Noah Baumbach và câu chuyện “ly hôn”
Được truyền thông đánh giá là một trong những bộ phim hay nhất năm 2019, Marriage Story (Câu chuyện hôn nhân) đã kể lại quá trình ly dị và giành quyền nuôi con của một cặp vợ chồng trẻ. Thực tế, đây không phải là bộ phim đầu tay của Noah Baumbach về vấn đề ly hôn. Trước Marriage Story, Baumbach đã có The Squid and the Whale (Mồi Mực và Cá Voi, 2005) và The Meyerowitz Stories (Chuyện gia đình Meyerowitz, 2017), đều do ông viết kịch bản và đạo diễn. Vẫn chủ đề đó, các mối quan hệ đó, hãy cùng khám phá xem bằng cách nào Baumbach có thể làm mới chính mình, và mang tới cho người xem những tông màu rất khác.
Ba bộ phim, ba gia đình đều trải qua những cuộc ly hôn. Câu chuyện ly hôn có khi hiện lên ngay tại thời điểm nó đang diễn ra (The Squid and the Whale, Marriage Story), có khi lại là mấy chục năm sau đó (The Meyerowitz Stories). Dù ở thời điểm nào, xuất hiện trong các câu chuyện không chỉ có cặp vợ chồng, mà còn cả những đứa con. Không bao giờ Baumbach quên sự hiện diện của những đứa con, có lẽ vì cha mẹ ông cũng từng ly dị, và Baumbach khi ấy vẫn còn đang ở độ tuổi vị thành niên1. Qua từng bộ phim, bên cạnh việc duy trì một số điểm chung đáng nhớ, Baumbach còn thể hiện sự đa dạng, mở rộng trong các khía cạnh đối với vấn đề gia đình và ly hôn.
Có thể kể đến đầu tiên là hình tượng người cha. Dường như Baumbach đã lấy hình mẫu từ chính cha mình, vốn là một tiểu thuyết gia, nên những người cha trong phim đều có khả năng nghệ thuật. Trong hai bộ phim đầu, họ có khả năng nhưng không đủ vượt trội, họ ngạo mạn, bảo thủ nhưng không đủ thành công. Đối mặt với sự tán dương yếu ớt, thưa thớt của cộng đồng, họ thường xuyên gặp khó khăn trong việc khẳng định cái tôi. Điều này khiến người cha không những vô tình gây sức ép về chuyện thành công lên con cái, đặc biệt với con trai, mà còn đòi hỏi ở con sự chú ý và ngưỡng mộ mà họ không thể có từ môi trường xung quanh, dẫn đến hệ quả: con cái không được nhận sự quan tâm mà chúng đáng được có, thậm chí còn phải bao bọc ngược lại cha, hi sinh cuộc đời mình để người cha cảm thấy không bị bỏ rơi, vai trò cha – con gần như bị đảo ngược. Cùng với sự biến mất khá thường xuyên của nhân vật mẹ – hệ quả của cuộc li hôn – những đứa con có thể nhận ra vấn đề hoặc không, nhưng hiếm khi đối mặt rõ ràng với tổn thương tâm lý này, và không bao giờ đề cập với cha mình về chuyện đó. Nhưng dần dần, xuyên suốt ba bộ phim, nhân vật con đã có nhiều biến chuyển tích cực hơn về nội tâm, tính cách. Nếu trong The Squid and the Whale, những đứa trẻ còn non nớt, tuyệt vọng, ngấm ngầm cay đắng, nổi loạn một cách mất phương hướng, thì The Meyerowitz Stories, ba đứa con đã bắt đầu có sự chủ động lèo lái không chỉ trong mối quan hệ cha con mà còn với cuộc đời riêng của mình – vốn luôn bị ảnh hưởng bởi người cha. Đặc biệt, tới Marriage Story, nhân vật con – Henry – rất hiểu chuyện, không hề bị đè nén, áp lực mặc dù chuyện ly hôn của cha mẹ (Charlie và Nicole) khiến Henry mệt mỏi. Có lẽ vì bản thân người cha cũng đã gắn bó, hoàn thành tốt vai trò của mình với con cái hơn: Charlie ngủ cùng Henry những đêm em gặp ác mộng, dạy em đánh vần và chuẩn bị trang phục cho em vào dịp Halloween. Dù chưa thật hiểu con, nhưng Charlie cần ở bên Henry, và anh muốn Henry biết điều đó.
