Nikola Tesla – nhà sáng chế lỗi lạc,
vô tư nhất trong lịch sử
Nikola Tesla người Serbia là một trong những nhà phát minh lỗi lạc nhất thế giới của mọi thời đại, nhưng ông lại là người ít được hưởng những thành quả vĩ đại của mình. Nikola Tesla sinh ngày 10. 7. 1856 tại làng Smiljan ở Croatia, bố mẹ ông là người Serbia. Ở tuổi 17 Tesla bắt đầu “suy nghĩ nghiêm túc về những phát minh của mình”. Tesla kể về sức tưởng tượng của mình như sau: khi làm một thiết bị nào đó tôi không cần có mô hình, bản vẽ hoặc làm thử, tôi thực hiện toàn bộ phát minh của mình theo một suy nghĩ có sẵn trong đầu rồi cải tiến những khiếm khuyết sau đó cho chạy thử. Ông từng nói: “Đối với tôi thì thiết kế chế tạo một tuốc bin ở trong đầu hay tại nhà xưởng không có gì khác nhau. Thậm chí tôi có thể cảm nhận được sự mất cân bằng của tuốc bin”.
Ở tuổi 19, năm 1875, ông được học bổng của trường Đại học Kỹ thuật ở Graz. Ông say sưa miệt mài học tập, có khi học liền một mạch từ 3 giờ sáng đến 11 giờ. Ngay trong năm học đầu tiên ông đã kết thúc chín môn học với điểm thi xuất sắc nhất. Ông từng kể “Tôi có thói quen, đã bắt đầu làm một việc gì thì quyết làm tới cùng”. Khi bắt tay đọc Voltaire ông mới “đau đớn” nhận ra rằng “người khổng lồ” này có trên 100 tác phẩm và Tesla đã miệt mài đọc toàn bộ công trình đồ sộ này.
Tesla có những thói quen kỳ quặc. Ông ác cảm với đồ trang sức làm bằng ngọc và hoa tai, rất kị lông, tóc của người khác, ông cảm thấy nhộn nhạo khắp người khi trông thấy quả đào. Ông thường nhắc đi nhắc lại một số công việc của mình và số lần nhắc lại đó đủ để chia ba. Khi đi bộ bao giờ ông cũng đếm số bước chân, khi ngồi vào bàn ăn ông có thói quen tính dung tích của bát xúp, tách cà phê hoặc các loại thức ăn khác. Về việc này ông từng viết “Nếu không làm việc đó tôi cảm thấy ăn mất cả ngon”.
Chính trong thời gian học ở Graz, Tesla đã đụng đến một lĩnh vực gắn bó cả cuộc đời mình sau này: đó là lĩnh vực năng lượng điện. Vào thời kỳ đó đối với nhiều người dòng điện vẫn là một cái gì đó hết sức xa lạ, bí ẩn. Tesla lại muốn khám phá những quy luật của lĩnh vực này và ngay từ thời đó ông đã có linh cảm tương lai thuộc về điện xoay chiều mặc dù lúc bấy giờ điện xoay chiều hoàn toàn chưa được thử nghiệm trong thực tế.
Năm 1882 Tesla tới Pari làm việc tại chi nhánh của Thomas Edison ở châu Âu. Năm 1884, ở tuổi 29, Nikola Tesla lên đường sang New York với túi tiền trống rỗng. Tại đây một lần nữa ông xin vào làm việc cho Edison. Cũng tại nước Mỹ “nhà ảo thuật về điện” đã có những cuộc trình diễn hết sức ngoạn mục và lý thú trước giới thượng lưu ở New York. Ông đã trình diễn đầy thuyết phục trước giới báo chí về sức mạnh và sự vô hại của hệ thống điện do ông triển khai. Những cuộc trình diễn rất hấp dẫn này đã góp phần thúc đẩy cuộc chạy đua điện khí hóa trên thế giới.
Đây cũng là cuộc chạy đua (dù không mong muốn) giữa Tesla với nhà sáng chế lừng danh thời đó là Thomas Alva Edison. Tuy nhiên Edison là một mẫu người hoàn toàn trái ngược với Tesla, ông là người hết sức thực tiễn, có nhiều mánh lới, ông không những là một nhà nghiên cứu tài ba mà còn là một nhà doanh nghiệp lọc lõi.
Đối với Edison thì Tesla chẳng qua chỉ là một anh chàng “thi sỹ khoa học”, một lý thuyết gia và là một kẻ thích mày mò vô bổ. Theo Edison thì Tesla có những ý tưởng “vĩ đại nhưng vô tích sự”. Edison đánh giá giá trị một phát minh ở chỗ phát minh đó mang lại bao nhiêu USD cho doanh nghiệp của mình trong khi Tesla không chỉ quan tâm đến tiền, ông cho rằng ý nghĩa của một phát minh trước hết là ở chỗ phát minh đó góp phần sử dụng sức mạnh của thiên nhiên vì lợi ích của con người như thế nào.
