“Nọc bướm”: Hồi ức thiếu nữ về Sài Gòn
Tôi dịch Nọc bướm khi chưa biết một chút gì về cuốn tiểu thuyết này. Đọc đến đâu, dịch đến đấy, vừa đọc, vừa dịch, và nhận ra cuốn tiểu thuyết như một tập album ảnh thất lạc không được xếp đặt theo lịch biểu, và đôi khi những tấm ảnh còn dính dớp vào nhau. Những ký ức liên tục nhảy cóc, thi thoảng lặp lại với nhiều chi tiết cận cảnh hơn, bởi phi tuyến tính là tuyến đường duy nhất của quá khứ.
Ở kia, một nhà sư tự thiêu. Ở đây, một thiếu nữ bước vào tuổi dậy thì. Nhà văn Pháp gốc Việt Anna Mọi mở đầu tiểu thuyết Nọc bướm (Le venin du papillon, NXB Gallimard, bản dịch tiếng Việt do NXB Trẻ phát hành) bằng việc vạch ra hai thế giới song song mà cũng đan cài. Một sự kiện xã hội và công cộng, một sự kiện cá nhân và riêng tư. Chúng có thể đã xảy ra trong cùng một dòng thời gian, trong cùng một thành phố, và khi đặt chúng cạnh nhau, sự vênh vác giữa chúng dường như cho ta hé nhìn vào một kẽ tối, một ván lệch nào đó đã bị bỏ quên trong một thời đại của những biến động vĩ mô.
Xuân là con gái một sĩ quan trong quân đội Sài Gòn trước 1975. Ba nàng không tin vào chính quyền đương nhiệm. Ông nổi loạn, cùng tham gia đảo chính, lật đổ anh em Ngô Đình, sau đó bị tống tới Côn Đảo. Trong khi đó, Xuân vẫn lớn lên. Sài Gòn nàng nhìn thấy là một hỗn hợp tả pí lù của nhà thương và khách sạn năm sao, những người lính cụt tứ chi và các nhà ngoại giao da trắng chỉnh tề, khu chợ Yersin bát nháo của người Việt và những tòa kiến trúc nguy nga của người Tây, những cuộc tiệc tùng với đám thanh niên du đãng côn đồ và những buổi học đàn piano một-một. Sài Gòn chuyển cảnh liên tục như một kính vạn hoa: nơi người ta cầu nguyện và đua xe, tập Yoga và đảo chính, nghe cải lương và giết mổ gà, nơi có thánh đường và xe tăng, có triết gia và đồ tể. Sự liên tục thay đổi cảnh trí ấy khiến thành phố rất mực phù du, như chực chờ tan vỡ bất cứ lúc nào.
Thành phố thì thế. Trong khi đó, Xuân vẫn lớn lên, đúng hơn là không thể ngăn cản việc phải lớn lên, và vẫn phải trải qua tất cả những gì mà một thiếu nữ mới lớn phải trải qua: những kỳ kinh nguyệt vẫn ập đến, bầu ngực vẫn nhú lên, những kinh nghiệm tình dục đầu đời vẫn mon men, tình yêu và lòng khát khao vẫn nảy nở, nỗi tò mò về cơ thể người khác vẫn len lách. Sự bạo động của thế giới ngoại tại nhập nhằng với sự xáo trộn của thế giới nội tại. Nhân vật loay hoay trong những rắc rối bên ngoài còn chưa đủ đã lại đối diện với những mớ bòng bong ở bên trong. Nỗi lo lắng nào cấp bách hơn? Vết máu vương trên sàn nhà hay tiếng súng đì đùng ở nơi nào đó?
Góc nhìn thiếu nữ ở Xuân làm ta nhớ tới một bức tranh của René Magritte, The Blank Signature: một con ngựa bước qua rừng cây, một bóng cây che khuất lưng ngựa, trên thực tế, ta không thấy trên lưng ngựa là ai, nhưng trong tranh – hay trong tâm trí – ta hình dung ra một người cưỡi ngựa. Thời cuộc trong mắt một thiếu nữ dậy thì luôn bị lẩn khuất dưới những bóng cây như thế, những gì nàng biết về sự mục nát của thành phố gói gọn trong những mẩu thông tin không đầu không cuối: một vài cuộc thảo luận về Dân chủ giữa ba và chú, những cơn thịnh nộ của ba, một vài chuyến xe chở những thương binh rên rỉ, một vài cuộc bắt bớ, những món hàng của quân đội Mỹ tuồn ra chợ, một đoạn phim về nhà sư tự thiêu mà ba vẫn thường xem… Không có một cái nhìn toàn cảnh nào. Cứ như thể nàng đang nhòm trộm thế giới qua một ống kính nhìn lén.
