Hàn Quốc tvN chính thức thông báo, “Bộ phim truyền hình được yêu thích Signal (Tín hiệu) sẽ trở lại với phần hai. Quá trình sản xuất đã được bắt đầu với mục tiêu sẽ phát sóng phần hai vào nửa đầu năm sau”. Thông tin mới làm bùng nổ cõi mạng bởi những người yêu thích Signal đã mỏi mòn chờ đợi một tín hiệu cụ thể hơn từ biên kịch Kim Eun-hee, người chấp bút kịch bản bộ phim, sau lần tuyên bố sẽ làm phần tiếp theo từ năm 2019. 

Có thể dẫn ra nhiều lý do để giải thích về thành công của bộ phim hành động giả tưởng Signal nhưng có lẽ, một trong số đó là việc xóa nhòa đường biên giữa quá khứ với hiện tại, tạo ra những sự kiện lặp đi lặp lại, đủ sức đưa các nhân vật bước vào những trải nghiệm thời gian vô cùng kỳ lạ. Liệu đây có phải đơn thuần chỉ là các thủ pháp nghệ thuật thuần túy để tạo ra những tình huống bất ngờ, không thể dự đoán hay đằng sau nó còn là những khái niệm khoa học căn bản?

Trong những thế giới song song

Nhà vật lý Hugh Everett III đề xuất khái niệm nhiều thế giới.

Cho đến bây giờ, sau một trăm năm, cơ học lượng tử vẫn khiến người ta không ngừng tranh cãi, lý giải và hoài nghi. Thậm chí ngay trong lòng lĩnh vực này, có nhà nghiên cứu từng chia sẻ “Thật lòng, càng nghiên cứu và đọc về cơ học lượng tử, tôi càng thấy mông lung và không hiểu thật rõ được về nó!” Tại sao lại xảy ra cơ sự này? Hỡi ơi, bởi lẽ cơ học lượng tử vô cùng kỳ lạ, nó vượt qua cái “trật tự cứng” của nhãn quan cổ điển mà chúng ta quen thuộc – trong một cuốn sách nổi tiếng của mình, Vật lý và triết học, Werner Heisenberg, đã viết như vậy. Các quy tắc vận hành thế giới vi mô, bao gồm cách hành xử của những hạt nguyên tử và hạ nguyên tử, hoàn toàn không giống những quy tắc thông thường chi phối thế giới vĩ mô (thế giới thực) chúng ta sống, “ví dụ, một vật thể lượng tử, khi đến một ngã rẽ trên đường đi, nó không chọn giữa việc rẽ trái hoặc phải, mà sẽ di chuyển theo cả hai tuyến cùng một lúc – một hành vi không thể, đối với các vật thể cổ điển, như quả bóng chày hay con người”1. Trong cuốn sách Physic and Beyond, Heisenberg cũng đề cập tới cuộc gặp gỡ với Niels Bohr và Wolfgang Pauli tại Copenhagen vào tháng sáu năm 1952, và dẫn lại lời bậc hiền  nhân lượng tử “Những ai lần đầu tiên tiếp xúc với lý thuyết lượng tử mà không bị sốc thì có nghĩa, họ không hiểu gì về nó”.

Nếu cơ học lượng tử thời kỳ đầu quá xa lạ với mọi người thì trong vài thập niên sau đó, mọi thứ đã khác đi khi thế giới thực đã chứng kiến sự ra đời của nhiều thiết bị điện tử hiện đại được thiết kế dựa trên hiệu ứng xuyên hầm lượng tử hoặc các nguyên tắc lượng tử, ví dụ như chấm lượng tử trong các linh kiện bán dẫn. Tuy nhiên, như người ta vẫn nói lịch sử chỉ có một còn huyền thoại thì vô số và đẹp hơn lịch sử, những hiển thị rõ ràng của cơ học lượng tử như vậy nhanh chóng bị thế giới ngoài khoa học bỏ qua. Những gì thổi bùng sự tò mò và khuếch đại sự hấp dẫn với đại chúng chính là những khái niệm phản trực giác như các hạt có thể ở hai nơi cùng lúc, con mèo ở hai trạng thái vừa sống lại vừa chết, sự thật mang tính chủ quan, thứ tự nhân quả có thể đảo ngược, có thể quay ngược mũi tên thời gian, máy tính lượng tử nhìn thấu nhiều kịch bản tương lai… Trong số này, khái niệm kích thích trí tưởng tượng nhiều nhất là đa vũ trụ/nhiều thế giới, hay những thế giới song song – ý tưởng được liệt vào danh sách những ý tưởng kỳ quặc bậc nhất lịch sử tư tưởng loài người 2


Khái niệm kích thích trí tưởng tượng nhiều nhất là đa vũ trụ hay những thế giới song song – ý tưởng được liệt vào danh sách những ý tưởng kỳ quặc bậc nhất lịch sử tư tưởng loài người.

