Nói thầm

Mỹ cảm hội họa của Chu Hồng Tiến chính là loại hội họa không vẽ.

Chu Hồng Tiến, một ca lạ, kiểu vẽ của anh là vẽ mà không. Có lẽ không phải vẽ? Từ mắt nhìn, trái tim cảm đến bàn tay, cây bút, màu là một, liền mạch. Ánh mắt ấy, chớp mắt ấy là tranh. Nghệ thuật của Chu Hồng Tiến là trực họa, trực giác, không có chỗ cho phân tích, lý tính. Những bông hoa, những cảnh, những người của Tiến và anh là một. Không phải kiểu tôi tư duy là tôi tồn tại, tôi là Tiến, tôi đang ngắm và vẽ hoa ư? không cần vậy. Là một mà. Hội họa của Chu Hồng Tiến chính là đốn ngộ. 

Thao tác tư duy – vẽ của Tiến là ngắm nhìn, ngẫm nghĩ, ngâm nga về đối tượng, thật chậm, rả rích để cô đọng, chắt lọc khuôn mặt ấy, buổi chiều ấy, “phố đồng thảo” ấy, cánh đồng ấy lại thành vài ba mét, mảng, vài ba màu. Khi đối tượng ấy thành tín hiệu thì Tiến sẽ nhắm mắt lại “vẽ” đột ngột trong vài phút, trong chớp mắt. Thật chậm để rồi ập đến thật nhanh, thật ngắn như một tất yếu của tia chớp – cảm xúc. 

Mỹ cảm hội họa của Chu Hồng Tiến chính là loại hội họa không vẽ. Như thơ, thơ kiểu làm thơ dù sao vẫn dễ, nhiều. Thơ – không làm mới khó và quá hiếm, thơ ấy”không thể nghĩ bàn”.


Hội họa của Chu Hồng Tiến không phải loại tối giản, nhưng vẫn hàm súc, nên hội họa của Tiến có thi ca trong nó. Thơ và họa của anh đều tự do nên nó bỏ qua chuyện sai đúng, đúng hình, đúng màu, đúng xa gần. Nó nghiêng về phía vô lý “mẹ phơi áo và mẹ phơi nắng”, ví dụ thế.  Tiến ưa thích khổ tranh nhỏ, nhỏ để luôn đầy cảm xúc không bị vơi như kiểu vẽ khổ to. Tranh nhỏ như một câu thoại hoặc là độc thoại, thầm thì, thủ thỉ. Tạng của Chu Hồng Tiến là vậy. Những bài thơ ngắn, lấp lửng, những bức tranh nhỏ, nó không cất tiếng nhưng có tiếng vọng…□

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)