PARIS- HÀ NỘI- Một liên tưởng

1. Paris là một thành phố gần gũi Hà Nội một cách kì lạ. Cũng giống như Hà Nội, Paris là một thành phố anh hùng. Dẫu trong Đệ nhị thế chiến, nước Pháp đầu hàng và bị chiếm đóng thì vẫn có những người Kháng chiến đổ máu. Trong đó có rất nhiều máu của những người Cộng sản. Đến mức, đã từng có thời, người ta gọi Đảng cộng sản là "đảng của những người bị địch bắn". Nhưng Paris còn là một thành phố của nghệ thuật, là "thủ đô của thế giới". Bao nhiêu "ông khổng lồ" đã đến đây. Hemingway, Dos Passos, Marquez, Borges, Paz... từ châu Mỹ sang. Những người từ Nga đến, từ Tourgueniev, Chagal... Và biết bao nhiêu người khác nữa. Họ đến đây, sống, gặp gỡ, trò chuyện, và sáng tạo và "trở thành người khổng lồ". Ở khía cạnh này, Hà Nội cũng có một cái gì đó làm ta liên tưởng tới một Paris Việt Nam. Hà Nội không phải là nơi sản sinh ra nhiều văn nghệ sĩ. Nhưng chỉ có ở đây, một số không nhỏ văn nghệ sĩ mới biến được giấc mơ sáng tạo của mình thành hiện thực. Và họ đã góp phần làm nên một Hà Nội văn hóa, Hà Nội nghệ thuật, một Hà Nội sáng tạo. Như Paris.

Nhưng ở đây, có một cái gì người Paris không như người Hà Nội. Ở Paris không nhiều tượng đài. Và càng không nhiều những tượng đài kích thước lớn. Với người Paris và với người Pháp, Charles de Gaulles là một “ông lớn”. Ông là hiện thân của nước Pháp anh hùng, nước Pháp Kháng chiến. Người Pháp dành cho ông một tượng đài ở Champs Élysées, đại lộ đẹp nhất thế giới, trong tư thế đang ngẩng cao đầu và đi vào Paris. Nhưng chỉ bằng kích thước người thật. Người Pháp nghèo? Tôi không tin. Họ có thể dành mảnh đất đẹp nhất bên bờ sông Seine để xây thư viện và bảo tàng (điểm này người Hà Nội, hay đúng hơn, các quan chức Hà Nội cũng khác các quan chức Pháp. Họ sẽ giành mảnh đất đó để xây khách sạn).  Hoặc bỏ ra vài chục triệu Euro (chính xác là 21 triệu) để xây một cây cầu hình đôi mắt nhìn xuống sông Seine chỉ để tản bộ, đạp xe, ngồi ngắm sông Seine và mang tên của một nữ triết gia đã chết : Simone de Beauvoir. Tính người Pháp hay quên? Có lẽ cũng không nốt. Ở Paris, không một cái gì bị lãng quên. Khắp Paris có những tấm biển đồng, ghi lại tất cả. Từ nơi J.P.Sartre từng sống ở khu Saint Germain des Prés, nơi Hemingway hay lui tới uống càphê hay nơi những người kháng chiến bị Đức xử bắn trên phố. Rồi những đại lộ mang những cái tên như Stalingrad, Gagarin… ở phía Bắc Paris. Vấn đề là có lẽ, họ có một triết lí khác về sự tưởng nhớ.
2. Liệu nước Pháp có thể gợi cho chúng ta điều gì về chính mình – những người Hà Nội – và cho một sự kiện đang sắp đến – 1000 năm Thăng Long – Hà Nội? Người ta đã nói rất nhiều và cũng đã làm rất nhiều cho ngày này. Nhưng liệu tất cả những “rất nhiều” ấy là đủ?
Cách đây không lâu, Chính phủ đã dũng cảm có một quyết định sáng suốt dù đau đớn : chấm dứt hoạt động của đề án 112 Tin học hóa quản lí hành chính nhà nước, một đề án chỉ trong mấy năm đã tiêu tốn một số tiền khổng lồ. Chấm dứt đồng nghĩa với việc thừa nhận thất bại của đề án. Liệu hành động của người đứng đầu Chính phủ có làm các quan chức, đặc biệt quan chức văn hóa thành phố Hà Nội suy nghĩ? Theo tôi, đến lúc, chính thành phố Hà Nội cũng nên duyệt lại và dũng cảm chấm dứt những dự án có nguy cơ lãng phí những số tiền khổng lồ của nhân dân. Trước hết là cần nghiêm túc xem xét lại và nếu cần, chấm dứt dự án làm những bộ phim kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Không ai phủ nhận thiện chí của việc sản xuất một sản phẩm nghệ thuật phục vụ cho ngày lễ quan trọng của thủ đô. Nhưng vấn đề là liệu với tất cả những điều kiện hiện có của nền điện ảnh Việt Nam, liệu có thể chắc chắn rằng dự án đó có được một xác xuất thành công, ít nhất, ở mức độ an toàn? Tôi không tin vào khả năng đó. Nhìn vào những trục trặc của dự án này ngay từ khâu thi tuyển kịch bản văn học đã có thể thấy khó có thể có được lòng tin vào sự thành công của nó. Hơn nữa, nhìn vào bài học của hàng loạt những bộ phim kỉ niệm các ngày lễ lớn, có thể hình dung ra dự án này, nhiều khả năng cũng sẽ trở thành một “cái chết được báo trước”. Cũng nên dứt khoát nói “Không” với những dự án kiểu như xây dựng những tượng đài quy mô lớn hoặc những màn biểu diễn sân khấu hóa mà qua kinh nghiệm của những ngày lễ gần đây ở Hà Nội và các địa phương, sự nghèo nàn sáng tạo càng ngày càng được bộc lộ. Trước những dự án như thế, hãy luôn tâm niệm lời răn dạy của cha ông về căn bệnh “hiếu đại” và việc “khoan thứ sức dân để lấy kế sâu gốc bền rễ”.
 


