Operaphilia: Khi tình yêu cất lời
Không dồi dào về nguồn lực, không có “ngôi sao” và cũng chẳng có sự hỗ trợ nào đáng kể nhưng chính sự bền bỉ và đam mê thật sự với âm nhạc cổ điển đã giúp Operaphilia, một nhóm các bạn trẻ yêu opera ở Hà Nội, bắt đầu khơi gợi được tình yêu opera ở mọi người.
Các nghệ sĩ Operaphilia biểu diễn trong buổi hòa nhạc tổ chức tại Nhà thờ lớn. Nguồn: Operaphilia
Nếu câu chuyện này xảy ra ở một quốc gia, nơi âm nhạc cổ điển đã bám rễ và có khán giả, thì hoạt động của Operaphilia chỉ là một dạng sinh hoạt “ngoại khóa” bình thường và dễ cắt nghĩa của những người cùng sở thích. Tuy nhiên, khi đặt vào bối cảnh Việt Nam, nơi âm nhạc cổ điển còn bị giới hạn khán giả bởi bị khoác tấm áo định kiến “hàn lâm”, “bác học”, chỉ có thể dành cho một số người nhất định thưởng thức, mới thấy giá trị của những nỗ lực thắp lửa. Đông Nguyên, một trong ba thành viên sáng lập Operaphilia, kể lại lời chia sẻ đau xót của một nghệ sĩ cổ điển và giảng viên thanh nhạc từng tu nghiệp ở nước ngoài với anh cách đây nhiều năm “Opera ở Việt Nam chết rồi còn đâu”. Thật vậy ư?
Có lẽ là vậy, bởi cũng như mọi bộ môn nghệ thuật, opera cần khán giả. Ở Việt Nam, các nhà hát không thường xuyên sáng đèn cho opera, nếu có, thì lượng khán giả cũng khá khiêm tốn. Rất hiếm người đến nhà hát để thưởng thức opera một cách thực sự, do đó các nghệ sĩ opera cảm thấy thiếu động lực làm nghề. Những khám phá tìm hiểu các tác giả, tác phẩm, trích đoạn, aria… và suy ngẫm về nó, vì thế, gần như không được ưu tiên. Cái vòng luẩn quẩn này khiến opera ngày một xa lạ với mọi người trong khi nó là một môn nghệ thuật đầy cuốn hút. “Không có bất cứ rào cản nào với mọi người, nếu muốn đến với opera. Chỉ cần loại bỏ định kiến, cộng thêm một chút kiên nhẫn là bạn có thể nghe opera, còn để trở thành nghệ sĩ opera, ngoài năng khiếu, tình yêu bạn dành cho nó phải đủ lớn”, Đông Nguyên – người dành tình yêu không giới hạn cho opera từ khi còn học đại học, đánh giá.
Tuy yêu opera nhưng cả Đông Nguyên, Phúc Phan hay Hoàng Việt – những người sáng lập Operaphilia, đều tỉnh táo hiểu rằng, thật khó để opera trở thành một nghệ thuật phổ biến với số đông nhưng nếu thực sự muốn nó có độ lan tỏa nhất định trong lòng khán giả đại chúng thì tốt nhất nên làm điều gì đó. Và đó là thứ thôi thúc họ và bạn bè trong nhóm Opera và Thanh nhạc Cổ điển bàn bạc để đi đến quyết định thành lập Operaphilia vào tháng 10/2020 với mong ước tạo ra “một studio thể nghiệm cho cả việc hát và nghe opera, nơi thực hành các hoạt động biểu diễn, hun đúc tình yêu, tích lũy kinh nghiệm cho các nghệ sỹ cũng như dần xây dựng khán giả cho bộ môn nghệ thuật này”.
Bước khởi đầu hồn nhiên cho một hành trình mà ngay cả người trong cuộc cũng không thể mường tượng được những gì sẽ gặp đã bắt đầu như vậy.
Nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật
“Donizetti từng nói với Romani – người viết lời opera cho ông: ‘Tôi bị buộc phải hoàn thành một vở opera trong vòng hai tuần,… nhưng tôi cảnh báo anh trước, chúng ta chỉ có một ả prima donna người Đức, một anh chàng tenor cà lăm, một gã buffo giọng be be như dê và một lão bass Pháp chẳng thể tệ hơn. Dẫu vậy, chúng ta vẫn phải giành vinh quang về cho mình…’. Và Donizetti đã làm được, với L’elisir d’amore”. Vào ngày 2/1/2021, “ông bầu” Đông Nguyên viết một cách hài hước như vậy trên trang facebook của Opera và Thanh nhạc Cổ điển và cho rằng, hiện mình còn có nhiều hơn những gì Donizetti có khi ấy “ở bên tôi lúc này là những giọng hát trẻ, tài năng, luôn tin tưởng và đầy nhiệt huyết lẫn đam mê”.
