NXB Tri Thức: Muốn nhanh hơn và nhiều hơn
Tại lễ kỷ niệm 10 năm ngày thành lập được tổ chức sáng nay, 19/8, tại Hà Nội, GS Chu Hảo, Giám đốc NXB Tri Thức, chia sẻ niềm vui làm ra những cuốn sách được bạn đọc đón nhận và đánh giá cao, cũng như những khó khăn đe dọa sự tồn tại của nhà xuất bản.
Bà Nguyễn Bích Thủy, Phó giám đốc NXB, cho Tia Sáng biết, hiện nay, mỗi năm Tri Thức xuất bản khoảng 150 đầu sách, trong đó 60% là sách do nhà xuất bản đầu tư, còn lại là sách liên kết với các đơn vị khác. Trong số chín tủ sách của NXB thì Tủ sách Tinh hoa và Tủ sách Tri thức mới thuộc dạng bán chạy nhất, với những cuốn được tái bản nhiều lần như Bàn về tự do (John Stuart Mill) hay Nền dân trị Mỹ (Alexis De Tocqueville)… NXB cũng tập hợp được một đội ngũ đông đảo các cộng tác viên uy tín như Phạm Vĩnh Cư, Lại Nguyên Ân, Phạm Khiêm Ích, Nguyễn Xuân Khánh, Bùi Văn Nam Sơn, Nguyễn Văn Trọng, Nguyễn Thị Từ Huy…
Phát biểu tại lễ kỷ niệm với sự có mặt của nhiều cộng tác viên thân thiết và những người luôn ủng hộ NXB theo nhiều cách suốt 10 năm qua, ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó Ban thường trực Ban tuyên giáo Trung ương, trân trọng gửi lời cảm ơn đến Tri Thức, nơi đã cho ra đời những cuốn sách giúp “thông thoáng đầu óc”. “Mặc dù thỉnh thoảng tôi cũng nghe được ý kiến sách của NXB Tri Thức còn có ‘rác’ nhưng tôi cho rằng khi bổ củi có làm văng ra vài mẩu dăm là chuyện bình thường. Vả lại, thế nào là ‘rác’, có phải ‘rác’ thật hay không, đó còn là việc phải thảo luận. Các cơ quan quản lý xuất bản cần trao đổi thẳng thắn để đi đến nhận thức thống nhất,” ông nói.
Theo GS Chu Hảo, Tri Thức đang có một danh sách 200 tác phẩm muốn xuất bản nhưng hiện chưa tìm được dịch giả cũng như kinh phí xuất bản. Ông hy vọng, trong năm tới có thể xuất bản ít nhất 15 cuốn trong số đó nhờ các nguồn tài trợ. Ông cũng đề cập một khó khăn khác của Tri Thức trong bối cảnh chung của cả nền xuất bản, đó là kể từ 31/8/2015, các nhà xuất phải đáp ứng đủ bảy điều kiện thì mới được tiếp tục tồn tại, trong đó có hai điều kiện mà Tri Thức bất khả đáp ứng, bao gồm phải có 200m2 nhà làm việc và 5 tỷ đồng vốn lưu động. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn An Tiêm, Phó Vụ trưởng vụ Báo chí – Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương, không lý gì mà không tồn tại NXB Tri Thức, nơi xuất bản những tác phẩm rất cần cho người đọc, bởi vậy các cơ quan quản lý xuất bản và cơ quan chủ quản cần hỗ trợ để NXB có thể tiếp tục duy trì hoạt động của mình.
Trao đổi với Tia Sáng bên lề lễ kỷ niệm, GS Chu Hảo cho biết, NXB Tri Thức ra đời từ đề xuất của cá nhân ông khi ông nhận thấy nền xuất bản Việt Nam có một lỗ hổng lớn về các tác phẩm phổ biến những tri thức nền tảng và những giá trị phổ quát của nhân loại. Ông cho rằng, 10 năm qua, NXB đã làm được những việc đúng như ông hình dung, tuy nhiên “sắp tới phải làm nhanh hơn và nhiều hơn nữa”. Ông cũng cho rằng, quy định NXB phải có ít nhất 5 tỷ đồng vốn lưu động mới được phép tồn tại là một bước lùi của Luật Xuất bản. “Ngay Luật Doanh nghiệp cũng không đòi hỏi đăng ký vốn lưu động, chỉ cần các doanh nghiệp cho ra sản phẩm tốt là được.” Ông cho biết, Tri Thức luôn nỗ lực sống bằng nghề làm sách và các nguồn tài trợ từ bên ngoài, gắng sao để không phải tiêu tiền nhà nước, bởi vậy đời sống của đội ngũ nhân viên không hề dễ dàng nhưng may mắn thay, “những người còn trụ lại với NXB đến giờ này đều là những người ‘tử vì đạo’.”
Mới đây, tôi đọc cuốn Đời tôi của nhà phê bình văn học người Đức Marcel Reich – Ranicki thì mới biết phải tập hợp được một đội ngũ biên tập viên như thế nào thì người ta mới dám mở nhà xuất bản. Nếu như tôi đọc cuốn này cách đây hơn 10 năm thì chắc đã không dám nảy ra ý tưởng lập NXB Tri Thức rồi. Nhưng cuối cùng, tôi vẫn cứ là anh Kim Đồng, “đùng đùng đùng, đoàng đoàng đoàng, anh vẫn đi…” – Chu Hảo |