Nơi chốn của nghệ thuật chèo truyền thống

Trong các giá trị nghệ thuật của chèo[1], một điều ít được để ý tới là mối liên hệ giữa nghệ thuật chèo truyền thống với nơi chốn - bối cảnh trình diễn chính của nó, tức là không gian kiến trúc - cảnh quan làng quê Bắc Bộ.

Chiếu chèo sân đình làng So.

Nơi chốn và di sản

Nơi chốn là một khái niệm được hình thành và phát triển trong mối tương tác giữa các ngành khoa học khác nhau: triết học, địa lý, kiến trúc, đô thị, văn hóa, di sản, tâm lý học… 

Nơi chốn trước hết được xác định bởi vị trí địa lý của nó. Do đó, ý nghĩa văn hóa của nơi chốn phải được nhận diện tùy từng vị trí, quy mô, bối cảnh cụ thể. Mỗi làng quê có vị trí, lịch sử, địa hình, cộng đồng cư dân… khác nhau, nên ý nghĩa văn hóa của nó cũng khác nhau. Ở quy mô lớn hơn, cả khu vực Bắc Bộ, cũng là một nơi chốn, có đặc điểm khí hậu, lịch sử, ngôn ngữ, nhân khẩu đặc sắc riêng của mình, trong sự so sánh với các khu vực khác của Việt Nam và thế giới. Trong bài viết này, chúng tôi lựa chọn quy mô nơi chốn là tập hợp của các nơi chốn đơn vị thành phần (làng). Dù mỗi làng quê ở Bắc Bộ là một nơi chốn, nhưng tổng thể chúng lại có những ý nghĩa văn hóa chung của khu vực, điều đã được khẳng định trong nhiều nghiên cứu trước đây như “Làng xã của người An Nam ở Bắc Kỳ” (Paul Ory), “Cơ cấu tổ chức làng Việt cổ truyền ở Bắc Bộ” (Từ Chi), “Làng văn hóa cổ truyền Việt Nam” (Vũ Ngọc Khánh), “Văn hóa cư dân vùng đồng bằng sông Hồng” (Vũ Tự Lập, Đàm Trung Phường), vv.

Nghệ thuật chèo truyền thống được sáng tạo và trình diễn chủ yếu trong không gian làng quê Bắc Bộ, do đó nó cũng mang trong mình những ý nghĩa văn hóa của nơi chốn làng quê Bắc Bộ, bao gồm: 

– Tính ước lệ của hình thức.

– Tính đa lớp của không gian.

– Tính tùy biến trong hoạt động.

– Tính hòa hợp chủ thể với khách thể.

– Tính tự trị trước quyền lực từ trên xuống.

– Tính chất nhóm trong cơ cấu tổ chức. 

Dù không gian biểu diễn chèo không có phông nền cảnh nhưng người xem vẫn có thể nhận thức được không gian và thời gian của từng phân đoạn vở diễn, đó là nhờ tính ước lệ trong việc sử dụng thơ, lời hát, động tác múa của nghệ sĩ. 

Tính ước lệ của hình thức 

Cảnh quan và công trình kiến trúc ở nông thôn nước ta thường được thiết kế theo các “thức” (quy thức, ước lệ). Rìa làng có lũy tre hoặc sông, hào (để bảo vệ cộng đồng), lối vào làng có cây gạo hoặc cổng (để đánh dấu lãnh thổ), không gian trung tâm của làng có cây đa (che nắng, định hướng không gian) liền với bến nước (kết nối giao thông thủy – bộ, giặt đồ) và mái đình (tụ họp, vui chơi, thực hành tín ngưỡng). Đường ngõ có hàng rào quanh co bằng trúc hoặc dâm bụt. Cây trong vườn nhà thì “trước cau sau chuối” (trước nhà cần thoáng, đón gió mát nên trồng cau, sau nhà chắn gió lạnh nên trồng chuối) và các loại cây mang tính ước lệ và biểu tượng như: sen, nhài, mai (khí chất thanh tao), mẫu đơn, quế (hiếu thảo), lộc vừng, lựu (tiền tài, ấm no), vv. 

