Odilon Redon: Người vẽ bóng tối nội tâm (kỳ 1)

Trong nửa sau sự nghiệp của mình, Redon thành công viên mãn. Tranh của ông xuất hiện trong tiểu thuyết của Huysmans, khiến Mallarmé phải ngưỡng mộ, và dẫn đường cho nhóm Nabis sau ngày Gauguin rời đi. Những cảnh quan như mộng, tràn ngập hoa cỏ tưởng tượng và con người lai thú trong tranh ông được xem là tiền thân của cả chủ nghĩa Siêu thực lẫn chủ nghĩa Dada.

Một số bức tranh Đen (từ trái sang): Christ, Bông hoa trĩu nặng/Đầu người buồn, Ác quỷ mang đầu người bay trong không trung, Con nhện đang khóc.

Nhưng để đạt đến kết quả này, Redon đã trải qua một hành trình mệt mỏi, đầy ắp khúc quanh, và bắt đầu từ một xuất phát điểm khá thấp.

Từ đôi cánh đen đi tìm cái tuyệt đối

Vì sao Redon – một bậc thầy sử dụng màu sắc vào cuối sự nghiệp – lại khởi đầu sự nghiệp với những bức tranh toàn màu đen? Nếu hội họa là làm bạn với ánh sáng, tức với bóng và màu, thì tình bạn của Redon đã khởi đầu một cách sóng gió. Có người cha giàu xổi nhờ nghề buôn nô lệ và người mẹ đến từ thuộc địa Mỹ phóng khoáng, cậu Redon sinh ra ở Bordeaux, Pháp, với thể trạng yếu ớt và mắc bệnh động kinh. Lúc 5 tuổi, cậu bị người cha sùng đạo đưa về nông thôn để chữa bệnh bằng phép lạ của nhà thờ, trong khi em trai mình tiếp tục sống yên ấm với cha mẹ. Là một đứa bé cô đơn và nhiều mặc cảm, Redon dành cả ngày để chơi với hoa cỏ và theo dõi cuộc biến hình của những đám mây. Đôi khi cậu trốn vào góc phòng, đằng sau tấm rèm, nơi bóng tối bảo vệ cậu khỏi những kích thích mạnh khiến bệnh tái phát.1

Tuổi thơ ấy cũng khiến Redon đắm chìm vào hình thức nghệ thuật đầu tiên mà cậu biết: thánh ca trong nhà thờ. Sau khi lành bệnh, cậu đi học lần đầu năm 11 tuổi, muộn hơn nhiều so với các bạn cùng lớp. Nhưng ngay năm đó, cậu bất ngờ giành giải nhất trong cuộc thi vẽ của trường. Đây là lần đầu tiên cậu có thể tự hào về bản thân, và có lẽ cũng là cú hích đầu tiên khiến cậu muốn trở thành họa sĩ. Năm 15 tuổi, cậu đi học vẽ, và được thầy khuyến khích bỏ qua chương trình học thông thường để tập trung phát triển tài năng. Nhưng niềm vui của Redon sớm tắt vào hai năm sau, khi cha cậu ép con bỏ hội họa để thi kiến trúc. Rất nhanh, cậu thi trượt khoa Kiến trúc của Trường Mỹ thuật tại Paris, trong khi em trai Gaston thi đỗ và trở thành một kiến trúc sư nổi danh. Sau bảy năm kiên trì tự học bằng cách tập chép tranh, cậu trở lại Paris để học tại xưởng của danh họa Jean-Léon Gérôme vào năm 1864, nhưng rồi cũng bỏ cuộc. Không thể vẽ chính xác các mẫu vật dù rất cố gắng, cậu sớm làm mếch lòng ông thầy thuộc trường phái Hàn lâm. Có tiền sử bệnh tâm thần, không nghề ngỗng, và vỡ mộng về năng khiếu của bản thân, chàng Redon 24 tuổi lủi thủi về quê tìm nơi học việc.2

Khi đó, Redon chưa nhận ra mình là một người may mắn. Chính trong buổi hàn vi lận đận ấy, anh đã gặp những người thầy phủ bóng lên toàn bộ sự nghiệp của mình về sau. Trước hết là Stanislas Gorin – ông thầy đã công nhận anh vào năm 15 tuổi, khuyên anh chép tranh của những họa sĩ lãng mạn như Delacroix hay Goya, và dạy anh đừng vẽ nét nào khi chưa đặt cả cảm xúc lẫn lý trí vào cây bút của mình. Kế đến là Armand Clavaud – người đồng hương hơn tuổi mà Redon quen khi đến Paris thi kiến trúc. Là kẻ tự đọc sách và nghiên cứu trên đồng hoang để trở thành giáo sư môn Thực vật học, Clavaud đã đưa Redon đến vô vàn miền thẩm mỹ và tri thức mới: từ Poe, Baudelaire, Goethe, Spinoza, Darwin, cho đến Phật Thích Ca. Trong bức họa mà Redon vẽ ở đỉnh cao sự nghiệp sau này – cảnh Đức Phật bước giữa dòng sinh chất tràn ngập hoa cỏ và những động vật nguyên sinh – người ta sẽ thấy ông dùng lối vẽ của Clavaud khi ký họa vi khuẩn và thực vật.1,2

