Ở giữa

Cái đích mà Tôn giáo hướng đến thì quá xa vời, quá lý tưởng. Đường đi lại quá cứng nhắc. Trong khi cuộc sống vốn hữu hạn, trần trụi và khắc nghiệt. Nghệ thuật đành phải làm cây cầu nối hai thái cực này. Nghệ thuật làm cho Tôn giáo bớt khô khan và làm cho Cuộc sống bớt đi sự tẻ nhạt. Nghệ thuật thêm cho Tôn giáo phần đời sống và thêm cho đời sống một chút ảo tưởng, mơ mộng, một chút thao thức.

Tôi có một người bạn thân công tác bên ngành du lịch, mùa đông năm ngoái anh rủ tôi đi xem nhà. Trước khi đi, tôi nhắc anh mang theo la bàn để tiện chọn hướng (Thiên Y hay Phúc Đức gì đó) như mọi người vẫn thường làm. Anh vừa nhét tiền vào túi vừa lầm rầm mà chả cần biết tôi có nghe hay không: Phúc hay họa thực ra là ở mình cả thôi. Trời sẽ cho những khả năng còn sự đón nhận là tuỳ theo mỗi người. Tùy thì mà biến Dịch. Tùy Tâm tùy Phúc, tùy may tùy rủi, tùy hung tùy cát, tùy đen tùy đỏ, tùy duyên tùy phận, tùy nhân tùy quả. Tùy là khó.

Tôn giáo hoàn thiện Cuộc sống bằng cách giúp Cuộc sống đúng hơn, còn Nghệ thuật làm Cuộc sống hoàn thiện bằng cách giúp cho Cuộc sống bớt chính xác hơn.

Thế là bạn tôi đi mua nhà mà không mang theo la bàn cũng chẳng mang thước kẻ Lỗ Ban. Anh chỉ ang áng đại khái rồi lựa một mảnh đất ở vị trí khá vu vơ nằm trong khu vực nửa quê nửa tỉnh kiểu như các khu đô thị mới, tuy vẫn có đủ cả chợ, cả chùa… Mua xong, anh xin về hưu non, dựng một cửa hàng nhỏ bán tranh nghệ thuật. Xuân hạ thu đông, bốn mùa trôi chẩy, mùa nào tranh đó. Hôm đến khai trương phòng tranh, anh lăng xăng rót rượu vang mời khách rồi thủng thẳng: Nếu có ế thì bất quá cũng chỉ ế tranh mà gặp thời mua may bán đắt thì cũng tự nhủ thầm coi như mình đã làm được một việc có ích, đã góp thêm một chút sức hèn tài mọn còn sót lại để đưa cái đẹp đến với thiên hạ. Ế hay đắt, đằng nào cũng vẫn là được ngắm tranh, lỗ lãi phỏng có quan trọng gì.

Hiện thực chỉ là duyên cớ để nghệ sỹ thể hiện mình. Không có cái cớ đó thì không có nghệ thuật nhưng không có nghệ thuật thì đời sống vẫn còn nguyên tuy vô nghĩa và nhạt nhẽo hơn đôi chút. Vẫn biết Nghệ thuật Hiện đại phải gây hoang mang nhưng là sự hoang mang tích cực để mọi người khỏi ngủ quên, khỏi mê đắm trong những giá trị ổn định và an toàn đến mức cũ rích.

Chẳng biết con đường của anh đúng sai thế nào nhưng vì biết bạn mình là người bảo thủ mà tôi vốn lại ưa dĩ hòa vi quý, lại thích chín bỏ làm mười, ngại phiền hà, ngại va chạm, ngại dính líu trực tiếp đến một thân phận nên chỉ ngồi nghe rồi cười nhạt hùa theo. Nhưng ngẫm kỹ thì thấy anh ấy đã tạo dựng được một cuộc sống thật giản dị, thuần phác, thô sơ, không xô bồ, không định kiến, không quá nhiều tri thức, không xã giao thời thượng, không toan tính, không trốn tránh mà cũng không cố tình ngụp lặn xuống đáy để nhập thế, để hành xác mà vẫn đủ được mất, đủ đạo đời.

Nhưng còn Tình yêu nữa, nó có thực hay không? Có trong giây lát hay lâu hơn thế? Nó là thói quen, bổn phận, trách nhiệm hay là một điều gì khác? Một loại tình cảm gì đó na ná như tình yêu có khi lại thiết thực hơn chăng? Nếu có thì thực sự tình yêu có ý nghĩa gì không? Và có cần thiết không? Có bắt buộc phải có không? Nó  nên nằm ở đâu trong cái tam giác Cuộc sống – Tôn giáo – Nghệ thuật? Bạn tôi xấp xỉ 50, râu tóc đã bạc, tai mắt đã mỏi, gân cơ đã nhão. Anh muốn sống một mình để sống cho riêng mình, để được chiều mình, không phải đối phó, không phải giả tạo, không phải khách sáo, không phải thí bỏ nữa. Cũng chẳng phải ích kỷ gì đâu mà đã già nửa đời chia sẻ rồi còn gì. Làm sao có thể chia mãi được, đúng với người này thì lại sai với người kia. Được người này thì lại mất người kia. Tiến thoái lưỡng nan. Đằng nào cũng vậy.
Đi tu là trở về với chính mình. Làm nghệ thuật là mình đi tìm mình. Hiện thực chỉ là duyên cớ để nghệ sỹ thể hiện mình. Không có cái cớ đó thì không có nghệ thuật nhưng không có nghệ thuật thì đời sống vẫn còn nguyên tuy vô nghĩa và nhạt nhẽo hơn đôi chút. Liệu sẽ có một đời sống tương lai không cần thiết đến Tôn giáo như buổi ban đầu hay không?
Vẫn biết Nghệ thuật Hiện đại phải gây hoang mang nhưng là sự hoang mang tích cực để mọi người khỏi ngủ quên, khỏi mê đắm trong những giá trị ổn định và an toàn đến mức cũ rích. Hình như khi đó Nghệ thuật đứng cao hơn Đời sống, đứng cao hơn Khoa học và đứng cao hơn cả Tôn giáo nữa (không xét về mục đích mà là con đường đến đích). Khoa học, Đời sống và Tôn giáo đều bất chấp phương pháp luận miễn là đạt được mục đích. Nghệ thuật đẹp hơn, khác hơn chính là ở chỗ đến đích hay không không quan trọng lắm nhưng phải bằng một phương pháp riêng biệt.