Thế giới song song do nhà vật lý Hugh Everett III đề xuất trong khuôn khổ luận văn tiến sĩ mà ông viết dưới sự hướng dẫn của John Wheeler, học trò Niels Bohr, khi tìm ra cách đơn giản nhất để tránh việc suy sụp hàm sóng theo diễn giải của trường phái Copenhagen. Đó là khi người ta đo đạc một hệ lượng tử, do mất kết nối hệ này sẽ phân tách thành hai phần riêng biệt để phù hợp với từng kết quả đo, ở dạng sóng hay dạng hạt. Vì vậy, từ một vũ trụ có thể có một loạt các thế giới song song, gần như giống hệt nhau. Mỗi thế giới sẽ tiếp tục được phân nhánh khi có nhiều phép đo hơn, các điểm nối sẽ xuất hiện ở mọi chốn, nơi miền lượng tử tiếp xúc với thế giới cổ điển. Cứ như vậy, vũ trụ của chúng ta phân nhánh thành những vũ trụ thay thế gần như vô tận, một hiển thị của cơ học lượng tử ở thế giới vĩ mô. Chúng hoàn toàn tách biệt nhau và không hề giao cắt nhau, vì vậy trên các thế giới ấy, hoàn toàn có những phiên bản khác của bạn sống một cuộc đời có phần khác biệt với chính bạn trong thế giới này mà bạn không bao giờ biết đến. Các nhánh rẽ, hay các thế giới song song, “tồn tại đồng thời với nhánh mà chúng ta sống và hoàn toàn không thể liên hệ được với chúng”, như nhà vật lý lý thuyết Sean Carroll viết trong cuốn Something Deeply Hidden: Quantum Worlds and the Emergence of Spacetime (bản dịch tiếng Việt Điều gì đó ẩn sâu: Thế giới lượng tử và không thời gian đột sinh). 

Thật dễ hiểu, thế giới nghệ thuật đơn giản là chộp lấy ý tưởng đầy kích thích này, ý tưởng con người dù sống một cuộc đời hữu hạn nhưng lại có thể có vô số phiên bản cuộc đời khác trong những thế giới song song. Đó là điểm khởi đầu của những bộ phim ăn khách kiểu Star Trek, Spiderman, Doctor Who, Doctor Strange (tên tiếng Việt là Phù thủy tối thượng), Interstellar (Giữa các vì sao), Doctor Strange in the Multiverse of Madness (Phù thủy tối thượng trong Đa vũ trụ hỗn loạn), Everything everywhere all at once (Cuộc chiến đa vũ trụ), Ant-Man and the Wasp: Quantumania (Người Kiến và Chiến binh Ong: Thế giới lượng tử)…, nơi các nhân vật ở một thế giới có quyền năng nhảy ra nhảy vô những thế giới song song, không chỉ nhìn thấy và gặp gỡ những biến thân của mình ở đó mà còn có thể thay đổi, hoán cải vận mệnh đời mình. 

Tấm poster bộ phim truyền hình Signal (Tín hiệu) lột tả hai dòng thời gian xuất hiện trong phim.

Cũng giống như các bộ phim bom tấn của Hollywood, bộ phim truyền hình Signal (Hàn Quốc) vay mượn lượng tử như một ý tưởng quan trọng để neo bám, gia giảm cho câu chuyện của mình. Trung úy phân tích hồ sơ tội phạm Park Hae-young, sống ở dòng thời gian hiện tại (năm 2015), qua một máy bộ đàm kỳ lạ mà anh nhặt được, đã giao tiếp với nhà điều tra hình sự Lee Jae-han, sống ở dòng thời gian quá khứ (từ năm 1989 đến cuối những năm 1990). Với sự hỗ trợ của Lee Jae-han, Park Hae-young và đội chuyên án đã có thể giải quyết được nhiều trọng án bị bỏ ngỏ sau cả thập niên; và ngược lại, với sự “mách nước” của Park Hae-young, Lee Jae-han đã ngăn chặn được những vụ giết người thảm khốc. Có một điều kỳ lạ là khi họ cố gắng giải quyết một vấn đề của quá khứ thì lại xuất hiện những hệ quả không lường trước làm thay đổi tương lai, theo hướng cả tốt lẫn xấu.  