Trong số tác giả mà hai ông thầy đề nghị tham khảo, Redon nhanh chóng đồng cảm với những gương mặt thuộc trường phái Lãng mạn – những kẻ “thôi tìm kiếm vẻ đẹp ở thế giới bên ngoài, để tìm chúng bên trong bản thân”, như lời Baudelaire. Họ và anh có cùng nỗi cô đơn, cùng tìm vẻ đẹp của tinh thần giữa một thời đại tôn thờ lý tính kỹ thuật và vật chất. Cũng như cậu Redon nhỏ tuổi, cậu Poe thường dành hàng giờ để một mình theo dõi cuộc biến hình của những đám mây. Cũng như Redon nghỉ ngơi trong bóng tối sau tấm rèm, cả Goya, Poe lẫn Baudelaire đều phủ bóng đêm lên nhiều tác phẩm. Trong mắt các nghệ sĩ lãng mạn, thiên nhiên là một chất liệu để biểu đạt lòng mình, thay vì một mẫu vật để sao chép như trong xưởng Gérôme. Đối với Redon, chủ nghĩa lãng mạn vừa là bạn tâm giao, vừa là lối thoát.3,4

Trong mắt các nghệ sĩ lãng mạn, thiên nhiên là một chất liệu để biểu đạt lòng mình, thay vì một mẫu vật để sao chép như trong xưởng Gérôme. Đối với Redon, chủ nghĩa lãng mạn vừa là bạn tâm giao, vừa là lối thoát.

Khi về Bordeaux học việc, Redon tìm được thêm một người thầy đồng điệu. Đó là Rodolphe Bresdin – một thợ khắc tranh nghèo và lập dị, nhưng được ngưỡng mộ bởi cả Baudelaire, Mallarmé của phái Tượng trưng lẫn Breton của phái siêu thực. Khác hẳn Gérôme, Bresdin nương theo trí tưởng tượng thay vì “thực tế”, và trưởng thành trong văn hóa dân gian thay vì giới hàn lâm. Chẳng hạn, dựa trên những truyền thuyết Celt của vùng Breton, trong bức “The Comedy of Death” (1854), ông khắc một vũ khúc của những cành cây nghiêng ngả xoắn bện, những bộ xương, những yêu tinh đầm lầy, và những con cú mặt người đuôi chim trĩ. Tất cả hiện lên trên màu đen tuyền của mực in, thứ phủ thêm cho bức tranh một vẻ ma mị. Một lần nữa, qua Bresdin, Redon tìm thấy màu đen.

Đọc những ghi chép Redon để lại, ta thấy ông dùng siêu hình học của Spinoza để phân tích cảm giác an toàn mà màu đen mang lại cho mình khi còn bé – khi mình nấp trong bóng tối để tránh những kích thích thị giác dẫn đến động kinh. Spinoza tin rằng Chúa chẳng là gì khác, ngoài chính thiên nhiên – một biển vật chất bao gồm những bộ phận không ngừng vận động và tương tác với nhau, khiến mỗi bộ phận không có tự tính, chỉ cái toàn thể mới có tự tính. Màu đen – màu bình thản và không khuấy động thị giác – sẽ cho phép cơ thể thoát khỏi những kích thích nhất thời từ môi trường bên ngoài, để đi vào trạng thái nghỉ, trạng thái cho phép nó trực nhận những thuộc tính vĩnh cửu của Chúa, hay của thiên nhiên, thông qua những bộ phận như thực vật, động vật, khoáng thạch, hoặc chính bản thân… Nói cho dễ hiểu, màu đen giúp Redon tĩnh tâm, để cảm nhận bản thân và cái “thần” trong vạn vật, từ đó vẽ được những bức họa còn mãi với thời gian – vì giúp người xem thoáng thấy trật tự vô hình ẩn sau vạn vật.1,5

Nếu Spinoza chỉ đường đến cái tuyệt đối bằng lý thuyết, thì Baudelaire mở đường đến đó bằng thực hành. Baudelaire chủ trương thả lỏng hình ảnh và ngôn từ, để chúng tự do kết hợp với nhau thành những phép ẩn dụ lạ, chỉ gợi cảm xúc vô hình chứ không tả cảnh hữu hình trong thực tế. Nghĩa là ngừng vẽ theo mẫu, để vẽ những hình ảnh kì dị mà mình tưởng tượng ra. Từ đây, sợi xích mà hội họa Hàn lâm quấn quanh trí tưởng tượng của Redon đã bị Baudelaire cắt đứt.6

Bức tranh Đức Phật (1905).