Trong cuộc chiến trên lĩnh vực năng lượng điện Tesla là kẻ chiến thắng nhưng cuối cùng ông lại là kẻ bị thua thiệt khi cuộc chiến đến hồi kết.
Đối với Tesla điều ông quan tâm nhất không phải là tiền mà là công nghệ mới của mình sẽ được ứng dụng rộng rãi như thế nào. Ông từng ước mơ đến một ngày nào đó nhân loại sẽ được sử dụng thoải mái năng lượng mà không phải
trả tiền. |
Khi Tesla mới chân ướt chân ráo đến nước Mỹ thì động cơ điện một chiều đã được sử dụng khá phổ biến. Hồi đó các nhà khoa học đều cho rằng không thể dùng điện xoay chiều để chạy động cơ điện. Tuy nhiên Tesla lại tin vào linh cảm của mình. Ông suy nghĩ rất nhiều về các loại động cơ điện xoay chiều khác nhau tuy nhiên không có phương án nào được coi là khả dĩ. Sau bảy năm nghiền ngẫm, đến năm 1882, ý tưởng về một loại động cơ điện xoay chiều hình thành trong một buổi đi dạo ở công viên thành phố. Khi đó Tesla đang làm việc cho công ty điện thoại ở Budapest (Hungary).
Những tuần sau đó Tesla say sưa thiết kế các loại động cơ, dynamô và máy biến thế khác nhau sử dụng hoặc sản sinh ra điện xoay chiều. Sau này ông kể lại “Chưa bao giờ tôi được sống lâng lâng sung sướng như thời kỳ này. Những ý tưởng mới không ngừng tuôn trào và khó khăn duy nhất đối với tôi khi đó là làm sao giữ lại được những ý tưởng đó”.
Tesla nhận ra những ưu điểm nổi bật, có tính quyết định của điện xoay chiều so với điện một chiều: do đặc điểm vật lý điện xoay chiều có thể vận chuyển bằng cáp điện trên tuyến đường dài hàng trăm km với tổn thất không đáng kể, trong khi đó điện một chiều chỉ có thể vận chuyển trên một quãng đường ngắn hơn rất nhiều, và Tesla say sưa kể với Edison về phát minh mang tính đột phá của mình với hy vọng thuyết phục được Edison đầu tư vào lĩnh vực mới mẻ nhưng đầy triển vọng này.
Hồi đó Edison, vua bóng điện, xây dựng ngay giữa Manhattan một nhà máy điện công cộng đầu tiên trên thế giới. Tuy nhiện nhà máy này chỉ sản xuất được điện một chiều vì thế cũng chỉ cung cấp được điện cho hệ thống đèn đường trong phạm vi bán kính vài trăm mét. Chính vì thế Edison dự kiến xây dựng một mạng lưới máy phát điện trong thành phố này.
Nhờ có giấy giới thiệu Tesla đã được Edison tiếp. Nhưng khi Tesla hăng hái đề cập đến những ưu thế của hệ thống điện của mình thì bị Edison gạt phắt đi. Ông tỏ ra khó chịu và nói, hãy quên những ý tưởng vớ vẩn đó đi. Ông khẳng định “Dân chúng thích điện một chiều, và tôi cũng chỉ quan tâm đến điều này”. Tuy nhiên Edison đã nhận thấy tài năng kỹ thuật của chàng thanh niên người Serbia và tuyển anh vào làm việc cho mình. Edison thậm chí còn treo giải thưởng 50.000 USD, nếu như Tesla thành công trong việc nâng cao công suất của loại dynamo-điện một chiều. Tesla chấp nhận thách thức này và sau gần một năm miệt mài nghiên cứu ông đã báo cáo với ông chủ về thành công của mình: Edison đã được cải tiến hệ thống dynamo, nâng cao rõ rệt công suất của chúng. Nhưng Edison quên phắt khoản tiền thưởng năm mươi nghìn USD mà ông ta đã hứa với Tesla. Thậm chí Edison còn nói đầy mỉa mai với Tesla khi ông này đề cập đến khoản tiền thưởng: “Này Tesla, anh thật sự không hiểu tính hài hước của người Mỹ”. Tesla rất tức, lập tức xin thôi việc. Sau này Tesla đã từng viết về thiên tài Edison như sau: “Nếu như Edison phải tìm một cái kim trong đống rơm thì ông ấy sẽ cần mẫn làm việc như một con ong, ông sẽ lần tìm từng cọng rơm để tìm ra bằng được cái kim. Tôi từng là nhân chứng đáng buồn cho những việc làm này của ông và biết rõ rằng, với một chút lý thuyết và tính toán ông ta có thể tiết kiệm được 90% công sức đã bỏ ra”.