Trong Signal, dòng thời gian đã trở thành yếu tố phân nhánh các thế giới song song, giống như cách nhà vật lý lý thuyết Alan Lightman mô tả trong cuốn tiểu thuyết hư cấu của mình, Những giấc mơ Einstein “Trong thế giới này, thời gian có ba chiều, giống như không gian vậy. Một vật thể có thể chuyển động trên ba chiều thẳng góc với nhau, đó là các chiều ngang, dọc và thẳng đứng, và tương tự như thế, một vật thể có thể tham dự vào ba chiều tương lai như vậy. Mỗi tương lai chạy trên một chiều. Mỗi tương lai đều có thật”. Các thế giới song song của Signal không phải tồn tại ở những vũ trụ khác nhau mà tồn tại ở ngay ở thành phố Seoul, trong sự chồng chập của các dòng thời gian. Đôi khi, chúng giao cắt với nhau để các nhân vật chính có thể truyền tin qua chiếc máy bộ đàm kỳ lạ, không chỉ giữa Park Hae-young và Lee Jae-han mà còn cả giữa Cha Soo-hyun, đội trưởng Đội điều tra vụ án bị bỏ ngỏ, với Lee Jae-han, người mà cô không thể quên, dẫu anh đã mất tích 15 năm. 


Phép đo yếu, những thế giới song song – các khái niệm của cơ học lượng tử – đã góp phần tạo thành mạch kể đặc biệt cho Signal, một trong những thành công của làn sóng Hallyu trên màn ảnh nhỏ toàn cầu.

Có nhiều quan điểm khoa học khác nhau về sự giao tiếp/truyền thông giữa các thế giới song song, ví dụ có quan điểm cho rằng một khi các thế giới đã bị phân tách, rẽ nhánh với mỗi nhánh là một kịch bản tương lai thì điểm chung nhất giữa chúng là điểm phân nhánh thuộc về quá khứ, có quan điểm đặt niềm tin vào các lỗ sâu đục (wormhole) trong vũ trụ có thể tạo tiềm năng cho sự tiếp xúc giữa các thế giới. Từ góc độ của mình, các nhà lượng tử hé lộ là về nguyên tắc, tương tác phải đủ mạnh thì mới có đầy đủ thông tin của đối tượng được đo. Trong thế giới lượng tử, phép đo như vậy làm thay đổi trạng thái của đối tượng đo, vì vậy người ta phải tìm cách đo gián tiếp hoặc “đo yếu” (weak measurement). Tuy nhiên cũng giống như câu chuyện “lợi về lực nhưng thiệt về đường đi” của lực đẩy Archimedes, việc đo gián tiếp nhiều khi không đem lại kết quả chắc chắn còn với “đo yếu”, người đo có thể thu nhận được một chút thông tin nhưng lại phải đánh đổi bằng sự thay đổi trạng thái rối của hệ. 

Mặc dù các nhà lượng tử cảnh báo là việc thực hiện phép đo yếu có thể không cho phép “thấy” được các thực tại song song nhưng với đại chúng, ngần ấy đã là quá đủ để tưởng tượng thêm. Không rõ khi xây dựng câu chuyện khác thường về sự tương tác, trao đổi qua máy bộ đàm giữa các nhân vật của Signal trong các dòng thời gian khác nhau,các nhà làm phim Signal có nghĩ đến phép đo yếu của cơ học lượng tử hay không nhưng họ đã tạo ra các cuộc đàm thoại diễn ra một cách chớp nhoáng, ngắn ngủi và bất ngờ, đôi khi không phụ thuộc vào mong muốn của người ở các dòng thời gian, nhưng đủ sức bẻ lái các vụ án và tạo ra những thay đổi chóng mặt. Ví dụ, khi tỉnh dậy sau cái chết chắc, Park Hae-young bàng hoàng thấy mình còn sống, bố mẹ không li dị và phát hiện ra Đội điều tra vụ án bị bỏ ngỏ của cảnh sát Seoul mà anh là thành viên chưa từng tồn tại… Cách làm này, hóa ra, lại hết sức phù hợp với tính chất của phép đo yếu. Để tạo thêm bí ẩn, họ đã thiết lập cho các cuộc điện đàm vào một khung giờ cố định, 11 giờ 30 tối, trước thời điểm mà Lee Jae-han bị kẻ bội phản bắn lén trong quá khứ. 