Hoạt cảnh bạo lực nhất trong cuốn tiểu thuyết không xảy ra với những lý do chính trị, mà chỉ là cuộc phá phách của một đám thanh niên bất hảo, những gã trai chơi bời lêu lổng và sẵn sàng liều mạng. Có hơi cay, nhưng chẳng phải chiến tranh. Dấu vết của chiến tranh chỉ nhấp nhá: một chiếc trực thăng bay qua, tiếng pháo nổ ở đâu đó trong khi đám trẻ vẫn đang nhảy múa, giờ giới nghiêm về đêm. Cuộc biểu tình của các nhà sư chỉ được nhìn thấy gián tiếp qua những cuộn phim, nghe gián tiếp qua tranh luận của người lớn. Vẫn còn một lớp “chướng rủ màn che” ngăn cách Xuân với sự tàn khốc thực thụ. Nàng vẫn đang ở giai đoạn chạm vào thế giới như một người bắt bệnh qua tấm lụa. Cuốn sách cũng kết thúc trước khi chiến tranh đi vào giai đoạn quyết liệt nhất. Nhưng ở đó ta đã mơ hồ cảm nhận một nỗi bất an, một sự cục cựa không yên, những đứt gãy từ từ, những vết nứt bắt đầu mở miệng, cuộc địa chấn hẵng còn ở rất sâu dưới lòng đất, song ai cũng có thể cảm nhận được những rung lắc ngả nghiêng, ai cũng có thể cảm nhận ta đang đi trên một cầu kính, và mỗi bước chân tiếp theo đều có thể đối mặt với rủi ro kính vỡ, còn ta rơi tọt xuống chôn vùi trong vực sâu.
Cũng như Venice của Thomas Mann quyến dụ trong một bầu không khí vừa đẹp tuyệt trần mà cũng đang suy tàn, nơi người ta muốn chạy trốn quên đi cái chết nhưng cái chết vẫn thong thả lần theo, Sài Gòn trong Nọc bướm cũng chênh vênh trong một bong bóng thực tại bấp bênh, rất nhiều người đến đó để ẩn lánh trong vọng tưởng: một giáo sư triết học người Pháp trích Rimbaud, chơi dương cầm thượng thừa, ấp ủ làm vở kịch, cập bến viễn Đông với hứa hẹn về phúc lợi ngất ngưởng; những đứa trẻ Pháp lếch thếch tới Sài Gòn tìm cha trong cảnh không xu dính túi rồi vướng vào ma túy; những cô giúp việc tìm cơ hội đổi đời; những tay thủ lĩnh thiếu niên hư hỏng ảo tưởng mình là bá chủ học đường; những người đàn ông da trắng tìm kiếm xúc cảm tình dục hương xa. Người ta tìm đến một đô thị bong bóng để cất giấu những ảo ảnh cũng mỏng tang như bong bóng, trong giây lát nào đó họ nếm trải một khắc tự mãn hay vinh quang của cuộc đời, song dường như chưa mảy may đánh hơi được rằng đó chỉ như một hồi quang phản chiếu trước khi tất cả sẽ đi đến hồi kết, ở dòng thời gian sau đó, khi cuốn sách đã khép lại từ lâu. Khi đô thị bong bóng quá tải những bong bóng con, thì bản thân đô thị sẽ vỡ tan ra, đó là kết cục tất yếu, không cách nào tránh khỏi.
Văn chương của Anna Mọi cũng như một bong bóng trong suốt, theo nghĩa nó mang vẻ đẹp mong manh, và vì thế, không dễ để chuyển ngữ, vì bất cứ sự quá tay nào cũng có thể làm cái đẹp tan vỡ. Làm thế nào để tung hứng những bong bóng mà không để chúng chạm vào những thành cạnh sắc nhọn rồi nổ bụp, đó là điều mà chính tôi cũng tự nhận rằng mình chưa thể làm được tốt nhất. Những câu văn trập trùng các so sánh và liên tưởng, tất cả mọi tạo vật thông thường đều có một kết nối tương quan với một hình ảnh có tính tượng hình nào đó – một người đàn ông với một cái cây nắp ấm ăn thịt ruồi; sự bình thản của một phụ nữ với hệ thống thang âm Pythagore; một nhà ngoại giao với vẻ điển trai quý hiếm được so cùng một con voọc ở vườn Quốc gia Cát Bà hay một con vượn tay trắng. Đó dường như là thế giới thứ ba mà Xuân sống, thế giới tâm tưởng như một cơ chế tự vệ của thiếu nữ, bên cạnh thế giới thực tại của ngoại tại nơi có nhà sư tự thiêu và thế giới thực tại của nội tại nơi cơ thể nàng biến đổi từng ngày.
Nọc bướm có một cái kết cụt. Ngay từ đầu, ta không biết nhân vật kể chuyện đang đứng ở đâu để kể lại câu chuyện này. Chắc chắn là từ tương lai nhìn lại. Nhưng tương lai nào? Tương lai khi chiến tranh đã kết thúc? Tương lai khi chiến tranh đã kết thúc rất nhiều năm? Hay tương lai khi chiến tranh bắt đầu vào hồi leo thang? Không một manh mối hay một ngụ ý nào về cuộc đời Xuân và những người bạn sau Hiệp định Paris. Những người bạn của Xuân biến mất vào sân bay. Còn chính nàng và gia đình nàng, biến mất vào những khoảng trắng sau dấu chấm cuối cùng vì một nền hòa bình được thỏa thuận trên giấy tờ. Câu chuyện kết thúc vào đúng lúc đáng ra là sự khởi đầu. Họ trôi tuột vào một mênh mông nào đó, cũng vỡ tan như bong bóng.□
Bài đăng Tia Sáng số 23/2024