Nhờ thành tích xuất sắc khi làm việc ở “Edison Electric Light Company” nên Tesla trở nên khá nổi tiếng trong giới chuyên môn. Chính vì thế ngay sau khi thôi việc tại công ty Edison, Tesla đã nhận lời đề nghị của một số nhà đầu tư thành lập một công ty riêng của mình mang tên “Tesla Electric Light and Manufacturing Company”.
Nhưng một lần nữa những ước muốn của Tesla không trở thành hiện thực. Thay cho việc hoàn thiện hệ thống điện xoay chiều để đưa ra thị trường Tesla lại phải thực hiện yêu cầu của các nhà đầu tư về việc nghiên cứu hệ thống đèn chiếu sáng trên đường phố và trong các nhà máy. Tesla đã mày mò nghiên cứu trong lĩnh vực này và đã có một loạt bằng sáng chế. Sau khi Tesla hoàn thành nhiệm vụ do các nhà đầu tư đưa ra, ông không những không được thanh toán sòng phẳng mà còn bị các nhà đầu tư đánh bật ra khỏi công ty.
Sau đó Tesla rơi vào một thời kỳ đầy khó khăn, khốn đốn. Để tồn tại ông buộc phải làm công nhân cầu đường một năm liền. Nhưng đến đầu năm 1887 vận may bất ngờ đã đến với ông. Người đội trưởng đội cầu đường từng được nghe kể về chiếc động cơ thần kỳ của Tesla nên giới thiệu Tesla với Alfred K. Brown, Giám đốc Western Union Telegraph Company (các hãng điện tín cần có điện – vì thế Brown quan tâm đến điện xoay chiều có thể vận chuyển trên một quãng đường dài mà không sợ tổn thất).
Tesla được tiến hành hoàn thiện công trình nghiên cứu hệ thống điện xoay chiều trong một phòng nghiên cứu khá rộng rãi không xa Edison Company ở Manhattan bao lâu. Một cuộc chạy đua về điện bùng nổ: Tesla đăng ký một loạt bằng sáng chế phát minh cho các loại động cơ mới của mình. Ông đăng đàn diễn thuyết, giới thiệu về điện xoay chiều và ít lâu sau đã thuyết phục được nhà đại công nghiệp George Westinghouse.
Bản thân Westinghouse cũng là một kỹ sư và là một nhà phát minh, ông mới tham gia hoạt động trong lĩnh vực điện lực nhưng rất quyết tâm và đã mua nhiều bằng sáng chế phát minh. Khác với Edison ông tin vào hiệu quả và tính kinh tế của công nghệ mới. Ông mua bằng sáng chế phát minh của Tesla và thỏa thuận công thức thanh toán bản quyền ở mức 2,5 USD cho một sức ngựa “Điện – Tesla” – từ đó Westinghouse tham gia cuộc chiến ủng hộ điện xoay chiều.
Do tổn thất điện ở khâu truyền dẫn không cao nên Westinghouse có thể xây dựng các nhà máy điện ở ngoại ô thành phố. Hơn nữa dây đồng dẫn điện lại nhỏ hơn so với dây dẫn điện một chiều, do đó giá thành điện xoay chiều thấp hơn so với điện một chiều của các đối thủ cạnh tranh vì vậy chỉ ít lâu sau khách hàng của Westinghouse tăng nhanh so với khách hàng của Edison.
Tuy nhiên Edison không chịu thất bại. Ông thu thập thông tin về các vụ tai nạn do sử dụng điện xoay chiều, viết một loạt bài công kích điện xoay chiều đồng thời vận động các chính khách bài xích điện xoay chiều. Edison thậm chí còn thuê trẻ em bắt mèo, chó và sử dụng chúng vào các cuộc trình diễn ở nơi công cộng. Ông buộc những mảnh kim loại vào thân thể chó, mèo rồi cho dòng điện chạy qua để dân chúng chứng kiến cảnh chúng bị điện giật như thế nào để rồi nêu câu hỏi: “Hỡi các vị, các vị có chấp nhận để vợ, con mình nấu nướng bằng dòng điện này hay không?”
Tháng giêng 1889 luật tử hình trên ghế điện được thông qua ở New York và ngay lập tức Edison kêu gọi sử dụng điện xoay chiều để thực hiện điều luật này. Vụ tử hình đầu tiên trên ghế điện diễn ra trong tháng 8.1890, và dòng điện được sử dụng là điện xoay chiều. Edison đã không thành công trong chiến dịch bôi nhọ điện xoay chiều. Trong vòng hai năm Westinghouse đã xây dựng trên 30 nhà máy điện và cung cấp điện xoay chiều Tesla cho 130 thành phố.