Kết cấu của ngôi nhà gỗ truyền thống Bắc Bộ bao gồm các nhóm bộ phận chính: cột, xà, vì, mái; phải tuân thủ theo một số nguyên tắc được lưu truyền qua các thế hệ nghệ nhân như: thượng thu, hạ thách (độ nghiêng vào trong của hệ kết cấu), đầu cán cân, chân quân cờ (hình thái của cột), réo (tạo độ cong của mái), vv.

Tính ước lệ không chỉ phản ánh trong kiến trúc mà còn xuất hiện phổ biến trong văn chương, âm nhạc, và tất nhiên có cả ở trong nghệ thuật chèo. Dù không gian biểu diễn chèo không có phông nền cảnh nhưng người xem vẫn có thể nhận thức được không gian và thời gian của từng phân đoạn vở diễn, đó là nhờ tính ước lệ trong việc sử dụng thơ, lời hát, động tác múa của nghệ sĩ. 

Cảnh quan đình Tây Đằng. Nguồn: Wikimedia Commons

Ví dụ, khi Thiện Sĩ đi một vòng quanh chiếu chèo rồi nói: “Đây đã tới ngõ mận vườn đào, trông chẳng khác bức tranh đồ thủy mặc” thì người xem biết là Thiện Sĩ đã đến nhà Mãng ông và xung quanh ngôi nhà này có trồng mận, trồng đào. Hoặc khi nhân vật bước chân lên như đi qua một chướng ngại vật nào đó, người xem có thể hiểu là đang bước qua ngưỡng cửa; nhân vật làm động tác như bơi thì đó là sự ước lệ cho việc đang bơi trên sông (Trần Đình Ngôn, 2010). 

Tính đa lớp của không gian

Trong kiến trúc truyền thống vùng Bắc Bộ, người ta thường sử dụng các thủ pháp để làm mờ ranh giới giữa bên trong và bên ngoài công trình, tạo ra các lớp không gian đệm trước khi đi vào các chức năng chính. Trước cổng đền chùa thường có tam quan, nghi môn, nhiều khi không có cánh cổng khóa, cốt để đánh dấu sự chuyển dịch không gian trong/ngoài, tránh tiếp cận đến phần chính của công trình ngay lập tức. 

Nội thất ngôi nhà cũng được thiết kế nhiều lớp không gian. Đầu tiên là giại, bộ phận vừa che nắng, vừa tạo ra một không gian đệm nửa đóng, nửa mở ở hiên. Tiếp đến ngưỡng, cấu kiện có nhiệm vụ giằng các cột nhưng đồng thời yêu cầu con người phải chậm lại, thận trọng nhấc chân khi bước vào gian nhà, không thể cứ hồn nhiên tót qua cửa thì rất dễ vấp ngã. Sau đó còn có các bộ phận khác cũng có tác dụng phân chia không gian như bình phong, ngưỡng buồng, thuận. Nói chung, sự thay đổi không gian trong kiến trúc truyền thống luôn có dấu hiệu nhận biết, dù rất nhẹ nhàng, đủ để nhắc nhở con người cần ứng xử một cách khéo léo, nói xa hiểu gần, giữ mình giữ người.  

Một điểm thú vị trong cấu trúc vở chèo là giữa các sự kiện tình tiết chính, người nghệ sĩ có thể thêm vào những mảnh trò “ngoài tích”, thường là hài hước với nhân vật trung tâm là Hề.

Cũng như vậy, trong giao tiếp, người dân vùng Bắc Bộ thường nói chuyện có lớp lang, trước hết là thăm hỏi “miếng trầu là đầu câu chuyện”; sau đó thì “vòng vo tam quốc”, “rào trước đón sau”, chứ ít khi thẳng thắn trực tiếp vào vấn đề; lại còn phải đắn đo cân nhắc kỹ càng cho mỗi lời nói của mình: “ăn có nhai, nói có nghĩ”, “lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, “chó ba quanh mới nằm, người ba lăm mới nói”, “biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe”. 

