Nỗi bận tâm về ngoại hình
Trong bối cảnh các phương tiện truyền thông đại chúng và mạng xã hội tràn ngập những khuôn mẫu về vẻ đẹp lý tưởng, sự bận tâm về ngoại hình không chỉ dấy nên nỗi buồn hay tủi thân thoáng qua mà còn tạo ra những ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe thể chất và tinh thần.
Ảnh hưởng tiêu cực của nỗi bận tâm về ngoại hình đến sức khỏe tinh thần
Sự bận tâm về ngoại hình hoặc ám ảnh ngoại hình là sự để ý và không hài lòng với ngoại hình, gồm hình dáng, cân nặng và nhiều đặc điểm cơ thể khác. Mặc dù việc bận tâm về ngoại hình cũng có tác động tích cực như thúc đẩy hành vi chăm sóc ngoại hình, cải thiện sức khỏe nhưng nó cũng có thể dẫn đến những tình huống tồi tệ.
Một nghiên cứu tổng quan tổng hợp kết quả từ 212 nghiên cứu học thuật đảm bảo chất lượng trong suốt 20 năm từ 2004 được lưu trữ trên PubMed, Scopus, Embase, Science Direct, Sports Discuss, ResearchGate và Web of Science đã khái quát các nhóm ảnh hưởng tiêu cực của nỗi bận tâm về ngoại hình đến sức khỏe tinh thần cá nhân, làm giảm chất lượng cuộc sống (Merino & cs, 2024). Trong đó, nỗi bận tâm về ngoại hình không chỉ làm gia tăng các hành vi và cảm xúc tiêu cực. Cụ thể, những người này có thể ăn kiêng cực đoan, tập thể dục quá mức để theo đuổi vẻ đẹp ngoại hình lý tưởng. Họ cũng có thể trải nghiệm nhiều hơn những cảm xúc buồn chán dai dẳng, hạ thấp lòng tự trọng của mình. Nhiều người có thể né tránh tương tác xã hội để tránh phải đối diện với sự so sánh ngoại hình, từ đó càng cảm thấy cô đơn và càng muốn cô lập mình khỏi xã hội. Ở mức độ nghiêm trọng hơn, những cảm xúc này có thể phát triển thành các rối loạn ăn uống như chán ăn tâm lý hoặc ăn vô độ không kiểm soát nổi, ăn ói (có hành vi móc họng, gây nôn mửa sau khi ăn xong). Đặc biệt, một tỷ lệ nhỏ có thể bị dẫn đến rối loạn mặc cảm ngoại hình (Body Dysmorphic Disorder). Đây là rối loạn về nhận thức bản thân về khía cạnh cơ thể. Người mắc rối loạn này bị ám ảnh về ngoại hình hoàn hảo. Theo đó, họ không hài lòng với khuyết điểm dù rất nhỏ trên cơ thể mình. Tỷ lệ mắc rối loạn này khoảng 0,7-2,4% dân số nói chung, tỷ lệ lớn hơn trong nhóm những người thường xuyên sử dụng các phương pháp can thiệp thẩm mỹ. Trên không gian mạng xã hội, tính ẩn danh và dư luận ảo có thể dẫn đến bắt nạt và chế giễu ngoại hình trên mạng, làm trầm trọng thêm tác động tiêu cực đến hình ảnh cơ thể và sức khỏe tinh thần.
Các phương tiện truyền thông và quảng cáo đã thúc đẩy các tiêu chuẩn sắc đẹp không thực tế, biến cơ thể trở thành đối tượng bị quan sát và buộc phải điều chỉnh để phù hợp với những tiêu chuẩn bên ngoài. Theo đó, con người không còn được nhìn nhận như một tổng thể, mà yếu tố cơ thể bị phân tách riêng và bị đánh giá về sự hấp dẫn. Sự liên tục bị đánh giá về mức độ hấp dẫn khiến cá nhân hổ thẹn và lo lắng vì không thể đáp ứng các tiêu chuẩn về vẻ đẹp thay đổi liên tục qua các trào lưu văn hóa.
Những tác động tiêu cực nói trên dễ xảy ra hơn ở những nhóm: vị thành niên, người trưởng thành trẻ tuổi, người sử dụng mạng xã hội thụ động (lướt mạng xã hội để tiêu khiển, không có mục đích tìm kiếm thông tin hoặc các mục đích rõ ràng khác), người vốn có đánh giá tiêu cực về bản thân. Mặc dù phần lớn các nghiên cứu quan tâm đến những ảnh hưởng dễ tổn thương ở phụ nữ, nhưng ngày càng có các nghiên cứu chỉ ra rằng sự bận tâm về ngoại hình cũng đang gây áp lực lên nam giới.