Từ tháng 11.1896 hầu như tất cả các thành phố trên thế giới chỉ còn sử dụng điện xoay chiều. Nikola Tesla có cơ hội trở thành người giàu nhất thế giới: vì theo hợp đồng, cứ mỗi động cơ điện bán ra Tesla đều được trả phí bản quyền. Tuy nhiên nhà đầu tư một lần nữa yêu cầu Tesla sửa hợp đồng. Tesla coi nhà doanh nghiệp Westinghouse như một người bạn thân thiết của mình nên đã chấp nhận hủy bản hợp đồng đã ký và chấp nhận nhận khoản thù lao một lần là 216.000 USD. Với việc làm này Tesla không những mất 12 triệu USD tiền bản quyền mà lẽ ra ông sẽ được trả mà mất luôn cả khoản bạc tỷ về số lượng động cơ điện bán ra trong tương lai.
Nếu như chúng ta xóa đi tất cả các công trình mà Tesla từng đóng góp cho ngành công nghiệp thì các bánh xe sẽ nhất loạt ngừng chạy, các toa tàu và đầu tàu điện sẽ đứng yên tại chỗ, các thành phố sẽ tối om, các nhà máy xay bột sẽ ngừng hoạt động. Trích phát biểu tuyên dương công trạng Tesla của Chủ tịch ban giám khảo Behrend |
Tuy nhiên đối với Tesla tiền không phải là điều quan trọng nhất, điều ông quan tâm nhất là công nghệ mới của mình sẽ được ứng dụng rộng rãi như thế nào. Hơn nữa khi đó ông đang tập trung nghiên cứu một vấn đề mới. Ông từng ước mơ đến một ngày nào đó nhân loại sẽ được sử dụng thoải mái năng lượng mà không phải trả tiền. Tesla coi mạng lưới điện chỉ là một giải pháp tạm thời trước khi đi đến một hệ thống phân phối, cung cấp điện không dây.
Năm 1898 ông phát triển thiết bị điều khiển từ xa đầu tiên. Một năm sau trong một phòng nghiên cứu gần Colorado Springs ông đã thành công trong việc truyền sóng radio ở tầm xa 1000 km. Năm 1900 Tesla tìm được nhà tài trợ để xây dựng một tháp vô tuyến ở Long Island: ông muốn từ đây phát sóng năng lượng cao lên tầng cao bầu khí quyển để từ đó phân phát năng lượng ra khắp Trái đất.
Nhưng khi dự án đầy tham vọng này sắp sửa bước vào giai đoạn kết thúc thì nhà đầu tư bất ngờ bỏ cuộc với lập luận một khi bất kỳ ai trên thế giới đều có thể lấy năng lượng một cách xả láng từ Long Island thì nhà đầu tư chẳng có lợi lộc gì.
Tesla đã bị sốc thần kinh khá mạnh và phải một thời gian dài sau đó ông mới dần dần hồi phục. Năm 1917 người ta nổ mìn phá dỡ cái tháp khổng lồ đó và số sắt thép vụn được bán với giá 1000 USD. Cũng năm đó nhà sáng chế được trao huy chương Edison rất danh giá, tuy nhiên Tesla lúc đầu đã từ chối không nhận vì ông cho rằng sự vinh danh này không dành cho ông mà là cho Edison. Sau đó nhờ sự thuyết phục của Chủ tịch Hội đồng giám khảo Bernard Arthur Behrend nên cuối cùng Tesla đã chấp nhận giải thưởng này.
Trong bài phát biểu tuyên dương công trạng nhà phát minh Tesla, Chủ tịch ban giám khảo Behrend từng nói “Nếu như chúng ta xóa đi tất cả các công trình mà Tesla từng đóng góp cho ngành công nghiệp thì các bánh xe sẽ nhất loạt ngừng chạy, các toa tàu và đầu tàu điện sẽ đứng yên tại chỗ, các thành phố sẽ tối om, các nhà máy xay bột sẽ ngừng hoạt động”. Quả vậy đóng góp của Tesla hết sức to lớn và là nền tảng của nền công nghiệp của chúng ta
Bất chấp vinh quang chói lọi và mặc dù có tới 700 bằng sáng chế phát minh nhưng cho đến cuối đời nhà phát minh lừng danh thế giới này chỉ là một cụ già nghèo khổ. Nikola Tesla mất ngày 7.1.1943 ở tuổi 86 tại một khách sạn ở New York, ông có lẽ là nhà sáng chế phát minh vô tư nhất trong lịch sử.
Xuân Hoài (Geo.de 3.09)