Tính đa lớp cũng nhận ra trong cấu trúc không – thời gian của chèo. Đêm diễn chèo bắt đầu bằng một hồi trống cái, tiếp đến sự hưởng ứng nồng nhiệt của tiếng trống đế, trống ban, trống cơm, thanh la, mõ, sinh tiền… do các nhạc công và diễn viên ngồi vây quanh chiếc chiếu trải rộng trước sân đình. Tiếng reo hò nổi lên. Hai anh hề cầm mồi lửa tiến ra múa dẹp đám. Người giáo trò bước ra dẫn tích bằng hát múa, dàn nhạc, dàn đế phụ họa theo (Đức Hạnh, 1994). Sau đó rồi mới đến các phân cảnh của vở diễn. 

Tính tùy biến trong hoạt động

Thành ngữ Việt Nam có nhiều câu nói thể hiện tính linh hoạt, tùy biến như: “mềm nắn rắn buông”, “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, “đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”, “khôn chết, dại chết, biết sống”. 

Bắt đầu vở diễn chèo là có hai anh hề múa dẫn trò.

Đình, công trình kiến trúc đặc trưng của vùng Bắc Bộ, có tính tùy biến. Đình giống như một công trình đa chức năng và linh hoạt, nơi diễn ra các hoạt động cộng đồng mà người sử dụng có được những sắc thái cảm xúc khác nhau: khi tế lễ thấy thiêng liêng, khi hội họp thấy nghiêm trang, khi ca múa thấy vui vẻ. 

Kiến trúc nhà gỗ truyền thống có khả năng thay đổi chức năng, địa điểm, quy mô. Một ngôi nhà ở có thể tháo ra, mang đến nơi khác dựng lại nguyên trạng (hoặc mở rộng thêm) để làm đình, chùa. Tuổi của ngôi nhà được tính từ lần dựng đầu tiên với ngày cất nóc thường được khắc lên thượng lương. Sau này, dù có di chuyển tới địa điểm khác để dựng lại thì người chủ mới sẽ khắc ngày cất nóc mới lên thanh thượng lương khác hoặc câu đầu, và nếu có thể thì vẫn giữ thượng lương có khắc ngày dựng cũ. Tinh thần của ngôi nhà không cố định vào một địa điểm, nó có thể thay đổi ở các nơi khác nhau để tạo nên một “tinh thần nơi chốn tùy biến”. Đây là điểm khác biệt căn bản giữa kiến trúc gỗ truyền thống Việt Nam với kiến trúc gạch, đá, thép, bê tông, phổ biến ở phương Tây và gần như toàn thế giới ngày nay, luôn gắn liền với địa điểm cụ thể. 

Nghệ thuật chèo truyền thống vốn được lưu giữ và phổ biến bằng truyền miệng. Mà đặc trưng của ngôn ngữ nói là “tam sao thất bản”. Vậy nên, cùng một tích trò, vở diễn, các nghệ sĩ có thể diễn lời không giống nhau. Sự “dị bản” sẽ rõ hơn giữa các phường chèo, chiếng chèo. Nói chung, lời do nghệ nhân, diễn cũng do nghệ nhân: diễn đến đâu bịa lời đến đó (Hà Văn Cầu, 2005). 

Một điểm thú vị trong cấu trúc vở chèo là giữa các sự kiện tình tiết chính, người nghệ sĩ có thể thêm vào những mảnh trò “ngoài tích”, thường là hài hước với nhân vật trung tâm là Hề. Cấu trúc của vở diễn có sự đan xen tùy biến của một yếu tố “khách thể” do sự ngẫu hứng của gánh chèo và nghệ nhân. 

Tính hòa hợp chủ thể với khách thể

Những ngôi chùa ở Bắc Bộ thường ẩn mình trong những tán cây trong làng, còn những ngôi làng thì thấp thoáng sau những lũy tre. Công trình kiến trúc được dựng lên không phải để khẳng định những “cái tôi” rành rọt, mà để thêm vào tự nhiên, để hòa nhịp với khung cảnh “khách thể” xung quanh. Nếu như có một công trình ở vị trí dễ thu hút mắt nhìn thì nó cũng được thiết kế với một tầm thước (tỷ lệ) vừa phải với con người và có những đường nét duyên dáng, ý nhị, hòa mình vào thiên nhiên, cây xanh và mặt nước. 

