Những tiếng

Viết, thuở lên ba lên năm, như tôi vẫn còn mường tượng lại mình, tay cầm viên phấn, mẩu que, lồm cồm nền đất, sàn nhà, thẩn thơ bên cánh cửa, tủ hàng của mẹ, nguệch ngoạc những nét đầu tiên, chép đồng dao, vẽ tên người quen kẻ lạ.


Minh họa: Lê Thiết Cương

Tiếng tôi, lòng giếng Việt

Viết, thuở lên ba lên năm, như tôi vẫn còn mường tượng lại mình, tay cầm viên phấn, mẩu que, lồm cồm nền đất, sàn nhà, thẩn thơ bên cánh cửa, tủ hàng của mẹ, nguệch ngoạc những nét đầu tiên, chép đồng dao, vẽ tên người quen kẻ lạ. Tôi đã thích trò chơi giao tiếp đó, thú cái phương thức bỡ ngỡ nối một đứa trẻ biết đọc, biết viết từ sớm với những người lớn nhọc nhằn sống và chỉ còn chút niềm vui nhìn những đứa trẻ lớn lên. Nhưng khi đứa trẻ-tôi lớn lên, viết, dần không còn là để tỏ bày, để mở ra, để nói chuyện với, mà trái lại, để che giấu, để gói lại, để giữ im lặng. Tôi, với giấy mực và trí tưởng non nớt, lấy lẽ “bận viết”, những chỉ muốn bọc nỗi một mình, lơ là tiếng mẹ gọi, tránh đối mặt, giấu nỗi sợ phơi bày, và mộng những thế giới tôi chưa từng đến. Hân hoan lẫn sợ hãi, tôi cảm biết chữ nghĩa đang lắng nghe, trò chuyện, chơi đùa với tôi, tôi mơ hồ thấy mình cúi nhìn bóng mình trong lòng giếng, một cái bóng xám sánh màu nước thẫm in nền trời, và nỗi tôi tò mò run run trước độ sâu lòng giếng phiêu dạt cùng các tích truyện cũ, men theo vòng tròn những lời nguyền dưới đáy.

Sự im lặng nhẫn nại của chiều sâu hối thúc tôi mở mình.

Cái nghịch lý của viết từ đó đeo bám tôi: kẻ tưởng được giấu bị lần qua những tàn chữ vãi vung vở nháp, những mảnh giấy vụn ủ bụi hộc tủ, ngăn bàn. Một chốn nương náu bày ra, những chữ phơi bày chính chúng.

Tôi có thể nào tránh bị-được đọc, bị-được phát hiện khi tôi đã viết, và tôi đã, một run rủi nào, làm lộ ra, và hơn thế, mời mọc những kẻ lạ bước vào chốn nương náu ấy.

Không đường lui, tôi phải tự vượt qua nỗi sợ bị kẻ khác thấy và chạm tới. Tôi học cách bình tĩnh hơn với đôi tai midas của mình, mở tai nghe những thì thào của cây cối, đất đai, những kẻ khác. Và dẫu không lúc nào thôi rụt rè, đôi khi sợ hãi cụp chặt lại, đã thấy tôi bớt xa lạ với người khác, hay bớt xa lạ với chính mình, và tôi muốn yêu sự xa lạ ấy. Tôi đã thôi kháng cự, trừ kháng cự việc dừng lại, bởi nỗ lực mở tim luôn là một nỗ lực hàn gắn và hiện hữu, một nỗ lực chưa biến mất quá sớm.

Tôi náu trong tiếng Việt như nép dưới một tấm mền, một tấm khiên, một lớp màng bọc, hay có thể, lúc nào đó, một lớp vải liệm, một cái nắp áo quan, hay tôi đã luôn ở trong tiếng Việt như cái bóng đứa trẻ náu trong lòng giếng.