Nhưng đó là thời điểm hơn một năm sau ngày thành lập, khi Operaphilia hội tụ được hơn 20 thành viên, chủ yếu là sinh viên thanh nhạc. Ở vạch xuất phát, những gì Operaphilia có thật ít ỏi bởi phần lớn mọi thứ mới chỉ ở dạng ý tưởng: tập hợp các sinh viên thanh nhạc, không đặt nặng yêu cầu về trình độ nhưng phải yêu nhạc cổ điển và có ý định nghiêm túc về nghề nghiệp; một không gian công cộng rộng rãi có thiết bị nghe nhìn, có đàn piano để các thành viên có thể trao đổi với nhau, thậm chí vỡ bài. Dĩ nhiên yêu cầu là sinh viên thanh nhạc cũng có đôi chút thuận lợi với Operaphilia: các bạn đã có những kiến thức cơ bản và phần nào được hướng dẫn để phát triển giọng hát. Khác với những công ty đào tạo thanh nhạc đang mọc lên như nấm ở Việt Nam, khi đến với Operaphilia, “các bạn sẽ không có cơ hội có thu nhập hay được lăng xê đâu”, Đông Nguyên cảnh báo. “Cái được nhất của các bạn là sẽ được trao đổi về opera một cách nghiêm túc và có được kiến thức nền về opeara…”. Đây cũng là điều mà anh và bạn bè trao đổi rất kỹ trước khi lên chương trình thể nghiệm cũng như đăng tuyển thành viên qua facebook.
Các nghệ sĩ Operaphilia biểu diễn trong buổi hòa nhạc tổ chức tại Nhà thờ lớn. Nguồn: Operaphilia
Từ ý tưởng đến hiện thực có một khoảng cách mà những người như Phúc Phan, Đông Nguyên và Hoàng Việt đã cần mẫn và tỉ mỉ lấp đầy. Để các buổi gặp gỡ có chất lượng và truyền tải được nhiều kiến thức hữu ích, họ đã thiết lập được một khung nội dung chuẩn: lý thuyết lịch sử âm nhạc, lịch sử thu âm, trao đổi nhận xét các bản thu âm đặc sắc, và phần thực hành, vỡ bài trên đàn piano. Nhìn lại gần hai năm qua, họ đã tổ chức được nhiều buổi chuyên đề khác nhau vào các dịp cuối tuần. Không bám theo tiến trình lịch sử âm nhạc, họ ưu tiên chọn các chuyên đề mà mình thấy cần thiết và phù hợp với giọng hát của các thành viên. “Chúng tôi bắt đầu bằng Mozart, nghệ thuật hát đẹp bel canto rồi đi qua thời kỳ Baroque, Lãng mạn Đức (Wagner, Strauss), phong cách Verismo (gồm cả Pucini), Lãng mạn Pháp, Lãng mạn Nga và cả thời kỳ Hiện đại (thế kỷ 20)…”, Đông Nguyên nói và cho biết thêm, “Riêng với Verdi – nhà soạn nhạc có nhiều tác phẩm luôn có mặt trong kịch mục chuẩn của các nhà hát opera trên thế giới, có hẳn hai chuyên đề về các giai đoạn sáng tác khác nhau. Sở dĩ như vậy là vì ở Việt Nam mình thường nhìn nhận chưa đầy đủ về âm nhạc của Verdi nên cứ ai học thanh nhạc cổ điển cũng đều ham hát Verdi trong khi đó là thứ âm nhạc rất nặng và hại giọng, những giọng hát chưa đủ độ chín thì không nên động vào. Cả Puccini cũng thế”.
