Orpheus – Chỉ một nghệ sĩ mới tìm tới âm ti

Truyền thuyết về Orpheus thì đã quá quen: Orpheus xuống địa ngục tìm người vợ Eurydice; Hades đồng ý cho chàng đưa Eurydice trở về, chỉ với một điều kiện: trên đường lên tới mặt đất, chàng không được quay đầu lại nhìn nàng; thế mà khi chỉ còn vài bước chân, chàng mất kiên nhẫn, liền hé đầu nhìn nàng một cái để được yên tâm; bao công sức tan thành mây khói.

Jean Cocteau thực hiện một trilogy phim về Orpheus.

Phần lớn người nghe chuyện chỉ nhớ chi tiết, Orpheus vì chơi đàn lyre giỏi mà làm cảm động cả thần cai quản địa ngục, cho chàng một cơ hội rước vợ về. Nhưng Jean Cocteau – thi gia, kịch tác gia, tiểu thuyết gia, nghệ sĩ, và nhà làm phim người Pháp – lại để ý một điều khác: Orpheus là nghệ sĩ nên cõi chết mềm lòng đã đành rồi; nhưng còn hơn thế, vì Orpheus là một nghệ sĩ, nên chàng mới lặn lội xuống tận âm cung.

20 năm sau khi thực hiện The Blood of A Poet (Máu một nhà thơ) với những ý tưởng sơ khởi về Orpheus, đến năm 1950, ông mới thực hiện Orpheus1, một phim truyện đích thực cho chàng, cũng là bộ phim thứ hai trong trilogy về Orpheus, sau đó 10 năm, ông còn làm The Testament of Orpheus (Di chúc của Orpheus). Cũng như Jean-Luc Godard kể lại sự ra đời của Chúa Jesus bằng cách chuyển thể Đức mẹ Đồng Trinh trở thành cô thiếu nữ người Pháp hiện đại đam mê bóng rổ, có cha làm trong một trạm xăng, hẹn hò cùng anh chàng Joseph lái taxi, Jean Cocteau mới đầu lược bỏ không gian thần thoại – đặt Orpheus là một thi sĩ trung niên lừng danh, đang lê la cafe với đám bạn văn để than thở về việc khủng hoảng sáng tạo của mình. Chính hành động cố tình đánh lạc hướng khỏi thần thoại đó khiến cho khi thần thoại dần nhập vào câu chuyện, thì ta – như Orpheus – không nhớ từ lúc nào mình đã lạc lối trong màn sương của những biểu tượng và những giấc mơ, không còn biết đâu là thực và đâu là ảo, vì thực cũng là ảo mà ảo cũng là thực.

Cái Chết trong phim của Cocteau không cưỡi trên cỗ xe ngựa đen tuyền như khi Hades đi cướp nàng Persephone, Cái Chết ngồi trên một chiếc xe hơi, cái xe hơi cũng phải dừng khi trước mặt có xe tải đi qua, nghĩa là tuân theo những luật định của cõi thế. Cái Chết hiện diện trong dung mạo một phụ nữ, dù có vẻ lạnh lùng nhưng cũng không khác gì một phụ nữ bình thường, nàng hút thuốc lá, nàng nghe nhạc, nàng soi gương, nàng chỉnh tóc, nơi nàng sống có rượu champagne. Nếu nàng không di chuyển qua những tấm gương và không sai khiến được kẻ đã chết làm thuộc hạ, thì nàng cũng chẳng có gì kỳ lạ tới thế.

Sau cuộc gặp ấy, Orpheus không còn là chính mình. Như phải thế, Orpheus phải lòng Cái Chết. Còn ẩn dụ nào hoàn hảo hơn? Một thi sĩ đem lòng si mê Cái Chết, vì chỉ có một thi sĩ mới có thể yêu sự diệt vong, sự phá hủy chính mình, nghĩa là yêu cái thế lực vốn đối lập với tình yêu. Trong một bài thơ của Emily Dickinson, bà viết: 

Bởi tôi chẳng thể dừng chờ Thần Chết – 

Người nhân từ đứng lại chờ tôi–

Xa giá chỉ có Chúng tôi–

Và sự Bất tử.”

Cỗ xe mang Thần Chết và nhân vật trữ tình trong thơ Dickinson có lẽ cũng phảng phất giống với chiếc xe hơi chở Orpheus và Cái Chết của mình ở băng ghế sau, đi qua những cung đường vào chốn vô định. Hay trong một phân cảnh tráng lệ tựa đang dẫn ta bước vào tranh của Giorgio de Chirico, Orpheus đuổi theo Cái Chết giữa thành phố. Trò chơi cút bắt diễn ra qua những cổng vòm, những hàng cột, trên những vỉa hè, dưới những hàng cây; ánh sáng và bóng tối cắt màn hình thành từng khối vuông vức, đan xen nhau như cái chết và sự sống rất tách bạch mà không thể tách lìa; Orpheus không bao giờ theo kịp bước chân Cái Chết, nàng luôn nhanh hơn một nhịp, và luôn biến mất khỏi tầm mắt ngay trước khi chàng chạm được. Những cuộc tìm kiếm đuổi bắt như thế không thiếu trong điện ảnh, tình nhân đi tìm tình nhân – đó là một cảnh phim dễ bắt gặp nhất trên đời, nhưng khi tình nhân ở đây là một thi nhân và Cái Chết của chàng, và cuộc tìm kiếm được đảo ngược lại, không phải Cái Chết đi săn bắt con người, mà con người lần dấu bóng hình Cái Chết, thì thước phim cũng không còn là thước phim thuần túy. Thước phim trở thành thơ ca, và nó chung một cấu trúc với giấc mơ.