Tiếng thơ, thứ tiếng khơi động phần tôi kín nhất, trở thành chốn tôi vun trồng, đùa chơi, thức ngủ, riêng tư và rộng rãi. Thơ tới từ đâu và làm sao tôi biết? Dưới lớp da, những từ ngữ trỗi lên trong những cơn đói giao tiếp đói nỗi một mình, đói sự gần gặn một xa cách, đói một hiện diện một vắng mặt, đói một kết nối làm đầy tôi bởi những hiện hữu khác. Nhưng nhu cầu thơ hằng ngày là một nhu cầu lao lực: một đôi khoảnh khắc hân hưởng thuần lành nơi cảm quan tôi bật nở đổi lại bằng sự nhẫn nại khắc kỉ trong các bài học tiếng. Tôi đang phác hình một cách sống thơ hơn là nỗ lực chỉ làm ra các bài thơ: sự chung sống dẻo dai với chữ nghĩa, sự chăm nom những sinh thể chữ cọ quậy trong cơ thể bí bức đòi lớn dậy và sống đời sống của chúng. Tôi chăm chút tiếng thơ ấy: một thứ tiếng nơi muôn vẻ âm chữ cùng hiện diện và cựa quậy.

Có lúc, khi xông xáo, tự tin hơn, tôi đã nghĩ mình có thể dùng tiếng Việt để diễn đạt mình, thuần hóa chữ nghĩa theo các ý tưởng. Bây giờ, tôi dè dặt học cách không dùng tiếng Việt. Tôi học cách nghe từ thở và đôi khi khẽ chạm những sinh thể chữ. Tôi học những bài học luôn là đầu tiên về sự tổn thương cũng như khả năng gây hại của từ ngữ, nơi tôi, kẻ học nói, học viết, luôn bỡ ngỡ, nín lặng những vết sẹo.

Tiếng dịch, một khung mở

Lòng giếng mở những khung trời. Chiều sâu này mở ra một độ rộng kia.

Tôi hàm ơn những người dịch trao tặng các trang viết tôi một khả thể đời sống khác, một thể nghiệm của đời sống gốc, một tồn tại song song. Bản dịch mời tôi một chuyến du hành, một cơ hội thoát khỏi tình trạng khô kiệt của việc ở quá lâu một nơi chốn, dò dẫm quá lâu trong đường hầm một thứ tiếng, nhìn quá lâu vào lòng giếng, như tôi đã cảm giác ở quá lâu trong tiếng Việt. Tôi cũng nghĩ nhiều hơn tới những kẻ viết chỉ còn nương bám vào bản dịch để sống sót và tái sinh, khi bị từ chối, cắt bỏ hay giới hạn quan hệ đọc và khả năng sống ở tiếng gốc nơi quê nhà, bởi những may rủi của số phận, hay trong nhiều trường hợp, bởi những lưỡi kéo đáng sợ của một vài hệ thống kiểm duyệt văn hóa. Tôi nghĩ tới sự hiện diện bình đẳng của mọi thứ tiếng nói và chữ viết, nỗ lực cất lời của những tiếng bị bỏ quên hay lơ là, hay sự bí ẩn thơ mộng của những âm chữ con người ít hoặc không có cơ may nghe hiểu. Tôi nghĩ về những xáo trộn không-thời gian qua của hành vi dịch: sự di chuyển các mảng sống từ nơi này qua chốn nọ, từ khung giờ này tới một khung giờ khác, những tồn tại xuyên không.

Hẳn nhiên, một bản dịch, cũng như bản gốc, có thể được đón nhận hay bị từ chối ở một miền thổ nhưỡng khác. Những người đọc giàu nghi hoặc vẫn ngờ một số tiếng thơ có thể dịch, hay người đọc có thể nghi ngờ thơ được đọc rộng rãi ngoài tiếng gốc của nó. Bản thân các tiếng dịch khác nhau cũng mang những hệ lụy riêng: một bài thơ dịch trong tiếng này đọc vào hơn trong một tiếng khác. Những thơ Việt nào có thể nhuần nhị trong các tiếng dịch? Ta cảm giác khác biệt thế nào khi đọc Đường thi trong phiên âm và bản dịch tiếng Việt và trong tiếng Anh? Những khó thay thế và những bất khả dịch của một thứ tiếng thường được thơ bảo bọc kĩ lưỡng, và trong nhiều trường hợp, đó có thể là những điểm đáng giá nhất của thứ tiếng ấy. Và hẳn là có những tiếng, hoặc những người sử dụng tiếng, kháng cự quyết liệt sự xâm nhập của tiếng ngoài, dù là sự kháng cự bạo lực, hay chỉ như một tự vệ yếu ớt.

Nhưng tôi muốn nghĩ và trông đợi về những điểm va chạm và gặp gỡ, như trong tình yêu, nơi các tiếng nói có thể sẽ thôi kháng cự và có thể đón nhận những kẻ lạ, những người ngoài. Thơ, dù gắn chặt với bản gốc, tiếng gốc đến cỡ nào, tôi tin, luôn có sự rộng rãi cho những khả thể dịch, những khả thể băng ngang các tiếng và biên giới lãnh thổ.