Với các thành viên, những buổi sinh hoạt chuyên môn cô nén cả một phong cách, một thời kỳ hay một tác giả lớn vào vài tiếng đồng hồ như thế quả là cả một “gánh nặng” kiến thức. Mặt khác, ngoài phần lý thuyết, họ còn được nghe và trao đổi về những trích đoạn nổi tiếng theo chủ đề, trong đó có các bản thu âm theo từng thời kỳ phát triển của nghệ thuật thu âm. Đông Nguyên lý giải, “chúng tôi muốn cho các bạn ấy thấy sự dịch chuyển trong thẩm mỹ thanh nhạc qua các thời kỳ như thế nào, cái gì dẫn đến những thay đổi đó? Điều này rất quan trọng bởi có thể nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt trong việc xử lý các aria không chỉ là sự thay đổi quan niệm về kỹ thuật thanh nhạc đúng đắn giữa các thời kỳ mà còn do sự thay đổi trong cảm xúc, thẩm mỹ âm nhạc hoặc do ảnh hưởng của việc dàn dựng sân khấu… Là nghệ sĩ biểu diễn trong tương lai, các bạn ấy phải nắm được những điều cơ bản ấy”.
Mường tượng ra khó khăn các học viên sẽ phải nếm trải và nỗ lực họ phải duy trì để có được sự tiến bộ trong nghề nhưng những người điều hành Operaphilia kiên quyết không thay đổi kết cấu các buổi học. “Mỗi buổi học như vậy diễn ra trong khoảng ba đến bốn tiếng. Ban đầu, chúng tôi định tổ chức hằng tuần nhưng thực tế thì khoảng hai tuần mới được một buổi. Dù nghiêm túc và say mê nhưng lượng kiến thức quá lớn nên cũng có lúc các bạn cũng nản. Thông thường, mỗi buổi chỉ có được 5, 6 người và chưa bao giờ đầy đủ các thành viên cả”, Đông Nguyên nhớ lại.
Học những điều ẩn sau nốt nhạc
Bao giờ, nửa cuối mỗi buổi gặp gỡ như thế mà cả niềm vui của cả Operaphilia. Đó là lúc “bừng tỉnh” sau khi đắm chìm vào các trích đoạn, các aria tiêu biểu do những nghệ sĩ xuất sắc biểu diễn, các thành viên có thể vỡ bài cùng nghệ sĩ Phúc Phan, người vẫn làm nhiệm vụ đệm đàn ở Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam. Qua trải nghiệm với các nghệ sĩ opera của nhà hát cũng như nhiều nghệ sĩ nước ngoài, Phúc Phan có thể hướng dẫn các thành viên về âm nhạc, về cách xử lý các aria mà họ lựa chọn từ trước hoặc được mọi người đề nghị thử nghiệm. “Mỗi tác giả, mỗi thời kỳ đều có đặc trưng riêng về về phong cách thể hiện, ví dụ hát Mozart khác, hát Verdi hay Pucini sẽ khác, hát Lãng mạn sẽ không thể giống Baroque… Các bạn ấy phải có được hình dung nhất định như vậy”, Đông Nguyên nói.
Qua những lần vỡ bài ở Operaphilia, mọi người phát hiện ra rằng, trong quá trình theo học thanh nhạc, các học viên thường có xu hướng chú trọng vào luyện kỹ thuật hát hơn là những kỹ năng đi kèm như thể hiện cảm xúc, kỹ năng biểu diễn. “Không phải có trong tay bản nhạc rồi cứ ký xướng âm lên thành bài hát ngay đâu. Người hát cần phải hiểu được bản nhạc, tác giả muốn nói gì? tưởng tượng được gì qua những âm thanh đó? Mỗi aria, mỗi lied ẩn chứa nhiều điều trong những nốt nhạc và sự hòa quyện lời thơ và âm nhạc làm nên cái đẹp. Nếu lĩnh hội được những điều đó, các bạn ấy đều có cơ hội trở thành nghệ sĩ thực thụ”, Phúc Phan nói.
Tenor Đức Tùng cho biết, anh đã mất sáu năm để hiểu và hát được aria “La donna e mobile” của Verdi. Nguồn: Operaphilia.
Việc trao đổi kỹ lưỡng với nhau cũng khiến mọi người “vỡ” thêm nhiều điều. Lâu nay, người ta vẫn cho rằng, việc học thanh nhạc thời kỳ này có nhiều thuận lợi hơn trước khi sẵn có các trích đoạn, các vở do những nghệ sĩ hàng đầu biểu diễn trên mạng internet, nếu muốn chỉ cần bật loa lên và học theo. Tuy nhiên, mọi thứ không hẳn đơn giản như vậy. Phúc Phan giải thích, “Mỗi người đều có cảm nhận riêng, một năng lực riêng nên cách tiếp cận tác phẩm cũng khác nhau. Khi mình chưa đủ năng lực như các nghệ sĩ lớn thì mình không thể hát được như họ, ví dụ khi giao những bản aria rất nặng của Puccini cho một bạn trẻ sinh viên năm nhất hoặc năm hai, chúng tôi phải trao đổi với bạn ấy, làm việc thật kĩ càng, để tìm ra cách hát vừa sức nhất với năng lực của bạn ấy, tránh gào thét và vắt kiệt sức dẫn đến làm tổn thương một giọng hát còn chưa phát triển hoàn toàn”.
