Nữ hoàng trong dàn nhạc giao hưởng
Ngay lần đầu tiên tới một buổi hòa nhạc cổ điển, ai cũng nhận ra là các nghệ sĩ violin chiếm số lượng lớn trong một dàn nhạc giao hưởng. Tại sao vậy? Đây thuần túy là do ‘lịch sử để lại” hay vì một nguyên nhân nào khác?
Ngồi ở vị trí mặt tiền sân khấu, các nghệ sĩ violin thường gây ấn tượng cho người nghe bởi những âm thanh tròn trịa, dày dặn mà họ trình diễn. Trong một dàn nhạc giao hưởng tiêu chuẩn, nhóm đàn dây thường có 10 nghệ sĩ ở bè violin một, 10 nghệ sĩ bè violin hai, 10 nghệ sĩ viola, tám cello và sáu contrebasse. Cả thảy có khoảng 44 người, chiếm một nửa quân số một dàn nhạc và điều đó cho chúng ta thấy, violin là cánh quân thực sự đông đảo. Trên thực tế, vai trò của họ còn quan trọng hơn thế.
Nếu hỏi bất kỳ nghệ sĩ violin nào về việc tại sao trong các dàn nhạc, violin luôn là nhạc cụ chiếm ưu thế, người ta thường nhận được câu trả lời ngay tắp lự “rõ ràng là bởi vì chúng tôi luôn là những người xuất sắc nhất”.
Câu trả lời đúng hóa ra khá phức tạp và kết hợp rất nhiều nguyên nhân, cả về sự đặc trưng của cây đàn lẫn sự thật lịch sử.
Lịch sử luôn ưu ái violin
Có lẽ nào như vậy? Lịch sử đã quá thiên vị một nhạc cụ như violin thay vì đối xử một cách công bằng với các loại nhạc cụ trong một dàn nhạc giao hưởng chăng. Hãy khoan đưa ra ngay một lời nhận xét bởi về khởi thủy hình thành ở thời kỳ Baroque, một dàn nhạc không như dàn nhạc hiện đại như chúng ta vẫn thấy. Sự ra đời của một dàn nhạc ở thời kỳ này rất đặc biệt bởi đó là thời điểm bùng nổ các phong cách nghệ thuật mới ở châu Âu khi mới chia tay các phong cách thời Phục hưng và con người chuyển đổi một cách nhanh chóng tư duy, lối sống hướng về khoa học, lý luận, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa nhân văn… Sự kiểm soát của nhà thờ đã được nới lỏng, cho phép các hoạt động phi tôn giáo, trong đó có cả âm nhạc, được tự do biểu hiện và thoát khỏi sự đơn giản, gò ép trong quá khứ.
Trong thời kỳ này, những phiên bản đầu tiên của dàn nhạc hiện đại đã hình thành, bao gồm các nhóm nhạc cụ tiêu chuẩn. Tuy quy mô của các dàn nhạc thường phụ thuộc vào việc họ có đủ kinh phí tuyển nghệ sĩ không, ví dụ ở Đức, nhà soạn nhạc Johann Sebastian Bach đã sáng tác cho dàn nhạc chỉ gồm 18 nhạc công nhưng ở Palazzo Pamphili, Rome, nhà soạn nhạc kiêm nghệ sĩ violin Arcangelo Corelli đã chỉ huy dàn nhạc từ 50 đến 80 nhạc công, và buổi hòa nhạc mừng lễ đăng quang của Giáo hoàng Innocent XII của ông cần dàn nhạc gồm 150 nhạc công đàn dây.
Về tổng thể, các dàn nhạc Baroque có xu hướng nhỏ hơn và cũng tập trung nhiều hơn vào các nhạc cụ dây. Đây cũng là thời kỳ của các nghệ nhân nổi tiếng như Amati, Rugeri và âm thanh của đàn violin cũng trở nên đẹp đẽ hơn và phong phú hơn, cơ sở để cho nó lấn át về số lượng trong các dàn nhạc. Trên thực tế, vào trước những năm 1700, bè trưởng bè violin một thường đảm trách vai trò dẫn dắt cả dàn nhạc, thay vì một nhạc trưởng như ngày nay.
