Palomar: Khi văn chương giải thể ngữ nghĩa

Liệu có thể viết một thứ văn chương không có tính ngôn ngữ được không?

Khước từ mê lộ văn chương định hình bởi sự đa nghĩa của ngôn từ, bậc thầy của trò chơi trốn tìm với ngôn ngữ hay còn gọi là ẩn dụ Italo Calvino trong tác phẩm cuối đời đã thoái lui khỏi những kiến tạo ngôn từ rối rắm để tạc dựng một mê cung của sự nhìn với những hình thái, màu sắc, vector, hình học, liệt kê, phân kỳ, hội tụ, cấu trúc thuần khiết phi-ý-nghĩa-nội-tại.

Palomar khó có thể được xếp vào thể dạng văn chương gì, khi mà cùng đích của nó là sự mô tả chứ không phải sự diễn dịch. Jean-Paul Sartre phân biệt văn chương và các nghệ thuật khác như hội họa, âm nhạc, thi ca ở chỗ, văn bản văn chương xác lập những ý nghĩa nhất định thông qua những ký hiệu trong khi màu sắc, giai điệu và ngôn ngữ thơ không biểu hiện gì khác hơn ngoài cái nó đang là. Nói cách khác, chúng như một vũ trụ tự dãn nở nhưng việc hỏi chúng đang dãn nở ra đâu là vô nghĩa. Không có một ngữ cảnh nào để chúng trôi nổi lửng lơ bên trên. Italo Calvino không  tỏ ra tối giản, thậm chí ngôn từ ngồn ngộn trong từng thớ tác phẩm, nhưng đó là những ngôn từ vô sinh. Và bằng cách tháo thân khỏi cái bẫy đa nghĩa của ngôn từ, Italo Calvino trong Palamar viết một thứ văn chương phản văn chương, lược bỏ nền tảng cơ bản nhất của văn chương – ý nghĩa, ít nhất là nếu chiếu theo quan điểm của Sartre.

Bàn cờ của Palomar mang thứ cấu tứ của một khối lập phương tạo lập từ những khối lập phương nhỏ hơn với mỗi chiều dài, rộng, cao bằng 3 đơn vị. Cụ thể, Palomar chia làm 3 phần lớn: “Ngày hè của Palomar”, “Palomar trong thành phố”, và “Im lặng của Palomar”, mỗi phần lớn lại chia làm 3 phần nhỏ và mỗi phần nhỏ lại chẻ thành ba phần nhỏ hơn nữa tương ứng với một hiệp quan sát của anh bạn mang tên Palomar.

Anh bạn mang tên Palomar đứng trước đại dương vào một ngày mùa hè nọ khi liên kết giữa anh và thế giới đã suy nhược, bỗng nhiên anh muốn nhìn một ngọn sóng, “nhìn” – không phải chiêm nghiệm – không phải đắm chìm. Và trò chơi một khi đã bắt đầu thì không thể vãn hồi, không thể ngưng buông. Ngay cả việc nhìn một ngọn sóng đơn lẻ cũng kéo theo một vòng lặp không có điểm dừng. Ngay cả khi đã ngưng nhìn ngọn sóng thì sau đó, anh bạn Palomar cũng không thể không tiếp tục nhìn những thực thể khác, mọi thực thể của đời sống thường nhật của con người và xã hội và đời sống thường hằng của vũ trụ và logic. Anh nhìn bộ ngực trần, nhìn một đôi rùa, nhìn mỡ ngỗng, nhìn pho mát, nhìn vườn cát, nhìn đôi dép lệch, nhìn trăng, nhìn dải Ngân hà, nhìn đủ thứ và nhìn cả cái chết.

Anh bạn Palomar là một thể đối kháng với Marco Polo và Hốt Tất Liệt trong Những thành phố vô hình vốn cũng là một tác phẩm xác lập vị thế bất khả xâm phạm của Italo Calvino trong văn chương chủ nghĩa hậu hiện đại. Nhà hàng hải người Venezia cùng vị Đại Hãn Mông Cổ lần lượt mô tả những thành phố trong trí tưởng tượng hay thực chất là sự phóng chiếu mà trí nhớ và não trạng áp đặt lên ngoại cảnh, khiến cho mỗi thành phố như được tráng qua một lớp ẩn dụ hay một giấc mơ. Còn anh bạn Palomar, ngược lại, nên được xếp vào một người theo lí tưởng cực thực. Mọi diễn ngôn về từng hiện tượng của anh vuông thành sắc cạnh và gần như không trật khỏi cái thế giới tự nó đã là vậy. Ẩn dụ là một thứ quá đỗi xa vời. Dù thi thoảng, như một cá thể người với đặc tính tổ tiên là lí luận và suy diễn, anh cũng nhiều lần suýt chút nữa gán ghép những thông số bề ngoài cho một ý niệm cao khiết siêu hình hơn. Song luôn dừng lại kịp lúc.