Việc được tham gia Operaphilia và được hướng dẫn một cách cẩn trọng khiến các thành viên đều cảm thấy trân trọng hơn nghề nghiệp mình theo đuổi. Niềm đam mê thực sự opera cứ ngày một lớn dần, không ai chọn bài mà lại không cất công tìm hiểu, cảm thụ và trao đổi. Trường Linh, sinh viên Học viện Âm nhạc Quốc gia và công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, cho biết, anh cảm thấy khó khi vỡ bài “Cantique de Noel”, một ca khúc Giáng sinh nổi tiếng thường được trình diễn trong các mùa Giáng sinh ở Việt Nam: “Vấn đề không phải nằm ở cữ âm hay các nốt cao, điều quan trọng là làm sao có thể tạo nên các sắc thái khác nhau trong mỗi đoạn, mỗi lời hát để khiến cho bài hát không trở thành nhàm chán vì người ta đã quá quen nó rồi”. Trước đây, do bị ảnh hưởng bởi một số phiên bản có sẵn và chỉ nương theo những gì cảm nhận về âm nhạc, anh từng cho đây là một ca khúc có âm hưởng buồn bã. “Tuy nhiên đến khi tìm hiểu bài và phân tích từng câu nhạc cùng anh Phúc Phan, mới thấy nó hoàn toàn khác với những gì mà mình cảm nhận ban đầu. Và thế là gần như phải ‘đập đi xây lại’”, Trường Linh kể về việc vỡ bài của mình như vậy.
Qua trao đổi, Phúc Phan biết những gì cần thiết với các thành viên. Anh chia sẻ trong một concert tổ chức online vào tháng 8/2021, “Tôi nghĩ điều đầu tiên và quan trọng là giữ được đam mê. Một khi có đam mê thì những vấn đề như phát âm, kỹ thuật hát, kiến thức… sẽ đến. Những kiến thức như thế cũng quan trọng vì với người nghệ sĩ khi đứng trên sân khấu phải biết mình có gì và làm được gì”.
Điểm đến của các giấc mơ
Không khó để nhận ra rằng, những buổi gặp gỡ như thế đã giúp Operaphilia nhận ra trong số những người hồ hởi đăng ký ban đầu, đâu là người say mê nghệ thuật thực sự và muốn trưởng thành hơn trong nghệ thuật… Với những ai còn bám trụ với Operaphilia, phần thưởng lớn nhất là sự trưởng thành. “Các bạn ấy đã thực sự được rèn giũa để có thể hát được, theo cách khác hẳn ngày trước”, Đông Nguyên nhớ lại.
Những giấc mơ trở thành nghệ sĩ biểu diễn thực thụ, vì thế, đã lớn lên từng ngày, nhưng nó vẫn cần được bồi đắp bằng thực tại. Khi cảm nhận các thành viên cần một sân khấu để tự khám phá chính mình và khám phá khán giả, Operaphilia đã quyết định tổ chức buổi hòa nhạc đầu tiên tại Trung tâm nghệ thuật đương đại VCCA. “Chúng tôi không ngờ đó là bước ngoặt cho Operaphilia”, Đông Nguyên nói. Mặc dù trước khi đến với Operaphilia, một vài người trong số họ đã từng được biểu diễn trên sân khấu nhưng bài học cơ bản vẫn được anh nhắc đi nhắc lại “cần tập chăm chỉ và nghiêm túc. Các bạn đừng nghĩ hát cho người không biết gì về opera là có thể dễ dãi bởi có thể sẽ ảnh hưởng tới cái nhìn của họ về opera. Lúc nào xuất hiện trước khán giả cũng phải biểu diễn với thái độ tận tâm, hát giàu cảm xúc”.
Có lẽ, không ai trong Operaphilia có thể quên được cảm xúc được biểu diễn trong khán phòng chính của VCCA, nhất là khi họ cũng cảm thấy lo ngại trước việc phải làm chủ bằng chính giọng hát thật mà không qua bất cứ một thiết bị khuếch đại âm thanh nào trong một không gian lớn quy tụ hàng trăm khán giả. Mặt khác, dù có lợi thế là một buổi hòa nhạc không bán vé nhưng đây là không gian mở, nếu ai đó không thích có thể tự ra về. Vì vậy, rủi ro về tổ chức lúc nào cũng có thể đến.