Vào giữa thế kỷ 18, châu Âu đón nhận một giai đoạn mới với những thay đổi về nghệ thuật, bao gồm kiến trúc, hội họa, điêu khắc, văn học và dĩ nhiên cả âm nhạc. Âm nhạc chịu ảnh hưởng của những đổi mới về khoa học và triết học, ví dụ việc Isaac Newton cách mạng hóa khoa học thông qua các khám phá về thế giới vật lý đã thúc đẩy sự tư duy theo quy tắc trật tự rõ ràng và dựa trên nguyên nhân được suy nghĩ thấu đáo. Âm nhạc đã theo sát điều đó, các nhà soạn nhạc thường viết các giai điệu có cấu trúc đều đặn giống như hai câu trình bày, một câu hỏi và một câu trả lời, thể hiện sự ảnh hưởng của các tiên đề vẫn thường được sử dụng trong các công trình của Newton.
Thế hệ những nghệ nhân làm đàn vĩ đại trong lịch sử violin như Stradivari và Guarneri xuất hiện, tạo ra những cây đàn tuyệt tác và góp phần làm thay đổi nghệ thuật chơi. Violin trở nên có âm thanh tinh tế hơn, các kỹ thuật trình tấu mới được phát triển như vibrato (rung láy), bấm nốt kép… Dàn nhạc thời kỳ Cổ điển cũng thay đổi. Nhóm đàn dây ở các dàn nhạc tuy có khác nhau nhưng số lượng violin tối thiểu luôn là 12 trong khi tối đa là 28. Việc các nhà soạn nhạc như Mozart, Haydn, và Beethoven viết nhiều tác phẩm violin không chỉ khai thác các kỹ thuật chơi, các âm sắc của cây đàn mà còn làm nó ngày càng trở nên quan trọng trong một dàn nhạc.
Vào thời kỳ Lãng mạn, con người cá nhân và sự biểu hiện cảm xúc cá nhân được coi trọng, thậm chí âm nhạc được coi là một hình thức nghệ thuật có năng lực biểu hiện đầy đủ nhất mọi cung bậc cảm xúc của con người. Các tác phẩm âm nhạc thường truyền tải những thái cực cảm xúc từ một nhân vật văn học hay thậm chí đơn giản chỉ là biểu hiện của con người; khám phá tự nhiên với những kỹ thuật bắt chước âm thanh của tự nhiên như cơn bão hay gợi lên bầu không khí huyền hoặc của một khu rừng; sự say mê với siêu nhiên như một phản ứng với tiến bộ khoa học, vừa làm sáng tỏ những đức tin cũ và thể hiện sự nghi ngờ không biết khoa học có thể dẫn dắt loài người tới đâu…
Các tác phẩm âm nhạc, vì thế, kéo dài thời lượng biểu diễn hơn và được cấu trúc phức tạp hơn, chứa đựng nhiều kịch tính hơn. Để trình tấu thứ âm nhạc đó, dàn nhạc đã phải thay đổi để mở rộng hơn nữa sự biểu hiện của âm nhạc – chủ yếu là âm sắc, và hòa âm phong phú hơn, dẫn đến gia tăng số lượng các nhạc công. Nếu dàn nhạc thời kỳ Cổ điển trung bình khoảng 30 nhạc công thì ở thời kỳ Lãng mạn, dàn nhạc đã được mở rộng về số lượng thành viên để chạm tới quy mô dàn nhạc như chúng ta thấy ngày nay. Dĩ nhiên, nhóm đàn đây vẫn luôn được ưu ái, dù vẫn có bốn nhóm nhạc cụ violin, viola, cello, và contrebass nhưng có bổ sung về số lượng cho phép tạo ra những nhóm nhỏ. Các nhà soạn nhạc Lãng mạn có thể sử dụng những nhóm nhỏ đàn dây đó để làm sâu hơn kết cấu âm nhạc và sự tương phản về màu sắc trong tác phẩm của mình.