Cũng như trong thần thoại, Eurydice chết, và Orpheus cũng xuống âm ti tìm nàng. Nhưng có thật là đi tìm nàng chăng? “Anh ước tìm được Eurydice, hay ước tìm được Cái Chết?”, người tái xế của Cái Chết hỏi Orpheus. Chàng lưỡng lự đáp: “Cả hai.” Có lẽ đó cũng không phải lời nói dối, vì với một thi sĩ, một nghệ sĩ, bước vào tình yêu cũng là bước vào cái chết, yêu cũng là một cách chết.

Gọi Orpheus là một phim truyện thì đã hiển nhiên, nhưng hẳn nó cũng là một tiểu luận về nghệ thuật và nguồn gốc nghệ thuật của Jean Cocteau. Chuyện xuống địa ngục tìm người yêu của Orpheus chỉ diễn ra được vì chàng là một nhà thơ, và làm một nhà thơ nghĩa là chàng bầu bạn với Cái Chết hằng ngày, tơ tưởng đến Cái Chết hằng ngày, mơ mộng về Cái Chết hằng ngày. Phải là một nghệ sĩ, một kẻ đã thân thiết với Cái Chết, mới có thể nhận lời tới âm phủ – việc làm điên rồ ấy không thể đến từ một kẻ không tin vào những thực tại khác. Tưởng như chỉ cần bước qua gương là sang được thế giới bên kia, nhưng để làm được điều đơn giản đó lại cần đức tin của một kẻ tử đạo – xét cho cùng việc đeo một chiếc găng tay để thử đi vào gương cũng là mệnh lệnh nực cười như khi Thượng đế bảo Ezekiel nằm nghiêng trong vòng 390 ngày – Orpheus phải sùng bái hư cấu đến mức tuân theo mọi gợi ý cuồng trí mà hư cấu đưa ra.

Cuộc trùng phùng giữa Orpheus và Cái Chết không chỉ là cuộc tái ngộ của một đôi tình nhân, đó là cuộc tái ngộ của nghệ thuật và nàng thơ của nó, một cuộc gặp gỡ tiền định, và chỉ có đôi tình nhân ấy mới có đủ thẩm quyền để thốt lên: “ta đã yêu chàng từ trước khi gặp gỡ”. Cảnh âu yếm, thề hẹn giữa Orpheus và Cái Chết tạo nên một hình ảnh hoàn toàn khác về chân dung cuộc chạm trán với Cái Chết ta đã quen trong hội họa. Ngay cả bức tranh Death and the Maiden của danh họạ Egon Schiele tuy đã mô tả người thiếu nữ trong vòng tay Cái Chết rất mực êm đềm và ấm áp, nhưng đâu đó vẫn có cái gớm ghiếc và bất cân xứng giữa cô gái trẻ tuổi xinh đẹp và Cái Chết đen đúa nhăn nheo; còn ở đây, Cái Chết và con người đã thực sự tình tứ và quyến luyến, mãnh liệt và tha thiết, Cái Chết không xấu xí, Cái Chết cũng xinh đẹp kiều diễm như một vị công nương, hoàn toàn xứng đôi vừa lứa với thi nhân. 

Cái Chết đi tìm Cái Chết để cho Orpheus sống mãi. Làm sao Cái Chết còn có thể chết? Sự phủ định hai lần ấy là sự khẳng định cho Tình yêu. Nhưng suy cho cùng, nếu Orpheus không phải một thi nhân, liệu Cái Chết có lý do gì để hủy diệt sự hủy diệt? Người ta vẫn nói: nghệ thuật chống lại sự băng hoại của thời gian. Nhưng không có sự chống lại nào ở đây cả. Nghệ thuật không chống lại cái gì. Nghệ thuật có mạnh thế đâu, nghệ thuật chỉ đẹp thôi. Và cái đẹp của nghệ thuật cảm hóa sự băng hoại. 

Trong một phân cảnh, những vị phán quan địa phủ hỏi Orpheus làm nghề gì. Anh đáp, nhà thơ. Họ hỏi vặn, nhà thơ là làm gì. Anh đáp, nhà thơ nghĩa là viết mà không cần phải là một người viết. Chỉ có những thi sĩ và nghệ sĩ mới có thể vừa làm một điều gì đó mà không bị trói buộc trong cõi đó. Chỉ có nhà thơ mới viết mà không cần là một người viết; cũng chỉ có nhà thơ mới có thể xuống địa phủ dù không phải để chết, mà để yêu.□

———-

1. Orpheus được những bậc thầy làm phim thế hệ sau như Andrei Tarkovsky hay Akira Kurosawa xếp trong danh sách những tác phẩm điện ảnh yêu thích nhất. Nhà phê bình Roger Eberts cũng liệt kê bộ phim này trong danh sách “Phim vĩ đại”.

Tác giả

(Visited 141 times, 1 visits today)