Trong nghệ thuật chèo truyền thống, sự phân định chức năng giữa nghệ sĩ và khán giả không cứng nhắc, không phải tác động một chiều từ người diễn cho người xem. Nó có sự đối thoại, tung hứng qua lại, khiến cho chủ thể vở diễn hòa đồng với khách thể. Nhiều khi, khán giả còn giúp nghệ nhân thể hiện tốt hơn vai mình đóng (qua tiếng đế, tiếng trống khẩu, tiếng trống chầu). Khán giả và nghệ nhân cùng kể chuyện qua những lời xưng danh, tiếng đế hỏi, đế hứng, tung hô gây cười hoặc châm biếm (Hà Thị Hoa, 2014). 

Chèo sinh ra từ cộng đồng và sống với cộng đồng. Với tính cộng đồng, chèo không chấp nhận cách hiểu một chiều theo ý kiến chủ quan của người sáng tác. Chèo là sự bình luận qua lại, sự đánh giá của công chúng, không phải sau mà ngay cả trong khi xem (Hà Thị Hoa, 2014). Đây là một trong những giá trị cốt lõi của di sản chèo, điều mà sân khấu chuyên nghiệp không thể nào có được. 

Tính tự trị trước quyền lực từ trên xuống

Làng là đơn vị cư trú và tổ chức xã hội cơ bản của nông thôn Việt Nam, trong đó có vùng Bắc Bộ. Thời phong kiến, làng có tính tự trị và độc lập cao. Vậy nên mới có các câu “hương đảng, tiểu triều đình”, “phép vua thua lệ làng”. Người đứng đầu làng về mặt hành chính là xã trưởng (từ thời Minh Mạng đổi thành lý trưởng) do dân làng tuyển cử, triều đình chỉ kiểm soát từ cấp huyện trở lên. Nhiệm vụ của xã trưởng là thi hành những nghị quyết của hội đồng kỳ dịch và đại diện cho làng để trao đổi với các quan triều đình khi nhà nước thu thuế, mộ lính, hay bắt dân làm tạp dịch. 

Thời Lê Thánh Tông, do ảnh hưởng của đạo Khổng, vua cấm biểu diễn chèo ở chốn cung đình. Từ đó, chèo trở về với làng quê, được nuôi dưỡng bởi đời sống nông thôn. Sống trong sự bao bọc của lũy tre, của sân đình, bến nước, chèo góp phần củng cố văn hóa tự trị của làng bằng lời thơ tiếng hát mang tính phản kháng, châm biếm hệ thống công quyền và những bất công đối với thân phận người nông dân, đặc biệt là phụ nữ. 

Phản ánh hiện thực và phê phán những bất công của xã hội là nội dung chủ yếu trong nhiều vở chèo. Để phê phán xã hội và giai cấp thống trị, các nhà soạn chèo xưa thường dùng tiếng cười của nhân vật Hề. Hề là nhân vật bên lề của vở chèo, lại phê phán bằng sự vui vẻ nên hệ thống quyền lực phía trên khó có thể bắt bẻ được. Đó có thể coi là thủ thuật “lách kiểm duyệt” rất thông minh của các nghệ nhân dân gian, điều chúng ta cũng bắt gặp ở nhiều nền văn hóa khác trên thế giới. 

Chẳng hạn, khi quan phụ mẫu nói: “Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa”, anh Hề giả ngây ngô nói chệch thành: “Quan đồn lột da, quan phủ lột da”, và anh cẩn thận gọi loa cho mọi người biết mà đề phòng: “Quan đã ra, ai có gà thì nhốt” (Hà Văn Cầu, 2005).

Tính chất nhóm trong cơ cấu tổ chức

Cơ cấu tổ chức làng ở Bắc Bộ được tập hợp theo các nhóm khác nhau: họ (mối liên hệ huyết thống), ngõ (mối liên hệ về vị trí địa lý), giáp (mối liên hệ về giới, cha truyền cho con trai), phường, hội (mối liên hệ công việc, nghề nghiệp), vv. Hoạt động chèo cũng được tổ chức theo nhóm, nhỏ thì gọi là gánh chèo, lớn hơn có phường chèo, lớn hơn nữa là chiếng chèo (có bốn chiếng chèo, tương ứng với tứ trấn quanh Thăng Long: Đông, Đoài, Bắc, Nam). 