Các nhà soạn nhạc như Gustav Mahler, Richard Wagner và Igor Stravinsky luôn tìm cách mở rộng biên chế dàn nhạc để thể hiện ý đồ nghệ thuật của mình. Các vở opera của Wagner cần dàn nhạc hơn 100 nhạc công, đặc biệt là sự gia tăng của các nghệ sĩ violin để tạo ra kết cấu âm thanh dày đặc có thể “cạnh tranh” với các bản giao hưởng; giao hưởng Resurrection (Phục sinh) của Mahler hay The Firebird (Chim lửa) của Stravinsky cần thêm nhiều nghệ sĩ violin hơn để tạo thế cân bằng với nhóm kèn đồng và bộ gõ ở phía sau, thậm chí bản giao hưởng số 8 của Mahler (Bản giao hưởng Một nghìn) cần đến hai dàn hợp xướng và 120 nhạc công, trong đó có 70 nhạc công đàn dây.
Violin có nhiều lợi thế thanh âm?
Nếu nhìn sâu vào các dàn nhạc thì không hổ danh là “nữ hoàng của các nhạc cụ”, đàn violin có một vai trò quan trọng. Thứ nhất về dẫn dắt giai điệu, violin thường đảm trách giai điệu chính, thiết lập giai điệu và dẫn dắt phần cảm xúc của các tác phẩm. Thứ hai về hỗ trợ hòa âm, violin còn đóng góp vào nền tảng hòa âm, kết nối với những bè đàn đây khác để tạo kết cấu âm nhạc đa lớp, phong phú, góp phần vào toàn bộ âm thanh của dàn nhạc. Thứ ba về sự linh hoạt và phạm vi âm thanh, violin có một phạm vi âm thanh rộng lớn cho phép nó biểu lộ một phổ rộng lớn của cảm xúc, từ những lời thì thầm tinh tế đến các phân đoạn cao, tràn đầy sức mạnh. Sự linh hoạt khiến cho violin trở thành một nhạc cụ lý tưởng thể hiện những sắc thái âm nhạc của các tác phẩm viết cho dàn nhạc. Độ linh hoạt của violin còn cho phép nó có thể biểu diễn những phân đoạn có tốc độ nhanh và các kỹ thuật phức tạp như pizzicato (dùng ngón tay gẩy dây đàn thay vì vĩ), spiccato (dùng vĩ nẩy nhẹ trên dây đàn), double stops (bấm nốt kép), làm tăng thêm sự phức tạp và thú vị cho các màn trình tấu.
Violin phù hợp để chơi giai điệu, điều đó khiến chúng trở thành một trong những nhạc cụ quan trọng bậc nhất trong dàn nhạc. Chúng là nhạc cụ có cao độ bậc nhất, âm sắc sáng nhất trong bộ dây. Nhưng tại sao các dàn nhạc lại cần đến hai bè violin? Thông thường các nghệ sĩ violin được chia vào hai bè, bè một thường chơi tuyến giai điệu chính, trong khi bè hai chơi hòa âm và các giai điệu mang tính đối đáp. Bộ kèn gỗ và bộ đồng cũng hoạt động theo cùng cách nhưng ít hơn về số lượng. Ví dụ nếu bạn chơi ở vị trí oboe thứ nhất, bạn thường là người duy nhất chơi ở một tuyến âm nhạc nhưng nếu bạn là một phần của bè violin một thì bạn có chín đồng đội cùng một chiến hào.
Không như các nghệ sĩ kèn gỗ hay kèn đồng phụ thuộc vào việc kiểm soát hơi thở, các nghệ sĩ violin chơi với một cây vĩ. Do đó, các nghệ sĩ violin có thể không cần lo lắng về dung tích phổi hay sợ đứt hơi như các đồng nghiệp bộ hơi. Ngược lại, họ có thể trình tấu những đoạn giai điệu dài như bất tận với độ linh hoạt của các ngón tay và với sự cho phép của các cây vĩ. Các giai điệu viết cho đàn dây thường rất phong phú và đa phần dễ nhớ.
Việc có nhiều nghệ sĩ violin chơi cùng nhau trong một dàn nhạc tạo ra một thứ âm thanh và kết cấu khác biệt so với âm thanh từ các bè khác của dàn nhạc. Không chỉ âm thanh, tốc độ rung của từng cây đàn có phần khác nhau mà còn chuyển động vĩ của mỗi nghệ sĩ cũng rất đa dạng, điều đó tạo nên một kết cấu phong phú, cho phép nó tạo ra một hiệu ứng tươi mới.