Cơ chế tâm lý – xã hội của việc bận tâm về ngoại hình
Bản thân ngoại hình vốn đã là một trong những mối bận tâm đáng kể của con người bởi đó được xem như một nguồn vốn của cá nhân (Bourdieu, 2018 theo Rodgers & cs, 2023). Tiếp cận “cơ thể như nguồn vốn” (body capital) phân định vốn cơ thể gồm hai chiều cạnh: ưu thế ngoại hình vốn có và mức độ đầu tư để làm tăng ưu thế cơ thể. Một cơ thể có những đặc điểm gần với tiêu chuẩn sắc đẹp được xã hội công nhận là cơ thể có nhiều vốn cơ thể, giúp họ có nhiều quyền lực và đặc quyền hơn.
Bối cảnh xã hội càng củng cố thêm mối bận tâm này. Các lý thuyết văn hóa xã hội (sociocultural theories) lý giải thêm rằng phương tiện truyền thông hoặc những biểu tượng văn hóa xã hội ảnh hưởng mạnh lên niềm tin của cá nhân về việc cơ thể của mình cần tuân theo những tiêu chuẩn ngoại hình cụ thể, mà những tiêu chuẩn này thậm chí còn siêu thực. Các tiêu chuẩn ngoại hình được xây dựng để phục vụ các mục tiêu kinh tế, vì tính siêu thực, không thể vươn tới sẽ tạo ra lợi nhuận kinh tế lớn khi con người bị hối thúc theo đuổi chúng. Theo đó, các quốc gia giàu hoặc đang trải qua quá trình chuyển đổi văn hóa – kinh tế nhanh chóng là những quốc gia dễ bận tâm về ngoại hình.
Lý thuyết Đối tượng hóa (Objectification Theory) phê phán cách các phương tiện truyền thông và quảng cáo đã thúc đẩy các tiêu chuẩn sắc đẹp không thực tế, biến cơ thể trở thành đối tượng bị quan sát và buộc phải điều chỉnh để phù hợp với những tiêu chuẩn bên ngoài. Theo đó, con người không còn được nhìn nhận như một tổng thể, mà yếu tố cơ thể bị phân tách riêng và bị đánh giá về sự hấp dẫn. Sự liên tục bị đánh giá về mức độ hấp dẫn khiến cá nhân hổ thẹn và lo lắng vì không thể đáp ứng các tiêu chuẩn về vẻ đẹp thay đổi liên tục qua các trào lưu văn hóa.
Ở bình diện tâm lý cá nhân, Lý thuyết So sánh Xã hội (Social Comparision Theory) giải thích cá nhân so sánh bản thân mình với những người vượt trội (so sánh đi lên) và với những người thua kém (so sánh đi xuống) về một số đặc điểm nhất định, trong đó có ngoại hình. Theo đó, với tác động của các biểu tượng sắc đẹp trên truyền thông, cá nhân sẽ so sánh mình với những người được coi là có hình thức hấp dẫn. Hoặc sự so sánh tạo ra động lực để thay đổi, cải thiện ngoại hình tích cực, hoặc sự so sánh mang đến cảm giác thua kém. Nhất là khi những tiêu chuẩn sắc đẹp trên truyền thông được chỉnh sửa đến mức lý tưởng thì việc so sánh có thể bị đẩy đến thái cực là nhận thức sai lệch rằng cơ thể bình thường, tự nhiên của mình là đáng hổ thẹn.
Nhận định về khoảng cách giữa thực tế của bản thân và khát vọng, chuẩn mực lý tưởng có thể tạo ra những căng thẳng tâm lý sâu sắc. Lý thuyết về các tầng Khác biệt Bản thân (Self-Discrepancy Theory) giải thích sự căng thẳng này không chỉ là về tiêu chuẩn thẩm mỹ bên ngoài mà xuất phát từ quá trình giảm lòng tự trọng bên trong. Cá nhân trở nên xấu hổ, phán xét ngoại hình khắc nghiệt và nghiêm trọng hơn, làm sai lệch ý thức về giá trị và năng lực bản thân.
Khuôn mẫu về vẻ đẹp lý tưởng trên truyền thông làm giảm sức khỏe tinh thần như thế nào?
Truyền thông và mạng xã hội cung cấp vô số hình ảnh về vẻ đẹp hoàn hảo, siêu thực của ngoại hình như những chất liệu để thúc đẩy mạnh mẽ sự so sánh xã hội theo hướng đi lên. Cá nhân liên tục so sánh cơ thể thực tế của bản thân với hình ảnh được đầu tư, trang điểm, chỉnh sửa kỹ lưỡng của người khác. Khi liên tục tiếp xúc với những hình ảnh như vậy, ranh giới giữa thực tế và hình ảnh truyền thông trở nên lẫn lộn. Cá nhân có nguy cơ bị đánh mất sự phê phán về các yếu tố như sự chuẩn bị hình ảnh, kỹ thuật chỉnh sửa,… và bắt đầu nội hóa những vẻ đẹp lý tưởng trở thành tiêu chuẩn đánh giá ngoại hình và lối sống của mình.
Bên cạnh đó, không gian mạng xã hội cung cấp thêm những thước đo định lượng như lượt theo dõi, bình luận, lượt thích,… Những số liệu này được cá nhân nhìn nhận như thước đo về sự hấp dẫn, quyền lực và sự chấp thuận xã hội. Những số liệu như vậy tiếp tục được cá nhân xây dựng niềm tin rằng ngoại hình đồng nhất với sự nổi tiếng và quyền lực truyền thông.
