Nơi hội tụ và tỏa sáng của các thiên tài
Một trong những hình ảnh về academy (hàn lâm) biểu hiện tre già măng mọc, trò vượt thầy, mà mỗi lần nhìn thấy, tôi như ngây như si..., đó là một bức tranh của Raffaello Santi (1483-1520), sự hội tụ của nhiều thiên tài về trí tuệ, hội họa, cũng như kiến trúc...
… Mới 25 tuổi, nhưng Raphael lừng lẫy đến nỗi Giáo hoàng Julius II (1463-1513) phải mời chàng đến Roma để trang trí những bức tường của cung điện Vatican. Việc trang hoàng nơi ngai vàng của giáo hội đầy quyền lực này, đòi hỏi người nghệ sĩ ngoài tài năng về hội họa, còn phải thấu hiểu về triết học từ cổ đại đến đương thời và phải tinh thông về cả kiến trúc không gian… nhằm phối cảnh và bố trí cho hài hòa, thuận mắt… Và tại đây, vào năm 1510-1511, bức bích họa “Trường Athènes” bất hủ đã ra đời…
Anh hoa đã phát tiết ra ngoài, một đời tài hoa đành bạc mệnh nghìn thu lúc Raphael chỉ mới ở tuổi 37, khi tài năng đang rộ nở; “triều đình của giáo hoàng chìm ngập trong đau buồn!”. Raphael chợt đến, chợt đi, như ngôi sao băng với sứ mệnh “trả món nợ non sông trước tiên”, để lại những đứa con tinh thần cho “mặc đời sau thiên hạ luận bình”…
Trung tâm của bức tranh “Trường Athènes” là hai thầy trò Platon (427-347 trước CN) và Aristote (385-322 trước CN), cũng là hai nhà triết học vĩ đại nhất của Hy Lạp cổ đại, cùng sánh bước bên nhau; cử chỉ của họ biểu hiện đang tranh luận rất căng thẳng, và hai bên đều có môn đồ của mình kích động, ủng hộ. Platon tuy đã già nua, đầu hói, nhưng khoác áo đỏ, biểu hiện sự nóng nảy, bảo thủ, đưa tay bốc lửa chỉ lên trời là cốt lõi trọng tâm của tư tưởng duy tâm do ông chủ xướng, như muốn nói “- Bản chất của thế giới là ở trên thiên đường, cuộc sống chúng ta chỉ là cái bóng của thiên đường ấy!”. Aristote tuy còn rất trẻ, râu tóc xanh rì, nhưng khoác áo xanh, biểu hiện sự đầm tỉnh, thực tế hơn, đưa tay ngang mặt đất, tự tin: “- Thưa thầy, thế giới là ở địa đàng này, con người có quyền tìm hiểu và tận hưởng nó!”.
Về nghệ thuật hội họa, công trình kiến trúc trong bức tranh được biểu hiện từ một điểm nhìn trung tâm, và chỉ có một điểm tụ; nhưng vì mắt của con người là một khối cầu nên mỗi bình diện được nhìn riêng, thẳng với mắt của họa sĩ. Bức tranh bằng sơn dầu có kích thước 579cm x 824cm, vẽ đầy nguyên cả một bức tường, xét theo vẻ đẹp cổ điển thì ngày nay hoàn toàn không có đối thủ!
Không gian phối cảnh trong tranh được vẽ như kiến trúc thật của điện Vatican, với những mái vòm cao rộng, sự phối màu và người trong tranh cũng bằng như người thật, làm người xem tưởng chừng như đây là kiến trúc thật của điện có chiều rất sâu, nhưng thật ra chỉ là một bức tranh. Mới nhìn, cảm tưởng những nhân vật trong tranh rất rời rạc, nhưng nếu chỉ cần lấy ra một người thì bố cục bức tranh sẽ bị vỡ ngay, bởi tổng thể bức tranh rất chặt chẽ, chỉ trong một hình cung lớn nhưng gọn gàng và nhất thống… Gam màu của tranh hài hòa, tràn ngập trong ánh sáng huy hoàng, tương xứng với sự xuất hiện của các triết gia vĩ đại, tạo sự thu hút, ưa nhìn… Chính vì tranh có không gian kiến trúc sâu – cao – rộng, nên dễ dẫn người xem chìm đắm trong tầm nhìn xa, kích thích hoạt động trí tuệ, dễ nảy sinh những tư tưởng lớn…
Pythagore ở góc dưới bên trái |
Platon là người Athènes, môn đồ của Socrate (469-399 trước CN), là nhà triết học thực thụ, đã sáng lập ra “academy”, tức nơi giảng dạy triết học ở khu vườn Académos với những tư tưởng rất phong phú, phức tạp và rất khó khai thác…
Aristote là học trò của Platon. Sự thật của lịch sử là sau hơn 20 năm học thầy, nắm hết các tinh túy của Platon, Aristote nhận thấy lý luận của thầy không phù hợp thực tế nên đã lập ra một trường dạy học riêng của mình cũng ở Athènes, đối diện với trường của Platon. Aristote đã đóng vai trò rất lớn trong cấu trúc ý thức ở phương Tây, ông đặt lên hàng đầu về khát vọng hiểu biết, nhấn mạnh tầm quan trọng của quan sát thực nghiệm, sự tìm kiếm hạnh phúc và hành động; đồng thời khởi xướng siêu hình học…
Lấy cuộc tranh luận giữa hai thầy trò làm chủ đề bức tranh, Raphael mượn xưa nói nay, muốn nhấn mạnh những tư tưởng và nghệ thuật Trung Cổ đã lỗi thời, cần phải được thay thế bằng những quan điểm Phục Hưng mới mẻ là “tiếng ca bắt nguồn từ đất khô…”.