Ở những kiệt tác thì các yếu tố nêu trên hòa quyện làm một. Nhà thờ Phát Diệm (Ninh Bình), nhà thờ Cửa Bắc (Hà Nội), nhà thờ Cam Ly (Đà Lạt) hay các tác phẩm điêu khắc gỗ trên cốn, trên kèo ở các ngôi đình thế kỷ 16, 17, 18 như Đình Tây Đằng, Lỗ Hạnh,Thổ Hà. Rõ ràng đó là những công trình kiến trúc tôn giáo nhưng thật khó mà phân định được rạch ròi đâu là Nghệ thuật, đâu là Tôn giáo, đâu là Đời sống.
Điều luật của Tôn giáo và lý lẽ của Cuộc sống nhiều khi lại đối lập với Nghệ thuật. Công thức của Nghệ thuật là phản công thức. Những điều phi logic của Cuộc sống đã được Nghệ thuật biến thành logic và ngược lại. Nói cách khác Nghệ thuật làm cho Cuộc sống sai đi một chút để đẹp thêm. Tôn giáo hoàn thiện Cuộc sống bằng cách giúp Cuộc sống đúng hơn, còn Nghệ thuật làm Cuộc sống hoàn thiện bằng cách giúp cho Cuộc sống bớt chính xác hơn. Có những điều nếu phân tích và nhìn bằng con mắt của Đời sống thì không thể chấp nhận được, không tha thứ được nhưng nếu nhìn bằng con mắt của Nghệ thuật thì không chỉ thấy đúng mà còn hay hơn và quan trọng là đẹp hơn rất nhiều lần. Nghệ thuật lấy sai làm đúng.
Quy luật của Cuộc sống là sự ủng hộ những giá trị chung có ích cho bầy đoàn. Tôn giáo hướng dẫn tất cả đến một loại hạnh phúc duy nhất để cùng thỏa mãn. Nghệ thuật khác hẳn. Nghệ thuật tôn trọng mọi con đường dù khác biệt đến mấy. Chỉ có Nghệ thuật cho phép ta được quyền nghĩ sai, làm sai. Nghệ thuật tôn trọng tự do cá nhân. Cầm một mảnh sành vạch suông lên tường đã là gì đó nếu có thể mà không bị bất kể một nguyên tắc nào, quy ước nào trói buộc.
Lại còn Khoa học nữa. Ngôi nhà Khoa học nếu không được xây trên một nền móng đạo đức vững chắc thì sẽ vô cùng nguy hiểm. Nhất là khi mối liên hệ giữa Khoa học và Tôn giáo không còn đủ bền chắc.
Sự phát triển Kinh tế nhanh hơn sự phát triển Văn hóa, giáo dục thì chỉ sinh ra một đời sống lố lăng thôi nhưng sự phát triển quá nhanh của Khoa học và công nghệ trong khi chưa xây dựng được một hệ đạo đức mới tương xứng với nó thì sẽ là một thảm họa cho Đời sống.
Cái cảnh giao thừa náo nhiệt, Hồ Gươm, mưa bụi, đám đông xanh đỏ xô lấn ngược xuôi, chen chúc nói cười chúc tụng chưa chắc đã gây cảm giác bằng một giọt nước mắt đêm ở nơi xa xôi nào đó chẳng hạn.
Một cái chợ vào 5 giờ chiều 30 Tết vừa thỏa mãn vừa nhếch nhác. Nhọc nhằn nhưng dễ chịu. Ngậm ngùi và hy vọng, cũ và mới, sung sướng và khổ đau, mất mát và khát vọng. Nó pha trộn của rất nhiều những cặp đối lập nhưng hấp dẫn.
Chuyến tầu cuối cùng trong năm, ga Long Biên, phòng chờ, những hành khách muộn, ba lô túi dết, đeo đeo vác vác, tay xách nách mang, đầu đội vai gánh, tiếng loa uể oải và giục giã, nóng ruột và gấp gáp, hồi hộp và phấn khích. Họ đang nghĩ gì, đang làm gì, biết gì, đi đâu? Buồn nhưng đẹp

Lê Thiết Cương 

Nguồn tin: Tia Sáng

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)