Ngay cả các khán giả nhỏ tuổi cũng yêu thích các màn biểu diễn của những nghệ sĩ Operaphilia. Nguồn: Operaphilia.
Bất chấp những lo ngại này, “khán giả ở lại đến phút cuối, kể cả trẻ em, hầu hết đều là những người lần đầu tiên nghe nhạc cổ điển”, Đông Nguyên không giấu nổi cảm xúc. Câu chuyện tình yêu được kể bằng một thứ ngôn ngữ lạ mà những nghệ sĩ đặt cả trái tim mình vào đó đã đến được với khán giả, những người thưởng thức opera một cách thực sự. Điều đó tác động rất mạnh đến các nghệ sĩ trẻ.“Mặc dù em thích opera nhưng chưa bao giờ em thấy opera có khán giả cả. Lần đầu tiên, em thấy hát cổ điển cũng có người nghe theo kiểu cảm thấy thích thú, sung sướng vỗ tay vì thấy hay”, tenor Trường Linh, một trong số khán giả, đã nói với “ông bầu” Đông Nguyên như vậy sau khi đã gia nhập Operaphilia.
Tình cảm chân thành của khán giả được giãi bày qua những tờ giấy ghi cảm nhận. “Có một số cụm từ chúng tôi bắt gặp thường xuyên là ‘gần gũi’, ‘lần đầu tiên được xem một cách gần gũi’, ‘chưa bao giờ được nghe opera’, ‘ấn tượng quá’, ‘sao các anh chị hát nhiều cảm xúc như vậy’. Chính điều đó đã cho chúng tôi thấy là mình đi đúng đường”, Đông Nguyên cho biết. Thậm chí, trong một lần đi cắt tóc, soprano Trang Bùi còn được một người thợ làm tóc từng dự buổi hòa nhạc háo hức nhận ra. “Với tôi, điều đó quý giá như những bó hoa mà tôi nhận được sau buổi biểu diễn trong sân khấu nhà hát”, chị kể lại.
Cái gì xuất phát từ trái tim sẽ đến trái tim, Operaphilia cảm nhận được như vậy. Những điều họ nhận được không chỉ là niềm vui được làm nghề mà những khúc aria của họ đã đến được với khán giả, sau nhiều nỗ lực khổ luyện và việc trân trọng từng cơ hội tới. Nhưng thành quả không chỉ có vậy, rất nhiều điều bất ngờ khác ập đến: ngoài VCCA, Operaphilia còn nhận được đề nghị cộng tác cùng tổ chức biểu diễn ở nhiều địa điểm công cộng khác… và nhiều nghệ sĩ có tên tuổi cũng mong muốn góp mặt trong những buổi hòa nhạc nghiêm túc như vậy để thỏa khao khát được hát có khán giả thực sự.
Ở thời điểm này khó có thể nói rằng, Operaphilia sẽ làm thay đổi nhận thức về opera hay mở ra một trào lưu mới ở Việt Nam nhưng rõ ràng những gì họ làm được ngoài sức tưởng tượng. Dẫu vậy, cả nhóm Operaphilia không có thời gian để nghĩ về điều đó. Kinh nghiệm và thành công sau sáu buổi hòa nhạc trong năm 2021 đã đưa họ đi xa hơn. Năm 2022 của Operaphilia giờ đã kín lịch với bốn buổi hòa nhạc lớn, trong đó không ngần ngại thử nghiệm cái mới: không chỉ đơn thuần hát các aria đơn lẻ mà sẽ dựng các tiểu cảnh (scene) và sau này có thể dựng nguyên màn hoặc thậm chí cả vở theo lối rút gọn và tối giản để tạo trải nghiệm cho khán giả như xem opera tại nhà hát thực.
Và có lẽ, không có nỗ lực nào mà lại không được đền đáp. “Tôi từng đến nhiều khán phòng hàng đầu châu Âu, được nghe trực tiếp hoặc qua băng đĩa nhiều giọng hát huyền thoại, ở đẳng cấp cao trên thế giới nhưng làm việc và tiếp xúc với các bạn trẻ ở khoảng cách gần làm thay đổi nhận thức của tôi về opera và thanh nhạc cổ điển”, Đông Nguyên nói. “Giọng hát là một nhạc cụ thật sự đặc biệt, rất giàu âm sắc và chưa bao giờ thôi khiến tôi thấy bất ngờ. Có lẽ mãi sẽ là như vậy”.□