Thực thì, cơ thể ta đang luôn sống và hít thở những tiếng dịch mọi nơi. Và có thể là thiết yếu để mở ra nhiều cách thấy và được thấy trong và qua các tiếng.

Tiếng đất, những rễ bật

Đất, như ẩn dụ về người mẹ, lo âu những cây không cắm rễ, những cây bật rễ, những rễ cằn, trơ khốc, không hợp đất. Bật rễ, trong tiếng Việt, luôn khó tách rời cảm giác mất mát, bội phản. Ta nói “mất gốc”, như thể dằn giọng một kết án bạo lực: một cái án lưu đày, một cái án có thể dẫn đến thù nghịch, chối bỏ dữ dội.

Ngoái lại: một nỗi niềm Orpheus trả giá bằng bóng tối địa ngục. Có những kẻ, dù ra đi hay ở lại, dù bám đất nơi này hay di chuyển muôn phương, sống đời với nỗi căng thẳng đó: sự không thể không ngoái lại và sự không thể ngoái lại.

Tôi không nghĩ mình may mắn thoát khỏi những chất vấn của đất. Như nhiều người viết tiếng Việt đồng hành, tôi vừa muốn thôi bận lòng, vừa ôm giữ khư khư tiếng Việt, một tiếng, một chữ, một đất, một nước, một số, một phận, một thương, một vong. Như những người viết ở mọi nơi, tôi muốn được là một phần của cái bây giờ, cái nơi nơi, của đây luôn là của đó. Tôi muốn thấy tiếng Việt đồng hành với các tiếng khác. Tôi là một người Việt tự làm mình xa lạ trên quê hương, một người Việt ở đây và luôn dạt khơi xa. Tôi nghi hoặc sự tuyệt đối của tình máu mủ và những khái niệm căn cước. Tôi là một người lạ thân thuộc với những người lạ khác. Sự dần dần nhận ra về ranh giới và những tính chất Việt ở nơi này nơi khác đến cùng với sự dần dần nhận ra những xóa bỏ và đánh mất những tính chất Việt trong tôi. Có một nông nỗi bồn chồn: niềm tha thiết một miền đất ấu thơ và lựa chọn bật rễ, phiêu dạt, bỏ lại đằng sau những ngôi nhà, những lời hẹn ước, chưa ngoái lại, một sự chẳng đặng đừng có ý thức, hay một đưa đẩy của số phận, cả khi tôi vẫn đang đặt chân đây quê nhà.

Tôi là đứa trẻ lạc trong những sum vầy dưới mái nhà, là con thú bồn chồn lớp học, là cái cây rễ cắm sâu và bật xa ngược hư không, là kẻ lạ mặt bước vào khu vườn thơ ấu và “trộm nghe câu chuyện của những người xa lạ không ngừng tự nói với chính mình”, một kẻ mở tim về phía các tiếng khác trong khi sống trong tiếng Việt, một cư dân trái đất trong thế giới phản không tưởng. Tôi hàm ơn những lạc lõng, vấp váp, thương tổn, nỗi bất an bởi không khít vừa và nỗi khó khăn của việc học cách chung sống. Tôi hàm ơn đồng vắng, góc vườn ấu thơ, những con đường đến trường cố tình đi lạc, những chỗ ngồi lẻ trong thư viện. Tôi hàm ơn những bầu bạn trò chuyện cùng tôi, những con kiến, những con sâu, những lá cỏ, những người trong sách, những cuốn nhật kí, những kẻ lạ, những kẻ tôi an toàn bộc bạch mình trong những trò chuyện riêng tư và rộng rãi. Tôi hàm ơn những xô dạt của từ ngữ đã cùng tôi học cách nhìn ngắm và tổ chức lại những suy tư lụn vụn của mình.

Tôi là một ham muốn hóa lỏng, để đổi hình và thẩm thấu.

Tôi là một ham muốn hóa lỏng, để vẫn có thể làm một mạch chảy trong đất, mà không khô kiệt.

Tôi là một ham muốn hóa lỏng, trong những tiếng rì rầm bất tận của các tiếng, để bay hơi nuôi dưỡng những rễ cây bật, trong khi không ngừng trò chuyện với đất.

Tác giả

(Visited 37 times, 1 visits today)