Cả Palomar và 24 frames đều có gì đó thực đến cực thực, cực thực đến vượt ra ngoài ranh giới nhị nguyên của thực/ảo, và đều là những quan sát luận cuối cùng của những nghệ sĩ mải mê truy gốc bản chất của thứ nghệ thuật mình đã lao tâm khổ tứ cả đời.

Cảm giác thú vị nhất khi đọc Palomar là sự vô cùng. Sự ngắn ngủi về mặt thị giác (mỗi đoản văn chỉ kéo dài khoảng 3-4 mặt giấy) lại dấy lên sự vô cùng của từng mảnh rơi rớt trong thế giới đa tầng. Một quầy pho mát cũng trình hiện cả một nền văn minh, một đợt sóng cũng trình hiện đầy đủ những quy tắc vật lý và cơ học, mà đó mới chỉ là khảo sát bề mặt, như Palomar nghĩ: “Chỉ khi biết bề mặt của sự vật ta mới có thể mạo muội tìm kiếm những gì có ở bên dưới. Song bề mặt của sự vật thì không thể thấu cạn.”

Anh bạn Palomar chăm chú quan sát thế giới trong từng vận động, từng cử chỉ và cấu hình của nó, đôi khi như một nhà vật lí lượng tử tin rằng cái nhìn có “huyền năng” thực sự tác động lên hành trạng của những nguyên tử lạc vào tầm ngắm chứ không chỉ là biến dạng chúng thành ký ức méo mó, hay tạm gọi là thay đổi thế giới khách quan nhưng không làm bớt tính khách quan. Có điều, hết lần này tới lần khác, anh thất bại thảm thê khi chỉ được hồi đáp lại bằng những nghịch lý không thể giải đáp. Càng nhìn kỹ hơn, thế giới tưởng như là một khối đặc quánh, vón cục và liền mạch lại càng hiện lên vụn vỡ, đứt đoạn và nứt toác không cách gì khôi phục. Những con người càng sống kỹ lưỡng lại càng cảm thấy không thể nào hiểu được thế giới vây quanh mình.

Palomar được Italo Calvino khởi thảo vào năm 1975, vốn dĩ trước cả Nếu một đêm đông có người lữ khách, nhưng đến năm 1983 mới được ông hoàn tất và cho in, tức là chỉ hai năm trước khi ông tạ thế.

Một liên tưởng riêng tư, nó khiến tôi nhớ đến tác phẩm điện ảnh cuối cùng của đạo diễn người Iran Abbas Kiarostami mang tên 24 frames, trong đó chia làm 24 phân cảnh, mỗi phân cảnh bắt đầu bằng một tấm ảnh, và tiếp tục là những gì mà Kiarostami nghĩ sẽ xảy ra sau đó. Cả Palomar và 24 frames đều có gì đó thực đến cực thực, cực thực đến vượt ra ngoài ranh giới nhị nguyên của thực/ảo, và đều là những quan sát luận cuối cùng của những nghệ sĩ mải mê truy gốc bản chất của thứ nghệ thuật mình đã lao tâm khổ tứ cả đời.

Trong đoản văn Gươm Mặt Trời đánh số 1.1.3, anh bạn Palomar đi bơi trên biển và chứng kiến một ánh chiêu dương chói lóa, anh rơi vào tình thế lưỡng nan khi không thể quay về bờ, bởi cái trách nhiệm phải nhìn ngắm để đặt cơ sở cho sự hiện tồn của ánh dương và vạn vật. Đến thế, anh nghĩ về những chuyện đã, đang và sẽ xảy ra trong thế giới này một khi không còn anh lưu trú trên đời nữa. Đó là một phác thảo về vai trò “nhân chứng”  mà tiền bối Jorge Luis Borge cũng từng băn khoăn trong một ngụ ngôn: “Đã có một ngày dập tắt đi đôi mắt cuối cùng được thấy Chúa Jesus; trận chiến Junín và tình yêu của nàng Helen cũng đã chết theo cái chết của một con người. Cái gì sẽ chết đi cùng tôi khi tôi chết? Thế giới sẽ mất đi những hình thái thảm hại hay mong manh nào?”

Sự băn khoăn của Palomar dao động với biên độ lớn hơn. Bởi trong khi Borge một mực khẳng định “thế giới sẽ nghèo nàn đi một chút khi chàng Saxon này giã biệt cuộc đời”, thì anh bạn Palomar của Calvino cuối cùng chỉ thấy mình là “một vật trôi dạt giữa những vật trôi dạt.”

Nhưng còn chính Calvino khi không mang mạng che Palomar thì sao? Cái gì đã chết đi hậu Italo Calvino? Có lẽ là một hiện thực bị khuấy đảo và một mê cung thế giới phẳng phiu mà lắt léo trong nhãn quan như thừa kế từ thần Horus của ông.

Tác giả

(Visited 22 times, 1 visits today)