Ngoài hai nhân vật chính là Platon và Aristote, trong tranh còn hội tụ và tỏa sáng rất nhiều gương mặt khoa học Hy Lạp cổ đại mà “mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười”, với cấu trúc giải phẫu hoàn hảo và hài hòa đến mẫu mực, dáng vẻ cũng như tư thế rất sinh động, phong phú, không ai giống ai… Chẳng hạn như ở góc dưới bên trái bức tranh, ta thấy Nhà Toán học Pythagore đang giảng giải các định lý về hệ thống tỷ lệ của mình. Góc dưới bên phải, nhà thiên văn học Ptolémé cầm mô hình trái đất và bầu tinh tú đang diễn giải thuyết địa tâm, trái đất là trung tâm vũ trụ! Bên trái của bức tranh, một người trần truồng vội vã lao vào hội trường như muốn hét lên “-Tìm thấy rồi! Tìm thấy rồi!”, đó chính là Nhà khoa học vĩ đại nhất của thế giới cổ đại, Archimède với câu nói bất hủ “-Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nhấc bổng cả trái đất!”, trong lúc tắm đã vô tình phát hiện định luật về Thủy tĩnh học. Gần bên trái Platon, triết gia Socrate đang tham gia tranh luận cùng một đám thanh niên; luôn tự cho mình chẳng biết gì cả (!) Socrate hay đề xướng những ý tưởng rồi kích thích người ta tranh cãi, nhờ đó ông luôn được hiểu biết nhiều hơn những người không biết sự ngu dốt của mình… Và Raphael đã vẽ thêm, mà tôi nghĩ là quá hạnh phúc cho các nhà khoa học(!), vì còn có rất nhiều phụ nữ đến chia sẻ niềm say mê với các nhà khoa học! Phải chăng Raphael đã đồng cảm rằng tài tử cũng cần có sự cổ vũ của giai nhân bởi “Đằng sau sự thành công rực rỡ của những thiên tài, thường phảng phất bóng dáng người phụ nữ…”?!
Nhưng điều thú vị là ở chổ “những tư tưởng lớn thường gặp nhau!”: Bức tranh đã hội tụ các thiên tài Hy Lạp cổ, làm họ trở nên bất tử, thì những người làm mẫu để Raphael vẽ hình những nhân vật siêu phàm ấy, cũng chính là sự hội tụ của những thiên tài đương thời Phục Hưng, là bạn và đồng nghiệp của Raphael (1483-1520)…
Nàng Francesco Miria hay Hypatia thành Alexandria (?) |
Như hình ảnh của Platon, ta thấy chính là chân dung danh họa đương thời Leonardo Da Vinci (1452-1520). Chàng trai trẻ đang ngồi viết trên cái bàn ở giữa dưới bức tranh, chính là nhà điêu khắc vô cùng nổi tiếng: Michelangelo (1475-1564), sự tách biệt cùng dáng vẻ suy tư của chàng cho thấy sự cô độc của những thiên tài, thường ít có tri kỷ. Sau lưng Michelangelo, ta thấy một phụ nữ tinh trắng thanh khiết, được vẽ nghiêng, nhưng phảng phất bóng dáng “người tình” của Leonardo Da Vinci, đó chính là nàng Mona Lisa, hoa hậu đương thời trong bức tranh La Joconde với nụ cười bí hiểm nổi tiếng… Và điều đặc biệt đáng ngạc nhiên cũng như vô cùng thú vị hơn, là bên phải Nhà Thiên văn học Ptolémé, ta thấy một chàng trai trẻ đội mũ bê-rê đang nghe diễn thuyết, đó chính là chân dung tự họa của Raphael, một thanh niên tuy nổi danh hạng nhất nhưng lại vô cùng khiêm tốn và rất ham học hỏi! Lấy mình làm mẫu cho một chàng trai rất bơ sữa đang đứng ở góc bìa bức tranh lắng nghe, há không phải Raphael muốn nhắc nhở: “- Còn trẻ, bạn phải học nhiều. Phải năng thu nhận, phải yêu nghe nhìn!”?
Nói mãi không hết… Trong tranh có nhiều tuyến, nhiều nhóm nhân vật, có vẻ tĩnh lặng, nhưng qua các vẻ dáng cho thấy sự ngấm ngầm xung đột của các trào lưu tư tưởng đương thời, như muốn bức phá những mâu thuẫn khoa học đã hàng ngàn năm vẫn chưa có lời giải đáp(!), bởi… Đằng sau và trên đỉnh đầu của Platon cũng như Aristote là trời xanh bao la, im lặng nhưng phóng khoáng và siêu thoát…
Nàng Mona Lisa xuất hiện rất lẻ loi, rời rạc… đến nghe triết học, nhưng giữa hai trường phái, nàng không biết cổ vũ ai(?); tuy nàng đứng nửa bên Platon, nhưng mắt nàng nhìn vào chúng ta… Cũng như chân dung của Raphael, tuy đứng về nửa bên Aristote, nhưng chàng không nhìn vào nhà khoa học đang diễn thuyết, mà lại nhìn vào chúng ta… Cả hai, Mona Lisa cũng như Raphael, một nam một nữ, đều chờ sự phán xét của chúng ta, tạo sự cân bằng giữa hai triết thuyết: duy vật hay duy tâm(?), chỉ phụ thuộc vào tư tưởng của người xem tranh…
***
Académos vốn là một danh từ riêng, tên của khu vườn nơi Platon sáng lập viện giảng dạy triết học, và cũng nơi đó có trường Athènes của Aristote; chính vì điển tích này mà ngày nay chữ “academy” đã trở thành danh từ chung với nghĩa rộng là “viện hàn lâm khoa học”, nơi hội tụ và tỏa sáng của những tài năng…