Trong sáu năm đầu theo học Bresdin, Redon vẫn vẽ những chủ đề trần tục quen thuộc, như một kỵ sĩ hay một thiếu phụ đau buồn. Nhưng sau khi bại trận trong cuộc chiến tranh Pháp-Phổ năm 1870, anh bắt đầu vẽ những cảnh tưởng tượng, gồm những bức tranh khắc u sầu được gọi là “Noir” (Đen), trong đó vang vọng sự ê chề của cả cá nhân lẫn đất nước. Đó là những thiên thần sa ngã lết đôi cánh đen và nhìn về thiên đường đã mất – như trong “Fallen Angel” (1872), “Angel in Chain” (1875), và “Fallen Angel Looking at a Cloud” (1875). Đó là những cái đầu của kẻ thua cuộc – như cảnh David cắt cái đầu hoang dã khổng lồ của Goliath. Và cả một cảnh phi truyền thống: vài cái cây cô độc, mọc không thẳng thớm giữa hoang địa – như trong “Trees” (1875)“Two Trees” (1875). Cả ba motif vừa nêu đều phản chiếu nỗi buồn của Redon, khi căn cước của mình – kẻ bị xem là quỷ ám, chậm phát triển hơn bạn bè, và mang nửa dòng máu từ thuộc địa dã man – bị đặt vào thế đối nghịch với xã hội “văn minh” của lý tính, thuyết tiến hóa và Kito giáo.

Đến biển vô thức và những cái đầu bay

Theo bước Baudelaire, Redon đã đóng cái vai “nhà thơ bị đày đọa”. Nếu con chim biển của Baudelaire ngã nhào khi đi bộ vì phải gánh đôi cánh lớn trên vai, thì thiên thần của Redon cũng bị đôi cánh đen đày trên mặt đất. Khi gánh vác khát vọng vươn tới cái tuyệt đối mà Baudelaire truyền lại, Redon đã gặp các học trò của Baudelaire: nhóm Tượng trưng. Trước tiên là Mallarmé – người cho rằng nghệ thuật chỉ nên gợi chứ không nên tả, và thơ cần học từ âm nhạc cái tài khơi gợi cõi lòng vô hình. Kế đến là Rimbaud – người tin rằng để nhìn thấy thực tại vô hình đằng sau mọi giác quan, người nghệ sĩ cần trả lại quyền chủ thể cho “vô thức”. Cho đến nay, những bức tranh khắc của Redon vẫn tuân thủ phép phối cảnh tĩnh và các quy luật vật lý thông thường. Nhưng từ năm 1876, khi ông lần đầu ghé thăm salon của Mallarmé, thực tại vật lý trong tranh ông bắt đầu nhường chỗ cho những ảo ảnh từ vô thức.2,8

Ở hậu cảnh của tranh Redon, những hoang địa khô cằn bỗng nhường chỗ cho một biển nước vô tận – hình ảnh thường tượng trưng cho miền vô thức không dò được đáy, theo lời Jung. Ở tiền cảnh, trọng lực biến mất, để những thiên thần sa ngã và những cái đầu bị cắt lìa vỗ cánh bay lên – như trong “Devil Take A Head In The Air” (1876), “Guardian Spirit of the Waters” (1878), hoặc “Gnome” (1879). Tương tự giai đoạn trước, những nhân vật này thể hiện nỗi tự ti về sự thua cuộc, điên loạn và chậm tiến hóa: “con quỷ” năm 1876 có một cái đuôi khỉ, “thủy thần” năm 1878 có nét mặt của một thổ dân, và “người lùn” năm 1879 có đôi mắt trợn trừng như người động kinh. Nhưng họ đã lấy lại phẩm giá của mình: thổ dân trở thành vệ thần của biển vô thức mà con thuyền phương Tây nhỏ bé băng qua, và đôi mắt trợn ngược của người lùn nhìn về cái tuyệt đối trên trời với vẻ hướng thượng. Dường như họ phản ánh một cuộc nổi loại kéo dài từ giữa thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 – khi phương Tây tìm lại phần con người phi lý tính, cùng không thời gian phi tuyến tính, nhờ thẩm mỹ và triết học của các tộc người “hạ đẳng” ở Nhật Bản, Ấn Độ, Nam Mỹ, châu Phi, hay Polynesia. Bằng cách “chết” trong nghệ thuật, ngưng nhìn thế giới khách quan bên ngoài để cảm nhận thế giới chủ quan trong tâm, như cái đầu nhắm mắt của chàng Orpheus trong “Head of Orpheus on The Water or The Mystic”.9,10