Phép đo yếu, những thế giới song song – các khái niệm của cơ học lượng tử – đã góp phần tạo thành mạch kể đặc biệt cho Signal, một trong những thành công của làn sóng Hallyu trên màn ảnh nhỏ toàn cầu.

Colter Stevens đột ngột phát hiện mình trên chuyến tàu tốc hành tới Chicago trong một nhận dạng khác.

Trạng thái trong những thực tại thay thế 

Dẫu giới lượng tử luôn thận trọng nói về việc phóng chiếu các quy tắc chế ngự hành xử của các hạt trong thế giới vi mô sang thế giới vĩ mô nhưng những người muốn tận dụng mảnh đất màu mỡ này thì đơn giản là lờ đi chuyện đó. Sự vay mượn các khái niệm lượng tử kỳ quặc luôn đem lại cho họ  những ý tưởng mới, và cả những mùa vụ bội thu, ví dụ bộ phim bom tấn Doctor Strange in the Multiverse of Madness đem về cho các nhà sản xuất doanh thu 955,8 triệu USD, hơn gấp đôi số tiền bỏ ra. Tuy nhiên, việc khai thác “mỏ vàng lộ thiên” này một cách hời hợt, thiếu sáng tạo bị nhiều người cho là khiến các bộ phim trở nên nhàm chán và khiến họ thêm phần nhớ tiếc những The Matrix (Ma trận) hoặc Source Code (Mã nguồn). 

Hẳn cái tên Source Code không nổi bật và gây ám ảnh như The Matrix nhưng ở thời điểm ra mắt vào năm 2011, nó cũng gây ấn tượng mạnh cho người yêu phim. Colter Stevens, một đại úy Mỹ hy sinh ở Afghanistan, đột ngột phát hiện mình trên chuyến tàu tốc hành tới Chicago trong một nhận dạng khác, một giáo viên phổ thông, ngồi bên cô bạn gái xinh đẹp Christina. Trong vòng tám phút, chuyến tàu nổ tung. Khi tỉnh lại trong một khoang máy mờ tối, anh được giải thích mình là một phần trong kế hoạch mang tên Source Code của chính phủ, một thế giới mô phỏng, sử dụng ký ức tồn tại trong vòng tám phút trước khi chết của các hành khách xấu số trên chuyến tàu bất hạnh, để tìm ra kẻ đặt bom và vô hiệu hóa quả bom thứ hai của hắn mà có thể làm hàng nghìn người thiệt mạng. Source Code được thiết kế để tái tạo các dòng thời gian với các kịch bản có thể diễn ra, Colter Stevens được chọn vì phù hợp về mặt sinh học với những cảm biến thần kinh của nó. Bộ phim cho chúng ta thấy những kịch bản được lặp đi lặp lại, mỗi kịch bản sai khác nhau một chút, hiển thị ở những thông tin Colter Stevens thu nhận được qua những lần điều tra thủ phạm đặt bom trong số kẻ khả khi trên tàu. Nó gợi cho chúng ta nhớ đến Alan Lightman về ba dòng thời gian “Tại mỗi điểm xảy ra quyết định…, thế giới sẽ được tách thành ba thế giới cũng với những con người ấy, nhưng họ chọn những lối sống khác nhau. Cuối cùng, con số thế giới sinh ra là bất tận”. 


“Đời này quá đỗi mạnh mẽ và mỏng manh. Nó cũng bao hàm nghịch lý như vật lý lượng tử, khi cùng lúc vừa là hạt vừa là sóng. Tất cả đều tồn tại bên nhau”. (nghệ sĩ nhạc Rock Joan Jett)

Trong nhân dạng mới, Colter Stevens lần lượt trải nghiệm cùng khoảng thời gian tám phút, dường như của cùng thực tại như nhau với một nhiệm vụ lớn lao là tìm kẻ thủ ác. Sau những lần bầm dập, chết đi sống lại giữa các dòng thời gian ấy, lắng nghe phân tích từ những người điều hành Source Code qua màn hình, cuối cùng anh đã hoàn thành nhiệm vụ khi ngăn được vụ nổ bom thứ hai ở thế giới thực. Michio Kaku, nhà lý thuyết dây tại City College của New York và người dẫn dắt show truyền hình The Science Behind Firefly của kênh Science Channel, giải thích điều này trên Wire “tuy không chắc sẽ xảy ra nhưng cũng có thể về mặt lý thuyết. Nó đòi hỏi sự nhất quán, nghĩa là một nguyên tử đơn lẻ trong một thế giới phải cộng hưởng pha với bản sao của nó trong thế giới khác”.