Như vậy, việc có thêm nhiều nghệ sĩ violin không chỉ tạo ra một âm thanh phong phú mà còn cho phép họ tạo được sự cân bằng với các nhạc cụ có âm thanh lớn hơn, vốn được xếp ở phía sau dàn nhạc. Khi số lượng nghệ sĩ và nhạc cụ tăng lên theo kịch mục, âm thanh của dàn nhạc cũng trở lên lớn hơn và nghệ sĩ độc tấu có thể không thể vượt quá được sức mạnh của bè kèn đồng. Việc đặt các nghệ sĩ violin ở mặt tiền sân khấu cũng cho phép đôi tai của nghệ sĩ độc tấu lẫn người nghe không phải kiệt sức trước kèn đồng.
Một số nhà soạn nhạc thế kỷ 19 và 20 đã có những sắp xếp dàn nhạc riêng cho các tác phẩm của mình. Ví dụ trong hai chương trong bản Requiem, nhà soạn nhạc Hector Berlioz đã yêu cầu kèn đồng đặt tại bốn góc của nhà hát. Nhiều màn trình diễn bản giao hưởng số 2 Phục sinh của Gustav Mahler cần một nhóm kèn horn Pháp, trumpet và trống ở ngoài sân khấu.
Vào những năm 1920, nhạc trưởng Leopold Stokowski nổi lên như một người có nhiều thử nghiệm tái sắp xếp dàn nhạc khi đảm trách vai trò chỉ huy dàn nhạc giao hưởng Philadelphia, trình tấu mọi phần âm nhạc viết cho bộ phim hoạt hình Fantasia của Walt Disney. Ông cảm thấy rằng những sắp xếp theo kiểu cũ không đem lại âm thanh như mình mong muốn nên đã thử nghiệm các kế hoạch bố trí khác nhau. Ông đã sắp xếp vị trí của bè violin một và hai, để họ ngồi cạnh nhau ở phía bên trái sân khấu. Nhờ vậy, các giọng của từng bè dây được sắp xếp từ thấp đến cao trên khắp sân khấu. Sự thay đổi này đã được chấp thuận rộng rãi và sau trở thành một thiết lập tiêu chuẩn của dàn nhạc hiện đại.
Courtney Lewis, Giám đốc âm nhạc của dàn nhạc giao hưởng Jacksonville, kể lại: “Một lần, ông đã làm khán giả Philadelphia sợ hãi khi đặt toàn bộ bè kèn gỗ tại mặt tiền dàn nhạc, trước cả bè dây. Ban điều hành dàn nhạc Philadelphia cũng kinh hoàng về sự đổi mới này và cho rằng bộ hơi không đủ bận bịu để đặt vào một vị trí tốt như vậy, cũng như không đủ thú vị cho khán giả xem”. Bởi họ chỉ ra, không phải lúc nào cũng có phần nhạc viết cho bè kèn gỗ nên cũng thường có nhiều ô nhịp được nghỉ liên tiếp, không giống các bè violin. Thử nghiệm của Stokowski đã nhận về những lời chỉ trích của cả khán giả lẫn nghệ sĩ.
Trên thực tế, việc bị phơi nhiễm quá mức kèn trumpet có thể tạo ra ảnh hưởng không thể đảo ngược với đôi tai của khán giả. Và các nghệ sĩ thì có thể còn bị ảnh hưởng nhiều hơn thế, vì vậy nhiều nghệ sĩ đeo nút tai đặc biệt để họ nghe được âm thanh của đồng nghiệp rõ ràng hơn trong khi làm giảm cao độ âm thanh có thể chạm đến màng nhĩ của họ, bảo vệ thính lực của họ.
Vì lý do âm thanh, việc có nhiều cây đàn violin xếp cạnh nhau ở mặt tiền lại có ý nghĩa. Tiếng violin sáng với âm lượng như hát khiến chúng phù hợp với các tuyến giai điệu trong khi các nhạc cụ với âm vực thấp hơn thường chơi hòa âm ở bên dưới. Cách sắp xếp này đạt được sự cân bằng về âm thanh vang khắp khán phòng, với sự cộng hưởng của các nhạc cụ trong quá trình biểu diễn.