Từ năm 1876, khi ông lần đầu ghé thăm salon của Mallarmé, thực tại vật lý trong tranh ông bắt đầu nhường chỗ cho những ảo ảnh từ vô thức.

Những năm này, Redon nghèo, nhưng vẫn giỏi biến họa thành phúc. Ngay sau chiến tranh, ông đến Paris và học kỹ thuật chuyển tranh vẽ chì thành tranh in thạch bản. Sau khi cha ông mất trong trạng thái không xu dính túi vào năm 1874, từ năm 1878, ông bắt đầu trang trải cuộc sống bằng cách in hàng loạt các bức tranh “Đen”. Dù mỗi bức tranh chỉ được bán với giá rẻ mạt, số lượng của chúng đã giúp ông được biết đến nhiều hơn trong giới trung lưu thành thị đang có chung tâm trạng chán ngán. Nhờ đó, ông lần đầu hiện diện trong sinh hoạt nghệ thuật ở Paris, sau mười mấy năm bị từ chối bởi các salon. Ngay trong năm 1878, bức “Guardian Spirit of the Waters” được giới phê bình chú ý. Năm 1879, ông ấn hành bộ tranh thạch bản đầu tiên của mình, mang tên “In The Dream”. Năm 1880, ông cưới một phụ nữ gốc Pháp đến từ thuộc địa – người chia sẻ căn cước mà mẹ ông từng mang trước khi chuyển từ Mỹ đến Pháp.

Trong giai đoạn này, ngoài các biểu tượng của Kito giáo và thuyết Darwin, Redon đã vay mượn thêm các biểu tượng từ giả kim thuật – như trong “Cauldron of the Sorceress” (1879), “Gnome” (1879), hay “Faust and Mephistopheles” (1880). Ông tiếp nhận cảm hứng giả kim thuật từ nhiều nguồn: các tác phẩm của Goethe, ý tưởng “giả kim thuật ngôn từ” của Rimbaud trong tập thơ năm 1873, và những bức khắc Faust của Rembrandt – bậc thầy sử dụng sắc đen mà ông nghiên cứu trong chuyến đi Hà Lan năm 1878. Thật thú vị, khi Redon biến chân dung tự họa của mình thành bức vẽ Faust năm 1880. Thuật giả kim mà ông trình bày trong hai bức tranh còn lại – nơi ông khuấy vạc nước vô thức để tạo thành những hình ảnh nửa người nửa thú, nửa sáng nửa tối, những hợp thể vượt qua làn ranh nhị nguyên để tìm đến cái tuyệt đối nhất nguyên – chính là thủ pháp quen thuộc của ông trong chương tiếp theo của sự nghiệp.11,12(Còn tiếp)

—-

Nguồn tham khảo:

1 https://ur.booksc.me/book/43008108/085e91

2 https://www.pdfdrive.com/the-etchings-and-lithographs-of-odilon-redon-e19316405.html

3 https://writing.upenn.edu/library/Baudelaire-Salon-1848.pdf

4 https://www.poetryfoundation.org/poems/46477/alone-56d2265f2667d

5 https://ur.booksc.me/book/47919902/668b6e

6 https://lieutruongvietvadoc.wordpress.com/2016/06/22/baudelaire-nguoi-mo-duong-cho-tho-hien-dai/

7]https://fleursdumal.org/poem/200

8 https://lieutruongvietvadoc.wordpress.com/2017/11/29/chu-nghia-tuong-trung-trong-van-hoc-phap/

9 https://ur.booksc.me/book/66857030/3369eb

10 https://vi.kipkis.com/Ngh%E1%BB%87_thu%E1%BA%ADt_nguy%C3%AAn_th%E1%BB%A7y,_kh%C3%B4ng_gian_phi_Euclid

11 https://www.proquest.com/openview/e00345aa1d3f7ae5ad6eecb60fbc5680/1?pq-origsite=gscholar&cbl=18750&diss=y

12 https://www.mag4.net/Rimbaud/poesies/Alchemy.html

Tác giả

(Visited 14 times, 1 visits today)