Việc ngăn chặn được một vụ nổ thảm khốc của Colter trong Source Code có phần gợi đến Signal khi những quyết định của Lee Jae-han và Park Hae-young làm xáo trộn cả số mệnh của những người liên quan: có người lẽ ra được sống nhưng lại trở thành nạn nhân tiếp theo của một kẻ giết người hàng loạt, có người lẽ ra là nạn nhân nhưng lại được cứu sống và sống hạnh phúc trong cuộc đời mà cô có thể không có; thậm chí cả chính họ: cha mẹ Park Hae-young không li hôn nữa, anh được chăm sóc tử tế, không bị bỏ đói còn sự sống của Lee Jae-han vẫn được tiếp tục, dẫu bí ẩn trải qua 15 năm trong một viện dưỡng lão. Hệ quả của hành động đó khiến người xem choáng ngợp trước một khả năng không thể xảy ra trong đời thực: tương lai có thể tác động trở lại quá khứ, một hệ quả đủ sức thách thức quan điểm thông thường về trải nghiệm, ký ức và thậm chí số phận của con người. Ở đời thực, đơn giản như chúng ta đã biết, mũi tên thời gian tuyến tính đi một lèo từ quá khứ tới hiện tại và tương lai, không bao giờ vòng lại và không thể có chuyện tương lai tác động đến quá khứ. 

Trong Source Code Signal, các nhân vật chính đều nhớ mình là ai, giữa các dòng thời gian. Ở các dòng thời gian lặp, Colter vẫn biết mình từng là một quân nhân tử trận và người thân duy nhất còn lại là người cha mà lâu anh không trò chuyện. Anh đã tận dụng quãng thời gian ngắn ngủi cuối cùng, mượn điện thoại của một hành khách trên tàu, gọi điện thoại cho người cha bất hòa của mình dưới danh nghĩa là một đồng đội để giảng hòa, an ủi cha, rồi mạo hiểm gửi một email cho đại úy Colleen Goodwin để yêu cầu trợ tử mình. Anh muốn chứng minh điều gì qua hành động này? chứng minh rằng, dù ở trong những dòng thời gian thay thế của cỗ máy mô phỏng Source Code, anh vẫn có thể cách giao tiếp với thế giới thực ư? Đó cũng là điều anh từng trao đổi trước đó với tiến sĩ Rutledge, người phụ trách Source Code, “có ngày tôi sẽ gọi bánh pizza cho ông đấy” và nhận được câu trả lời khá sốc, nếu có chuyện đó xảy ra thì cũng không hoàn toàn như vậy, đó là một thực tại khác! Theo cách giải thích này thì có thể là người cha mà Colter gọi điện thoại không phải cha anh trong thế giới thực mà là biến thân của ông trong một “thực tại khác”. Nhà vật lý thiên văn John Gribbin, người được Nature đánh giá là “một trong những tác giả viết về khoa học xuất sắc nhất” từng giải thích về điều này “Sẽ có một ‘tôi’ trong vũ trụ thứ hai được miêu tả bằng hàm sóng vũ trụ, người có tất cả những ký ức mà tôi có ở thời điểm ban đầu, cộng thêm với ký ức tương ứng với giây tiếp theo (hoặc giờ, hoặc năm…). Nhưng không thể nói rằng những phiên bản ấy của ‘tôi’ lại cùng là một. Những trạng thái thời gian khác nhau có thể được sắp xếp theo các sự kiện mà chúng miêu tả, xác định được sự khác biệt quá khứ với tương lai nhưng chúng không thay đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác. Tất cả các trạng thái đều tồn tại. Thời gian, theo cách chúng ta thường nghĩ, còn không ‘chảy trôi’ trong khái niệm nhiều thế giới của Everett”3

Điều này cũng được Sean Carroll nhắc đến trong cuốn sách của mình, qua lời nhân vật nhân vật Alice, một nhà triết học, trao đổi cha mình, một nhà vật lý hạt thích trầm tư về triết học “Con phải chấp nhận bản thể hiện tại của con sẽ tiến triển thành một số bản thể hơi khác trong tương lai, những người sẽ chẳng bao giờ có cơ hội trò chuyện với nhau thì con cũng vui lòng chấp nhận”.