Cá nhân bắt đầu thay đổi ngoại hình để phù hợp với các tiêu chuẩn tương ứng với sự nổi tiếng, hấp dẫn và quyền lực truyền thông và đồng thời tìm kiếm sự xác nhận từ cộng đồng, chẳng hạn như đăng tải hình ảnh đẹp, có thể được chỉnh sửa kỹ lưỡng của mình và chờ đợi phản hồi của người khác. Đến lúc này, nếu nhận được những phản hồi tích cực, cá nhân sẽ được củng cố hành vi thay đổi ngoại hình hoặc/và chỉnh sửa kỹ thuật cho hình ảnh đăng mạng xã hội. Động lực này có thể có tác động hai chiều, hoặc thúc đẩy sự chăm sóc ngoại hình lành mạnh, hoặc diễn tiến thành hành vi bất an như ăn uống không khoa học, tập thể dục quá đà, chỉnh sửa hình ảnh thái quá,… Nếu diễn tiến tiêu cực như vậy, hệ quả của việc càng theo đuổi tiêu chuẩn cái đẹp lý tưởng, cá nhân càng không hài lòng về ngoại hình của mình.
Như vậy, nên làm thế nào để những khuôn mẫu về vẻ đẹp và quá trình nội hóa những khuôn mẫu ấy giảm thiểu các tác hại và mang đến động lực tích cực?
Ở cấp độ xã hội, các phong trào ủng hộ sự đa dạng ngoại hình, trân trọng vẻ đẹp không theo các chuẩn mực, khuyến khích lòng tự trắc ẩn, tình yêu bản thân, phá vỡ sự kỳ thị là những công cụ thúc đẩy sự nhận thức lành mạnh về cơ thể và hình ảnh bản thân.
Để nỗi bận tâm về ngoại hình không còn làm giảm sức khỏe tinh thần
Ở cấp độ cá nhân, cần ý thức và phản biện về nội dung truyền thông, bao gồm: Sự can thiệp của việc tạo dựng và chỉnh sửa hình ảnh; Mục tiêu của việc đặt ra vẻ đẹp lý tưởng phi thực tế; Sự thiếu tôn trọng tính đa dạng và bản sắc tổng thể của con người. Bên cạnh đó, việc giảm sử dụng mạng xã hội một cách thụ động (lướt giải trí) và tăng cường các hoạt động tương tác thực tế người – người cũng giúp đa dạng và thực tế hóa sự nhận thức về bản thân.
Với những cá nhân bị tổn thương sâu hơn bởi áp lực ngoại hình, cần làm việc lại để tăng cường lòng tự trọng và phục hồi tâm lý, chẳng hạn như thông qua hỗ trợ tâm lý cá nhân. Nội dung của chương trình hỗ trợ không chỉ gồm giảm bớt sự so sánh ngoại hình tiêu cực, mà sâu hơn, còn là giúp cá nhân nhận ra giá trị bản thân, cũng như giá trị của cơ thể như một nguồn sống, cảm nhận, tận hưởng, chứ không phải là đối tượng để đánh giá hình thức. Nói cách khác, cá nhân được trả về vị trí chủ thể của cơ thể, chứ không còn là đối tượng bị bản thân và người khác đánh giá về cơ thể.
Nhưng nỗ lực từ mỗi cá nhân vẫn còn không đủ. Ở cấp độ xã hội, các phong trào ủng hộ sự đa dạng ngoại hình, trân trọng vẻ đẹp không theo các chuẩn mực, khuyến khích lòng tự trắc ẩn, tình yêu bản thân, phá vỡ sự kỳ thị là những công cụ thúc đẩy sự nhận thức lành mạnh về cơ thể và hình ảnh bản thân. Đây nên là tiếp cận mà các nhà sản xuất chương trình, nền công nghiệp truyền thông quảng cáo cần lưu ý để mang đến các sản phẩm thân thiện hơn với người sử dụng. Đây cũng cần là nội dung mà các chương trình giáo dục cần xây dựng để chuẩn bị tâm lý và nhận thức lành mạnh cho cá nhân ngay từ khi còn nhỏ.□
Tài liệu tham khảo
Merino, M., Tornero-Aguilera, J. F., Rubio-Zarapuz, A., Villanueva-Tobaldo, C. V., Martín-Rodríguez, A., & Clemente-Suárez, V. J. (2024). Body Perceptions and Psychological Well-Being: A Review of the Impact of Social Media and Physical Measurements on Self-Esteem and Mental Health with a Focus on Body Image Satisfaction and Its Relationship with Cultural and Gender Factors. Healthcare (Basel, Switzerland), 12(14), 1396. https://doi.org/10.3390/healthcare12141396
Rodgers, R. F., Laveway, K., Campos, P., & de Carvalho, P. H. B. (2023). Body image as a global mental health concern. Global mental health (Cambridge, England), 10, e9. https://doi.org/10.1017/gmh.2023.2
Bài đăng Tia Sáng số 24/2024