Diễn tả nội tâm của hai diễn viên chính trong phim “Câu chuyện hôn nhân” được đánh giá là xuất sắc khi thể hiện những dằn vặt, thương tổn.
Và có lẽ, những ấm ức thời thơ ấu của Baumbach đối với cha và cuộc ly dị của chính gia đình mình đã được nói ra và giải quyết trọn vẹn trong The Squid and the Whale và The Meyerowitz Stories, để đến Marriage Story, Baumbach chuyển hẳn sự chú ý, góc quan sát từ đứa con sang cặp vợ chồng, với những dằn vặt, đớn đau, khó xử và cả nỗ lực trong việc cố nắm giữ trạng thái cân bằng. Cái nhìn của Baumbach đối với cặp vợ chồng bây giờ không phải là cái nhìn cảm thông, khoan dung với cha mẹ nữa; giờ đây với tư cách là một người cũng đã kết hôn, đã ly hôn, đó là cái nhìn đồng cảm của người trong cuộc với ít nhiều nuối tiếc2. Với tâm thế ấy, Baumbach đã tạo dựng một cái kết có thể nói là vẹn toàn cho Marriage Story: dẫu cuối cùng là tan vỡ, kiện tụng, ly hôn, nhưng Nicole và Charlie không phủ nhận quá khứ tươi đẹp họ từng có. Nhưng cả hai đều biết, dù tươi đẹp cách mấy, thì giống như bức thư Charlie đọc cuối phim, thời điểm cho nó cũng đã qua. Không ai níu chân ai, họ chấp nhận và vững vàng bước tiếp.
Cùng với sự lạc quan qua ba bộ phim là sự thay đổi tông màu và ánh sáng trong dựng cảnh. Do câu chuyện về gia đình nên bối cảnh chung của cả ba phim đều là trong những căn nhà, nhưng từ hai căn hộ ảm đạm, tù túng và lúc nào cũng như trong thời điểm cuối chiều của The Squid and the Whale, chúng ta tiến tới không gian rộng mở và ngập tràn ánh sáng trong The Meyerowitz Stories, cuối cùng là gam màu trung tính gợi cảm giác thoải mái, ấm áp với Marriage Story. Các cảnh quay cầm tay với độ rung cao, những cú pan máy không mấy phần mượt mà gợi cảm giác thiếu ăn khớp và dò xét dần bị loại bỏ.
Ngoài những thay đổi theo chiều hướng thể hiện cái nhìn nhẹ nhàng hơn, các câu chuyện ly hôn của Baumbach còn tiếp tục phát huy những điểm sáng mà ông đã tìm thấy rất sớm ở The Squid and the Whale. Thứ nhất, đó là công dụng của hội thoại được Baumbach dùng để thể hiện sự thiếu kết nối giữa các thành viên trong gia đình. Nếu cuộc hội thoại được ví như chuyện hai người bằng các lượt nói của mình luân phiên nhau xây một tòa tháp, viên gạch của người này chồng lên viên của người kia, thì trong các bộ phim của Baumbach các tòa tháp hiếm khi được dựng thẳng thớm và vững chãi. Các cuộc nói chuyện gia đình, đỉnh điểm là cảnh cãi nhau trong Marriage Story, luôn bị bẻ hướng liên tục. Họ nói điều mình muốn nói mà ít khi lắng nghe, tiếp nhận ý kiến đối phương, cuộc nói chuyện thay vì kéo hai người lại gần nhau về tư tưởng thì lại đẩy hai người xa nhau, và kết thúc đáng lẽ nên thu được giải pháp thì lại là cơn bùng nổ vì mất kiểm soát cảm xúc. Hội thoại trong những câu chuyện gia đình của Baumbach chưa bao giờ là công cụ hiệu quả để ngoại giao một cách duy lí, ngược lại Baumbach coi nó như phương tiện hữu dụng để người xem có cơ hội quan sát tâm lý và mối quan hệ giữa các nhân vật3. Về cách sử dụng hội thoại, Baumbach còn dùng chúng như một cách để kể những gì đã diễn ra trong quá khứ. Rõ ràng, với một câu chuyện ly hôn, một bước thay đổi lớn với cả gia đình, thì kể lại các sự kiện ngày xưa là cần thiết để câu chuyện đáng tin và có chiều sâu. Người ta có thể tái hiện quá khứ bằng các thước phim flashback, nhưng Baumbach chọn các cuộc hội thoại, với thông tin vô tình được hé lộ qua những trao đổi cần thiết ở hiện tại. Baumbach không vội, ông để quá khứ tích góp từng chút từng chút, một cách từ tốn và tự nhiên.