Dẫu chúng ta không có cách nào trải nghiệm được vũ trụ song song trong thế giới thực nhưng các nghệ sĩ trong phim thì có phần nào. Không giống như các bộ phim khác, Source Code quay riêng rẽ từng “dòng thời gian” một, mặc dù về cơ bản chúng có nhiều điểm giống nhau. Do đó, các nghệ sĩ có thể thay đổi một cách tinh tế diễn xuất của mình – phù hợp với ý tưởng của những thế giới song song, mỗi kịch bản dài tám phút trên mỗi thế giới đều khác biệt một cách không đáng kể, thậm chí ngẫu hứng ứng biến trong toàn bộ các cảnh quay 4.

Ở phần cuối của Source Code, Colter phát hiện ra một điều kỳ lạ: anh tồn tại trong khoảng thời gian vượt quá 8 phút quy định và bước vào một thế giới mới, giúp anh xác nhận nghi ngờ rằng Source Code không chỉ là một mô phỏng dựa trên ký ức tập thể mà còn tạo được ra dòng thời gian khác ở quy mô lớn hơn. Anh hẹn hò với cô gái xinh đẹp trên tàu rồi gửi tin nhắn thông báo về năng lực mới của Source Code cho đại úy Goodwin (một Goodwin của cùng dòng thời gian?) và đề nghị cô giúp đỡ. 

Cả hai bộ phim, với sự áp dụng khái niệm thế giới song song theo cách của mình, đều kích thích óc tưởng tượng của người xem và làm dấy lên những câu hỏi về các đường biên giữa thế giới thực và ảo hoặc thời gian của vũ trụ, của quá khứ – hiện tại – tương lai và cả những trải nghiệm về mặt thể xác lẫn tinh thần trong những thế giới đó. Nó cũng thách thức cái ‘trật tự cứng’ của những cấu trúc không thời gian và sự đảo lộn vai trò của chúng trong định hình trải nghiệm, ký ức được sắp xếp theo khung thời gian tuyến tính. Nó cũng gợi ra là thế giới mà ta sống, tưởng chừng vững trãi và bền bỉ, hóa ra lại mỏng manh và dễ bị biến dạng như thế nào. 

Tất cả những điều đó gợi cho ta nhớ tới nghệ sĩ nhạc Rock Joan Jett, tưởng chỉ quan tâm đến âm nhạc, ngờ đâu cũng suy ngẫm một cách sâu sắc về lượng tử “Đời này quá đỗi mạnh mẽ và mỏng manh. Nó cũng bao hàm nghịch lý như vật lý lượng tử, khi cùng lúc vừa là hạt vừa là sóng. Tất cả đều tồn tại bên nhau”. 

Giờ đây, mỗi khi nghĩ đến những thế giới song song, người ta càng cảm thấy sự tồn tại của những nghịch lý. Everett, cha đẻ của những thế giới song song, qua đời ở tuổi 50 vì đau tim khi đang say xỉn. Và khi các nhân viên y tế mang thi thể của ông đi, con trai ông chợt nhận ra là mình chưa từng chạm vào cha lần nào. Theo di nguyện của Everett, người vợ góa đã ném nắm tro tàn của ông vào sọt rác. Con gái hai người, mắc chứng tâm thần phân liệt và lấy người nghiện ngập, rồi cũng trở thành kẻ nghiện rượu, ma túy và sau đó tự tử.2

————————

Chú thích

1. https://tiasang.com.vn/van-hoa/tho-va-vat-ly-luong-tu-12882

2. https://www.nature.com/articles/4651010a

3.https://thereader.mitpress.mit.edu/the-many-worlds-theory/

4. https://www.popularmechanics.com/culture/movies/a6525/the-mind-bending-logic-and-diy-tech-of-source-code/

Bài đăng Tia Sáng số 6/2025

Tác giả

(Visited 65 times, 63 visits today)