Mặt khác, cũng có người nói rằng vẻ đẹp hình ảnh của violin khiến chúng được đặt ra phía trước dàn nhạc. Chuyển động ngọt ngào cùng nhau của 20 chiếc vĩ cùng với những thao tác ngón tay tạo ra một ấn tượng khó quên với người xem.
Ngày nay, các dàn nhạc giao hưởng đều có thể trình tấu các tác phẩm ở một kịch mục vô cùng đa dạng, từ các bản giao hưởng thời kỳ cổ điển đến lãng mạn, từ nhạc phim đến các tác phẩm mới sáng tác, có thể không thuộc thể loại cổ điển. Việc xác định số lượng các nghệ sĩ violin sẽ xuất hiện ở mỗi tác phẩm sẽ phụ thuộc vào mục tiêu cân bằng âm thanh. Một bản giao hưởng của Mozart có thể cần ít nghệ sĩ kèn đồng nhưng một bản giao hưởng của Mahler lại cần đến hơn 30 nghệ sĩ không phải nghệ sĩ đàn dây – điều đó nghĩa là tiếp tục cần nhiều nghệ sĩ đàn dây hơn để cân bằng lượng âm thanh.
Cơ hội cho những thử nghiệm
Những ngoại lệ nổi tiếng về việc sắp xếp vị trí của dàn nhạc thường được người ta nhắc đến có The Unanswered Question của nhà soạn nhạc Mĩ Charles Ives, tác phẩm viết cho dàn nhạc dây, trumpet solo và tứ tấu kèn gỗ; tác phẩm Gruppen, pour trois orchestres của nhà soạn nhạc Đức Karlheinz Stockhausen với ba dàn nhạc riêng, mỗi dàn được trình tấu dưới sự chỉ huy của một nhạc trưởng riêng biệt, được xếp trong một không gian hình móng ngựa quanh khán giả; và tác phẩm Répons của nhà soạn nhạc kiêm nhạc trưởng Pháp Pierre Boulz với 24 nghệ sĩ trên sân khấu xếp xung quanh khán giả theo nhóm, mỗi nhóm gồm sáu người.
Bất chấp những thử nghiệm khác nhau, vị trí và số lượng của các nhạc cụ trong dàn nhạc vẫn tuân theo tiêu chuẩn đã được thực hành từ thế kỷ 19.
Nhiều khía cạnh trong việc bố trí dàn nhạc truyền thống đã được hình thành với những ý nghĩa như vậy. Tuy nhiên, theo lịch sử, nhiều lề thói khác nhau của các dàn nhạc rồi trở thành truyền thống và có lẽ, liên kết một cách vô thức với ý nghĩ “đó là cách đã được áp dụng và tốt nhất là nên làm theo”.
Ngày nay, violin là nhạc cụ phổ biến bậc nhất của thế giới âm nhạc cổ điển và một số ngôi sao sáng chói của âm nhạc cổ điển cũng là những nghệ sĩ violin, ví dụ như Anne-Sophie Mutter, Gil Shaham, Hilary Hahn, Nicola Benedetti, Joshua Bell…
Tất cả những điều này có được là do tình cờ? Liệu có nhà soạn nhạc nào quyết định chọn một thứ nhạc cụ khác, ví dụ trombone bởi cho rằng nhạc cụ này đem lại âm thanh phù hợp cho giai điệu? Nếu có trường hợp như vậy thì chúng ta có thể sẽ phải nghe các tác phẩm viết cho dàn nhạc theo một cách rất khác.
Hay có lẽ là không nhỉ? Có lẽ thật khó hình dung ra một dàn nhạc lại có thể trình tấu một bản giao hưởng mà thiếu những đi những cây đàn violin đẹp đẽ.□
Tô Vân tổng hợp
Đăng số 19 Tia Sáng
Nguồn: https://www.classicfm.com/discover-music/instruments/violin/why-orchestras-have-so-many-violins
https://londonviolininstitute.co.uk/the-history-and-evolution-of-the-violin/
https://www.connollymusic.com/stringovation/string-instruments-different-roles-in-an-orchestra