Cảnh trong “Chuyện gia đình”. Phim của Baumbach thường đề cập đến những cảnh rất bình dị, đời thường và ấm áp.
Điểm sáng thứ hai mà Baumbach tìm thấy, đó là vai trò của các “khoảnh khắc đời thường”. Alfred Hitchcock nói “Kịch là cuộc đời với những mẩu tẻ ngắt bị loại bỏ”4. Trong phim của Baumbach, người xem sẽ luôn thấy nhân vật làm những việc “tẻ ngắt”, mà nếu cắt đi cũng sẽ không ảnh hưởng đến tiến trình mạch truyện. Nhân vật của Baumbach sẽ dùng nĩa xắn vội một miếng bánh, xì mũi, tháo giày cho chân lên ghế sofa, lấy hộp giấy ăn đặt trên đùi rồi bỏ xuống, hay đi vào nhà vệ sinh,… Những cảnh như vậy máy quay để người xem chú ý rất rõ, và thường là nhân vật làm thế khi đang nói chuyện, tương tác với các nhân vật khác. Các “khoảnh khắc đời thường” chắc chắn không mang chút kịch tính nào, nhưng việc rải các khoảnh khắc đó song song với những cuộc hội thoại khiến bộ phim có cảm giác chân thật. Bởi ngoài đời là như vậy, khi trò chuyện với nhau người ta không chỉ nói mà còn làm nhiều hành động lặt vặt khác. Sự chân thật, gần gũi đó rõ ràng có ích trong những thước phim về một câu chuyện đời thường riêng tư như chuyện ly hôn, chuyện gia đình
Khi xem xét các bộ phim khác, thật khó để tìm được tác phẩm nào cùng nói về chủ đề ly hôn, sự nứt vỡ của những ẩn ức gia đình giữa vợ chồng, con cái mà không khiến người xem bi quan hóa hôn nhân như phim của Baumbach. Thực tế nhưng không tàn nhẫn khô khan, dễ hình dung nhưng không giáo điều lộ liễu, bộ ba của Baumbach hài hước, ấm áp và xúc động. Từ The Squid and the Whale, The Meyerowitz Stories, rồi Marriage Story, ông đưa người xem qua bế tắc, đổ vỡ, chấm hết, nhưng đồng thời cũng là lối thoát, dựng xây, khởi đầu. Tất cả những trái ngược đó luôn luôn song hành: bi kịch hay viên mãn tận cùng sẽ không bao giờ tồn tại trong phim ông. Chính sự cân bằng đặc trưng, khéo léo xoay quanh chủ đề gia đình này đã giúp Baumbach kiến tạo thành công một hiện thực mà trong đó, cay đắng hiện hữu nhưng vẫn đủ hi vọng, tốt lành; một hiện thực mà người xem có thể, muốn và nên tin.
Cảnh trong phim “Mồi mực và cá voi”. Không bao giờ Baumbach quên sự hiện diện của những đứa con khi cha mẹ ly hôn, bởi vì ông cũng đã từng trải qua cảm giác ấy.
Giản dị, tinh tế, The Squid and the Whale, The Meyerowitz Stories và Marriage Story là ba câu chuyện mà khi đặt cạnh nhau có thể nói là tổng thể về vấn đề ly hôn trên phương diện nguyên nhân, tiến trình và cả hệ lụy đối với người trong cuộc. Như nhân vật Nicole đã nói trong Marriage Story: “Chuyện không đơn giản chỉ là không còn yêu nữa”, quyết định ly hôn chắc chắn là bắt nguồn cho chuỗi dài những xáo trộn sau này. Trong thế giới điện ảnh của Noah Baumbach, đó có thể là một mất mát khó tránh khỏi, nhưng với cái nhìn hài hước, lạc quan của ông, rồi thì chúng ta đều vượt qua, và cuộc sống lại tiếp diễn.
Nguồn tham khảo:
1 Sayej, N. (11/2019), “Noah Baumbach was the kid who fell asleep on the couch at dinner parties”. Interview Magazine.
2 Finn, N. (1/2020), “All the Ways Marriage Story Borrows From Noah Baumbach’s Divorce From Jennifer Jason Leigh”. Ecoline.com.
3 Nerdwriter1. “What Realistic Film Dialogue Sounds Like”.
4 Lyons, L. (3/1956). The Lyons Den. The Pittsburgh Press.