Tượng Hector Berlioz ở Paris

Nói như vậy không có nghĩa là không làm gì và càng không có nghĩa là chối từ tất cả những giá trị tinh thần. Trước hết là việc Hà Nội cần phải có một bảo tàng Hà Nội mà tầm vóc văn hóa và chất lượng chuyên môn ngang bằng với bảo tàng điêu khắc Chăm ở Đà Nẵng hay bảo tàng Dân tộc học. Và liệu những người lãnh đạo của thành phố Hà Nội có đủ dũng cảm để hi sinh một mảnh đất ở vị trí trung tâm, đẹp nhất và sinh lợi nhất của thủ đô cho một công trình văn hóa công cộng có tầm vóc như vậy?
Hà Nội là một thủ đô anh hùng và một thủ đô văn hóa. Theo tôi, chúng ta đã làm rất nhiều cho hình ảnh của một thủ đô anh hùng, từ việc lưu giữ xác máy bay trong hồ Hữu Tiệp đến những tượng đài Cảm tử cho tổ quốc quyết sinh ở trung tâm Hà Nội. Nhưng, hình như vẫn còn là chưa đủ cho hình ảnh của một thủ đô văn hóa. Hà Nội là nơi mà nhiều nhà văn, nhà nghệ sĩ đã sống và sáng tạo, từ Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu, Tô Hoài… đến Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái… Và chính họ đã làm nên linh hồn của thành phố. Bằng sáng tạo và bằng cả không gian nơi họ sáng tạo. Sự tàn phá của thời gian và sự vô minh của con người đã làm mất đi không ít dấu tích về họ. Chắc chắn nơi làng Yên Phụ ngày nay không thể tìm thấy dấu vết ngôi nhà cũ của nhà văn Thạch Lam. Ngôi nhà và bộ sưu tập Đức Minh cũng không còn nữa. Phố Bà Triệu cũng không còn như cái ngã sáu Hàng Kèn của Tô Hoài trong Cát bụi chân ai. Nhưng nhiều di tích thì vẫn còn đó. Quán Cà phê Lâm dẫu có bị thay đổi thì vẫn còn nhiều nét như xưa. Tư gia của nhiều văn nghệ sĩ vẫn còn chưa bị xóa sổ. Liệu, thay cho những dự án làm những bộ phim tốn kém và cầm chắc thất bại, thành phố có thể dành một khoản kinh phí để bảo tồn nguyên trạng và xây dựng bảo tàng của một số văn nghệ sĩ, nhất là những người có nhiều gắn bó với Hà Nội? Và những nơi đã bị tàn phá, ít nhất, cũng có thể lưu lại kí ức bằng những tấm biển đồng. Nơi trụ sở của Tự lực văn đoàn và nhà Tân Dân, nơi Hội liên hiệp văn học nghệ thuật và Hội nhà văn cũ, nơi Thư viện quốc gia, nơi nhà Thủy Tạ, chỗ Tố Hữu lần đầu tiên gặp Nguyễn Tuân sau ngày cách mạng thành công, nơi nhà cũ của thi sĩ Trần Dần, nơi quán cà phê Lâm, chỗ các họa sĩ vẫn đánh đổi tranh bằng những bữa sáng… Ở tất cả những nơi ấy, ít nhất, hãy có một tấm biển đồng, rằng những con người như thế đã một thời sống, một thời sáng tạo. Tại sao chúng ta không thể tổ chức một “parcours artistique hanoien”, một hành trình nghệ thuật Hà Nội, nơi nối liền những di tích văn hóa gắn với các văn nghệ sĩ, các nhà tưởng niệm, các bảo tàng và các trung tâm sinh họat và trưng bày nghệ thuật của Hà Nội? Hoặc hơn nữa, là một ngày nghệ thuật của Hà Nội, ngày của tưởng niệm và của những sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật. Tương tự như người Ireland đã làm một Bloom’s day.
3. Có quá nhiều điều để nói về một Hà Nội sắp sửa tròn một ngàn năm tuổi. Tất cả những điều tôi nói chỉ là từ góc nhìn của một người làm công việc liên quan đến văn hóa nghệ thuật. Còn nhiều điều khác cần cho một thủ đô một ngàn tuổi : những dòng sông nước đen cần được cấp cứu khẩn cấp, một bản quy hoạch tổng thể và chi tiết cần cho một Hà Nội đang ngày càng hỗn loạn về kiến trúc, những không gian xanh cần cho một Hà Nội đang ngày càng bị bê tông hóa và ô nhiễm… những điều hết sức thiết thực nhưng thiếu nó, không thể có một thủ đô văn minh, dẫu có một ngàn tuổi đời. Nhưng trên tất cả, là một tư duy cần phải thay đổi. Tôi hết sức tâm đắc với một nhận xét của nhà nghiên cứu Phan Ngọc đại ý người Việt không phù hợp với những gì quá lớn, quá kì vĩ. Văn hóa Việt phù hợp với những gì nhỏ mà chu đáo. Hãy bắt đầu từ những điều nhỏ mà chu đáo ấy.