Gánh chèo bao gồm một số nghệ sĩ là diễn viên và nhạc công, có người đứng đầu, có quy ước với nhau về các việc tập luyện tích diễn, lưu diễn và hưởng thù lao. Đồ nghề ít ỏi được xếp vào một số thùng gỗ để khiêng, gánh từ làng nọ đến làng kia. 

Các gánh chèo phát triển mở rộng ở quy mô lớn hơn tới khoảng 15-20 người có thể diễn nhiều tích trò, lại được tổ chức theo lối phường hội, được gọi là phường chèo, hội chèo (Trần Đình Ngôn, 2014).  Tên của phường chèo gắn với tên của người sáng lập (ông Trùm, bà Trùm) hoặc tên làng. Ví dụ:

Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ,

Mẹ bảo thôn Đoài hát tối nay.

 (Mưa xuân – Nguyễn Bính)

Sự biến đổi của không gian trình diễn chèo

Như vậy, ý nghĩa văn hóa của nơi chốn giúp chúng ta nhận ra những giá trị chung của các biểu hiện văn hóa khác nhau, các loại hình di sản khác nhau khi chúng cùng “sống” trong một không gian. Đối với không gian/ nơi chốn làng quê Bắc Bộ, các ý nghĩa văn hóa của nó cho thấy nghệ thuật chèo truyền thống có mối liên hệ hữu cơ với không gian vật lý, không gian xã hội, không gian tinh thần mà nó trình diễn trong đó, đã được trình bày ở trên. 

Khi chèo được đưa vào sân khấu hộp ở các đô thị, nghệ thuật chèo cũng biến đổi theo. Mối liên hệ hữu cơ giữa nghệ thuật chèo và bối cảnh không gian trình diễn của nó đã được nhiều nhà nghiên cứu xác nhận. 

Ngày nay, quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa đã làm cho những làng quê Bắc Bộ đang dần dần thay đổi về cả hình thái lẫn hoạt động chức năng. Không gian vật lý, không gian xã hội không còn giống như trước đây nữa. Những ngôi nhà ở nông thôn “học theo” lối thiết kế ở thành phố. Ao, hồ, lũy tre cũng đang mất dần. Người nông dân đang chuyển dịch sang thành công nhân và người cung cấp dịch vụ. Ý nghĩa văn hóa của nơi chốn làng quê Bắc Bộ đang biến đổi. Hoàn cảnh đó làm cho không gian trình diễn của di sản chèo cũng không còn tính nguyên gốc nữa. Thời thế thay đổi là chuyện bình thường của lịch sử. Có lẽ, chính bản thân cộng đồng sẽ lựa chọn những giá trị nào là cốt lõi và phải gìn giữ thật tốt, giá trị nào có thể thay đổi để phù hợp với hoàn cảnh mới, để làm sao chèo vẫn tiếp tục “sống” trong cộng đồng. □ 

——

1 Nghệ thuật Chèo đang được làm hồ sơ trình UNESCO để công nhận là di sản.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Từ Chi, Cơ cấu tổ chức làng Việt cổ truyền ở Bắc Bộ, NXB Văn hóa dân tộc, 2003

2. Hà Văn Cầu, Lịch sử nghệ thuật chèo, NXB Sân khấu, 2005

3. Hà Thị Hoa, Câu chuyện chèo cổ dưới góc nhìn văn hóa. Tạp chí Nghệ thuật số 363, tháng 9/2014

4. Đặng Thái Hoàng, Dẫn luận về Bảo tồn di sản kiến trúc và đô thị, NXB Mỹ thuật, 2017. 

5. Trần Đình Ngôn, Nghệ thuật biểu diễn chèo truyền thống, NXB Sân khấu, 2010

6. C. Norberg-Schulz, Genius loci, towards a phenomenlogy of architecture, Rizzoli, 1980.

7. The Burra Charter, 1979. 

Bài đăng Tia Sáng số 2+3(số Tết)/2024

Tác giả

(Visited 123 times, 2 visits today)