CÉ ZANNE- BÙI XUÂN PHÁI
Cézanne [Núi Sainte-Victoire]
Tranh Bùi Xuân Phái

Aix en Provence là một thành phố nhỏ ở miền Nam nước Pháp, nằm trên một cao nguyên khô hạn và cách Marseille chỉ khoảng chưa đầy nửa tiếng đi xe buýt. Aix nhỏ. Ngay cả với những người Việt Nam vốn không quen đi bộ cũng chỉ mất chưa đầy một giờ đồng hồ để đi hết thành phố này, từ khu đại học, qua Cours Mirabeau, phố đi bộ trung tâm của Aix, xuyên qua tòa thị chính cho đến xưởng cũ của Cézanne, nơi lưng chừng một ngọn núi nhìn xuống thành phố. Aix có một lịch sử đã lâu đời. Người La mã đã đến đây định cư từ năm, sáu thế kỉ trước Công nguyên. Đây từng là vùng đất của Giáo hoàng và chỉ trở thành lãnh thổ  Pháp vào đầu thế kỉ XVI. Dẫu vậy, đây lại không phải là một vùng đất giàu di tích lịch sử. Ở đây không còn những di tích của thời La Mã được lưu giữ một cách gần như nguyên vẹn như ở Arles hay Cung điện của giáo hoàng như ở Avignon. Dẫu vậy, đây lại là nơi có một con người từng sống, một họa sĩ : Paul Cézanne. Cézanne từng sinh ra và lớn lên ở đây. Sau một thời gian học vẽ và đào luyện nghề nghiệp ở Paris, những năm cuối cùng của cuộc đời, ông đã sống ở đây. Ông đã làm cho Aix trở thành bất tử với những bức tranh vẽ ngọn núi Sainte-Victoire tựa như Bùi Xuân Phái đã làm cho Hà Nội trở thành bất tử với những bức tranh phố, đến mức trở thành “phố Phái”. Và Aix trở thành thành phố của Cézanne. Ở đâu người ta cũng có thể tìm thấy dấu tích của ông: bức tượng tạc hình ông đi vẽ ở trước cửa Văn phòng thông tin du lịch, những nơi ông đã từng sống, từng lớn lên, từng vẽ, cái xưởng cũ của ông… Tất cả. Đúng ra thì người Aix đã biến thành phố của mình thành phố của Cézanne. Họ đúc những tấm đồng mỗi chiều chừng 10cm trên đó có chữ C ôm lấy huy hiệu của thành phố và tên của ông – Cézanne. Cứ mỗi nửa thước, người ta lại đóng một tấm đồng xuống vỉa hè, tạo thành một con đường, “hành trình Cézanne” (Parcous Paul Cézanne), nối liền tất cả những di tích gắn liền với danh họa. Thực ra thì những di tích ấy cũng chẳng còn lại bao nhiêu. Xưởng vẽ cũ của ông trên núi đã bị phá. Những ngôi nhà cũ nhiều ngôi cũng chỉ còn lại một bức tường. Nhưng ít nhất, con đường ấy làm cho người đến Aix có cảm nhận về một không gian tinh thần. Không gian của Cézanne.

Lương Xuân Hà.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)